Những giai đoạn của tăng trưởng kinh tế

[sau] [trước] [lên mức trên]

Giờ ta hãy nói đến sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người. Như đã nhắc tới trong phần trước, sự tăng tiến kinh tế trong giai đoạn 1700-2012 có cùng độ lớn với sự tăng tiến dân số: trung bình 0,8% một năm, tức là tăng lên hơn mười lần trong vòng ba thế kỉ. Thu nhập trung bình toàn cầu hiện nay khoảng 760 euro một tháng một người; nó dưới 70 euro một tháng vào năm 1700, tức là xấp xỉ bằng mức thu nhập tại những nước nghèo nhất trong khu vực Châu Phi dưới Sahara năm 201215.

Phép so sánh trên rất có tính gợi mở, nhưng ta không nên phóng đại tầm với của nó. Khi đặt cạnh nhau những xã hội và những thời kì khác nhau đến thế, sẽ là ảo tưởng khi tự nhận rằng có thể tóm gọn mọi việc bằng một con số duy nhất, theo kiểu “mức sống tại xã hội này cao hơn 10 lần so với xã hội khác”. Khi đạt đến tỉ lệ lớn như vậy, khái niệm về sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người trừu tượng hơn sự tăng trưởng dân số rất nhiều (tăng trưởng dân số ít ra tương ứng với một thực tế cầm nắm được: đếm số dân dễ hơn đếm số hàng hóa và dịch vụ). Lịch sử phát triển kinh tế trước hết là lịch sử của sự đa dạng hóa các cách sống và các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Vì vậy đó là một quá trình nhiều chiều mà trên bản chất là không thể tóm gọn được chỉ bằng một chỉ số tiền tệ duy nhất.

Lấy ví dụ các nước giàu nhất. Tại Tây Âu, Bắc Mĩ hay Nhật, thu nhập trung bình tăng từ hơn 100 euro một tháng một người vào năm 1700 lên hơn 2500 euro một tháng vào năm 2012, tức là tăng lên hơn hai mươi lần16. Trên thực tế, sự tăng tiến của năng suất, nghĩa là sản phẩm theo giờ làm việc, đã tăng cao hơn thế, bởi thời gian làm việc trung bình theo đầu người đã giảm đi rất nhiều: tất các các xã hội phát triển cùng với quá trình giàu lên đã chọn làm việc ít đi để có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn (ngày làm ngắn đi, kì nghỉ dài hơn, v.v)17.

Sự tăng tiến ngoạn mục này là nhờ vào thế kỉ 20 rất nhiều. Trên phạm vi toàn cầu, sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người trung bình 0,8% một năm từ năm 1700 đến năm 2012 được chia ra như sau: suýt soát 0,1% tại thế kỉ 18, 0,9% tại thế kỉ 19 và 1,6% tại thế kỉ 20 (xem bảng T.2.1). Tại Tây Âu, sự tăng trưởng trung bình 1,0% từ năm 1700 đến năm 2012 được chia ra như sau: 0,2% tại thế kỉ 18, 1,1% tại thế kỉ 19 và 1,9% tại thế kỉ 2018. Sức mua trung bình hiện hành tại Lục địa Già tăng nhẹ từ năm 1700 đến năm 1820, rồi hơn hai lần từ năm 1820 đến năm 1913, và hơn sáu lần từ năm 1913 đến năm 2012. Về bản chất, đặc trưng kinh tế của thế kỉ 18 là sự ngưng trệ như đã từng diễn ra tại các thế kỉ trước. Thế kỉ 19 là lần đầu tiên người ta chứng kiến tăng trưởng khá nhanh sản phẩm theo đầu người. Nhưng nhiều phân khúc dân cư rộng lớn không được hưởng lợi mấy từ sự tăng trưởng này, ít nhất là cho đến một phần ba cuối thế kỉ. Phải đợi đến thế kỉ 20 thì sự tăng trưởng kinh tế mới thực sự trở thành một thực tế ngoạn mục ai cũng thấy. Vào Thời Tươi đẹp, khoảng năm 1900-1910, thu nhập trung bình của người Châu Âu đạt suýt soát 400 euro một tháng, so với 2500 euro một tháng vào đầu những năm 2010.

Nhưng nói rằng sức mua tăng lên gấp sáu lần, mười lần, hay thậm chí hai mươi lần có ý nghĩa gì? Điều đó hiển nhiên không có nghĩa là người Châu Âu năm 2012 sản xuất và tiêu thụ một số lượng hàng hóa và dịch vụ gấp sáu lần những gì họ sản xuất và tiêu thụ vào năm 1913. Ví dụ, sức tiêu thụ trung bình các sản phẩm ăn uống tất nhiên là không tăng lên gấp sáu lần. Mà điều này cũng chẳng có gì hay, bởi lẽ nhu cầu ăn uống đã bão hòa từ lâu. Tại Châu Âu, cũng như tại tất cả các nước, sự tăng trưởng sức mua và mức sống trong giai đoạn dài trước hết dựa trên sự chuyển biến của cấu trúc tiêu thụ: một sự tiêu thụ chủ yếu là các sản phẩm ăn uống đã dần dần được thay thế bởi một sự tiêu thụ đa dạng hơn - gồm nhiều sản phẩm công nghiệp và dịch vụ.

Vả lại, nếu người Châu Âu năm 2012 muốn tiêu thụ tất cả các hàng hóa và dịch vụ với số lượng nhiều gấp sáu lần mức họ tiêu thụ vào năm 1913, họ cũng không thể làm được: thực vậy một số giá cả đã tăng lên nhanh hơn mức giá “trung bình”, trong khi một số khác đã tăng chậm hơn, do vậy sức mua không được tăng lên sáu lần đối với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ. Trong giai đoạn ngắn, vấn đề về “giá cả tương đối” trên có thể bỏ qua được, và ta có thể coi rằng chỉ số giá cả “trung bình” xác lập bởi các cơ quan hành chính quản lí kinh tế và thống kê cho phép ta đo lường chính xác sự tăng tiến sức mua. Nhưng trong giai đoạn dài, cấu trúc tiêu thụ và giá cả tương đối thường thay đổi sâu sắc; và những loại hàng hóa và dịch vụ mới có thể xuất hiện. Chỉ số giá cả trung bình không mang thông tin nào về bản chất của những sự chuyển biến trên cả: hạn chế này bất chấp những nỗ lực của các nhà thống kê trong việc đo lường sự cải thiện chất lượng sản phẩm và sự tinh vi của các kĩ thuật mà họ dùng nhằm xử lí hàng nghìn bản kê giá thu thập được.

15: SPTTN trung bình tại Châu Phi dưới Sahara vào năm 2012 là khoảng 2000 euro một người, tương đương với thu nhập trung bình 150 euro một tháng (xem chương 1, bảng T.1.1. Nhưng các nước nghèo nhất (ví du Congo-Kinshasa, Niger, Tchad, Ethiopia) có thu nhập ở mức thấp hơn hai-ba lần, và các nước giàu nhất (ví dụ Nam Phi) có thu nhập ở mức cao hơn hai-ba lần (gần với mức Bắc Phi). Xem phụ lục kĩ thuật.
16: Những ước lượng của Maddison (rất yếu cho giai đoạn này) gợi ý rằng thu nhập khởi điểm vào năm 1700 tại Châu Mĩ và Nhật thấp hơn mức trung bình kể trên (tức là gần với mức trung bình toàn cầu hơn là mức Tây Âu), do vậy sự tăng tiến thu nhập trung bình từ năm 1700 đến năm 2012 sẽ gần với mức nhân lên ba mươi lần hơn là hai mươi lần.
17: Trong giai đoạn dài, số giờ làm việc trung bình theo đầu người đã giảm đi xấp xỉ hai lần (vẫn có những sự khác biệt lớn giữa các nước), do vậy tăng trưởng năng suất cao hơn tăng trưởng sản phẩm theo đầu người cũng khoảng hai lần.
18: Xem bảng bổ sung S2.2 (có trên mạng).

[sau] [trước] [lên mức trên]