Rộng hơn Cobb-Douglas: vấn đề về sự ổn định trong phân chia vốn-làm việc
[sau] [trước] [lên mức trên]
Trường hợp trung gian vừa nhắc đến với độ dẻo thay thế chính xác bằng 1 ứng với một hàm số sản lượng được gọi là hàm số “Cobb-Douglas”, dựa theo tên của nhà kinh tế học Cobb và Douglas, người đã lần đầu tiên đề xuất hàm số này vào năm 1928. Hàm số sản lượng Cobb-Douglas được đặc trưng bởi tính chất sau: dù có gì xảy ra đi nữa, đặc biệt là bất kể số lượng vốn và lao động có lớn đến đâu đi nữa, thì phần thu nhập từ vốn luôn luôn bằng với một hệ số cố định α, số này có thể được xem như một tham số có tính thuần túy công nghệ18.
Ví dụ, nếu α = 30%, thì dù tỉ số vốn/thu nhập có giá trị nào đi nữa, thu nhập từ vốn vẫn sẽ chiếm 30% thu nhập quốc gia (và thu nhập từ làm việc chiếm 70%). Nếu tỉ lệ tiết kiệm và tăng trưởng của nước đang xét khiến tỉ số vốn/thu nhập dài hạn β = s∕g bằng với sáu năm thu nhập quốc gia, thì tỉ lệ lãi trên vốn sẽ là 5% (sao cho phần thu nhập từ vốn đạt 30%). Nếu dự trữ vốn dài hạn chỉ bằng ba năm thu nhập quốc gia, thì tỉ lệ lãi trên vốn sẽ lên 10%. Và nếu tỉ lệ tiết kiệm và tăng trưởng khiến dự trữ vốn bằng mười năm thu nhập quốc gia, thì tỉ lệ lãi sẽ rơi xuống 3%. Trong mọi trường hợp, phần thu nhập từ vốn vẫn luôn là 30%.
Hàm số Cobb-Douglas đã trở nên rất phổ biến trong các sách giáo khoa môn kinh tế học thời sau Chiến tranh thế giới thứ hai (nhất là trong giáo trình của Samuelson), một phần vì những lí do tốt, nhưng phần khác cũng vì những lí do xấu: đó là vì tính rất đơn giản của hàm số này (các nhà kinh tế học yêu thích các câu chuyện đơn giản, ngay cả khi nó chỉ chính xác một cách xấp xỉ), và nhất là vì sự ổn định trong phân chia vốn-làm việc đem đến một cách nhìn khá hiền dịu và hài hòa về trật tự xã hội. Trong thực tế, sự ổn định của phần thu nhập từ vốn này - giả sử là nó được xác nhận là đúng - không hề bảo đảm chút nào cho sự hài hòa xã hội: nó có thể cùng tồn tại một cách hoàn hảo với một sự bất bình đẳng cực độ không đỡ được trong quyền sở hữu vốn và trong sự phân bố thu nhập. Và ngược lại với một ý kiến hay gặp, sự ổn định của phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia không hề kéo theo sự ổn định của tỉ số vốn/thu nhập - tỉ số này hoàn toàn có thể có các giá trị rất khác nhau theo từng giai đoạn và theo từng nước - điều có thể gây ra chẳng hạn là những mất cân bằng rất mạnh trong quyền sở hữu vốn trên phạm vi quốc tế.
Nhưng điểm mà ta phải nhấn mạnh ở đây là thực tế lịch sử phức tạp hơn rất nhiều so với những gì mà một sự ổn định hoàn hảo của phân chia vốn-làm việc có thể mang lại. Đôi khi giả thuyết Cobb-Douglas là một phép xấp xỉ tốt cho một số giai đoạn nhỏ hoặc cho một số khu vực kinh tế, và trong mọi trường hợp nó là một điểm khởi đầu có ích để tiến hành suy nghĩ. Nhưng nó không cho phép giải thích một cách thích đáng sự đa dạng của các tiến trình lịch sử trên giai đoạn dài cũng như trên giai đoạn ngắn và trung bình, như ta thấy qua các số liệu được tập hợp trong sách này.
Thực ra thì kết luận này không có gì đáng ngạc nhiên: người ta có rất ít số liệu và độ lùi lịch sử khi giả thuyết này được đề xuất. Trong bài báo gốc xuất bản năm 1928, hai nhà kinh tế học người Mĩ: Cobb và Douglas, đã sử dụng các số liệu trên ngành công nghiệp chế tạo của Mĩ từ năm 1899 đến năm 1922 - các số liệu này đúng là đã chứng minh một sự ổn định nhất định của phần thu nhập từ lợi nhuận19. Giả thuyết này có vẻ như được đề xuất lần đầu tiên bởi nhà kinh tế học người Anh: Arthur Bowley; ông đã xuất bản vào năm 1920 một công trình quan trọng dành riêng cho chủ đề phân bố thu nhập quốc gia tại Liện hiệp Anh từ 1880 đến 1913. Kết luận chính của công trình này là sự phân chia vốn-làm việc trong giai đoạn kể trên là khá ổn định20. Tuy vậy ta thấy là những giai đoạn được các tác giả kể trên phân tích là tương đối ngắn: đặc biệt, các công trình nghiên cứu đó không tìm cách so sánh các kết quả thu được với các ước lượng cho giai đoạn đầu thế kỉ 19 (so sánh với những ước lượng cho thế kỉ 18 còn ít hơn nữa).
Ngoài ra, như đã nói tới trong phần vào đề, các vấn đề trên đã gây nên các căng thẳng chính trị rất lớn vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, cũng như trong suốt giai đoạn chiến tranh lạnh. Điều này đôi khi đã cản trở việc xem xét các sự kiện một cách thật bình tĩnh khách quan. Các nhà kinh tế học phe bảo thủ hoặc phe tự do cố chứng minh rằng sự tăng trưởng là có lợi cho tất cả: vì thế họ thường bám chặt lấy giả thiết rằng phân chia vốn-làm việc là hoàn toàn ổn định, đôi khi họ không ngần ngại bỏ qua các số liệu hay các giai đoạn lịch sử mà phần thu nhập từ vốn tăng lên. Ngược lại, các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Marx có xu hướng muốn chứng tỏ bằng mọi giá rằng phần thu nhập từ vốn vẫn đang và sẽ mãi mãi tăng lên, rằng tiền lương ngưng trệ, và họ đôi khi không ngại việc bóp méo số liệu chút ít. Năm 1899, Eduard Bernstein, người nhỡ miệng tuyên bố rằng tiền lương đang tăng lên và tầng lớp công nhân sẽ được lợi rất nhiều nếu hợp tác với chế độ hiện thời (ông ta đang sắp trở thành phó chủ tịch Reichstag), đã tức khắc bị dồn vào phe thiểu số tại hội nghị của SPD21 họp ở Hannover. Năm 1937, nhà sử học và kinh tế học trẻ tuổi người Đức: Jurgen Kuczynski, người mà trong những năm 1950-1960 đã trở thành giáo sư lịch sử kinh tế học đầy uy tín tại đại học Humboldt Đông Berlin và đã xuất bản từ năm 1960 đến năm 1972 một bộ sách đồ sộ gồm ba mươi tám tập về toàn bộ lịch sử tiền lương, đã tuyên chiến với Bowley và với các nhà kinh tế học vì quyền lợi của giới có tài sản riêng. Kuczynski bảo vệ giả thuyết về một sự xuống cấp liên tục của phần thu nhập từ làm việc kể từ những ngày đầu của chủ nghĩa vốn công nghiệp cho đến những năm 1930. Điều này đúng đối với nửa đầu thế kỉ 19 (thậm chí hai phần ba đầu), nhưng là hơi quá phóng đại nếu ta xét toàn bộ giai đoạn trên22. Trong những năm tiếp sau, cuộc tranh luận này trở nên rất quyết liệt trong các tạp chí khoa học hàn lâm. Năm 1939, trong tạp chí Economic History Review - tạp chí đã quen in các bài tranh luận lớt phớt, Frederick Brown đã rõ ràng đứng vào phe với Bowley, phong cho ông là “nhà bác học lớn” và “nhà thống kê nghiêm chỉnh”, trong khi đó Kuczynski chỉ là một “tên bịp bợm”. Lời lẽ như thế quả là cũng hơi quá thể23. Cùng năm đó, Keynes đứng hẳn vào hàng ngũ các nhà kinh tế học vì quyền lợi của giới có tài sản riêng, và phát ngôn rằng sự ổn định của phân chia vốn-làm việc là “qui luật được thiết lập chắc chắn nhất trong toàn môn khoa học kinh tế”. Lời khẳng định này có hơi chút vội vàng, bởi lẽ Keynes chỉ chủ yếu dựa vào một vài số liệu về công nghiệp chế tạo của Anh trong những năm 1920-1930, điều không đủ để thiết lập một qui luật phổ quát24.
Trong các sách giáo khoa những năm 1950-1970, và nói thật là đến tận những năm 1980-1990, giả thuyết về một sự ổn định hoàn toàn của phân chia vốn-làm việc nói chung đều được trình bày như một điều chắc chắn, nhưng rất đáng tiếc là giai đoạn áp dụng của điều được xem như qui luật trên không phải lúc nào cũng được nói đến một cách rõ ràng. Người ta thường tự hài lòng với các số liệu bắt đầu từ những năm 1950-1960 mà không hề so sánh chúng với thời giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới hay đầu thế kỉ 20 hoặc thế kỉ 18 và 19. Tuy vậy, kể từ những năm 1990-2000, nhiều nghiên cứu đã cập nhật tình trạng tăng lên đáng kể của phần thu nhập từ lợi nhuận và từ vốn trong thu nhập quốc gia tại những nước giàu kể từ những năm 1970-1980, và cùng với nó là sự giảm đi rất nhiều của phần thu nhập dành cho lao động và tiền lương. Thế là người ta bắt đầu đặt lại vấn đề về giả thuyết ổn định phổ quát. Trong những năm 2000, nhiều báo cáo chính thức do OECD và IMF xuất bản thậm chí còn đến mức cảnh báo về giả thuyết đó (bằng chứng cho thấy sự nghi ngờ đã khá nghiêm túc)25.
Điểm mới mẻ của nghiên cứu trình bày trong sách này, theo hiểu biết của tôi, là như sau: đây là nỗ lực đầu tiên đặt lại vấn đề phân chia vốn-làm việc (và sự tăng lên gần đây của phần thu nhập từ vốn) trong một hoàn cảnh lịch sử rộng hơn, cùng lúc đó chú trọng vào việc xem xét tiến trình của tỉ số vốn/thu nhập kể từ thế kỉ 18 cho đến đầu thế kỉ 21. Công việc này dĩ nhiên có những hạn chế của nó do sự không hoàn hảo của các nguồn số liệu lịch sử hiện có, nhưng theo tôi nó cho phép phân định rõ các điều mục và cho phép làm mới lại cách nghiên cứu về vấn đề này.
[sau] [trước] [lên mức trên]