Sự nổi lên của các mức lương siêu việt

[sau] [trước] [lên mức trên]

Hãy trở lại các nguyên nhân của sự tăng lên của bất bình đẳng tại Mĩ. Nó phần lớn được giải thích bằng sự lên cao chưa từng có của bất bình đẳng tiền lương, và đặc biệt là sự nổi lên của các khoản thu lao cực kì cao trên đỉnh thứ bậc tiền lương, nhất là trong giới lãnh đạo doanh nghiệp lớn (xem biểu đồ G8.7-G8.8).


Biểu đồ G8.7: Thu nhập cao và tiền lương cao tại Mĩ giai đoạn 1910-2010


Biểu đồ G8.8: Các chuyển biến của đường chia một trăm phía trên tại Mĩ

Nói chung, bất bình đẳng tiền lương của Mĩ đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng trong thế kỉ vừa qua, đặc biệt là sự giãn rộng của thứ bậc tiền lương trong những năm 1920, rồi ổn định tương đối trong những năm 1930, rồi co hẹp rất mạnh trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai. Pha “co hẹp lớn” này của thứ bậc tiền lương tại Mĩ đã được nghiên cứu rất nhiều. Nó liên quan đến National War Labor Board - cơ quan chức trách có nhiệm vụ phê duyệt từ năm 1941 đến năm 1945 việc tăng lương tại Mĩ , và nhìn chung chỉ đồng ý cho tăng các mức lương thấp nhất. Đặc biệt, tiền lương danh nghĩa của các nhà lãnh đạo bị đóng băng một cách hệ thống, và chỉ được nâng lên phần nào lúc chiến tranh kết thúc47. Trong những năm 1950-1960, bất bình đẳng tiền lương ổn định ở mức khá thấp tại Mĩ, thấp hơn ví dụ tại Pháp: phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong thứ bậc tiền lương vào khoảng 25% tổng khối lượng tiền lương, và phần thu nhập của nhóm đường chia một trăm phía trên ở mức xung quanh 5%-6% tổng khối lượng tiền lương. Tính tổng thể, phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong thứ bậc tiền lương tăng từ 25% lên 35% tổng khối lượng tiền lương, và sự tăng lên 10 điểm này giải thích xấp xỉ hai phần ba sự tăng lên của phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên của thứ bậc thu nhập trong tổng thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G8.7-G8.8).

Nhiều điểm phải được nói rõ ngay. Trước tiên, sự tăng tiến chưa từng có của bất bình đẳng tiền lương này có vẻ không được bù lại bởi bất cứ sự gia tăng vận chuyển tiền lương nào trong nội bộ các sự nghiệp cá nhân4849. Đây là một điểm chính yếu, nhất là trong tình trạng luận điểm trên thường được dẫn ra để làm tương đối hóa độ lớn của sự tăng lên của bất bình đẳng. Thật vậy, nếu mỗi người sống một phần cuộc đời của mình với mức lương rất cao (ví dụ, nếu mỗi người sống một năm trong nhóm đường chia một trăm phía trên), thì sự tăng lên của các mức lương rất cao không nhất thiết kéo theo việc bất bình đẳng từ làm việc - đo trong toàn bộ cuộc đời - sẽ thật sự tăng lên. Luận điểm - kinh điển - về vận chuyển tiền lương càng tỏ ra mạnh hơn do người ta thường không thể kiểm chứng nó được. Nhưng, trong trường hợp đang xét, các số liệu hành chính và thuế của Mĩ đã cho phép đo lường tiến trình bất bình đẳng tiền lương bao gồm cả hiệu ứng vận chuyển - tức là bằng cách tính mức lương trung bình trên qui mô cá thể trong giai đoạn dài (mười, hai mươi, ba mươi năm). Ta nhận thấy rằng sự tăng lên của bất bình đẳng tiền lương là giống y như nhau trong tất cả các trường hợp, bất kể độ dài của giai đoạn được chọn làm chuẩn để tính toán50. Nói cách khác, không ai trong số những người phục vụ của Mc Donald’s, những người công nhân của Detroit, cũng như những giáo viên của Chicago hay các nhà quản lí trung bình hoặc thậm chí cao cấp của California, sống một năm cuộc đời của họ, lần lượt từng người một, trong vai nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn của Mĩ. Ta có lẽ cũng đã ngờ ngợ như thế rồi, nhưng rõ là luôn luôn hay hơn khi ta đo lường được điều này một cách có hệ thống.

47: Xem T.Piketty và E.Saez, “Incomes inequality in the United States, 1913-1998” (người dịch. Tạm dịch: “Bất bình đẳng thu nhập tại Mĩ giai đoạn 1913-1998”), bài báo đã dẫn, trang 29-30. Xem thêm C.Goldin và R.Margo, “The great compression: the wage structure in the United States at mid-century” (người dịch. Tạm dịch: “Sự co hẹp lớn: cấu trúc tiền lương tại Mĩ vào giữa thế kỉ”), Quaterly Journal of Economics, 1992.
48: người dịch. Nguyên bản: une quelconque augmentation de la mobilité salariale à l’intérieur des carrières individuelles.
49: Nó cũng không được bù lại nhiều hơn bởi bất cứ sự gia tăng vận chuyển tiền lương nào từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngược lại là đằng khác (ta sẽ trở lại điểm này trong phần thứ tư, chương 13).
50: Xem W.Kopczuk, E.Saez và J.Song, “Earnings inequality and mobility in the United States: evidence from social security data since 1937” (người dịch. Tạm dịch: “Bất bình đẳng và vận chuyển tiền lương tại Mĩ: bằng chứng từ số liệu bảo hiểm xã hội từ năm 1937”), Quaterly Journal of Economics, 2010.

[sau] [trước] [lên mức trên]