Tăng trưởng 1% hàng năm đủ để làm mới xã hội một cách sâu sắc

[sau] [trước] [lên mức trên]

Theo tôi điểm quan trọng và có ý nghĩa hơn những chi tiết vụn vặn trong dự báo tăng trưởng (như ta đã thấy ở trên, tóm gọn sự tăng trưởng của một xã hội trong giai đoạn dài bằng một con số duy nhất cũng đã là một ảo tưởng thống kê rồi) mà ta cần nhấn mạnh là: nhịp độ tăng trưởng sản phẩm theo đầu người khoảng 1% một năm trên thực tế là cực kì nhanh, nhanh hơn những gì ta thường nghĩ rất nhiều.

Cách tốt nhất để hình dung ra vấn đề này là ta đặt mình ở phạm vi thế hệ. Trong ba mươi năm, tỉ lệ tăng trưởng 1% một năm tương ứng với tăng trưởng tích tụ hơn 35%; tỉ lệ tăng trưởng 1,5% một năm tương ứng với tăng trưởng tích tụ hơn 50%. Trong thực tế, điều này sẽ kéo theo những chuyển biến đáng kể trong cách sống và công ăn việc làm. Cụ thể, sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người chỉ đạt gần 1%-1,5% một năm trong vòng ba mươi năm trở lại đây tại Châu Âu, Bắc Mĩ và Nhật. Thế nhưng cuộc sống của chúng ta đã chuyển biến rất nhiều: đầu những năm 1980, không có Internet cũng chẳng có điện thoại di động, giao thông hàng không không dành cho nhiều người, phần lớn những công nghệ y tế mũi nhọn hiện nay chưa tồn tại vào thời đó, và sự nghiệp học tập lâu dài30 chỉ dành cho một số ít người. Trong lĩnh vực viễn thông, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, ta đã có những thay đổi rất sâu sắc. Những chuyển biến đó đã ảnh hưởng rất mạnh đến cấu trúc của việc làm: khi sản phẩm theo đầu người gia tăng khoảng 35%-50% trong vòng ba mươi năm, thì một phần lớn sản phẩm làm ra hiện nay - khoảng từ một phần tư đến một phần ba - không tồn tại cách đây ba mươi năm, vì vậy khoảng một phần tư đến một phần ba các loại nghề nghiệp và công việc hiện nay cũng không tồn tại cách đây ba mươi năm.

Đây là khác biệt đáng kể so với những xã hội trong quá khứ - những xã hội mà sự tăng trưởng gần như bằng 0 hoặc suýt soát 0,1% một năm như tại thế kỉ 18. Một xã hội tăng trưởng 0,1% hay 0,2% một năm sẽ được lặp lại gần như y nguyên từ thế hệ này sang thế hệ khác: cấu trúc việc làm như nhau, cấu trúc sở hữu cũng vậy. Một xã hội tăng trưởng 1% một năm, như trường hợp các nước tiến bộ nhất kể từ đầu thế kỉ 19, là một xã hội được làm mới một cách sâu sắc và đều đặn. Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, điều này dẫn đến những hệ quả quan trọng đối với cấu trúc bất bình đẳng xã hội và sự vận động của phân bố của cải. Sự tăng trưởng có thể tạo ra những dạng bất bình đẳng mới - ví dụ những khối tài sản được xây dựng rất nhanh trong những khu vực kinh tế mới -, cùng lúc đó nó khiến bất bình đẳng tài sản đến từ quá khứ ít nặng nề hơn và tài sản thừa kế ít hệ trọng hơn. Dĩ nhiên, những chuyển biến tích cực đến từ mức tăng trưởng 1% một năm sẽ ít hơn mức 3% hoặc 4% một năm rất nhiều. Kể từ Thế kỉ ánh sáng, không ít người bay bổng đặt hi vọng vào việc tăng trưởng kinh tế sẽ giúp xây dựng một trật tự xã hội công bằng hơn, nhưng có thể thực tế trần trụi của sự tăng trưởng sẽ khiến họ tỉnh mộng. Chắc chắn rằng sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần không đủ sức để làm thỏa mãn niềm kì vọng vào một xã hội dân chủ và dựa trên tài năng là chính nói trên: ta không thể phó mặc hoàn toàn cho những lực kéo của tiến bộ kĩ thuật và qui luật thị trường, mà còn cần cả những thể chế chuyên biệt nữa.

30: người dịch. Nguyên bản: les études longues. Ý nói việc học tập trên phổ thông trong các hệ đào tạo dài hạn để tích lũy văn hóa cá nhân và có thể làm những việc cần chuyên môn cao.

[sau] [trước] [lên mức trên]