Qui luật cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa đồng vốn: α=r×β

[sau] [trước] [lên mức trên]

Bây giờ ta có thể trình bày qui luật cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa đồng vốn - qui luật cho phép gắn dự trữ vốn với dòng thu nhập từ vốn. Thật vậy, tỉ số vốn/thu nhập β được liên hệ một cách rất đơn giản với phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia, phần này được kí hiệu là α, qua công thức sau:

α = r × β

Ở đó r là tỉ lệ lãi trung bình trên vốn.

Ví dụ, nếu β = 600%r = 5%, thì α = r×β = 30%21.

Nói cách khác, nếu tài sản chiếm tương đương sáu năm thu nhập quốc gia trong một xã hội nhất định, và nếu tỉ lệ lãi trung bình từ vốn là 5% một năm, thì phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia là 30%.

Công thức α = r ×β là một đẳng thức có tính thuần túy kế toán. Nó mặc nhiên áp dụng được cho tất cả các xã hội và tất cả các thời kì. Mặc dù đúng một cách tự thân tự tại, nó vẫn phải được xem như là qui luật cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa đồng vốn, bởi nó cho phép liên hệ một cách đơn giản và trong sáng ba khái niệm quan trọng nhất trong phân tích về hệ thống chủ nghĩa đồng vốn: tỉ số vốn/thu nhập, phần thu nhập từ vốn trong tổng thu nhập, và tỉ lệ lãi trên vốn.

Tỉ lệ lãi trên vốn là một quan niệm trung tâm trong nhiều lí thuyết kinh tế học, đặc biệt trong phân tích kinh tế kiểu Marx, với giả thuyết về một xu hướng giảm sút của tỉ lệ lợi nhuận. Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, dự đoán lịch sử này là rất sai lầm, mặc dù nó chứa đựng một trực quan thú vị. Khái niệm này cũng đóng một vai trò trung tâm trong tất cả các lí thuyết khác. Trong mọi trường hợp, tỉ lệ lãi trên vốn đo lường thu nhập mà đồng vốn mang lại trong vòng một năm, bất kể dưới hình thức pháp lí nào (lợi nhuận, tiền thuê tài sản, lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, tiền phí, giá trị thêm, v.v), được biểu diễn theo phần trăm của giá trị vốn ban đầu. Vì vậy nó là một khái niệm rộng hơn khái niệm “tỉ lệ lợi nhuận”22, và rộng hơn rất nhiều khái niệm “tỉ lệ lãi trên vốn vay”23, mặc dù khái niệm “tỉ lệ lãi trên vốn” bao phủ cả hai khái niệm sau.

Tất nhiên, tỉ lệ lãi có thể thay đổi rất nhiều tùy theo loại hình đầu tư và đặt tiền. Một số doanh nghiệp có thể sinh ra tỉ lệ lãi cao hơn 10% một năm, hoặc thậm chí lớn hơn, trong khi một số khác thì thua lỗ (tỉ lệ lãi âm). Tỉ lệ lãi trung bình của phiếu góp vốn trong giai đoạn dài đạt 7%-8% tại nhiều nước. Để tiền vào bất động sản và giấy ghi nợ có tỉ lệ lãi thường không quá 3%-4%, và tỉ lệ lãi thực trên nợ công cộng đôi khi còn thấp hơn. Công thức α = r × β không đem lại thông tin nào về những điểm tế nhị đó. Nhưng nó cho biết ba khái niệm trên liên hệ lẫn nhau như thế nào; điều này thôi cũng đã giúp định rõ khuôn khổ cho các cuộc thảo luận rồi.

Ví dụ, tại những nước giàu những năm 2010, ta thấy rằng thu nhập từ vốn (lợi nhuận, tiền lãi, lợi nhuận trên vốn góp, tiền thuê tài sản, v.v) nói chung lên khoảng 30% thu nhập quốc gia. Với tỉ số tài sản/thu nhập khoảng 600%, ta suy ra tỉ lệ lãi trên vốn trung bình vào khoảng 5%.

Cụ thể, thu nhập quốc gia khoảng 30000 euro một người hiện nay tại những nước giàu bao gồm xấp xỉ 21000 euro thu nhập từ làm việc (70%) và 9000 euro thu nhập từ vốn (30%). Mỗi người dân sở hữu tài sản trung bình 180000 euro, và thu nhập từ vốn 9000 euro, như vậy họ nhận được tỉ lệ lãi trung bình 5% một năm.

Đây cũng vậy, những con số kể trên chỉ là trung bình mà thôi: một số người nhận thu nhập từ vốn cao hơn 9000 euro một năm rất nhiều, trong khi một số khác không được đồng nào, và chấp nhận trả tiền thuê tài sản cho chủ sở hữu hoặc tiền lãi cho chủ nợ. Có những sự khác biệt không nhỏ giữa các nước, chưa nói đến các khó khăn thực tế và khái niệm mà việc đo lường phần thu nhập từ vốn đặt ra (có nhiều loại thu nhập - đặc biệt là thu nhập từ việc làm không lương và thu nhập “tự thân” - mà ta rất khó phân tách chính xác đâu là phần từ vốn và đâu là phần từ làm việc). Điều này đôi khi làm sai lạc các phép so sánh. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ phương pháp ít nhược điểm nhất cho phép đo lường phần thu nhập từ vốn là áp dụng một tỉ lệ lãi trung bình hợp lí lên tỉ số vốn/làm việc. Ta sẽ thảo luận chi tiết về những điểm tế nhị và chủ chốt này trong phần sau của sách. Ngay lúc này, những số độ lớn kể trên (β = 600% = 30%,r = 5%) có thể được xem như những điểm dấu mốc có ích.

Để cố định ý tưởng, ta có thể nhớ là tỉ lệ lãi trung bình của đất đai trong xã hội nông thôn tiêu biểu vào khoảng 4%-5%. Trong tiểu thuyết của Jane Austen và Balzac, việc tiền lãi hàng năm của vốn đất đai (hoặc giấy ghi nợ công cộng) vào khoảng 5% giá trị vốn (nói cách khác, giá trị vốn tương đương với khoảng hai mươi năm tiền lãi hàng năm), là một sự thật hiển nhiên, đến nỗi mà các tác giả trên thường bỏ qua không cần nói hẳn số tiền này ra. Người đọc biết rõ rằng cần phải có vốn khoảng 1 triệu franc để thu 500000 franc tiền lãi hàng năm. Đối với những nhà tiểu thuyết thế kỉ 19 cũng như bạn đọc thời đó, sự tương đương giữa tài sản và tiền lãi hàng năm là lẽ tất nhiên, và họ liên tục đi từ thước đo này qua thước đo khác mà không cần một qui trình chuyển đổi nào cả, như thể là họ đang dùng những bản ghi hoàn toàn cùng nghĩa, hay hai ngôn ngữ song song mà ai cũng hiểu.

Ta cũng gặp cùng loại lãi này (khoảng 4%-5%) đối với bất động sản thời đầu thế kỉ 21 (đôi khi thấp hơn chút, đặc biệt khi giá nhà đất đã tăng lên cao mà tiền thuê vẫn chưa theo kịp). Ví dụ, đầu những năm 2010, một căn hộ lớn có giá 1 triệu euro ở Paris cho thuê được hơn 2500 euro một tháng chút xíu, tức là 30000 euro tiền thuê hàng năm, tương đương với lãi hàng năm chỉ khoảng 3% cho chủ nhà. Dù vậy đây vẫn là một khoản chi lớn cho một người đi thuê nhà chỉ có nguồn thu nhập từ làm việc (mong cho người này có lương cao), và là nguồn thu nhập đáng giá cho chủ sở hữu. Tin xấu (hoặc tin tốt, tùy quan điểm) là lúc nào tình hình cũng như vậy từ trước đến nay, và thậm chí mức tiền thuê này nói chung đang có xu hướng tăng lên để tiến đến mức lãi khoảng 4% một năm (trong ví dụ kể trên nó tương đương với khoảng 3000 euro - 3500 euro tiền thuê hàng tháng, tức là 40000 euro tiền thuê hàng năm). Nên rất có khả năng là trong tương lai tiền thuê nhà của người này sẽ tăng lên. Ngoài ra, đối với chủ sở hữu, tiền thuê này có thể còn được bổ sung bằng khả năng tài sản có giá trị thêm trong giai đoạn dài. Ta cũng gặp cùng mức lãi này, đôi khi cao hơn chút, cho các căn hộ nhỏ hơn. Một căn hộ có giá 100000 euro có thể cho thuê được 400 euro một tháng, tức là gần 5000 euro một năm (5%). Sở hữu một tài sản như thế và quyết định ở luôn tại đó cũng cho phép tiết kiệm tiền thuê và dùng khoản tiền này vào việc khác, đằng nào cũng như nhau.

Đối với vốn đầu tư vào các doanh nghiệp (bản chất là rủi ro hơn) lãi trung bình thường cao hơn. Giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết nói chung từ mười hai đến mười lăm năm thu nhập, tương ứng với tỉ lệ lãi hàng năm (thông thường trước thuế) khoảng giữa 6% và 8%.

Công thức α = r ×β cho phép phân tích tầm quan trọng của vốn trên phạm vi toàn bộ một nước, hay ngay cả trên toàn thế giới. Nhưng nó cũng có thể được dùng để nghiên cứu tài khoản của một doanh nghiệp nhất định. Ví dụ, ta hãy xét một doanh nghiệp sử dụng vốn (văn phòng, thiết bị, máy móc) có giá trị 5 triệu euro, sản phẩm hàng năm đạt 1 triệu euro - sản phẩm này được chia thành 600000 euro cho khối tiền lương và 400000 euro cho lợi nhuận24. Tỉ số vốn/sản phẩm của doanh nghiệp này là β = 5 (vốn tương đương với năm năm sản phẩm), phần thu nhập từ vốn trong tổng sản phẩm của nó là α = 40%, và tỉ lệ lãi trên vốn là r = 8%.

Ta hãy tưởng tưởng một công ti khác sử dụng ít vốn hơn (3 triệu euro), nhưng sản xuất ra cùng lượng sản phẩm (1 triệu euro) và sử dụng nhiều lao động hơn (700000 euro tiền lương, 300000 euro lợi nhuận). Đối với công ti này, ta có: β = 3 = 30%,r = 10%. Doanh nghiệp thứ hai này ít đậm đặc vốn hơn so với doanh nghiệp thứ nhất, nhưng lại sinh lợi nhiều hơn (tỉ lệ lãi trên vốn của nó lớn hơn thấy rõ).

Tại tất cả các nước, những số độ lớn β, αr dao động rất mạnh tùy theo doanh nghiệp. Một số lĩnh vực cần cường độ vốn cao hơn - ngành luyện kim và ngành năng lượng cần cường độ vốn cao hơn ngành may mặc hoặc ngành nông-thực phẩm, và công nghiệp cần cường độ vốn cao hơn dịch vụ. Cũng có những khác biệt đáng kể trong các những doanh nghiệp thuộc cùng lĩnh vực, tùy thuộc vào sự lựa chọn kĩ thuật sản xuất và định vị trên thị trường. Độ lớn của β, αr tại các nước khác nhau cũng phụ thuộc vào tầm quan trọng một mặt của bất động sản nhà ở và mặt khác của nguồn tài nguyên thiên nhiên tại nước đó.

Nhân tiện ta nhấn mạnh rằng qui luật α = r ×β không cho ta biết làm thế nào để xác định ba số độ lớn này, và đặc biệt là làm thế nào để xác định tỉ số vốn/thu nhập trên phạm vi một nước - tỉ số có thể nói là đo lường cường độ vốn của một xã hội nhất định. Để tiến lên theo hướng nghiên cứu này, ta cần phải đưa vào dùng những cơ chế và khái niệm khác, đặc biệt là tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư, và tỉ lệ tăng trưởng. Điều này sẽ dẫn đến qui luật cơ bản thứ hai của chủ nghĩa đồng vốn, theo đó tỉ số β của một xã hội nhất định càng cao khi tỉ lệ tiết kiệm càng lớn và khi tỉ lệ tăng trưởng càng nhỏ. Ta sẽ gặp lại qui luật này trong những chương sau. Ngay bây giờ, qui luật α = r × β đơn giản cho thấy rằng dưới bất kể các lực kéo kinh tế, xã hội, chính trị nào - dù chúng định đoạt độ lớn của tỉ số vốn/thu nhập β, của phần thu nhập từ vốn α và tỉ lệ lãi r, ba số độ lớn này không thể được cố định một cách độc lập với nhau. Nói một cách trừu tượng, ta có hai bậc tự do, chứ không phải ba25.

21: Công thức α = r × β được đọc là “α bằng r nhân β”. Ngoài ra, “β = 600%” tương đương với “β = 6”, cũng như α = 30%” tương đương với “α = 0,30”, và “r = 5%” tương đương với “r = 0,05”.
22: Ta sẽ ưu tiên dùng “tỉ lệ lãi trên vốn” hơn là “tỉ lệ lợi nhuận”, thứ nhất là vì lợi nhuận chỉ là một trong các hình thức pháp lí của thu nhập từ vốn, thứ hai là vì cụm từ “tỉ lệ lợi nhuận” thường được dùng một cách mơ hồ, đôi khi để chỉ chính tỉ lệ lãi trên vốn, đôi khi được dùng (sai) để chỉ phần lợi nhuận trong thu nhập hoặc sản xuất (nghĩa là để chỉ α chứ không phải r, hai khái niệm rất khác nhau). Cũng có khi người ta dùng cụm từ “tỉ lệ lề” để chỉ phần lợi nhuận α.
23: Tiền lãi trên vốn vay là một dạng rất đặc biệt của thu nhập từ vốn, và kém tiêu biểu hơn so với chẳng hạn như lợi nhuận, tiền thuê tài sản hay lợi nhuận trên vốn góp (do đặc điểm của thành phần trung bình của vốn, những khoản vừa nêu làm nên những khối lượng tài sản lớn hơn tiền lãi trên vốn vay rất nhiều). Vì vậy “tỉ lệ lãi trên vốn vay” (có giá trị rất khác nhau tùy thuộc vào đặc tính của người đi vay) là không tiêu biểu cho tỉ lệ lãi trên vốn trung bình - tỉ lệ lãi trên vốn vay thường thấp hơn rõ rệt. Khái niệm này rất có ích cho việc phân tích một loại tài sản rất đặc biệt đó là nợ công cộng.
24: Sản lượng hàng năm mà ta nói đến ở đây tương ứng với cái người ta đôi khi gọi là “giá trị cộng thêm” của doanh nghiệp, nghĩa là sự khác nhau giữa kết quả bán hàng và dịch vụ (“doanh số”) và chi tiêu mua hàng và sản phẩm từ các doanh nghiệp khác (“tiêu dùng trung gian”). Giá trị cộng thêm đo lường sự đóng góp của doanh nghiệp vào sản phẩm trong nước của nước đó. Theo định nghĩa, giá trị cộng thêm cũng đo lường khoản tiền mà doanh nghiệp có để trả lương và số vốn được huy động để tạo ra sản lượng này. Ở đây ta vừa nói đến giá trị cộng thêm nét đi sự xuống giá của vốn (nghĩa là sau khi bớt đi những khoản chi tiêu liên quan đến sự hao mòn của vốn và thiết bị) và lợi nhuận nét đi sự xuống giá của vốn.
25: người dịch. Khái niệm “bậc tự do” thường gặp trong toán học. Nói ngắn gọn, một tập hợp n số được gọi là có m n bậc tự do nếu từ bất kì một tập hợp con m phần tử nào, ta có thể xác định hoàn toàn tập hợp n phần tử ban đầu.

[sau] [trước] [lên mức trên]