Sự phân bố sản phẩm toàn cầu
[sau] [trước] [lên mức trên]
Ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét tiến trình của sự phân bố sản phẩm toàn cầu. Tiến trình này được biết khá rõ, ít nhất là từ đầu thế kỉ 19. Đối với những giai đoạn trước đó, những ước lượng về sự phân bố sản phẩm thường không chính xác bằng, nhưng ta vẫn có thể vẽ lại được những đường nét chính, chủ yếu nhờ vào những công trình lịch sử của Maddison, cộng thêm việc tiến trình thời đó vẫn khá đơn giản29.
Từ 1900 đến 1980, từ 70% đến 80% sản lượng toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ tập trung ở Châu Âu và Châu Mĩ, đây là dấu hiệu của một sự áp đảo kinh tế toàn phần đối với phần còn lại của thế giới. Phần sản lượng này giảm đều kể từ những năm 1970-1980. Nó giảm xuống còn đúng 50% vào đầu những năm 2010 (khoảng một phần tư cho mỗi châu lục), tức là xấp xỉ mức năm 1860. Rất có thể nó sẽ tiếp tục giảm và có lẽ trong thế kỉ 21 sẽ quay lại mức khoảng 20%-30%. Mức này đã từng hiện hữu cho đến đầu thế kỉ 19, và có lẽ là hợp lí với trọng lượng (trong quá khứ cũng như hiện nay) của Châu Âu và Châu Mĩ trong tổng dân số toàn cầu (xem biểu đồ G1.1 và G1.2).
Nói cách khác, bước tiến trước của Châu Âu và Châu Mĩ trong Cách mạng công nghiệp đã cho phép họ trong một thời gian chiếm lĩnh từ hai đến ba lần trọng lượng sản phẩm so với trọng lượng dân số, đơn giản là vì sản lượng theo đầu người của họ cao gấp hai đến ba lần mức trung bình toàn cầu30. Tất cả khiến ta nghĩ rằng pha chênh lệch sản lượng theo đầu người trên phạm vi toàn cầu này đã hết, và ta đang đi vào một pha giảm chênh lệch. Hiện tượng rượt đuổi này còn lâu mới kết thúc (xem biểu đồ G1.3). Có lẽ là quá sớm để tuyên bố một kết cục chính xác vào lúc này, thêm nữa những đảo lộn kinh tế và chính trị - tại Trung Quốc hay những nơi khác - tất nhiên không thể bị loại trừ.
[sau] [trước] [lên mức trên]