Sức mua tăng lên mười lần có ý nghĩa gì?
[sau] [trước] [lên mức trên]
Trên thực tế, cách duy nhất để đo lường được sự tăng tiến ngoạn mục của mức sống và lối sống kể từ Cách mạng công nghiệp là ta dùng mức thu nhập qui đổi sang tiền mặt rồi so sánh chúng với mức giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ cùng thời. Ta hãy tạm hài lòng bằng việc tóm tắt những hiểu biết chính do phương pháp này mang lại19.
Theo thông lệ ta phân biệt hàng hóa công nghiệp (sản lượng của loại hàng hóa này đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với mức trung bình của nền kinh tế, vì vậy chúng đã xuống giá so với mức giá trung bình); hàng hóa thực phẩm (sự tăng tiến liên tục của loại hàng hóa này có tính quyết định trong giai đoạn rất dài: vừa giúp nuôi sống dân số ngày càng đông, vừa giải phóng nhân công nông nghiệp cho những việc khác; nhưng loại hàng hóa này vẫn tăng chậm hơn hẳn hàng hóa công nghiệp, vì vậy giá của chúng đã tiến triển gần giống với mức giá trung bình); và cuối cùng là dịch vụ (sự tăng sản lượng nói chung là khá thấp, thậm chí bằng 0 trong một số trường hợp: điều này giải thích tại sao giá dịch vụ đã tăng lên nhanh hơn mức giá trung bình và khu vực kinh tế này ngày càng thu hút nhiều nhân công).
Cách phân loại quen thuộc này nhìn tổng thể là khá ổn, nhưng nó đáng được nói kĩ hơn. Thật vậy, tình hình trong nội bộ một khu vực kinh tế rất đa dạng. Đối với nhiều sản phẩm ăn uống, giá cả đã tăng theo cùng nhịp độ với mức giá trung bình. Ví dụ, tại Pháp, giá của một cân cà rốt đã tăng lên giống với chỉ số giá trung bình từ năm 1900-1910 đến năm 2000-2010, do vậy sức mua tính theo số cà rốt tương đương đã tăng lên giống với sức mua trung bình (tức là xấp xỉ sáu lần). Người làm công ăn lương trung bình có thể mua được gần 10 cân cà rốt một ngày vào đầu thế kỉ 20, và anh này có thể tự thưởng cho mình gần 60 cân một ngày vào thời đầu thế kỉ 2120. Đối với các sản phẩm khác, chẳng hạn như sữa, bơ, trứng, các sản phẩm từ sữa (được hưởng nhiều tiến bộ kĩ thuật trong lĩnh vực vắt sữa, chế biến, bảo quản, v.v), ta thấy giá cả tương đối của chúng đã giảm đi, vì thế sức mua đã tăng lên hơn sáu lần. Tình hình cũng giống như vậy đối với các sản phẩm được hưởng lợi từ sự giảm thiểu chi phí vận chuyển: trong vòng một thế kỉ, sức mua của người Pháp tính theo số cam tương đương đã tăng lên mười lần, và tính theo số chuối tương đương tăng lên hai mươi lần. Ngược lại, sức mua đo bằng số cân bánh mì hoặc thịt tương đương chỉ được nhân lên dưới bốn lần, nhưng đúng là chất lượng và độ đa dạng của các sản phẩm bán trên thị trường đã được tăng lên rất nhiều.
Tình hình còn muôn màu muôn vẻ hơn đối với hàng hóa công nghiệp, chủ yếu là do sự cải thiện hiệu năng ngoạn mục và sự xuất hiện nhiều sản phẩm mới lạ chưa từng thấy. Ví dụ tiêu biểu cho giai đoạn gần đây là hàng điện tử và công nghệ thông tin. Những tiến bộ do máy tính và điện thoại di động mang lại trong những năm 1990-2000, rồi máy tính bảng và điện thoại thông minh trong những năm 2000-2010, đôi khi tương ứng với tăng sức mua lên mười lần trong vòng vài năm: giá của một sản phẩm giảm đi hai lần, trong khi hiệu năng tăng lên năm lần.
Để ý là ta có thể dễ dàng tìm được các ví dụ cũng thú vị như vậy trong suốt lịch sử phát triển công nghiệp. Lấy ví dụ trường hợp xe đạp. Trong những năm 1880-1890, kiểu xe rẻ nhất xuất hiện trong những catalog và tài liệu bán hàng tại Pháp có giá tương đương với sáu tháng lương trung bình. Mà đấy chỉ là một chiếc xe khá thô sơ, “bánh xe chỉ được bọc một lớp cao su thô, chỉ có đúng một phanh trực tiếp lên vành bánh trước". Tiến bộ kĩ thuật đã giúp hạ giá xuống dưới một tháng lương trung bình trong những năm 1910-1920. Những tiến bộ này tiếp tục không ngừng, và ta có thể mua một chiếc xe chất lượng trong những catalog năm 1960-1970 (“bánh xe tự do, hai phanh, chắn xích và chắn bùn, giá chở hàng, đèn, gương chiếu”) với giá dưới một tuần lương trung bình. Tổng thể, không tính đến những tiến bộ chóng mặt về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, sức mua tính theo số xe đạp tương đương đã tăng lên gấp bốn mươi lần từ năm 1890 đến năm 197021.
Ta có thể dùng phương pháp trên để nghiên cứu nhiều trường hợp khác: xem xét tiến trình giá cả của bóng đèn điện, đồ dùng gia đình, khăn bàn và đĩa ăn, quần áo và xe ô tô, tại những nước phát triển cũng như tại những nước mới nổi, rồi so sánh chúng với mức lương cùng thời.
Tất cả các ví dụ trên cũng chỉ ra rằng thật hão huyền và hạn hẹp khi tự nhận có thể tóm gọn tất cả những chuyển biến này trong một chỉ số duy nhất kiểu “mức sống từ thời kì này đến thời kì kia đã được tăng lên mười lần”. Khi cách sống và cấu trúc ngân sách của các hộ gia đình đã biến đổi triệt để, và sự tăng tiến sức mua thay đổi tùy theo loại hàng hóa, vấn đề con số trung bình trở nên không có ý nghĩa mấy. Cũng như vậy, kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc tế nhị vào cách chọn trọng số và cách đo lường chất lượng hàng hóa; các phương pháp này đều khá thiếu chắc chắn, nhất là khi ta muốn thực hiện các phép so sánh cho nhiều thế kỉ liền.
Hạn chế vừa nêu tất nhiên không chất vấn thực trạng của sự tăng trưởng, trái lại là khác: điều kiện vật chất đã được cải thiện một cách ngoạn mục kể từ Cách mạng công nghiệp, giúp dân cư toàn cầu được nuôi sống, ăn mặc, đi lại, thông tin, chăm sóc sức khỏe, ... tốt hơn. Và điều đó cũng không đặt câu hỏi về ích lợi của phép đo tỉ lệ tăng trưởng trong những giai đoạn ngắn hơn, ví dụ trên qui mô một hoặc hai thế hệ. Trong giai đoạn ba mươi hoặc sáu mươi năm, biết được tỉ lệ tăng trưởng là 0,1% một năm (3% một thế hệ), 1% một năm (35% một thế hệ), hay 3% một năm (143% một thế hệ) là rất có ích. Chỉ khi chúng được tích tụ trong một giai đoạn quá dài dẫn đến những hệ số nhân rất lớn, khi đó tỉ lệ tăng trưởng mới mất một phần ý nghĩa và trở thành những lượng tương đối trừu tượng và tùy tiện.
[sau] [trước] [lên mức trên]