Nước Pháp thời sau chiến tranh: chủ nghĩa vốn mà không ai có vốn
[sau] [trước] [lên mức trên]
Giờ ta hãy ngược dòng lịch sử của cải công cộng để xem xét các sở hữu do cơ quan công quyền nắm giữ. So với lịch sử nợ công cộng, lịch sử sở hữu công cộng thoạt nhìn không náo động bằng.
Ta có thể nói đơn giản rằng tổng giá trị sở hữu công cộng tại Pháp cũng như tại Liên hiệp Anh trong giai đoạn dài đã tăng lên. Tại hai nước này, nó đã tăng từ gần 50% thu nhập quốc gia tại thế kỉ 18 và 19 lên khoảng 100% vào cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 (xem biểu đồ G3.3-G3.4).
Xấp xỉ mà nói, sự tăng tiến này tương ứng với việc vai trò kinh tế của Nhà nước đã được mở rộng một cách đều đặn trong tiến trình lịch sử. Đáng chú ý nhất là sự phát triển ngày càng rộng tại thế kỉ 20 của các dịch vụ công cộng trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe (việc này cần nhiều nhà cửa và thiết bị công cộng); của cơ sở hạ tầng công cộng và nửa công cộng trong lĩnh vực giao thông vận tải và viễn thông. Tại Pháp những dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng này được triển khai rộng hơn tại Liên hiệp Anh. Điều này có vẻ trùng với việc tổng giá trị sở hữu công cộng đầu những năm 2010 đạt gần mức 150% thu nhập quốc gia tại đất nước hình Lục lăng, so với chỉ 100% tại nước bên kia eo biển Manche.
Tuy nhiên cách nhìn đơn giản và phẳng lặng trên về sự tích lũy sở hữu công cộng trong giai đoạn dài đã bỏ qua một phần quan trọng của lịch sử thế kỉ vừa qua, đó là sự đóng góp đáng kể của sở hữu công cộng trong khu vực kinh tế công nghiệp và tài chính từ những năm 1950 đến những năm 1970 (theo sau giai đoạn đó kể từ những năm 1980-1990 là làn sóng cá nhân hóa những sở hữu công cộng nói trên). Ta quan sát thấy sự đảo lộn kép này (mặc dù biên độ khác nhau) tại hầu hết các nước phát triển cũng như tại một số lượng lớn các nước đang phát triển.
Trường hợp nước Pháp là rất đáng bàn. Để hiểu rõ hơn về trường hợp này, ta hãy quay lại quá khứ một chút. Tại Pháp cũng như tại tất cả các nước, lòng tin vào chủ nghĩa vốn cá nhân đã bị lung lay dữ dội bởi cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1930 và những dư chấn do cuộc khủng hoảng này gây ra. Cuộc “Suy thoái Lớn”, bùng phát vào tháng 10 năm 1929 với vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Wall Street, đã ập vào các nước giàu với sức tàn phá có một không hai: năm 1932, thất nghiệp gõ cửa một phần tư dân số trong độ tuổi lao động tại Mĩ cũng như tại Đức, tại Liên hiệp Anh cũng như tại Pháp. Học thuyết truyền thống “mạnh ai nấy làm”33 và chính sách cơ quan công quyền không can thiệp vào đời sống kinh tế - chiếm ưu thế tại tất cả các nước tại thế kỉ 19 và nhìn chung đến đầu những năm 1930 - đã bị mất tín nhiệm trong một giai đoạn dài. Gần như khắp nơi, ai cũng muốn nhảy sang chủ nghĩa Nhà nước can thiệp nhiều vào kinh tế hơn. Một cách khá logic, các chính phủ và các ý kiến công luận lúc đó đều muốn tính sổ với giới tinh túy tài chính và kinh tế - những người mà dã tâm làm giàu đã đẩy thế giới đến bờ vực thẳm. Người ta bắt đầu xem xét những dạng kinh tế “pha trộn”, thực thi nhiều mức độ khác nhau đối với quyền sở hữu công cộng các doanh nghiệp, bên cạnh những quyền sở hữu cá nhân truyền thống; hay chí ít là giám sát kinh tế một cách chặt chẽ, kiểm soát toàn bộ hệ thống tài chính và hệ thống vận hành của đồng vốn cá nhân.
Chiến thắng của Liên bang Soviet trong hàng ngũ phe Đồng minh năm 1945 một lần nữa đã làm tăng uy tín của hệ thống kinh tế Nhà nước bảo hộ đang được những người Bolshevik triển khai. Chẳng phải là hệ thống này đã cho phép một nước tụt hậu rõ rệt, nước mà năm 1917 mới vừa thoát khỏi chế độ nông nô, đồng lòng tiến lên công nghiệp hóa? Vào năm 1942, Joseph Schumpeter nhận định rằng chiến thắng của chủ nghĩa xã hội trước chủ nghĩa đồng vốn là không tránh khỏi. Vào năm 1970, khi Paul Samuelson tái bản lần thứ tám cuốn sách giáo khoa lừng danh của mình, ông vẫn dự báo rằng có khả năng SPTTN của Liên bang Soviet sẽ vượt qua SPTTN của Mĩ trong khoảng năm 1990 đến năm 200034.
Tại Pháp, không khí ngờ vực đối với chủ nghĩa vốn cá nhân này một lần nữa được củng cố vào năm 1945 bằng việc phần lớn giới tinh hoa kinh tế bị nghi ngờ hợp tác với quân Đức chiếm đóng và làm giàu bất chính từ năm 1940 đến năm 1944. Trong bầu không khí đầy kích động đó, các đợt sóng quốc gia hóa tài sản thời Giải phóng đã được phát động; chủ yếu động đến khu vực ngân hàng, mỏ than và công nghiệp ô tô, đặc biệt là vụ trừng phạt đình đám hãng xe Renault bằng cách quốc gia hóa các nhà máy: chủ sở hữu Louis Renault bị buộc phải chấm dứt tư cách cộng tác viên của hãng vào tháng 9 năm 1944, các nhà máy bị chính phủ tạm quyền trưng thu và bị quốc gia hóa vào tháng 1 năm 194535.
Vào năm 1950, theo những ước lượng hiện có, Pháp có tổng giá trị sở hữu công cộng vượt quá một năm thu nhập quốc gia. Do giá trị của nợ công cộng đã bị giảm rất nhiều bởi sự phồng giá cả, tài sản công cộng nét đã đạt gần một năm thu nhập, vào thời kì mà tổng tài sản cá nhân chỉ đạt suýt soát hai năm thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G3.6). Đây cũng vậy, ta không nên ảo tưởng về sự chính xác của các ước lượng nói trên: rất khó xác định giá trị của vốn trong một giai đoạn mà giá tài sản ở mức thấp trong lịch sử, và có thể là sở hữu công cộng đã được định giá hơi thấp hơn thực tế so với sở hữu cá nhân. Nhưng các độ lớn trên vẫn có ý nghĩa nhất định: vào năm 1950, cơ quan công quyền của Pháp sở hữu từ 25% đến 30% tổng tài sản quốc gia, hoặc tối đa là hơn thế một chút.
Đó là một phần sở hữu đáng kể, nhất là nếu ta nghĩ tới việc sở hữu công cộng gần như không động chạm đến nông nghiệp và những doanh nghiệp vừa và nhỏ, và rõ ràng luôn chiếm số ít (dưới 20%) trong bất động sản nhà ở. Trong những khu vực kinh tế công nghiệp và tài chính bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quá trình quốc gia hóa tài sản, phần sở hữu của Nhà nước trong tổng tài sản quốc gia đã vượt quá 50% từ những năm 1950 đến những năm 1970.
Mặc dù khá ngắn ngủi, kinh nghiệm lịch sử nêu trên là rất quan trọng để có thể hiểu được các quan điểm phức tạp đối với chủ nghĩa vốn cá nhân mà công luận Pháp duy trì cho đến ngày nay. Trong suốt giai đoạn Ba mươi năm huy hoàng, giai đoạn mà nước Pháp trong quá trình xây dựng lại đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế rất nhanh (nhanh nhất trong lịch sử đất nước), Pháp đã sống trong một hệ thống kinh tế pha trộn, một chủ nghĩa vốn mà không ai có vốn trong chừng mực nào đó, hay ít ra là một chủ nghĩa vốn Nhà nước trong đó các chủ sở hữu tư nhân đã thôi không kiểm soát các doanh nghiệp lớn nhất.
Những đợt sóng quốc gia hóa tài sản dĩ nhiên cũng đã xảy ra trong cùng giai đoạn này tại nhiều nước khác, trong đó có Liên hiệp Anh, nước cũng có giá trị sở hữu công cộng vượt quá một năm thu nhập quốc gia năm 1950, tức là ngang với mức của Pháp. Sự khác nhau là nợ công cộng của Anh lúc đó vượt quá hai năm thu nhập quốc gia, vì thế tài sản công cộng nét trong những năm 1950 đã ở mức âm rất nặng, và tài sản cá nhân đã cao lên đúng bằng từng đó. Tài sản công cộng cuối cùng cũng trở lại mức dương tại Liên hiệp Anh trong những năm 1960-1970, dù vậy vẫn không vượt qua được mức 20% tài sản quốc gia (thế cũng là khá nhiều rồi)36.
Đặc thù trong quĩ đạo của Pháp là sau khi trải qua những thời khắc vinh quang trong những năm 1950-1970, sở hữu công cộng đã rớt xuống mức đáy kể từ những năm 1980-1990, trong lúc đó tài sản cá nhân, bất động sản và tài chính đã đạt đến mức còn cao hơn tại Liên hiệp Anh: gần sáu năm thu nhập quốc gia vào đầu những năm 2010, tức là cao hơn tài sản công cộng hai mươi lần. Sau thời là đất nước của chủ nghĩa vốn Nhà nước trong những năm 1950, Pháp đã trở thành miền Đất hứa của một chủ nghĩa vốn mới - chủ nghĩa vốn coi trọng tài sản cá nhân của thế kỉ 21.
Càng choáng hơn khi thay đổi nói trên không được công nhận đúng như bản chất của nó. Phong trào cá nhân hóa tài sản, tự do hóa kinh tế và bỏ giám sát thị trường tài chính và dòng vốn - tác động đến toàn bộ thế giới kể từ những năm 1980 - có nguồn gốc đa dạng và phức tạp. Hồi ức về sự suy thoái những năm 1930 và những thảm họa tiếp sau đã lùi xa. Sự ngưng trệ-phồng giá những năm 1970 đã chỉ ra những giới hạn của sự đồng thuận chính sách theo quan điểm kinh tế kiểu Keynes thời sau chiến tranh. Quá trình mở rộng không giới hạn vai trò của Nhà nước và trưng dụng bắt buộc áp dụng trong những năm 1950-1970, với sự kết thúc của công cuộc xây dựng lại và của sự tăng trưởng kinh tế rất nhanh thời Ba mươi năm Huy Hoàng, đã được xem xét lại một cách khá tự nhiên. Phong trào bỏ giám sát kinh tế bắt đầu vào năm 1979-1980 với cuộc “Cách mạng phe bảo thủ” tại Mĩ và tại Liên hiệp Anh, hai nước mà người ta ngày càng khó chịu về việc bị các nước khác đuổi kịp (mặc dù quá trình rượt đuổi này nhiều phần là tự nó diễn ra một cách máy móc, như ta đã thấy trong chương 2). Cùng lúc đó, sự thất bại càng ngày càng hiển nhiên của mô hình kinh tế Nhà nước bảo hộ kiểu Soviet và kiểu Trung Quốc trong những năm 1970 đã buộc hai người khổng lồ theo chủ nghĩa vốn chung này tiến hành tự do hóa dần dần hệ thống kinh tế vào đầu những năm 1980, với việc đưa vào những quyền sở hữu mới: sở hữu cá nhân các doanh nghiệp.
Trong khung cảnh quốc tế thống nhất đó, cử tri Pháp vào năm 1981 đã thể hiện một định hướng hơi đi ngược thời đại (đúng là mỗi nước có một lịch sử riêng, một lịch trình chính trị riêng), bởi lẽ họ đã dựng lên một chính quyền mới với những người theo chủ nghĩa xã hội-vốn chung chiếm đa số; với chương trình chủ yếu là tăng cường quá trình quốc gia hóa tài sản trong khu vực ngân hàng và công nghiệp được khởi đầu năm 1945. Tuy nhiên khúc trung gian này chỉ diễn ra trong giai đoạn ngắn: ngay từ năm 1986, một tập hợp đa số gồm những người theo chủ trương tự do đã phát động một phòng trào cá nhân hóa tài sản rất lớn trong tất cả các khu vực kinh tế; phong trào này được tiếp tục và tăng cường vào năm 1988-1993 bởi một tập hợp đa số người theo chủ nghĩa xã hội. Hãng Renault trở thành một công ti vốn kết hợp vào năm 1990, cũng như cơ quan hành chính quản lí viễn thông được chuyển đổi thành France Télécom37 và bắt đầu mở bán phiếu góp vốn vào năm 1997-1998. Trong hoàn cảnh tăng trưởng chậm lại, tỉ lệ thất nghiệp cao và thiếu hụt ngân sách lớn, bán dần các phần sở hữu công cộng trong những năm 1990-2000 đã giúp mang lại một số khoản thu phụ cho các chính phủ nối tiếp nhau, dù vẫn không ngăn được việc nợ công cộng tăng đều đặn. Tài sản công cộng nét rớt xuống mức cực kì thấp. Trong lúc đó, tài sản cá nhân từ từ quay lại mức mà nó đã từng đạt được trước các biến cố thế kỉ 20. Như thế là nước Pháp, dù không thực sự hiểu tại sao, đã hoàn toàn chuyển biến cấu trúc tài sản nước mình hai lần liền, theo những hướng trái ngược nhau trong thế kỉ vừa qua.
[sau] [trước] [lên mức trên]