Chương 1 - Thu nhập và sản phẩm
[sau] [trước] [lên mức trên]
Ngày 16 tháng 8 năm 2012, cảnh sát Nam Phi đã can thiệp vào vụ xô xát giữa công nhân mỏ bạch kim Marikana, gần Johannesburg, và giới chủ khai thác mỏ - những người giữ phiếu góp vốn của công ti Lonmin, đặt trụ sở tại London. Lực lượng công vụ đã bắn đạn thật vào những người tham gia đình công. Tổng kết: ba mươi tư thợ mỏ bị bắn chết1. Như thường thấy ở những trường hợp tương tự, cuộc xung đột xã hội này có tiêu điểm là vấn đề tiền lương: thợ mỏ đòi tăng lương từ 500 euro một tháng lên 1000 euro. Sau thảm kịch, cuối cùng công ti khai thác đành đề xuất tăng thêm 75 euro một tháng2.
Hồi đoạn vừa rồi nhắc nhở những ai vô ý quên rằng vấn đề phân chia sản phẩm giữa tiền lương và lợi nhuận, giữa thu nhập từ làm việc và thu nhập từ vốn, luôn là chiều đầu tiên3 của xung đột liên quan đến phân phối của cải. Trong những xã hội truyền thống, sự đối lập xưa như diễm giữa chủ đất và nông dân, giữa người sở hữu đất đai và người mang sức lao động, người thu tiền và người trả tiền thuê đất, là nền tảng cơ bản của bất bình đẳng xã hội và của tất cả các cuộc nổi loạn. Cuộc Cách mạng công nghiệp có vẻ đã làm trầm trọng hơn sự xung đột vốn-làm việc này: nó đã mang đến những dạng sản xuất đòi hỏi sự tập trung vốn cao hơn trước (máy móc, tài nguyên thiên nhiên, v.v), hay là nó đã dập tắt những tia hi vọng vào một sự phân bố của cải công bằng và một trật tự xã hội dân chủ hơn (ta sẽ trở lại vấn đề này sau).
Dù sao chăng nữa, sự kiện bi kịch Marikana làm chúng ta nhớ đến những cuộc bạo động trước đây. Tại Haymarket Square, Chicago, ngày 1 tháng 5 năm 1886, rồi tiếp đến tại Fourmies, phía bắc nước Pháp, ngày 1 tháng 5 năm 1891, lực lượng công vụ đã bắn giết những người công nhân biểu tình đòi tăng lương. Phải chăng cuộc trạm chán vốn-làm việc đã thuộc về quá khứ, hay nó chính là một trong những cờ lê xoay chuyển thế kỉ 21 này?
Trong hai phần đầu tiên của sách, ta sẽ chú tâm trả lời câu hỏi về sự phân chia của thu nhập quốc gia giữa làm việc và vốn trên phạm vi toàn cầu, và những chuyển biến của nó kể từ thế kỉ 18. Ta sẽ tạm thời gác lại vấn đề về bất bình đẳng trong nội bộ thu nhập từ làm việc (ví dụ giữa công nhân, kĩ sư và quản đốc nhà máy) hoặc trong nội bộ thu nhập từ vốn (ví dụ giữa những người giữ phiếu góp vốn hoặc chủ sở hữu nhỏ, vừa, và lớn) - chủ đề này sẽ được xem xét ở phần thứ ba. Chiều hướng đầu tiên được gọi là sự phân bố có tính “nhân tố” vì nó đối lập hai “nhân tố” của sự sản xuất là vốn và làm việc (mỗi nhân tố này được coi một cách nhân tạo như một khối đồng nhất). Chiều hướng thứ hai được gọi là sự phân bố có tính “cá thể” vì nó đề cập đến sự bất bình đẳng giữa các cá thể trong thu nhập từ làm việc (hoặc trong thu nhập từ vốn). Tất nhiên, mỗi chiều hướng của sự phân bố của cải kể trên đều đóng vai trò nền tảng trong thực tế. Ta không thể đi tới một sự hiểu biết thấu đáo về vấn đề phân bố của cải nếu không nghiên cứu hai chiều hướng này cùng nhau4.
Thêm nữa, vào tháng 8 năm 2012, những người thợ mỏ Marikana không chỉ biểu tình phản đối lợi nhuận quá đáng của nhóm công ti5 Lonmin, mà còn phản đối sự bất bình đẳng về tiền lương giữa công nhân và kĩ sư, và phản đối mức lương nghe nói cao kinh ngạc của ông giám đốc mỏ6. Cũng như vậy, nếu sự sở hữu vốn được chia đều chằn chặn7 và nếu mỗi người làm công được lĩnh phần lợi nhuận bằng nhau bổ sung cho phần tiên lương cơ bản, thì (hầu như) chẳng ai quan tâm đến vấn đề phân chia lợi nhuận (hay tiền lương) nữa. Sự phân chia vốn-làm việc gây nên nhiều xung đột như thế, đầu tiên và trên hết là bởi sự tập trung cực độ của sự sở hữu vốn. Thật vậy, tại tất cả các nước, bất bình đẳng tài sản - và thu nhập do những tài sản này mang lại - luôn luôn mạnh hơn rất nhiều bất bình đẳng tiền lương và thu nhập từ làm việc. Ta sẽ phân tích hiện tượng này và những nguyên nhân của nó trong phần thứ ba. Trước tiên ta hãy bỏ qua một bên bất bình đẳng thu nhập từ làm việc và từ vốn8, và ta sẽ tập trung sự chú ý vào vấn đề phân chia thu nhập quốc gia giữa vốn và làm việc trên phạm vi toàn cầu.
Để tôi nói cho mọi việc rõ ràng: chủ định của tôi ở đây không phải là tra khảo phán xét vụ việc người lao động phản đối giới chủ sở hữu, mà đúng hơn là để giúp mọi người định chuẩn suy nghĩ và hình dung được sự việc. Bất bình đẳng vốn-thu nhập dĩ nhiên là cực kì thô bạo về mặt ý niệm. Nó đánh vỗ mặt vào những quan niệm được chấp nhận rộng rãi nhất về thế nào là công bằng và không công bằng, và không mấy ngạc nhiên khi đôi lúc nó dẫn đến cả thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Đối với tất cả những người chỉ sở hữu sức lao động của mình - những người thường sống trong những điều kiện sơ sài, thậm chí rất sơ sài trong trường hợp người nông dân thế kỉ 18 hoặc người thợ mỏ Marikana -, họ rất khó chấp nhận việc những người giữ vốn - đôi khi do hưởng thừa kế hoặc ít nhất là một phần từ đó - có thể không làm việc mà vẫn giành phần nhiều của cải được làm ra. Thêm nữa, phần dành cho người giữ vốn có thể đạt đến những mức độ đáng kể, thường trong khoảng một phần tư đến một nửa tổng giá trị sản phẩm, đôi khi quá một nửa trong những lĩnh vực đòi hỏi sự tập trung vốn cao như là lĩnh vực khai thác mỏ, thậm chí còn hơn thế khi tình trạng độc quyền địa phương cho phép giới chủ nghiễm nhiên chiếm phần to.
Nhưng đồng thời, ai cũng hiểu rằng nếu toàn bộ sản phẩm được dành để trả lương và không có chút gì dành cho lợi nhuận, chắc hẳn sẽ rất khó để thu hút thêm vốn cho phép chi trả những khoản đầu tư mới, ít nhất là trong cách thức tổ chức kinh tế hiện nay (tất nhiên ta có thể tưởng tượng ra những cách thức tổ chức khác). Chưa tính đến việc xóa bỏ mọi khoản tiền lãi cho những người đã chọn để dành tiết kiệm và mang đi đầu tư9 nhiều hơn người khác không hẳn là hoàn toàn thích đáng (giả định đó là một nguồn gốc quan trọng trong bất bình đẳng tài sản - vấn đề này cũng sẽ được xem xét sau). Mà nên nhớ là một phần trong cái gọi là “thu nhập từ vốn” đôi khi tương ứng với tiền thù lao của lao động “tự thân”, và phải được coi ngang hàng với các dạng lao động khác. Vả lại lí luận kinh điển vừa nêu chính nó cũng phải được nghiên cứu thật kĩ càng. Xét tất cả các yếu tố trên, thì đâu là mức độ “đúng” cho sự phân chia vốn-làm việc? Ta có chắc chắn là, sự vận hành “tự do” của một nền kinh tế thị trường và quyền sở hữu cá nhân sẽ dẫn đến mức độ phân chia tối ưu này mọi lúc mọi nơi, như có thần dược không? Trong một xã hội lí tưởng, ta sẽ phải tổ chức sự phân chia vốn-làm việc như thế nào, và ta phải làm gì để hướng đến một xã hội như vậy?
Phân chia vốn-làm việc trong giai đoạn dài: không thật sự ổn định
Khái niệm về thu nhập quốc gia
Vốn là gì?
Vốn và tài sản
Tỉ số vốn/thu nhập
Qui luật cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa đồng vốn: α = r × β
Kế toán quốc gia - một sản phẩm được xã hội xây dựng - luôn biến đổi không ngừng
Sự phân bố sản phẩm toàn cầu
Từ những khối qui mô châu lục đến những khối qui mô khu vực
Bất bình đẳng toàn cầu: từ 150 euro một tháng đến 3000 euro một tháng
Sự phân bố thu nhập toàn cầu: bất bình đẳng hơn phân bố sản lượng
Những lực kéo nào giúp giảm chênh lệch giữa các nước?
[sau] [trước] [lên mức trên]