Bùng nổ bất bình đẳng tại Mĩ kể từ những năm 1970-1980
[sau] [trước] [lên mức trên]
Từ những năm 1950 đến những năm 1970, nước Mĩ trải qua thời kì ít bất bình đẳng nhất trong lịch sử của mình: nhóm đường chia mười phía trên trong thứ bậc thu nhập nắm giữ khoảng 30%-35% thu nhập quốc gia của Mĩ, tức là xấp xỉ bằng với mức tại Pháp ngày nay. Đó là “Châu Mĩ ta yêu” mà Paul Krugman32 hoài niệm, Châu Mĩ của tuổi thơ ông33. Trong những năm 1960, thời của bộ phim dài tập Mad men và của tướng De Gaulle, nước Mĩ thật sự là ít bất bình đẳng hơn nước Pháp (tại Pháp phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên đã tăng rất mạnh trước đó và vượt qua 35% rõ rệt), ít nhất là đối với những người có màu da trắng.
Kể từ những năm 1970-1980, ta chứng kiến một sự bùng nổ chưa từng thấy của bất bình đẳng thu nhập tại Mĩ. Phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên đã dần dần tăng từ khoảng 30%-35% thu nhập quốc gia trong những năm 1970 lên 45%-50% trong những năm 2000-2010, tức là tăng lên gần 15 điểm thu nhập quốc gia của Mĩ (xem biểu đồ G8.5). Dáng điệu của đường cong này là khá ấn tượng, và thật tự nhiên khi ta tự hỏi một tiến trình như thế có thể đi tiếp đến đâu: ví dụ, nếu mọi việc tiếp diễn với cùng nhịp độ, thì từ nay đến năm 2030 phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên sẽ vượt quá 60% thu nhập quốc gia.
Nhiều điểm liên quan đến tiến trình này xứng đáng được nói rõ ngay. Trước tiên, nhắc lại rằng các dãy số trình bày trong biểu đồ G8.5, cũng như toàn bộ các dãy số trong World Top Incomes Database, chỉ duy nhất tính đến các thu nhập xuất hiện trong bản kê khai thu nhập, và đặc biệt không tìm cách chỉnh lại phần kê khai thấp đi (dù hợp pháp hay không hợp pháp) đối với các thu nhập từ vốn. Do khoảng cách ngày một tăng giữa khối thu nhập từ vốn (đặc biệt là lợi nhuận trên vốn góp và tiền lãi) được ghi trong các sổ sách quốc gia tại Mĩ và khối thu nhập từ vốn xuất hiện trong các bản kê khai thu nhập, và cũng do sự phát triển nhanh chóng của các thiên đường thuế (phần lớn dòng tiền chảy ra các thiên đường thuế không được tính đến trong các bản kê khai thu nhập), có khả năng là biểu đồ G8.5 đã đánh giá thấp hơn thực tế sự tăng lên thực sự của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên. Qua việc đối chiếu các nguồn số liệu hiện có, ta có thể ước lượng rằng phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên chắc đã vượt qua 50% thu nhập quốc gia của Mĩ một chút, lần đầu tiên ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và lần nữa vào đầu những năm 201034.
Tiếp theo, ta để ý rằng sự phấn chấn chứng khoán và các giá trị thêm chỉ giải thích được một phần hạn chế cho sự tăng lên có tính cấu trúc của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong vòng ba mươi-bốn mươi năm trở lại đây. Dĩ nhiên, các giá trị thêm tại Mĩ đã đạt mức cao chưa từng thấy vào thời bong bóng Internet năm 2000, rồi một lần nữa vào năm 2007: cả hai lần, các giá trị thêm riêng nó đã giúp bổ sung khoảng 5 điểm thu nhập quốc gia cho nhóm đường chia mười phía trên, tức là lớn kinh khủng. Kỉ lục trước đó, xảy ra vào năm 1928, ngay trước khi thị trường sụp đổ năm 1929, đạt khoảng 3 điểm thu nhập quốc gia. Nhưng các mức cao như thế không thể giữ được lâu dài, như được minh họa qua các biến động rất mạnh năm này qua năm khác trong biểu đồ G8.5. Tóm lại, các chuyển động ngắn hạn không ngừng của các giá trị thêm và của thị trường chứng khoán đã thêm rất nhiều độ biến động35 vào tiến trình của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên (và chắc chắn cũng đóng góp vào sự biến động của tổng thể nền kinh tế Mĩ), nhưng không ảnh hưởng mấy lên sự tăng lên có tính cấu trúc của bất bình đẳng. Nếu ta gạt hẳn các giá trị thêm khỏi thu nhập (việc này cũng không mĩ mãn lắm, do dạng thu nhập này tại Mĩ có độ lớn đáng kể), thì ta sẽ thấy rằng sự tăng lên của nhóm phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên gần như vẫn mạnh như cũ: nó đi từ khoảng 32% trong những năm 1970 lên hơn 46% năm 2010, tức là tăng lên 14 điểm thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G8.5). Các giá trị thêm dao động xung quanh 1-2 điểm thu nhập quốc gia cộng thêm cho nhóm đường chia mười phía trên trong những năm 1970, và nó dao động xung quanh 2-3 điểm trong những năm 2000-2010 (không tính những năm tốt ngoại lệ hay xấu đặc biệt). Sự tăng lên có tính cấu trúc là vào khoảng 1 điểm: không hề nhỏ, nhưng không là gì so với sự tăng lên 14 điểm thu nhập quốc gia của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên không tính các giá trị thêm3637.
Việc xem xét các tiến trình không tính các giá trị thêm ngoài ra còn cho phép nhận ra rõ hơn tính cấu trúc của sự tăng lên của bất bình đẳng tại Mĩ. Thật vậy, từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 2010, sự tăng lên của phần thu nhập của đường chia mười phía trên (không tính các giá trị thêm) có vẻ tương đối đều đặn và liên tục: nó vượt qua ngưỡng 35% trong những năm 1980, rồi ngưỡng 40% trong những năm 1990, và cuối cùng là ngưỡng 45% trong những năm 2000 (xem biểu đồ G8.538). Đặc biệt ấn tượng khi nhận thấy rằng mức năm 2010 - hơn 46% thu nhập quốc gia của Mĩ cho nhóm đường chia mười phía trên, không tính các giá trị thêm - đã ăn đứt mức năm 2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính. Các số liệu đầu tiên hiện có cho các năm 2011-2012 khiến ta nghĩ rằng sự tăng lên này hiện nay vẫn đang tiếp diễn.
Đây là một điểm chính yếu: các sự kiện trên chỉ ra hoàn toàn rõ ràng rằng không nên trông cậy vào các cuộc khủng hoảng tài chính đơn thuần để chấm dứt sự tăng lên có tính cấu trúc của bất bình đẳng tại Mĩ. Dĩ nhiên, trong ngay tức thì, thị trường chứng khoán sụp đổ sẽ làm chậm đi sự tăng lên của bất bình đẳng, cũng giống như bùng nổ kinh tế có xu hướng làm bất bình đẳng tăng nhanh hơn. Năm 2008-2009, ngay sau vụ phá sản của Lehman Brothers, cũng như năm 2001-2002, ngay sau cú vỡ bong bóng Internet đầu tiên, không phải là những năm oanh liệt để bỏ túi các giá trị thêm từ chứng khoán39. Không ngạc nhiên, các giá trị thêm đã sụp đổ trong những năm đó. Nhưng sự biến động ngắn hạn này không làm xu hướng dài hạn thay đổi gì cả - nó tuân theo những lực kéo khác, và chúng ta sẽ phải tìm hiểu logic của việc này.
Để hiểu hiện tượng này rõ hơn, ta hãy phân tách đường chia mười phía trên của thứ bậc thu nhập thành ba nhóm: nhóm 1% giàu nhất, nhóm 4% tiếp theo, và 5% tiếp theo nữa (xem biểu đồ G8.6). Ta thấy rằng sự tăng lên chủ yếu đến từ nhóm “1%”, nhóm mà phần thu nhập trong thu nhập quốc gia đã đi từ khoảng 9% trong những năm 1970 lên khoảng 20% trong những năm 2000-2010 (với các biến động rất mạnh đến từ các giá trị thêm), tức là tăng lên khoảng 11 điểm. Nhóm “5%” (nhóm mà thu nhập hàng năm trải từ 108000 dollar đến 150000 dollar mỗi hộ gia đình vào năm 2010), cũng như nhóm “4%” (nhóm mà thu nhập trải từ 150000 dollar đến 352000 dollar), dĩ nhiên cũng có thu nhập tăng lên đáng kể: phần thu nhập của nhóm thứ nhất trong thu nhập quốc gia đi từ 11% lên 12% (tăng lên 1 điểm), và nhóm thứ hai đi từ 13% lên 16% (tăng lên 3 điểm40). Theo định nghĩa, điều này có nghĩa là các nhóm xã hội nói trên kể từ những năm 1970-1980 đã có thu nhập tăng nhanh hơn rõ rệt so với tăng trưởng trung bình của kinh tế Mĩ, tức là khá đáng kể.
Trong nhóm này ta gặp ví dụ các nhà kinh tế học làm việc trong các đại học Mĩ, những người có xu hướng cho rằng kinh tế Mĩ hoạt động nói chung tốt, và đặc biệt nó thưởng cho năng lực và tài cán một cách công bằng và chính xác: đó là một phản ứng rất con người và rất dễ hiểu41. Tuy vậy, sự thật là các nhóm xã hội nằm phía trên họ đã xoay sở tốt hơn rất nhiều: trong 15 điểm thu nhập quốc gia bổ sung mà nhóm đường chia mười phía trên ôm được, khoảng 11 điểm - gần ba phần tư - là do nhóm “1%” (tức là những người có thu nhập cao hơn 352000 dollar năm 2010) hút hết, trong đó khoảng một nửa vào tay nhóm “0,1%” (những người có thu nhập cao hơn 1,5 triệu dollar42).
[sau] [trước] [lên mức trên]