Số liệu được dùng trong sách
[sau] [trước] [lên mức trên]
Cuốn sách này dựa trên hai nguồn số liệu chính cho phép nghiên cứu sự vận động lịch sử của sự phân bố của cải: một nguồn về thu nhập và bất bình đẳng trong phân bố thu nhập; một nguồn về tài sản, sự phân bố tài sản và liên hệ của nó với thu nhập.
Ta hãy bắt đầu bằng thu nhập. Nhìn một cách tổng quan công trình của tôi đơn giản là mở rộng qui mô về thời gian và không gian của công trình có tính phát kiến và tiên phong do Kuznets thực hiện nhằm đo lường tiến trình của bất bình đẳng thu nhập tại Mĩ từ năm 1913 đến 1948. Sự mở rộng này giúp cho những xu thế phát hiện bởi Kuznets (những xu thế này hoàn toàn có thật) được đặt trong một tầm nhìn xa hơn. Nó cũng xem xét lại mối liên quan lạc quan giữa phát triển kinh tế và phân bố của cải. Thật lạ lùng, công trình của Kuznets đã không được tiếp nối một cách có hệ thống, chắc là phần nào do việc khai thác những tư liệu về thuế như một nguồn số liệu thống kê và lịch sử rơi vào một kiểu “no man’s land” 35 học thuật, quá lịch sử đối với những nhà kinh tế học, quá kinh tế đối với những nhà sử học. Điều này thật đáng tiếc, bởi lẽ chỉ có tầm nhìn bao quát lịch sử mới cho phép phân tích đúng sự vận động của bất bình đẳng thu nhập, và chỉ có những số liệu về thuế cho phép tiếp nhận tầm nhìn bao quát này36.
Tôi bắt đầu bằng việc mở rộng phương pháp của Kuznets cho trường hợp nước Pháp. Kết quả đã được công bố trong tập sách đầu tiên năm 200137. Sau đó tôi may mắn được sự ủng hộ của đông đảo đồng nghiệp - đầu tiên phải kể đến Anthony Atkinson và Emmanuel Saez - những người đã cho phép tôi mở rộng dự án này trên qui mô quốc tế lớn hơn nhiều. Anthony Atkinson đã giải quyết trường hợp nước Anh và nhiều nước khác. Chúng tôi đã chủ trì hai bộ, xuất bản năm 2007 và 2010, tập hợp những nghiên cứu tương tự trên hơn 20 nước, trải đều khắp các châu lục38. Cùng với Emmanuel Saez, chúng tôi đã kéo dài thêm nửa thế kỉ những dãy số liệu được Kuznets xác lập cho trường hợp nước Mĩ39. Emmanuel Saez đã giải quyết nhiều nước quan trọng khác, như trường hợp Canada và Nhật Bản. Nhiều nhà nghiên cứu khác đã tham gia vào dự án tập thể này: Facundo Alvaredo đã ưu tiên giải quyết trường hợp Argentina, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; Fabien Dell trường hợp Đức và Thụy Sĩ; cùng với Abhijit Banerjee, tôi đã nghiên cứu trường hợp Ấn Độ; nhờ Nancy Qian, tôi đã giải quyết trường hợp Trung Quốc; và cứ như vậy cho các nước khác40.
Chúng tôi đã cố gắng sử dụng cùng nguồn số liệu, cùng phương pháp và cùng quan niệm cho từng nước: đường chia mười và đường chia một trăm của nhóm thu nhập cao được ước lượng từ số liệu thuế đến từ các bản khai báo thu nhập (sau rất nhiều chỉnh sửa để bảo đảm các số liệu và khái niệm được đồng đều theo thời gian và không gian); thu nhập quốc gia và thu nhập trung bình có được từ các sổ sách quốc gia (đôi khi chúng tôi phải bổ sung và kéo dài số liệu). Những dãy số liệu nhìn chung bắt đầu vào lúc bắt đầu có thuế thu nhập (khoảng năm 1910-1920 tại nhiều nước, đôi khi trong những năm 1880-1890, như tại Nhật Bản hoặc Đức, đôi khi muộn hơn). Những dãy số này được cập nhật thường xuyên và thường có tới đầu những năm 2010.
Cuối cùng, World Top Incomes Database (WTID)41, kết quả làm việc chung của khoảng ba chục nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới, là cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện có về tiến trình của bất bình đẳng thu nhập. Cơ sở dữ liệu này tương ứng với tập hợp dữ liệu thứ nhất dùng trong cuốn sách này42.
Nguồn tập hợp dữ liệu thứ hai, thực ra được tôi dùng trước tiên trong sách, là về tài sản, sự phân bố và những mối liên hệ của nó với thu nhập. Tài sản cũng đóng vài trò quan trọng trong tập hợp dữ liệu đầu tiên, thông qua thu nhập từ tài sản. Xin nhắc lại rằng thu nhập lúc nào cũng gồm hai thành phần, một phần là thu nhập từ làm việc (tiền lương, tiền phụ cấp, tiền thưởng, thu nhập từ làm việc không lương, v.v, và những thu nhập từ làm việc khác, bất kể dưới hình thức pháp lí nào), phần khác là thu nhập từ vốn (tiền thuê tài sản, lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, giá trị thêm43, tiền phí, v.v, và những thu nhập đến từ sự sở hữu vốn đất đai, bất động sản44, tài chính, công nghiệp, v.v, đây cũng vậy bất kể dưới hình thức pháp lí nào). Những số liệu từ WTID chứa rất nhiều thông tin về tiến trình của thu nhập từ vốn trong thế kỉ 20. Tuy nhiên cần phải bổ sung nguồn này bằng những số liệu về tài sản đơn thuần. Ta có thể phân biệt ba tập con số liệu lịch sử và phương pháp tiếp cận, hoàn toàn bổ trợ lẫn nhau45.
Đầu tiên, cũng như khai báo thu nhập từ nguồn số liệu thuế thu nhập cho phép nghiên cứu tiến trình của bất bình đẳng thu nhập, khai báo tài sản thừa kế từ nguồn số liệu thuế tài sản thừa kế cho phép nghiên cứu tiến trình của bất bình đẳng tài sản46. Cách tiếp cận này đã được Robert Lampman dùng lần đầu tiên năm 1962 khi nghiên cứu tiến trình của bất bình đẳng tài sản tại Mĩ từ năm 1922 đến 1956, sau đó đến Anthony Atkinson và Alan Harrison năm 1978 khi nghiên cứu trường hợp Liên hiệp Anh từ năm 1923 đến năm 197247. Những công trình này gần đây đã được cập nhật và mở rộng ra các nước khác, ví dụ như Pháp và Thụy Điển. Không may số liệu về bất bình đẳng tài sản bao phủ ít nước hơn so với số liệu về bất bình đẳng thu nhập. Nhưng trong một số trường hợp ta có thể lùi xa hơn theo trục thời gian đến tận đầu thế kỉ 19, bởi thuế tài sản xuất hiện trước thu nhập rất lâu. Đặc biệt, hợp tác với Gilles Postel-Vinay và Jean-Laurent Rosenthal, chúng tôi đã thu thập được một tập hợp lớn những khai báo thuế cá nhân trong kho lưu trữ về tài sản thừa kế. Nhờ đó chúng tôi đã xác lập được những dãy số đồng nhất về sự tập trung tài sản tại Pháp kể từ thời Cách mạng Pháp48. Điều này đã giúp chúng tôi đặt những biến cố gây ra bởi Chiến tranh thế giới thứ nhất trong một tầm nhìn lịch sử bao quát, dài hơn những dãy số về bất bình đẳng thu nhập (thật không hay thường khởi đầu vào khoảng 1910-1920). Những công trình của Jesper Roine và Daniel Waldenstr¨om dựa trên những số liệu lịch sử của Thụy Điển cũng có rất nhiều điểu bổ ích.
Những nguốn số liệu về tài sản thừa kế và tài sản nói chung cho phép nghiên cứu sự đóng góp tương ứng của thừa kế và tiết kiệm trong tống tài sản; từ đó nghiên cứu tiến trình của các số độ lớn này trong sự vận động của bất bình đẳng tài sản nói chung. Chúng tôi đã tiến hành khá đầy đủ cho trường hợp nước Pháp: những nguồn số liệu lịch sử rất phong phú đã mang đến một góc nhìn độc nhất về tiến trình của thừa kế tài sản trong giai đoạn dài49. Công trình này đã được mở rộng một phần cho các nước khác, đặc biệt là cho trường hợp Liên hiệp Anh, Đức, Thụy Điển và Mĩ. Những tài liệu này đóng vai trò chủ yếu trong nghiên cứu của chúng tôi, bởi lẽ bất bình đẳng tài sản được hiểu khác nhau tùy theo việc tài sản được thừa kế từ các thế hệ trước hay đến từ tiền tiết kiệm trong một thế hệ. Trong khuôn khổ cuốn sách này, ta quan tâm không chỉ đến bất bình đẳng đơn thuần mà nhất là đến cấu trúc của bất bình đẳng, nghĩa là nguồn gốc của sự chênh lệch thu nhập và tài sản giữa các nhóm xã hội, đối chiếu với những hệ chuẩn mực kinh tế, xã hội, tinh thần, chính trị có khả năng làm rộng thêm hoặc giữ vững bất bình đẳng. Bất bình đẳng tự nó không nhất thiết là xấu: vấn đề trung tâm là phải xem liệu nó có chính đáng không.
Cuối cùng, nguồn số liệu về tài sản cho phép nghiên cứu trong giai đoạn dài tiến trình của dự trữ tài sản quốc gia (dù đó là vốn đất đai, bất động sản, công nghiệp hay tài chính), đo bằng số năm thu nhập quốc gia tương đương. Nghiên cứu về tỉ số vốn/thu nhập trên phạm vi tổng quát có những hạn chế riêng của nó (ta vẫn nên nghiên cứu thêm về bất bình đẳng tài sản trên phạm vi cá nhân, và phần đóng góp tương đối của thừa kế và tiết kiệm trong cơ cấu của đồng vốn). Tuy nhiên nó cho phép ta phân tích một cách tổng hợp tầm quan trọng của đồng vốn trên phạm vi toàn xã hội. Hơn nữa, như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, bằng cách tập hợp và đối chiếu những ước tính được thực hiện tại nhiều thời đại, ta có thể lùi xa theo trục thời gian tới đầu thế kỉ 18 đối với một số nước, đặc biệt là Liên hiệp Anh và Pháp. Điều này cho phép đặt cuộc Cách mạng công nghiệp trong toàn cảnh lịch sử đồng vốn. Ở đây chúng tôi dựa vào những số liệu lịch sử mà chúng tôi đã tập hợp gần đây với sự cộng tác của Gabriel Zucman50. Nhìn một cách tổng quan, công trình này đơn giản chỉ mở rộng và khái quát việc thu thập những bảng tổng kết tài sản theo từng nước (“country balance sheet”) được Raymond Goldsmith thực hiện vào những năm 1970-198051.
So sánh với những công trình trước đây, điểm mới mẻ đầu tiên của cách tiến hành nghiên cứu về sự phân bố của cải trong sách này là việc chúng tôi đã tìm cách tập hợp những nguồn số liệu lịch sử đầy đủ và hệ thống nhất có thể. Phải nhấn mạnh rằng tôi đã có thuận lợi kép so với những tác giả trước đây: mặc nhiên là chúng ta có độ lùi lịch sử lớn hơn (như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, một số tiến trình dài hạn chỉ thể hiện rõ rệt khi ta có số liệu cho những năm 2000-2010, cũng như việc một số cú sốc gây nên bởi các cuộc Chiến tranh thế giới mất rất lâu mới tiêu tan hết); và nhờ vào những công cụ tin học, chúng tôi đã có thể dễ dàng thu thập rất nhiều số liệu lịch sử với qui mô rộng hơn rất nhiều so với những người đi trước.
Dù không cần phóng đại vai trò của công nghệ trong lịch sử tư tưởng, tôi cảm thấy ta không nên bỏ qua hoàn toàn những vấn đề thuần túy kĩ thuật này. Khách quan mà nói, ở thời của Kuznets và rộng hơn đến tận những năm 1980-1990, xử lí những khối lượng số liệu lịch sử lớn là khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Chẳng hạn khi Alice Hanson John vào những năm 1970 tập hợp những danh mục tài sản lúc qua đời tại Mĩ thời thực dân, hoặc khi Adeline Daumard tập hợp số liệu từ kho lưu trữ về tài sản thừa kế tại Pháp thế kỉ 1952, ta nên nhớ là phần lớn những công việc đó đã được làm bằng tay, sử dụng những tấm bìa giấy bồi. Ngày nay khi ta đọc lại những công trình đáng nể đó, hoặc những công trình của François Simiand về tiến trình của tiền lương ở thế kỉ 19, của Ernest Labrousse về lịch sử giả cả và thu nhập ở thế kỉ 18, hoặc của Jean Bouvier và François Furet về sự biến động lợi nhuận ở thế kỉ 19, ta thấy rõ ràng là những nhà nghiên cứu này đã đối mặt với những khó khăn lớn về công cụ để thu thập và xử lí số liệu53. Những sự phiền hà ở góc độ công cụ kĩ thuật này thường lấy mất phần lớn năng lượng của họ. Đôi khi chúng lấn át cả sự phân tích và diễn giải khoa học, chưa kể đến chúng còn hạn chế đáng kể sự đối chiếu số liệu theo trục thời gian và giữa các nước với nhau. Nói một cách tổng quan, trong điều kiện hiện nay, nghiên cứu về lịch sử phân bố của cải đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trong quá khứ. Cuốn sách này phản ánh nhiều phần sự tiến bộ trong điều kiện làm việc đó.54.
[sau] [trước] [lên mức trên]