Khuôn khổ lí thuyết và quan niệm

[sau] [trước] [lên mức trên]

Trước khi trình bày tiếp, có lẽ cũng cần phải nói thêm một chút về khuôn khổ lí thuyết và quan niệm của nghiên cứu này, cũng như về chặng đường học thuật đã dẫn đến tôi đến cuốn sách này.

Đầu tiên xin nói rõ với bạn đọc rằng tôi thuộc thế hệ những người 18 tuổi vào năm 1989, đúng hai trăm năm sau Cách mạng Pháp (dĩ nhiên rồi), nhưng đặc biệt là năm bức tường Berlin sụp đổ. Tôi thuộc thế hệ những người trưởng thành cùng lúc với đài tiếng nói phát tin về sự sụp đổ của các chế độ độc tài theo chủ nghĩa vốn chung, nhưng không hề cảm thấy một sự mềm yếu hoặc nuối tiếc nào cho những chế độ này và cho chủ nghĩa Soviet. Tôi miễn dịch hoàn toàn với những bài diễn văn ước lệ và lười nhác chống chủ nghĩa đồng vốn. Những bài diễn văn này đôi khi cố tình bỏ qua thất bại lịch sử và bản chất này, và thường trốn tránh không đề xuất những phương tiện tư duy để vượt qua nó. Tôi không quan tâm tới việc tố cáo bất bình đẳng hay chủ nghĩa đồng vốn như nó vẫn vậy - vả lại bất bình đẳng xã hội tự nó chưa chắc đã xấu, miễn là nó chính đáng, nghĩa là “được đặt nền móng trên lợi ích chung” như lời tuyên bố trong điều thứ nhất Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân năm 1789 (định nghĩa này về công bằng xã hội là không chính xác, nhưng rất quyến rũ, và được viết giấy trắng mực đen trong lịch sử: giờ ta hãy cứ dùng nó như vậy trước - ta sẽ trở lại vấn đề này sau). Điều tôi quan tâm là cố gắng đóng góp, khiêm tốn thôi, vào sự xác định những cách thức tổ chức xã hội, thể chế và chính trị công cộng thích hợp nhất cho phép triển khai một cách thực tế và hiệu quả một xã hội công bằng, tất cả những việc đó trong khuôn khổ của một Nhà nước pháp quyền, nơi mà những luật lệ được thông báo trước và được áp dụng cho tất cả mọi người, và có thể được thảo luận một cách dân chủ.

Có lẽ cũng vừa vặn khi nói thêm với bạn đọc rằng tôi đã trải qua “giấc mơ Mĩ” năm 22 tuổi: tôi được một trường đại học ở Boston tuyển, khi vừa bỏ túi bằng doctorat65. Kinh nghiệm này có tính chất quyết định vì nhiều lẽ. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước Mĩ: tôi đã được công nhận rất sớm sủa, và điều đó không có gì là khó chịu cả. Đây rồi một đất nước biết đối đãi và thu hút những người tài từ nơi khác! Nhưng cùng lúc đó tôi biết ngay rằng mình muốn nhanh chóng trở lại Pháp và Châu Âu, điều tôi đã làm lúc 25 tuổi. Kể từ đó tôi không rời khỏi Paris, trừ những chuyến lưu trú ngắn. Một trong những lí do phía sau lựa chọn này liên quan trực tiếp đến chủ đề ta đang bàn: tôi không phục các nhà kinh tế học người Mĩ lắm. Dĩ nhiên, tất cả mọi người đều rất thông minh, và tôi giữ rất nhiều bạn bè trong giới này. Nhưng có điều gì đó lạ lùng: tôi ở vị trí rất tốt để biết rằng mình không hiểu gì hết về các vấn đề kinh tế thế giới (luận án của tôi được làm thành từ một vài định lí toán học khá trừu tượng), thế mà tôi vẫn được giới nghề đánh giá cao. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng không có một công trình thu thập số liệu lịch sử về sự vận động của bất bình đẳng có sức ảnh hưởng nào được cất công thực hiện kể từ thời Kuznets (tôi đã bỏ công bỏ sức cho việc này ngay khi quay về Pháp), thế nhưng giới nghiên cứu vẫn tiếp tục hợp nhất những kết quả thuần túy lí thuyết, thậm chí không biết mình đang giải thích việc gì nữa, và họ trông đợi tôi cũng sẽ làm giống như vậy.

Ta hãy nói thẳng luôn: môn kinh tế học vẫn chưa thoát khỏi niềm đam mê con trẻ đối với toán học và với những phỏng đoán thuần túy lí thuyết, thường chỉ mang tính ý tưởng, mà rất thiếu hụt sự nghiên cứu lịch sử và sự gần gũi với những môn khoa học xã hội khác. Quá đỗi thường xuyên, những nhà kinh tế học trước hết toàn bận tâm vào những vấn đề toán học nhỏ nhặt mà chỉ chính họ quan tâm. Điều này cho phép họ, một cách không tốn kém, phủ lên công trình của mình một vỏ bọc khoa học; và giúp họ tránh né trả lời những vấn đề được thế giới xung quanh họ đặt ra - phức tạp hơn nếu dùng phương pháp khác. Là nhà kinh tế học làm việc ở trường đại học tại Pháp có một lợi thế lớn: những nhà kinh tế học rất ít được trọng vọng trong giới học thuật và đại học, cũng như là trong giới tinh túy chính trị và tài chính. Điều này bắt buộc họ phải gỡ bỏ sự khinh thường đối với những môn học khác, và gỡ bỏ sự tự phụ vô lí rằng môn học của mình có tính khoa học cao cấp hơn, trong khi chính họ gần như không biết gì là gì cả. Mà chính thế lại làm nên vẻ đẹp của kinh tế học, hay khoa học xã nói chung: ta xuất phát thấp, đôi khi rất thấp, và ta hi vọng có thể đạt được những tiến bộ quan trọng. Tại Pháp, những nhà kinh tế học - theo tôi nghĩ - nhiệt tâm hơn tại Mĩ khi họ đang cố gắng thuyết phục những đồng nghiệp sử học, xã hội học và thế giới bên ngoài nói chung về lợi ích của công việc họ đang làm (điều này vẫn chưa được công nhận). Về phần mình, giấc mơ của tôi lúc đang giảng dạy ở Boston là được làm việc ở l’École des Hautes etudes en sciences sociales66, ngôi trường gắn liền với những tên tuổi lớn như Lucien Febve, Fernand Braudel, Claude Lévi-Strauss, Piere Bourdieu, François Héritier, Maurice Godelier, và rất nhiều người khác. Tôi có nên thú nhận không, dưới nguy cơ bị ngờ vực là yêu mù quáng khoa học xã hội? Chắc tôi vẫn ngưỡng mộ những nhà bác học kể trên hơn là ngưỡng mộ Robert Solow, hoặc thậm chí Simon Kuznets; mặc dù tôi thấy tiếc cho việc phần lớn các ngành khoa học xã hội hiện nay hầu như đã thôi không quan tâm đến vấn đề phân bố của cải và tầng lớp xã hội nữa, trong khi những vấn đề về thu nhập, tiền lương, giá cả và tài sản vẫn xuất hiện đều đặn trong những chương trình nghiên cứu về sử học và xã hội học cho đến tận những năm 1970-1980. Tôi thật lòng mong ước rằng những nghiên cứu được trình bày trong sách này sẽ có lợi ích nào đó cho những chuyên gia cũng như những bạn đọc yêu thích các ngành khoa học xã hội - bắt đầu bằng những người nghĩ rằng mình “không biết gì về kinh tế học” nhưng thường có những quan điểm rất rõ ràng về bất bình đẳng thu nhập và tài sản (điều rất bình thường tự nhiên).

Thật ra, kinh tế học lẽ ra không nên tìm cách tách mình khỏi những môn khoa học xã hội khác. Kinh tế học chỉ có thể phát triển trong lòng những môn học này. Hiểu biết của chúng ta trong các ngành khoa học xã hội là quá it ỏi để tự phân chia thể loại một cách ngờ nghệch. Muốn hi vọng có được tiến bộ về những vấn đề như sự vận động lịch sử của sự phân bố của cải và cấu trúc các tầng lớp xã hội, hiển nhiên là ta phải tiến hành nghiên cứu một cách thực dụng, huy động những phương pháp và những cách tiếp cận của các nhà sử học, xã hội học và chính trị học ngang bằng với những phương pháp của các nhà kinh tế học. Ta phải xuất phát từ những câu hỏi sâu sắc nền tảng và cố gắng trả lời chúng: những cuộc cãi vã đầu làng cuối xóm và phân chia địa hạt hãy chỉ là thứ yếu. Tôi tin rằng, cuốn sách này là một cuốn sách về sử nhiều như về kinh tế.

Như tôi đã giải thích ở trên, công trình của tôi đầu tiên là thu thập tư liệu và thiết lập những sự kiện và những dãy số liệu lịch sử về phân bố thu nhập và tài sản. Trong phần sau của sách, đôi khi tôi cầu viện tới lí thuyết, những mô hình và quan niệm trừu tượng, nhưng tôi cố gắng làm việc này một cách thưa thớt, nghĩa là chỉ khi nào lí thuyết cho phép hiểu rõ hơn những tiến trình đang được nghiên cứu. Ví dụ, khái niệm về thu nhập và về vốn, về tỉ lệ tăng trưởng và tỉ lệ lợi nhuận, là những quan niệm trừu tượng, những sản phẩm được lí thuyết xây dựng, chứ không phải là những sự khẳng định toán học. Tuy vậy tôi sẽ cố gắng chỉ ra rằng những khái niệm đó cho phép phân tích những thực tế lịch sử một cách hiệu quả hơn, miễn là ta trang bị một cái nhìn phê phán và mềm dẻo về mức độ sai số - bản chất là xấp xỉ - trong các phép đo lường. Tôi sẽ dùng một vài phương trình, ví dụ như qui luật α = r × b (theo đó phần đóng góp của đồng vốn trong thu nhập quốc gia bằng với tích số của tỉ lệ lợi nhuận và tỉ số vốn/thu nhập), hoặc qui luật β = s∕g (theo đó tỉ số vốn/thu nhập bằng với tỉ số giữa tỉ lệ tiết kiệm và tỉ lệ tăng trưởng). Tôi xin bạn đọc ít mặn mà với toán đừng gấp ngay sách lại: đây là những phương trình rất sơ đẳng, có thể được giải thích một cách đơn giản và trực quan, và ta có thể hiểu được chúng mà không cần một hành trang kĩ thuật đặc biệt nào. Trên hết tôi sẽ cố gắng cho thấy khuôn khổ lí thuyết tối thiểu này cho phép hiểu rõ hơn những tiến trình lịch sử quan trọng với mỗi người.

65: người dịch. Tôi để nguyên bản tiếng Pháp doctorat vì chưa tìm được từ tiếng Việt tương ứng phản ánh đúng hệ thống đạo tạo bằng cấp này ở Pháp. Từ thường dùng là tiến sĩ dễ làm liên tưởng đến hệ thống khoa bảng cũ kiểu Trung Quốc hoặc hệ thống cấp bằng hiện hành tại các trường Đại học tại Việt Nam.
66: người dịch. Tạm dịch: Trường cao cấp về khoa học xã hội.

[sau] [trước] [lên mức trên]