Các lực hội tụ, các lực chia tách
[sau] [trước] [lên mức trên]
58
Ta nên nhấn mạnh rằng lực kéo san bằng chênh lệch này, dù mạnh thế nào đi nữa (có khả năng làm giảm bất bình đẳng giữa các nước), đôi khi vẫn bị cân bằng và lấn át bởi những lực kéo rất mãnh liệt theo chiều ngược lại, tức là làm tăng bất bình đẳng theo cả chiều rộng và chiều sâu. Hiển nhiên, sự thiếu vắng đầu tư thích đáng cho giáo dục đào tạo có thể cản trở một số nhóm xã hội hưởng lợi từ sự tăng trưởng. Thậm chí làm họ mất chỗ đứng cho những người mới đến: ta có thể thấy điều này qua sự bắt kịp dần dần của các nước mới nổi (công nhân Trung Quốc lấy mất việc làm của công nhân Mĩ và Pháp, v.v). Nói cách khác, lực kéo chính làm giảm thiểu bất bình đằng - sự lan tỏa kiến thức - chỉ có một phần nhỏ tự nhiên và tự thân: nó còn phụ thuộc vào những chính sách về giáo dục, khả năng được tiếp xúc với giáo dục và đào tạo tay nghề thích hợp, và những thể chế thực thi chính sách trong lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ cuốn sách này, ta sẽ nhấn mạnh vào những lực chia tách đáng lo ngại hơn: những lực có khả năng hiện diện ngay cả trong một thế giới mà các đầu tư hợp lí về giáo dục đào tạo đã được thực hiện, mà tất cả các điều kiện về tính minh bạch-hiệu quả của thị trường - hiểu theo nghĩa của các nhà kinh tế học - đều được hội đủ. Những lực chia tách này là những lực sau: một mặt nó đến từ quá trình bứt phá của nhóm ăn lương cao (như ta sẽ thấy lát nữa, sự khác biệt này có thể rất lớn, dù rằng hiện nay nó vẫn ở mức khá cục bộ), mặt khác nó là tổng hợp của nhiều lực chia tách khác nhau đến từ quá trình tích lũy và tập trung tài sản trong hoàn cảnh thế giới đặc trưng bởi tăng tưởng thấp và tỉ lệ lợi nhuận từ vốn cao. Quá trình thứ hai này có khả năng làm mất cân bằng xã hội mạnh hơn quá trình thứ nhất59. Nó chắc hẳn là mối đe dọa chính đối với sự vận động của sự phân bố của cải trong giai đoạn dài.
Hãy thảo luận ngay chủ đề nóng hổi này. Chúng tôi thể hiện trong biểu đồ G.I.1 và G.I.2 hai tiến trình cơ bản mà ta sẽ đi sâu tìm hiểu trong chốc lát. Hai tiến trình này minh họa cho tầm quan trọng tiềm tàng của hai quá trình chia tách kể trên. Những tiến trình được trình bày trong biểu đồ đều có dạng “hình chữ U”, nghĩa là đầu tiên giảm rồi sau đó tăng. Người ta có thể nghĩ rằng chúng biểu diễn những thực tế tương đồng. Thế nhưng không phải vậy: những tiến trình này thể hiện những hiện tượng rất khác nhau, dựa trên những cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị hoàn toàn riêng biệt. Hơn nữa, tiến trình đầu tiên thể hiện tình hình nước Mĩ, tiến trình thứ hai tình hình Châu Âu và Nhật Bản. Dĩ nhiên không loại trừ khả năng hai tiến trình và hai lực kéo chia tách này sẽ ngày càng tương đồng nhau (ta sẽ thấy điều này phần nào đã xảy ra trong thực tế rồi) không chỉ tại những nước nêu trên mà thậm chí ở phạm vi toàn cầu - điều có thể dẫn đến những mức độ bất đình đẳng chưa từng thấy trong lịch sử, và nhất là một cấu trúc của bất bình đẳng cực kì mới lạ. Nhưng ở thời điểm hiện nay, hai quá trình kể trên chủ yếu tương ứng với hai hiện tượng riêng biệt.
Quá trình thứ nhất được trình bày ở biểu đồ G.I.1 thể hiện quĩ đạo của đường chia mười phía trên trong thứ bậc thu nhập60 tại Mĩ trong giai đoạn 1910-2010. Chúng tôi chỉ đơn giản kéo dài những dãy số liệu được Kuznets xác lập trong những năm 1950. Một lần nữa ta thấy sự giảm thiểu bất bình đẳng được Kuznets chỉ ra cho giai đoạn 1913 đến 1948: thu nhập của nhóm phần mười phía trên giảm gần 15 điểm61 trong tổng thu nhập quốc gia, đạt 45%-50% thu nhập quốc gia trong những năm 1910-1920, xong giảm xuống chỉ còn 30%-35% cuối những năm 1940. Bất bình đẳng chững lại ở mức này trong những năm 1950-1970. Tiếp đến ta thấy sự một biến động rất nhanh theo chiều ngược lại kể từ những năm 1970-1980, đến mức mà đóng góp của nhóm phần mười phía trên quay trở lại mức khoảng 45%-50% thu nhập quốc gia trong những năm 2000-2010. Sự bật tăng trở lại này có biên độ rất ấn tượng. Thật tự nhiên khi ta đặt câu hỏi: một xu hướng như vậy có thể còn tăng tới đâu.
Như ta sẽ thấy trong phần sau, phần lớn tiến trình tăng ngoạn mục này tương ứng với sự bùng nổ chưa từng có của nhóm có thu nhập cao từ làm việc; và trước hết nó phản ánh một hiện tượng bứt phá của giới lãnh đạo doanh nghiệp lớn62. Một trong những lí giải khả dĩ là sự tăng đột biến về trình độ chuyên môn và năng suất của những công chức cao cấp này so với đám đông làm công ăn lương thông thường. Một lí giải khác, theo tôi dễ chấp nhận hơn, và cũng nhất quán với những sự kiện khác hơn, là việc những lãnh đạo doanh nghiệp này thường có khả năng tự quyết định mức lương của mình, đôi khi không bị ai ngăn cản, và thường không có mối liên hệ rõ ràng nào với năng suất làm việc cá nhân của họ, tuy rằng xét về mọi mặt rất khó đánh giá năng suất này trong những tổ chức lớn. Tiến trình này được thấy rõ nhất tại Mĩ, mức độ nhẹ hơn tại Anh. Điều này có thể giải thích bằng lịch sử riêng biệt về chuẩn mực xã hội và thuế má đặc trưng cho mỗi nước trong thế kỉ vừa qua. Hiện tại xu hướng này hạn chế hơn tại những nước giàu khác (Nhật Bản, Đức, Pháp và những nước Châu Âu lục địa khác), nhưng vẫn dốc theo cùng một hướng. Sẽ thật liều lĩnh khi dự đoán rằng hiện tượng này tại mọi nước sẽ có cùng biên độ như tại Mĩ trước khi suy nghĩ và phân tích đầy đủ nhất có thể - việc này không may lại không hề đơn giản khi ta tính đến sự hạn chế của những số liệu hiện có.
[sau] [trước] [lên mức trên]