Bất bình đẳng toàn thể thu nhập: hai thế giới
[sau] [trước] [lên mức trên]
Cuối cùng ta hãy xem xét các số độ lớn mà bất bình đẳng toàn thể thu nhập chạm tới, nghĩa là bất bình đẳng khi ta tính đến cả thu nhập từ làm việc lẫn thu nhập từ vốn (xem bảng T.7.3). Không ngạc nhiên, mức độ bất bình đẳng toàn thể thu nhập nằm ở giữa bất bình đẳng thu nhập từ làm việc và bất bình đẳng sở hữu vốn. Ta cũng lưy ý thêm rằng bất bình đẳng thu nhập toàn thể gần với bất bình đẳng từ làm việc hơn là bất bình đẳng từ vốn. Điều này không bất ngờ lắm, bởi lẽ thu nhập từ làm việc nói chung chiếm từ hai phần ba đến ba phần tư tổng thu nhập quốc gia. Cụ thể, đường chia mười phía trên của thứ bậc thu nhập nắm giữ khoảng 25% thu nhập quốc gia tại các nước Scandinavia bình đẳng nhất những năm 1970-1980 (mức của Pháp và Đức thời đó là khoảng 30%, và ngày nay gần với 35% hơn), và phần sở hữu này có thể lên tới 50% thu nhập quốc gia tại các xã hội bất bình đẳng nhất (trong đó 20% cho đường chia một trăm phía trên), chẳng hạn như Chế độ Cũ hoặc Thời Tươi đẹp tại Pháp hay tại Liên hiệp Anh, hoặc nước Mĩ những năm 2010.
Có thể tưởng tượng ra những xã hội mà sự tập trung thu nhập là cao hơn rõ rệt so với mức tối đa nói trên không? Chắc là không. Nếu đường chia mười phía trên chiếm giữ ví dụ 90% của cải làm ra hàng năm (và đường chia một trăm phía trên một mình chiếm 50%, giống như mức tài sản), có khả năng là một cuộc nổi loạn sẽ chấm dứt tình trạng này khá nhanh chóng, trừ phi giả sử có một bộ máy trấn áp đặc biệt hiệu quả. Đối với sở hữu vốn, mức độ tập trung cao như trên đã đủ mang tới nhiều căng thẳng chính trị và thường kém hòa hợp với chế độ phổ thông đầu phiếu rồi. Nó có thể vẫn chịu đựng được, trong chừng mực mà thu nhập từ vốn chỉ chiếm một phần hạn chế trong thu nhập quốc gia: chỉ từ một phần tư đến một phần ba, hoặc đôi khi hơn một chút, chẳng hạn như dưới Chế độ Cũ (điều khiến sự tập trung cực độ thời đó đặc biệt nặng nề); nhưng nếu mức độ bất bình đẳng như vậy xảy ra đối với toàn thể thu nhập quốc gia, rất khó tưởng tượng được là việc đó sẽ được chấp nhận một cách lâu dài.
Thế nhưng, không có gì cho phép ta khẳng định rằng đường ranh giới phía trên ở mức 50% thu nhập quốc gia dành cho đường chia mười phía trên là không thể vượt quá được và thế giới sẽ sụp đổ nếu một nước nào đó phiêu lưu nhảy qua ngưỡng biểu tượng này. Thật ra mà nói, các số liệu lịch sử hiện có là khá không hoàn hảo, và không hề loại trừ là giới hạn biểu tượng này đã bị vượt qua rồi. Đặc biệt, có thể là phần sở hữu của nhóm đường chia mười phía trên đã vượt quá 50% và tiến gần đến 60% thu nhập quốc gia - thậm chí hơn thế chút - trong thời Chế độ Cũ và thời trước Cách mạng Pháp, hay nói chung trong các xã hội nông thôn truyền thống. Thực ra, bất bình đẳng cực độ như vậy có thể chịu đựng được ít hay nhiều phụ thuộc không chỉ vào sự hiệu quả của bộ máy trấn áp, mà còn (nhất là) vào sự hiệu quả của bộ máy hợp thức hóa. Nếu bất bình đẳng được nhìn nhận là chính đáng (ví dụ: nó đến từ việc những người giàu đã chọn làm việc nhiều hơn (hay hiệu quả hơn) những người nghèo, hay ngăn cản những người giàu kiếm nhiều hơn sẽ không tránh khỏi làm hại đến những người nghèo), thì việc sự tập trung thu nhập sẽ vượt qua mức kỉ lục lịch sử của nó là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì lẽ đó chúng tôi đã trình bày trong bảng T.7.3 mức kỉ lục mới có thể xảy ra tại Mĩ vào khoảng năm 2030, trong trường hợp mà bất bình đẳng thu nhập từ làm việc (hay nhẹ hơn là bất bình đẳng sở hữu vốn) tiếp tục tăng tiến như trong các thập kỉ gần đây. Khi đó phần sở hữu của nhóm đường chia mười phía trên sẽ đạt tới khoảng 60% thu nhập quốc gia, và 15% cho nửa dân số phía dưới.
Hãy nhấn mạnh điểm này một lần nữa: vấn đề trung tâm là tính chính đáng của bất bình đẳng, quan trọng hơn vấn đề biên độ đơn thuần của bất bình đẳng rất nhiều. Chính vì vậy ta phải phân tích cấu trúc bất bình đẳng. Dưới góc nhìn này, thông điệp mà bảng T.7.1-T.7.3 mang lại là: tồn tại hai cách thức rất khác nhau đưa một xã hội đến một mức độ bất bình đẳng thu nhập toàn thể rất mạnh (xung quanh 50% tổng thu nhập dành cho đường chia mười phía trên, trong đó khoảng 20% cho đường chia một trăm phía trên).
Trước tiên, và cũng là kịch bản kinh điển, mức độ bất bình đẳng như vậy có thể là sản phẩm của một “xã hội siêu coi trọng tài sản”29 (hay “xã hội của những người cho thuê tài sản”), nghĩa là một xã hội mà tài sản tính theo tổng thể là rất quan trọng, và sự tập trung tài sản đạt đến những mức độ cực kì cao (tiêu biểu 90% tổng tài sản dành cho đường chia mười phía trên, trong đó khoảng 50% cho đường chia một trăm phía trên). Thứ bậc trên tổng thu nhập khi đó sẽ bị áp đảo bởi phần thu nhập rất cao từ vốn, nhất là bởi các thu nhập từ vốn được thừa kế. Đó chính là kịch bản đã gặp (với một vài khác biệt nhưng tựu chung lại là khá hạn chế so với các điểm tương đồng) trong các xã hội dưới Chế độ Cũ cũng như tại Châu Âu vào Thời Tươi đẹp. Ta sẽ tìm cách hiểu rõ những điều kiện cho phép các cấu trúc sở hữu và bất bình đẳng như vậy có thể xuất hiện và kéo dài; và trong chừng mực nào nó đã thuộc về quá khứ, hay ngược lại vẫn còn liên quan đến thế kỉ 21 này.
Thứ hai (đây là kịch bản mới - xét rộng đây là một phát minh của nước Mĩ trong những thập kỉ gần đây), mức độ bất bình đẳng rất cao của thu nhập toàn thể có thể là sản phẩm của một “xã hội siêu coi trọng tài năng”30 (hay ít ra những người ở trên đỉnh cao của thứ bậc thu nhập thích thể hiện ra như thế). Ta cũng có thể gọi nó là “xã hội của những siêu sao” (hay đúng hơn là “xã hội của những nhà quản lí siêu việt”31 (từ này hơi khác một chút: lát nữa ta sẽ thấy tính từ nào là thích hợp nhất), nghĩa là một xã hội rất bất bình đẳng, nhưng đỉnh cao của thứ bậc thu nhập sẽ do các thu nhập rất cao từ làm việc áp đảo, chứ không phải thu nhập từ tài sản thừa kế. Hãy nhắc lại một lần nữa rằng, vào lúc này, chúng ta vẫn chưa đưa ra kết luận gì cho câu hỏi liệu một xã hội như vậy có đáng được gọi là “cực kì coi trọng tài năng” không. Không có gì ngạc nhiên là những người thắng cuộc trong một xã hội như vậy thích miêu tả thứ bậc xã hội như thế; và đôi khi họ còn thuyết phục được một phần những người thua cuộc rằng thế là đúng. Nhưng đối với chúng ta, đó chỉ nên là một kết luận trong các kết luận khả dĩ - kết luận này và kết luận ngược lại đều có khả năng đúng như nhau - chứ không phải là một giả thuyết. Trong phần sau, ta sẽ xét xem sự tăng lên của bất bình đẳng thu nhập từ làm việc tại Mĩ có bao nhiêu phần đi theo logic “coi trọng tài năng” này (và câu hỏi chuẩn mực phức tạp nêu trên có thể được trả lời bao nhiêu phần).
Ngay lúc này, ta hãy bằng lòng ghi nhớ rằng sự đối lập tuyệt đối nói trên giữa hai loại xã hội cực kì bất bình đẳng, giữa “xã hội của những người cho thuê tài sản” và “xã hội của những nhà quản lí siêu việt”, là quá đỗi ngây thơ. Hai loại bất bình đẳng này hoàn toàn có thể dồn vào một: không gì cấm một người vừa là nhà quản lí siêu việt vừa là người cho thuê tài sản (ngược lại là đằng khác, ví dụ qua việc tại Mĩ sự tập trung tài sản hiện nay là cao hơn rõ rệt so với Châu Âu). Và tất nhiên không gì ngăn cấm con cái của các nhà quản lí siêu việt trở thành người cho thuê tài sản. Tất cả các xã hội trong thực tế đều trộn lẫn hai logic này. Có rất nhiều cách để đạt đến cùng một mức độ bất bình đẳng. Ví dụ nước Mĩ những năm 2010: nước này có đặc trưng là bất bình đẳng thu nhập từ làm việc đạt mức cao kỉ lục (cao hơn tất cả các xã hội từng thấy ở mọi lúc và mọi nơi, bao gồm cả các xã hội đặc trưng bởi sự chênh lệch tay nghề rất lớn) và bởi bất bình đẳng tài sản không cực độ bằng mức từng gặp trong các xã hội truyền thống hoặc tại Châu Âu năm 1900-1910. Thế nên ta phải hiểu rõ các điều kiện phát triển riêng của mỗi logic trong hai logic nói trên; và không quên rằng trong thế kỉ 21 chúng rất có thể bù đắp (chứ không phải thay thế) lẫn nhau. Nếu điều này xảy ra, nó thể dẫn đến một thế giới bất bình đẳng mới, còn cực độ hơn cả hai thế giới đầu tiên32.
[sau] [trước] [lên mức trên]