Canada: do khối thịnh vượng chung Anh sở hữu trong thời gian dài

[sau] [trước] [lên mức trên]

Rất hay là tình hình Canada lại hoàn toàn khác. Nước này có phần đáng kể vốn trong nước - cho tới tận một phần tư cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 - do các nhà đầu tư ngoài nước sở hữu, nhất là người Anh, đặc biệt là trong khu vực tài nguyên thiên nhiên (mỏ đồng, kẽm, nhôm, và hydrocarbon). Vào năm 1910, vốn trong nước tại Canada được định giá khoảng 530% thu nhập quốc gia. Trong tổng số vốn đó, sở hữu do các nhà đầu tư ngoài nước nắm giữ (trừ đi sở hữu ngoài nước do các nhà đầu tư Canada nắm giữ) chiếm tương đương 120% thu nhập quốc gia, tức là từ một phần năm đến một phần tư tổng số. Vì vậy tài sản quốc gia nét của Canada bằng khoảng 410% thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G4.917).


Biểu đồ G4.9: Đồng vốn tại Canada giai đoạn 1860-2010

Tình hình nói trên đã tiến triển khác hẳn, nhất là sau các cuộc Chiến tranh thế giới: nó đã khiến người Châu Âu phải bán phần lớn của cải ngoài nước của họ. Nhưng việc này cũng mất thời gian: từ những năm 1950 đến những năm 1980, nợ ngoài nước nét của Canada chiếm khoảng 10% vốn trong nước, trong hoàn cảnh nợ công cộng tăng lên vào cuối giai đoạn (các khoản nợ này sau đó được thanh toán dần trong những năm 1990-200018). Kết quả là vào đầu những năm 2010, tình hình Canada khá gần với Mĩ. Vốn trong nước của Canada được định giá khoảng 410% thu nhập quốc gia. Trong tổng số vốn đó, sở hữu do các nhà đầu tư ngoài nước nắm giữ (trừ đi sở hữu ngoài nước do các nhà đầu tư Canada nắm giữ) chiếm dưới 10% thu nhập quốc gia. Tính theo cán cân tài sản nét, 98% Canada do người Canada sở hữu, và dưới 2% do người ngoài nước sở hữu19.

So sánh giữa Mĩ và Canada là rất hay, bởi lẽ rất khó tìm ra các lí do thuần túy kinh tế cho phép giải thích những quĩ đạo khác nhau đến thế trong nội bộ Bắc Mĩ. Rõ ràng là các nhân tố chính trị đã đóng vai trò trung tâm. Mặc dù nước Mĩ luôn tỏ ra là một nước rất cởi mở đối với các nhà đầu tư ngoài nước, khó có thể tin được là công luận Mĩ vào thế kỉ 19 đã chấp nhận việc một phần tư nước mình bị sở hữu bởi nước thực dân đã từng đô hộ mình2021. Canada, lúc đó là thuộc địa của Anh, không khó chịu khi bị nước khác sở hữu như Mĩ: việc một phần đáng kể của đất nước bị Liên hiệp Anh sở hữu xét cho cùng cũng không khác mấy việc một phần đáng kể đất đai hay nhà máy của Scotland hoặc Sussex bị những người London sở hữu. Thêm nữa, việc cán cân tài sản của Canada được giữ ở mức âm trong suốt thời gian dài như vậy nhiều khả năng liên quan đến việc nước này thiếu vắng các cuộc đổ vỡ chính trị bạo lực (Canada đã thôi không là một nước tự trị trong Liên hiệp Anh kể từ những năm 1930, nhưng người đứng đầu Nhà nước Canada vẫn là hoàng hậu Anh), hay nói cách khác là thiếu vắng các cuộc trưng thu tài sản (nhất là các nguồn tài nguyên thiên nhiên) mà tại các khu vực khác trên thế giới thường đi kèm với công cuộc giành lại độc lập.

17: Trong các biểu đồ G3.1-G3.2, G4.1, G4.2  G4.9, chúng tôi đã tô màu sáng cho phần tương ứng với cán cân tài sản dương đối với phần còn lại của thế giới (giai đoạn mà vốn ngoài nước nét đạt mức dương) và màu tối cho phần tương ứng với cán cân tài sản âm (giai đoạn mà nợ ngoài nước nét đạt mức dương). Những dãy số đầy đủ dùng để thiết lập những biểu đồ trên có trong phụ lục kĩ thuật trên mạng.
18: Xem biểu đồ bổ sung S4.1-S4.2 (có trên mạng).
19: Tuy nhiên ta phải nhấn mạnh rằng cách nhìn nói trên về vốn ngoài nước nét che mất tầm quan trọng của các đầu tư chéo giữa các nước. Ta sẽ quay lại bàn về chủ đề này trong chương tiếp theo.
20: người dịch. Tức là nước Anh.
21: Về các phản ứng của công luận Mĩ do các khoản đầu tư của Châu Âu vào Mĩ gây ra, bạn đọc có thể xem ví dụ M.Wilkins, The History of Foreign Invesment in the United States to 1914, Harvard University Press, 1989, chương 16 (người dịch. Tạm dich: Lịch sử đầu tư ngoài nước tại Mĩ đến năm 1914).

[sau] [trước] [lên mức trên]