Sự quay trở lại của vốn trong chế độ tăng trưởng thấp
[sau] [trước] [lên mức trên]
Thực sự mà nói, chỉ từ cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 chúng ta mới có các dữ liệu thống kê và nhất là độ lùi lịch sử cần thiết cho phép phân tích một cách đúng đắn sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập và của phân chia vốn-làm việc trong giai đoạn dài. Cụ thể, các số liệu mà ta đã tập hợp và độ lùi lịch sử mà ta may mắn nhận được (độ lùi này luôn là không đủ, dĩ nhiên rồi, nhưng mặc nhiên là dài hơn độ lùi mà các tác giả trước đây có được) dẫn ta tới các kết luận sau đây.
Đầu tiên, sự quay trở lại một chế độ từng thấy trong lịch sử với tăng trưởng thấp, và nhất là tăng trưởng dân số bằng 0 - thậm chí âm -, một cách logic sẽ dẫn tới sự quay trở lại của đồng vốn. Xu hướng tạo dựng lại dự trữ vốn lớn trong các xã hội với tăng trưởng thấp được diễn đạt qua qui luật β = s∕g, và có thể được tóm tắt như sau: trong các xã hội ngưng trệ, tài sản đến từ quá khứ một cách tự nhiên sẽ chiếm tầm quan trọng đáng kể.
Tại Châu Âu, tỉ số vốn/thu nhập vào đầu thế kỉ 21 hiện nay đã tìm lại mức khoảng năm-sáu năm thu nhập quốc gia, thấp hơn chút xíu so với mức vào thế kỉ 18, thế kỉ 19 và cho đến ngay trước Chiến tranh thế giới nhứ nhất.
Trên qui mô toàn cầu, hoàn toàn có khả năng là tỉ số vốn/thu nhập sẽ đạt hoặc thậm chí vượt quá mức nói trên trong thế kỉ 21 này. Nếu tỉ lệ tiết kiệm được giữ xung quanh mức 10% và tỉ lệ tăng trưởng ổn định quanh mức 1,5% trong giai đoạn rất dài, thêm vào đó là sự ngưng trệ dân số và tiến bộ kĩ thuật chậm lại, thì dự trữ vốn toàn cầu một cách logic sẽ đạt đến mức tương đương sáu-bảy năm thu nhập. Nếu tỉ lệ tăng trưởng giảm xuống còn 1%, thì dự trữ vốn có thể đạt đến mức tương đương mười năm thu nhập.
Tiếp đến, đối với phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia và toàn cầu - phần thu nhập được tính bởi qui luật α = r × β: kinh nghiệm lịch sử gợi ý rằng sự tăng lên (theo dự báo) của tỉ số vốn/thu nhập sẽ không nhất thiết kéo theo việc tỉ lệ lãi trên vốn sẽ giảm sút thấy rõ. Thật vậy, có rất nhiều cách sử dụng vốn trong giai đoạn dài (nói gọn lại độ dẻo thay thế giữa vốn và làm việc về dài hạn là lớn hơn 1). Có khả năng nhất đó là sự giảm sút của thu nhập sẽ yếu hơn sự tăng lên của tỉ số vốn/thu nhập, do đó phần thu nhập từ vốn vẫn sẽ tăng lên. Nếu tỉ số vốn/thu nhập vào khoảng bảy-tám năm, và tỉ lệ lãi trên vốn toàn cầu vào khoảng 4%-5%, thì phần thu nhập từ vốn sẽ đạt quanh mức 30%-40% thu nhập toàn cầu, tức là đạt gần, thậm chí có thể vượt quá, mức thế kỉ 18 và thế kỉ 19.
Như đã nói tới ở trên, cũng có thể là các chuyển biến công nghệ trong giai đoạn rất dài sẽ ưu đãi chút ít cho lao động con người trong tương quan với vốn, tức là sẽ kéo theo sự giảm sút của tỉ lệ lãi và phần thu nhập từ vốn. Nhưng hiệu ứng dài hạn này nếu xảy ra có lẽ cũng chỉ có biên độ hạn chế, và có khả năng là nó sẽ bị bù trừ hết bởi các lực kéo theo chiều ngược lại, ví dụ sự tinh vi ngày càng tăng của hệ thống trung gian tài chính, cũng như là sự cạnh tranh quốc tế nhằm thu hút vốn.
[sau] [trước] [lên mức trên]