Phân phối thu nhập từ vốn: luôn bất bình đẳng hơn từ làm việc
[sau] [trước] [lên mức trên]
Trong thực tế, khi đo lường bất bình đẳng thu nhập, ta nhận thấy bất bình đẳng từ vốn luôn mạnh hơn rất nhiều so với bất bình đẳng từ làm việc. Sự phân bố sở hữu vốn và thu nhập từ vốn luôn luôn tập trung hơn sự phân bố thu nhập từ làm việc.
Hai việc sau đáng được nói rõ ngay. Đầu tiên, trong khuôn khổ số liệu có được, ta gặp hiện tượng này tại tất cả các nước và tất cả các thời kì, không có ngoại lệ, và lần nào cũng rất chắc nặng. Để hình dung ra độ lớn sơ bộ, 10% những người có thu nhập từ làm việc cao nhất nói chung nhận khoảng 25%-30% tổng thu nhập từ làm việc, trong khi đó 10% những người có tài sản lớn nhất luôn sở hữu hơn 50% tổng tài sản, và đôi khi lên tới tận 90% tại một số nước. Hoặc nói có vẻ thuận hơn, 50% những người được trả thấp nhất luôn nhận được một phần không nhỏ trong tổng thu nhập từ làm việc (nhìn chung từ một phần tư đến một ba, xấp xỉ bằng với 10% thu nhập cao nhất), trong khi đó 50% những người nghèo nhất xét theo tài sản sẽ mãi mãi không sở hữu gì - hoặc gần như không sở hữu gì (luôn thấp hơn 10% tổng tài sản, và nói chung thấp hơn 5%, tức là thấp hơn mười lần so với 10% những người giàu nhất). Bất bình đẳng từ làm việc thường là các bất bình đẳng nhẹ nhàng, chừng mực, gần như hợp lí (thế mới có thể được gọi là bất bình đẳng - và ta sẽ thấy là điểm này phải được bàn bạc một cách rất chừng mực). So sánh tương đối, bất bình đẳng từ vốn luôn là các bất bình đẳng cực độ.
Tiếp theo, ta phải nhấn mạnh ngay rằng hiện tượng trên tự thân nó không hề là một hiện tượng đơn giản, và nó cho ta biết một cách khá chính xác về bản chất của các quá trình kinh tế và xã hội liên quan đến sự vận động của tích lũy và phân bố tài sản.
Thật vậy, ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra các cơ chế dẫn đến việc tài sản được phân bố bình đẳng hơn khi so sánh với thu nhập từ làm việc. Ví dụ, giả sử rằng tại một thời điểm cho trước thu nhập từ làm việc không những phản ánh bất bình đẳng tiền lương dài hạn giữa các nhóm người lao động khác nhau - tùy theo mức độ lành nghề và vị trí cấp bậc của từng người -, mà còn phản ánh các cú sốc ngắn hạn (ví dụ tiền lương hoặc thời gian làm việc trong các khu vực kinh tế khác nhau biến động mạnh từ năm này sang năm khác hay trong quá trình sự nghiệp của từng người). Kết quả là bất bình đẳng thu nhập từ làm việc tại thời điểm đó sẽ rất mạnh, nhưng có phần giả tạo, bởi lẽ nó sẽ giảm đi nếu ta đo lường trên giai đoạn dài hơn, ví dụ trong vòng mười năm chứ không phải một năm duy nhất (như thường được làm do thiếu các số liệu cho giai đoạn dài hơn), hay thậm chí trên toàn bộ đời người (sẽ là lí tưởng để tiến hành nghiên cứu nghiêm túc về các bất bình đẳng cơ hội và số phận mà Vautrin đã nói tới, nhưng không may, thường rất khó đo lường được các con số này).
Trong một xã hội như vậy, tích lũy tài sản có thể sẽ diễn ra chủ yếu dưới lí do đề phòng tình huống xấu (người ta tích trữ để dự trù cho một biến cố xấu trong tương lai). Trong trường hợp này bất bình đẳng tài sản sẽ thấp hơn bất bình đẳng thu nhập từ làm việc. Ví dụ, bất bình đẳng tài sản có thể sẽ có cùng độ lớn với bất bình đẳng thu nhập từ làm việc dài hạn (được đo trên toàn bộ quá trình sự nghiệp), và như vậy sẽ thấp hơn hẳn so với bất bình đẳng thu nhập từ làm việc tức thời (được đo tại một thời điểm nhất định). Dưới góc độ logic, những việc trên đều có khả năng xảy ra, nhưng có vẻ không sát thực tế lắm, bởi lẽ khắp nơi bất bình đẳng tài sản luôn lớn hơn bất bình đẳng thu nhập từ làm việc rất nhiều. Sự tích trữ đề phòng biến cố xấu ngắn hạn đúng là có tồn tại trong thế giới thật, nhưng đó có vẻ không phải là cơ chế chính cho phép giải thích thực trạng tích lũy và phân bố tài sản.
Ta cũng có thể tưởng tượng ra những cơ chế dẫn đến việc bất bình đẳng tài sản có biên độ tương đồng với bất bình đẳng thu nhập. Đặc biệt, nếu sự tích lũy tài sản chủ yếu để chuẩn bị cho các chu trình cuộc sống7 (người ta tích lũy để dùng lúc nghỉ hưu), như Modigliani đã lí thuyết hóa, mỗi người sẽ tích lũy một số vốn gần như tỉ lệ với mức lương của họ, để có thể xấp xỉ giữ vững (hoặc giữ theo tỉ lệ) mức sống của mình sau khi ngừng làm việc. Trong trường hợp này, bất bình đẳng tài sản đơn giản sẽ là bất bình đẳng thu nhập trượt đi theo thời gian, và tự nó chỉ có tầm quan trọng hạn chế, bởi lẽ nguồn gốc thật sự duy nhất của bất bình đẳng xã hội sẽ là bất bình đẳng từ làm việc.
Một lần nữa, một cơ chế có tính lí thuyết như trên là hợp lí về mặt logic và có thể đóng vai trò không nhỏ trong thế giới thực - nhất là trong các xã hội đang già đi. Nhưng dưới góc độ định lượng, đó không phải là cơ chế chính: tiết kiệm cho chu trình cuộc sống, cũng như tiết kiệm đề phòng tình huống xấu không cho phép giải thích sự tập trung cao độ của sở hữu vốn mà ta quan sát thấy trong thực tế. Những người có tuổi về trung bình dĩ nhiên là giàu hơn những người trẻ; nhưng sự tập trung tài sản xét trong từng nhóm tuổi là gần ngang với sự tập trung tài sản xét trong toàn thể dân số. Nói cách khác, ngược lại với một ý kiến phổ biến, xung đột tuổi tác đã không thay thế xung đột tầng lớp. Sự tập trung vốn cao độ chủ yếu đến từ độ lớn của tài sản thừa kế và các hiệu ứng tích lũy của nó (ví dụ, sẽ dễ tiết kiệm hơn khi người ta được thừa kế một căn hộ và không phải trả tiền thuê nhà). Việc tiền lãi trên tài sản thường có giá trị cực cao cũng đóng vai trò đáng kể trong quá trình động nói trên. Lát nữa trong phần thứ ba này, ta sẽ trở lại bàn chi tiết về các cơ chế khác nhau và nghiên cứu xem độ lớn của chúng đã tiến triển trong không gian và thời gian như thế nào. Ngay lúc này, ta hãy nhớ đơn giản là biên độ của bất bình đẳng từ vốn - xét một cách tuyệt đối hay một cách tương đối với bất bình đẳng thu nhập từ làm việc - hướng rõ rệt theo một số cơ chế nhất định.
[sau] [trước] [lên mức trên]