Đấu tranh của các tầng lớp, hay đấu tranh của các đường chia một trăm?
[sau] [trước] [lên mức trên]
Bởi đó chính là mục đích sâu xa duy nhất của chúng ta: so sánh cấu trúc bất bình đẳng trong các xã hội cách rất xa nhau trong không gian và trong thời gian, các xã hội mà mọi thứ thoạt nhìn đều đối lập nhau, và đặc biệt là các xã hội sử dụng các từ ngữ và các khái niệm hoàn toàn khác nhau để chỉ các nhóm làm nên xã hội đó. Khái niệm về đường chia mười và chia một trăm có vẻ hơi trừu tượng và chắc thiếu chất thơ. Rất tự nhiên là nhận diện các tầng lớp vào thời của chính mình luôn dễ dàng hơn: nông dân hay quí tộc, người làm công không vốn hay người có tài sản riêng, nhân viên hay nhà quản lí cao cấp, hầu bàn hay lái buôn. Nhưng cái hay của đường chia mười và chia một trăm chính là ở chỗ nó cho phép đặt tương ứng các bất bình đẳng và các thời kì mà ta không thể so sánh nếu dùng cách khác, và mang đến một ngôn ngữ chung mà theo nguyên tắc có thể được tất cả mọi người thừa nhận.
Lúc nào cần, chúng tôi sẽ tách các nhóm xã hội ra chi tiết hơn, với sự giúp đỡ của các đường chia một trăm hay thậm chí chia một nghìn, nhằm trả lại công bằng cho tính chất liên tục của bất bình đằng xã hội. Đặc biệt, trong mỗi xã hội, bao gồm cả xã hội công bằng nhất, đường chia mười phía trên tự nó là cả một thế giới riêng. Nó tập hợp những người mà thu nhập cao hơn suýt soát hai hay ba lần thu nhập trung bình, và một số người khác mà thu nhập dồi dào hơn thế nhiều chục lần. Để có hình dung ban đầu rõ ràng, ta nên tách đường chia mười phía trên thành hai nhóm nhỏ: một nhóm gồm đường chia một trăm phía trên (mà ta có thể gọi là “tầng lớp nổi trội”, chủ yếu để cố định ý tưởng chứ không dám nhận rằng thuật ngữ này hay hơn một thuật ngữ khác nào đó), và nhóm kia gồm chín đường chia một trăm tiếp theo (“tầng lớp khá giả”).
Ví dụ, nếu ta xem xét trường hợp bất bình đẳng thu nhập tương đối thấp - trường hợp Scandinavia - trình bày trong bảng T.7.1: 20% tổng khối lượng tiền lương dành cho 10% người lao động được trả cao nhất, ta thấy rằng phần thu nhập mà 1% những người được trả cao nhất nhận được tiêu biểu vào khoảng 5% tổng khối lượng tiền lương. Theo định nghĩa, điều này có nghĩa là 1% những người được trả lương cao nhất kiếm được trung bình cao hơn năm lần so với mức lương trung bình, tương đương 10000 euro một tháng trong một xã hội mà mức lương trung bình là 2000 euro một tháng. Nói cách khác, 10% những người được trả cao nhất kiếm trung bình 4000 euro một tháng, nhưng trong nội bộ nhóm này 1% những người được trả cao nhất kiếm trung bình vào khoảng 10000 euro một tháng (và 9% tiếp theo kiếm trung bình khoảng 3330 euro). Nếu ta tiếp tục tách ra kĩ hơn, và ta xét đường chia một nghìn phía trên (0,1% những người được trả cao nhất) trong nhóm đường chia một trăm phía trên, thì ta sẽ gặp những người kiếm được nhiều chục nghìn euro một tháng, và thậm chí một vài người kiếm được vài trăm nghìn euro một tháng, kể cả tại những nước Scandinavia những năm 1970-1980. Đơn giản là, những người này không đông đảo lắm, nên trọng lượng của họ trong tổng khối lượng thu nhập từ làm việc sẽ là khá hạn chế.
Vì vậy, để phán xét về bất bình đẳng trong một xã hội, chỉ ra một vài thu nhập rất cao là chưa đủ: ví dụ nói rằng “bậc lương đi từ 1 lên 10”, hay “từ 1 lên 100”, không cho ta biết gì nhiều cả. Ta còn cần phải biết có bao nhiêu người đạt được mức trên. Theo quan điểm này, phần thu nhập (hay tài sản) mà phần mười phía trên hay phần trăm phía trên nhận được là một chỉ số thích hợp để nhâm nhi thưởng ngoạn bất bình đẳng trong một xã hội, bởi lẽ nó không chỉ tính đến sự tồn tại của các thu nhập hay tài sản cao cực độ mà còn tính đến số lượng những người thực sự chạm đến các giá trị rất cao này.
Đường chia một trăm phía trên là một nhóm đặc biệt thú vị trong khuôn khổ cuộc khảo cứu lịch sử của chúng ta, do nhóm này đại diện cho một phần dĩ nhiên là rất ít ỏi trong toàn bộ dân số (theo định nghĩa), nhưng đồng thời là một nhóm xã hội lớn hơn nhóm các nhân vật tinh túy cấp cao gồm vài chục hoặc vài trăm thành viên đôi khi rất thu hút sự chú ý (chẳng hạn như “hai trăm gia đình” tại Pháp - dùng để chỉ hai trăm người giữ phiếu góp vốn lớn nhất của Ngân hàng Pháp thời giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới; hoặc bảng xếp hạng các gia sản lớn nhất được Forbes và các tạp chí tương tự công bố hiện nay, nói chung chỉ bao gồm vài trăm người). Trong một nước gần 65 triệu dân như nước Pháp năm 2013, tức là khoảng 50 triệu dân trưởng thành, đường chia một trăm phía trên tập hợp cũng được 500000 người thành niên. Trong một nước 320 triệu dân như nước Mĩ, tức là 260 triệu dân thành niên, đường chia một trăm phía trên có số lượng 2,6 triệu dân trưởng thành. Vì vậy đó là những nhóm xã hội rất đông đảo về số lượng, những nhóm mà ta không thể không để ý trong một nước, nhất là khi họ có xu hướng sống cùng thành phố, thậm chí cùng khu phố. Tại tất cả các nước, đường chia một trăm phía trên chiếm vị trí to lớn không chỉ trong chuyện tiền bạc mà còn trong toàn khung cảnh xã hội nữa.
Khi xem xét kĩ việc này, ta thấy rằng trong tất cả các xã hội, dù đó là nước Pháp năm 1789 (từ 1% đến 2% dân số là giới cầm quyền) hay nước Mĩ đầu những năm 2010 (nơi mà phong trào Occupy Wall Street đang nhắm thẳng đến nhóm “1%” những người giàu nhất), đường chia một trăm phía trên đại diện cho một phần dân số đủ lớn về số lượng để có thể định hình rõ rệt toàn thể khung cảnh xã hội và trật tự chính trị kinh tế.
Qua đó ta thấy cái hay cái lợi của khái niệm đường chia mười và chia một trăm: có điều thần kì nào giúp ta hi vọng so sánh được bất bình đẳng trong các xã hội khác nhau đến mức như Pháp năm 1789 so với Mĩ năm 2013, nếu không phải là bằng cách cố gắng định nghĩa tỉ mỉ các đường chia mười và chia một trăm, rồi ước lượng phần đóng góp của chúng trong toàn bộ của cải của nước đang xét? Một công việc như thế dĩ nhiên không cho phép giải quyết tất cả các vấn đề và trả lời tất cả các câu hỏi - nhưng là tốt hơn rất nhiều so với việc không rút ra được gì cả. Ta sẽ cố gắng xác định xem dưới độ đo nào nhóm “1%” (theo định nghĩa trên) nổi trội hơn dưới thời Louis XVI hay thời George Bush hoặc Barack Obama.
Trường hợp phong trào Occupy cũng cho thấy rằng ngôn ngữ chung này, trong đó có khái niệm “đường chia một trăm phía trên”, mặc dù thoạt tiên có vẻ hơi trừu tượng, có thể giúp phơi bày các tiến trình ngoạn mục của bất bình đẳng và các thực tế đập vào mắt, thậm chí có thể dùng làm bảng tra cứu hiện trạng xã hội trong khuôn khổ các cuộc vận động xã hội và chính trị lớn, dựa trên các khẩu hiệu trước nay ít thấy (“We are the 99%”11), nhưng rốt cuộc không phải không gợi nhắc tới tinh thần của bài đả kích lừng danh Đẳng cấp thứ ba là gì? do cha xứ Sieyès công bố năm 178912.
Ta hãy nói rõ là thứ bậc thu nhập từ làm việc và từ tài sản (kéo theo là đường chia mười và chia một trăm) tất nhiên là không bao giờ giống hệt nhau. Những người lĩnh 10% thu nhập từ làm việc cao nhất hay 50% thấp nhất không trùng với những người sở hữu 10% tài sản lớn nhất hay 50% nhỏ nhất. Nhóm “1%” thu nhập từ làm việc không trùng với nhóm “1%” thu nhập từ tài sản. Các đường chia mười và chia một trăm được định nghĩa riêng rẽ đối với một bên là thu nhập từ làm việc, bên kia là sở hữu vốn, và cuối cùng là đối với toàn bộ thu nhập (tổng số của thu nhập từ làm việc và từ vốn) - con số tổng kết hai chiều thu nhập13, và vì thế định nghĩa một thứ bậc xã hội tổng hợp, kết quả của hai thứ bậc trước đó14. Vì vậy phải luôn nói rõ ta đang bàn tới loại thứ bậc nào. Trong các xã hội truyền thống, sự quan hệ lẫn nhau giữa hai chiều trên thường là âm (những người sở hữu tài sản lớn không làm việc, vì vậy ở vị trí dưới cùng trong thứ bậc thu nhập từ làm việc). Trong các xã hội hiện đại, sự quan hệ lẫn nhau nói chung là dương, nhưng không bao giờ tuyệt đối (hệ số quan hệ lẫn nhau luôn thấp hơn 1). Ví dụ, luôn có rất nhiều người thuộc tầng lớp trên về mặt thu nhập từ làm việc nhưng lại thuộc tầng lớp bình dân về mặt tài sản, và ngược lại. Bất bình đẳng xã hội là nhiều chiều, giống như xung đột chính trị vậy.
Cuối cùng hãy ghi nhớ là sự phân phối thu nhập (và phân phối tài sản) được miêu tả trong bảng T.7.1-T.7.3 và được phân tích trong chương này hay các chương tiếp theo là sự phân phối gọi là “trước thuế”, nghĩa là trước khi tính đến các loại thuế. Tùy vào dạng thức của các loại thuế (và các dịch vụ công cộng và vận chuyển do thuế chi trả), được đánh “tăng dần” hay “giảm dần” (nghĩa là thuế nặng hơn hay nhẹ đi theo thu nhập và tài sản lên cao dần trong thứ bậc xã hội), sự phân phối sau thuế có thể bình đẳng hơn nhiều hoặc bất bình đẳng hơn nhiều so với phân phối trước thuế. Ta sẽ nghiên cứu việc này trong phần thứ tư của sách, cũng như nghiên cứu toàn bộ các vấn đề liên quan đến sự phân phối lại. Ngay lúc này, ta chỉ quan tâm tới sự phân phối trước thuế mà thôi15.
[sau] [trước] [lên mức trên]