Ai được lợi từ nợ công cộng?
[sau] [trước] [lên mức trên]
Kinh nghiệm lịch sử nói trên có tính nền tảng vì nhiều lí do. Đầu tiên, nó cho phép hiểu được tại sao những người theo chủ nghĩa xã hội thế kỉ 19, trước tiên là Karl Marx, rất cảnh giác với nợ công cộng: họ nhận định - với một sự sáng suốt nhất định - rằng nợ công cộng là một công cụ giúp tích lũy vốn cá nhân.
Thêm vào đó, nợ công cộng thời đó được trả với giá rất đắt không chỉ tại Liên hiệp Anh mà còn tại tất cả các nước khác, đặc biệt là Pháp. Vụ xù nợ thời Cách mạng 1797 chưa bao giờ tái diễn, và những người cho thuê tài sản trong tiểu thuyết của Balzac hay của Jane Austen có vẻ cũng không lo lắng lắm cho đống giấy ghi nợ công cộng của mình. Thật vậy, tỉ lệ phồng giá cả từ năm 1815 đến năm 1914 ở Pháp cũng thấp như ở Anh, và tiền lãi trên nợ công cộng luôn được trả sòng phẳng tức thì. Cho Nhà nước vay nợ là nơi đặt tiền rất chắc chắn trong suốt thế kỉ 19 tại Pháp cũng như tại Liên hiệp Anh; và nó đã góp phần làm tăng tầm quan trọng và sự hưng thịnh của tài sản cá nhân. Tổng khối lượng nợ công cộng của Pháp, rất hạn chế vào năm 1815, đã lập tức tăng lên trong những thập kỉ kế tiếp, nhất là trong giai đoạn chế độ quân chủ với quyền bỏ phiếu theo ngưỡng nộp thuế (1815-1848)26.
Nhà nước Pháp vay nợ đầm đìa, lần đầu vào năm 1815-1816 nhằm chi trả tiền bồi thường cho các đội quân chiếm đóng, rồi tiếp đến vào năm 1825 nhằm trang trải “một tỉ đồng cho người lưu vong”, trả cho giới quí tộc bị trục xuất trong Cách mạng Pháp (để bù lại phần đất đai được phân phối lại (rất ít ỏi) khi họ vắng mặt). Tính toàn bộ, nợ công cộng đã tăng tương đương với hơn 30% thu nhập quốc gia. Dưới Đế chế thứ hai, chính quyền đã phục vụ cho lợi ích của giới tài phiệt. Trong các bài báo dữ dội mà Marx viết năm 1849-1850 dành cho Cuộc đấu tranh của các tầng lớp tại Pháp, ông đã nổi điên lên trước cách mà bộ trưởng Tài chính mới của chính quyền Louis-Napoléon Bonaparte, Achille Fould, đại điện cho giới tài phiệt và tài chính cao cấp, không mảy may thương tiếc đã quyết định tăng thuế đánh trên đồ uống nhằm có tiền trả cho những người cho Nhà nước vay nợ. Rồi, sau chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870-1871, Nhà nước Pháp lại phải vay nợ dân một lần nữa để chuyển cho Đức một khoản tương đương với khoảng 30% thu nhập quốc gia27. Tổng kết lại, trong giai đoạn 1880-1914, nợ công cộng tại Pháp đạt mức cao hơn tại Liên hiệp Anh: xung quanh 70%-80% thu nhập quốc gia so với dưới 50%. Trong các tiểu thuyết Pháp vào Thời Tươi đẹp, tiền lãi do Nhà nước trả được nói đến rất nhiều. Nhà nước phân phối hàng năm số tiền lãi tương đương với khoảng 2%-3% thu nhập quốc gia (tức là cao hơn ngân sách giáo dục thời đó), và số tiền lãi này cho phép nuôi sống một nhóm xã hội rất đáng kể28.
Tại thế kỉ 20, một cách nhìn hoàn toàn khác về nợ công cộng đã được phát triển, dựa trên niềm tin rằng sự vay nợ công cộng trái lại có thể là một công cụ phục vụ cho chính sách chi tiêu công cộng và cho sự phân phối lại của cải đến tay những người nghèo nhất. Sự khác nhau giữa hai cách nhìn này là rất đơn giản: tại thế kỉ 19, nợ được trả với giá rất đắt, điều này có lợi cho những người cho vay và hoạt động theo hướng tăng tài sản cá nhân; tại thế kỉ 20, nợ bị ngập trong sự phồng giá cả và được trả bằng tiền vỏ hến29; và trên thực tế điều này đã giúp chi trả sự thiếu hụt ngân sách bằng tài sản của những người cho Nhà nước vay mà không cần phải tăng thuế. Nhiều người vào đầu thế kỉ 21 này vẫn tiếp tục bị tiêm nhiễm bởi cách nhìn “cấp tiến” về nợ công cộng nói trên, trong khi sự phồng giá cả từ lâu đã giảm xuống mức rất gần với thế kỉ 19 và những hiệu ứng phân phối lại tài sản là khá mù mờ.
Sự phân phối lại của cải này tại Liên hiệp Anh mạnh hơn tại Pháp rất nhiều. Như ta đã biết trong chương trước, nước Pháp từ năm 1913 đến năm 1950 đã có tỉ lệ phồng giá cả hơn 13% một năm, tức là giá cả được nhân lên một trăm lần. Lúc Proust xuất bản Bên phía nhà Swann năm 1913, giấy ghi nợ Nhà nước có giá trị vững chắc như khách sạn Cabourg nơi mà nhà tiểu thuyết qua nghỉ hè. Năm 1950, sức mua của chúng đã bị giảm đi một trăm lần, vì thế những người cho Nhà nước vay năm 1913 và thế hệ sau của họ gần như đã mất sạch.
Hệ quả đối với Nhà nước là, mặc dù nợ công cộng ban đầu rất nhiều (gần 80% thu nhập quốc gia năm 1913) và thiếu hụt ngân sách rất lớn trong giai đoạn 1913-1950, đặc biệt là trong những năm chiến tranh, nợ công cộng của Pháp năm 1950 đã về mức khá thấp (khoảng 30% thu nhập quốc gia), bằng với mức năm 1815. Đặc biệt, sự thiếu hụt ngân sách khổng lồ thời Giải phóng đã gần như ngay lập tức được bù lại bằng một tỉ lệ phồng giá cả cao hơn 50% một năm trong bốn năm liên tiếp - từ năm 1945 đến năm 1948 - trong một không khí chính trị căng như dây đàn. Trong chừng mực nào đó việc này tương đương với vụ xù nợ hai phần ba năm 1797: người ta thanh toán hết tồn đọng quá khứ để xây dựng lại đất nước với mức nợ công cộng thấp (xem biểu đồ G3.4). Tại Liên hiệp Anh, mọi việc không diễn ra như vậy, mà chậm hơn, ít khó nhọc hơn. Từ năm 1913 đến năm 1950, tỉ lệ phồng giá cả trung bình hơn suýt soát 3% một năm, tương đương với việc giá cả được nhân lên ba lần (thấp hơn Pháp hơn ba mươi lần). Nó đã lấy đi một khối tài sản không nhỏ từ tay những người cho thuê tài sản của Anh - việc khó tưởng tượng được tại thế kỉ 19 và cho đến tận Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng nó vẫn không đủ để ngăn chặn việc ngân sách ngày càng thiếu hụt trong giai đoạn hai cuộc Chiến tranh thế giới: toàn bộ nước Anh đã được huy động để trang trải cho các nỗ lực trên chiến trường, đồng thời không trông cậy quá mức vào việc in thêm tiền; thế là nước Anh năm 1950 sống với số nợ công cộng khổng lồ, cao hơn 200% SPTTN, hơn cả mức năm 1815. Nước Anh đã phải chờ đến sự phồng giá cả những năm 1950-1960 (hơn 4% một năm) và nhất là những năm 1970 (gần 15% một năm), để khiến nợ công cộng rơi xuống mức khoảng 50% SPTTN (xem biểu đồ G3.3).
Cơ chế phân phối lại của cải bằng phồng giá cả nói trên là cực kì mạnh mẽ. Nó đã đóng vai trò lịch sử chủ yếu tại hai nước Anh và Pháp trong thế kỉ 20. Nhưng nó đặt ra hai vấn đề lớn. Một mặt, nó nhắm đến những đối tượng không cụ thể: trong số những người sở hữu tài sản, những người sở hữu trực tiếp hay gián tiếp (thông qua tiền gửi ngân hàng) giấy ghi nợ công cộng không phải lúc nào cũng là những người giàu nhất; còn xa mới như vậy. Mặt khác, cơ chế này không thể vận hành một cách bền vững được: khi mà phồng giá cả diễn ra thường xuyên, những người cho vay tiền sẽ đòi hỏi tỉ lệ lãi danh nghĩa cao hơn, và sự phồng giá cả sẽ mất đi hiệu ứng khấu trừ. Chưa tính đến việc phồng giá cả có xu hướng tăng tốc không ngừng (một khi quá trình này bắt đầu, thường rất khó để khiến nó dừng lại) và có thể sinh ra những hiệu ứng khó kiểm soát (một số nhóm xã hội sẽ có thu nhập tăng lên nhiều, những nhóm khác tăng ít hơn). Bắt đầu từ những năm 1970 - thập niên được đánh dấu bằng sự pha trộn giữa tỉ lệ phồng giá cả ở mức cao, thất nghiệp tăng và kinh tế tương đối ngưng trệ (sự “ngưng trệ-phồng giá”) tại các nước giàu - một sự đồng thuận mới trong chính sách kinh tế ưu tiên kiểm soát phồng giá cả ở mức thấp đã trở nên phố biến hơn.
[sau] [trước] [lên mức trên]