Sự xuất thần của công nghệ
[sau] [trước] [lên mức trên]
Hãy tổng kết lại. Bài học chính của phần thứ hai này chắc hẳn là điều sau: không tồn tại bất cứ lực kéo tự nhiên nào nhất thiết làm giảm tầm quan trọng của vốn và thu nhập từ sở hữu vốn trong tiến trình lịch sử. Trong các thập kỉ sau chiến tranh, người ta nghĩ lẩn thẩn rằng chiến thắng khải hoàn của vốn con người trước vốn hiểu theo nghĩa truyền thống (tức là vốn đất đai, bất động sản và tài chính), nhờ vào công nghệ và các lực kéo thuần túy kinh tế, là một quá trình tự nhiên và không thể đảo ngược. Thực ra, một số người đã từng nhận định ngay rằng chính các lực kéo chính trị đã đóng vài trò trung tâm. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Bước tiến hướng tới sự hợp lẽ về mặt kinh tế và công nghệ không nhất thiết kéo theo một bước tiến hướng tới sự hợp lẽ về mặt dân chủ và tài năng43. Lí do chính rất đơn giản: công nghệ, giống như thị trường, không biết đến giới hạn cũng chẳng biết đến đạo đức. Tiến bộ công nghệ dĩ nhiên đã kéo theo nhu cầu ngày càng lớn về tay nghề và kĩ năng con người. Nhưng nó cũng kéo theo các nhu cầu về nhà xưởng, nhà ở, văn phòng, chứng chỉ, thiết bị đủ loại; tóm lại tổng giá trị của tất cả các yếu tố vốn phi con người nói trên - bất động sản, nghề nghiệp, công nghệ, tài chính - đã tăng lên nhanh gần bằng với sản lượng và thu nhập quốc gia trong giai đoạn dài. Cũng vậy, khối thu nhập trả cho các dạng vốn khác nhau cũng đã tăng lên nhanh gần bằng với khối thu nhập từ làm việc. Nếu ta thật lòng mong muốn xây dựng một trật tự xã hội công bằng, hợp lẽ thường và được đặt nền móng trên lợi ích chung, thì dựa vào sự thần kì của công nghệ là chưa đủ.
Tóm lại: sự tăng trưởng hiện đại, dựa trên tăng trưởng sản lượng và phát tán hiểu biết, đã giúp tránh được thảm họa tận thế kiểu Marx và giúp cân bằng quá trình tích lũy vốn. Nhưng nó đã không thay đổi cấu trúc sâu xa của vốn - hay ít ra là nó đã không thật sự làm giảm tầm quan trọng có tính kinh tế qui mô lớn của vốn trong tương quan với lao động. Giờ ta phải nghiên cứu xem liệu tình hình có giống như vậy không đối với bất bình đẳng trong phân bố thu nhập và phân bố tài sản: trong chừng mực nào các cấu trúc bất bình đẳng, đối với thu nhập và đối với vốn, đã thực sự chuyển biến kể từ thế kỉ 19?
[sau] [trước] [lên mức trên]