Quá nhiều vốn giết chết vốn
[sau] [trước] [lên mức trên]
Quá nhiều vốn giết chết vốn: bất kể các thể chế và luật lệ chi phối sự phân chia vốn-làm việc, qui luật tự nhiên là sản lượng lề của vốn sẽ giảm đi khi dự trữ vốn tăng lên. Ví dụ, nếu mỗi người lao động nông nghiệp đã có hàng nghìn hectare đất vỡ hoang rồi, thì rất có thể tỉ lệ lãi bổ sung đến từ một hectare đất nữa sẽ là hạn chế. Cũng như vậy, nếu một nước đã xây rất nhiều nhà ở với số lượng khủng rồi, đến mức mà mỗi người dân có hàng trăm mét vuông để ở, thì độ tăng lên của sự tiện nghi do một tòa nhà mới mang lại - được đo bằng phần tiền thuê cộng thêm mà người ta sẵn sàng trả để được ở trong tòa nhà đó - chắc hẳn sẽ rất thấp. Tình hình cũng như vậy đối với tất cả các thể loại máy móc và thiết bị: sản lượng lề sẽ giảm đi, ít nhất là sau một ngưỡng nào đó (có thể sẽ cần một số lượng công cụ tối thiểu để bắt đầu sản xuất, nhưng xu hướng này bắt buộc sẽ phải đảo chiều). Ngược lại, trong một nước mà một số lượng dân cư khổng lồ phải chia sẻ một quĩ đất trồng trọt ít ỏi, một số lượng nhà cửa hiếm hoi và vài công cụ lẻ tẻ, thì sản lượng lề của bất kể một đơn vị vốn bổ sung nào một cách tự nhiên sẽ rất cao, và những người chủ vốn bẫm chắc chắn sẽ không quên tận dụng cơ may này.
Vì thế câu hỏi thú vị ở đây không phải là liệu sản lượng lề của vốn có giảm đi khi dự trữ vốn tăng lên không (đó là một việc hiển nhiên), mà đúng hơn nó sẽ giảm đi theo nhịp độ nào. Đặc biệt, vấn đề chính là làm thế nào để xác định được biên độ giảm của tỉ lệ lãi trung bình trên vốn r (giả sử rằng nó bằng với sản lượng lề của vốn) khi tỉ số vốn/thu nhập β tăng lên. Hai trường hợp có thể xảy ra. Nếu tỉ lệ lãi trên vốn r rớt xuống nhanh hơn tỉ số vốn/thu nhập tăng lên (ví dụ nếu tỉ lệ lãi giảm đi hơn hai lần khi tỉ số vốn/thu nhập chỉ tăng lên gấp đôi), thì có nghĩa là phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia α = r × β sẽ giảm khi β tăng. Nói cách khác, sự giảm sút của tỉ lệ lãi trên vốn thừa sức bù lại sự tăng lên của tỉ số vốn/thu nhập. Đảo lại, nếu tỉ lệ lãi r rớt xuống chậm hơn tỉ số vốn/thu nhập tăng lên (ví dụ nếu tỉ lệ lãi giảm đi chưa đến hai lần khi tỉ số vốn/thu nhập tăng lên gấp đôi), thì có nghĩa là phần thu nhập từ vốn α = r × β sẽ tăng lên khi β tăng. Trong trường hợp này, sự chuyển động của tỉ lệ lãi đơn giản chỉ có hiệu ứng làm mềm đi sự tiến triển của phần thu nhập từ vốn so với sự tiến triển của tỉ số vốn/thu nhập.
Theo các tiến trình lịch sử từng thấy tại Liên hiệp Anh và Pháp, trường hợp thứ hai có vẻ phù hợp hơn: phần thu nhập từ vốn α đã đi theo tiến trình chung hình chữ U giống như tỉ số vốn/thu nhập β (đạt mức cao vào thế kỉ 18 và thế kỉ 19, rớt xuống vào giữa thế kỉ 20, rồi lên lại vào cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21). Tiến trình của tỉ lệ lãi trung bình trên vốn r dĩ nhiên đã làm biên độ của đường cong hình chữ U này giảm mạnh: tỉ lệ lãi đã ở mức đặc biệt cao ngay sau Chiến thanh thế giới thứ hai, khi mà vốn không mấy dồi dào (tuân theo nguyên tắc sản lượng lề giảm dần). Nhưng hiệu ứng này không đủ mạnh để đảo ngược chiều đường cong hình chữ U của tỉ số vốn/thu nhập β và biến phần thu nhập từ vốn α đi theo một đường cong hình chữ U ngược.
Tuy nhiên, ta cần nhấn mạnh rằng cả hai trường hợp trên đều có thể xảy ra dưới góc độ lí thuyết. Tất cả phụ thuộc vào sự lên xuống của công nghệ, hay chính xác hơn là sự đa dạng của các kĩ thuật cho phép kết hợp vốn và làm việc nhằm sản xuất ra các loại hàng hóa dịch vụ được tiêu thụ trong xã hội. Để tư duy về các vấn đề nói trên, các nhà kinh tế học thường sử dụng khái niệm “hàm số sản lượng”: đó là một công cụ toán học cho phép tóm tắt một cách tổng hợp trạng thái các kĩ thuật sản xuất khả dĩ trong một xã hội cho trước. Một hàm số sản lượng thường được đặc trưng bởi một độ dẻo thay thế giữa vốn và làm việc - khái niệm đo đạc mức độ dễ dàng của việc thay thế (hay hoán đổi) làm việc bằng vốn trong quá trình sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ.
Ví dụ, một độ dẻo thay thế bằng 0 tương ứng với một hàm số sản lượng có hệ số cố định hoàn toàn: cần chính xác một hectare đất và một công cụ trên một người lao động nông nghiệp (hay chính xác một cỗ máy trên một công nhân công nghiệp), không hơn, không kém. Nếu chẳng may mỗi người lao động có thừa chỉ đúng một phần trăm hectare đất hoặc công cụ, anh ta cũng không dùng được chúng vào việc gì có ích cả, và sản lượng lề của đơn vị vốn bổ sung này sẽ chính xác bằng 0. Cũng như vậy, nếu có thêm một người lao động thừa ra so với dự trữ vốn có được, ta cũng không thể cho người này làm được mảy may việc gì cả.
Đảo lại, một độ dẻo thay thế vô cùng lớn có nghĩa là sản lượng lề của vốn và của làm việc là hoàn toàn độc lập với số lượng vốn và lao động hiện có. Đặc biệt, tỉ lệ lãi trên vốn là cố định và không phụ thuộc và số lượng vốn: lúc nào cũng có thể tích lũy thêm vốn và tăng sản lượng theo phần trăm cố định, ví dụ 5% hay 10% một năm trên một đơn vị vốn bổ sung. Ta có thể nghĩ tới một nền kinh tế được robot hóa hoàn toàn, nơi mà ta có thể để vốn tự làm việc và tăng sản lượng một cách vô hạn.
Không có trường hợp nào trong hai trường hợp cực độ trên là thật sự có lí: trường hợp đầu quá thiếu óc tưởng tượng, trường hợp thứ hai lạc quan quá trớn về công nghệ (hay bi quan quá trớn về loài người, tùy quan điểm). Câu hỏi chính đáng ở đây là liệu độ dẻo thay thế giữa làm việc và vốn là lớn hơn hay nhỏ hơn 1. Nếu độ dẻo nằm trong khoảng giữa 0 và 1, thì tỉ số vốn/thu nhập β tăng lên sẽ kéo theo sản lượng lề của vốn giảm đi đủ mạnh để làm phần thu nhập từ vốn α = r × β giảm đi (giả sử rằng tỉ lệ lãi trên vốn bằng với sản lượng lề)16. Nếu độ dẻo lớn hơn 1, thì trái lại tỉ lệ vốn/thu nhập β tăng lên sẽ kéo theo sản lượng lề của vốn giảm đi một cách hạn chế, để cuối cùng phần thu nhập từ vốn α = r×β sẽ tăng lên (vẫn giả sử rằng tỉ lệ lãi trên vốn bằng với sản lượng lề)17. Trong trường hợp độ dẻo chính xác bằng 1, hai hiệu ứng nói trên bù trừ nhau một cách hoàn hảo: tỉ lệ lãi trên vốn r giảm đi cùng tốc độ với tỉ số vốn/thu nhập β tăng lên, để cuối cùng tích số α = r ×β vẫn giữ nguyên không thay đổi.
[sau] [trước] [lên mức trên]