Thế giới Mới và Thế giới Cũ: trọng lượng của chế độ nô lệ

[sau] [trước] [lên mức trên]

Không thể kết luận cuộc khảo sát về những biến thái của đồng vốn tại Châu Âu và Châu Mĩ mà không xem xét vấn đề về sự sở hữu nô lệ và vị trí của nô lệ trong khối tài sản của Châu Mĩ.

Thomas Jefferson không chỉ sở hữu mỗi đất đai. Ông còn có hơn 6000 nô lệ, chủ yếu được thừa kế từ bố đẻ và bố dượng ông, và thái độ chính trị của ông về vấn đề này luôn cực kì mù mờ. Lí tưởng của ông về nền cộng hòa của những chủ đất nhỏ, bình đẳng trước pháp luật, không áp dụng cho người da màu; những người mà phần lớn kinh tế vùng Virginia quê hương ông đều phải dựa vào sức lao động của họ. Tuy nhiên, khi trở thành tổng thống nước Mĩ vào năm 1801 nhờ vào các lá phiếu của bang phía Nam, ông đã kí một đạo luật chấm dứt nhập khẩu nô lệ mới vào đất Mĩ tính từ năm 1808. Nhưng điều này không ngăn được số lượng nô lệ vẫn tăng lên rất nhanh (sự tăng tự nhiên qua sinh nở rẻ hơn buôn nô lệ mới); nó đã tăng lên hai lần rưỡi từ giai đoạn tuyên bố Độc lập những năm 1770 (khoảng 400000 nô lệ) đến cuộc điều tra dân số năm 1800 (1 triệu nô lệ), rồi lại tăng thêm hơn bốn lần từ năm 1800 đến cuộc điều tra dân số năm 1860 (hơn 4 triệu nô lệ), tức là tăng lên tất cả mười lần trong vòng chưa đầy một thế kỉ. Nền kinh tế chủ nghĩa nô lệ đang tăng trưởng tràn trề thì cuộc Nội chiến nổ ra năm 1861. Cuộc chiến này đã dẫn đến sự bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865.

Khoảng năm 1800, nô lệ chiếm gần 20% dân số Mĩ: khoảng 1 triệu nô lệ trên tổng dân số 5 triệu người. Tại các bang phía Nam, nơi tập trung hầu như toàn bộ nô lệ22, tỉ lệ nô lệ là 40%: 1 triệu nô lệ, 1,5 triệu người da trắng, trong tổng dân số 2,5 triệu người. Không phải người da trắng nào cũng sở hữu nô lệ, và chỉ một phần thiểu số cực nhỏ sở hữu nhiều như Jefferson: ta sẽ thấy trong phần thứ ba rằng tài sản nô lệ là một trong các loại tài sản tập trung đậm đặc nhất.

Khoảng năm 1860, tỉ lệ nô lệ xét trên toàn thể nước Mĩ rớt xuống mức khoảng 15% (khoảng 4 triệu nô lệ trên tổng dân số 30 triệu người), do dân số tăng rất nhanh tại các bang phía Bắc và phía Tây. Nhưng tại các bang phía Nam tỉ lệ trên vẫn luôn đạt 40%: 4 triệu nô lệ, 6 triệu người da trắng, trên tổng dân số 10 triệu người.

Có nhiều nguồn số hiệu lịch sử cho phép biết được giá nô lệ tại Mĩ từ những năm 1770 đến những năm 1860, dù đó là những danh mục tài sản lúc qua đời (probate records) được Alice Hanson Jones tập hợp, những dữ liệu thuế và điều tra dân số được Roymond Goldsmith dùng, hay những dữ liệu về các giao dịch và các chợ nô lệ - chủ yếu do Robert Fogel thu thập. Nếu ta đem đối chiếu các nguồn số liệu này (nhìn chung rất nhất quán với nhau), ta sẽ thu được các ước lượng trung bình được trình bày trong biểu đồ G4.10-G4.11.

Ta thấy tổng giá trị nô lệ vào khoảng một năm rưỡi thu nhập quốc gia tại Mĩ vào cuối thế kỉ 18 và trong nửa đầu thế kỉ 19, nghĩa là xấp xỉ bằng tổng giá trị đất nông nghiệp. Nếu ta gộp nô lệ với các loại tài sản khác, ta thấy tổng tài sản Mĩ cũng khá ổn định từ thời thuộc địa đến nay, xung quanh mức bốn năm rưỡi-năm năm thu nhập các nước (xem biểu đồ G4.10). Phép cộng các loại tài sản như vừa rồi hiển nhiên là rất đáng thảo luận: nó là dấu ấn của một nền văn minh đối xử với một số cá thể như những đồ vật bị sở hữu, chứ không phải như những chủ thể có đầy đủ quyền trước pháp luật, trong đó có quyền được sở hữu23. Nhưng việc này cho phép thực hiện phép đo độ lớn của tài sản nô lệ của các chủ nô.


Biểu đồ G4.10: Đồng vốn và nộ lệ tại Mĩ

Mọi việc còn hiện ra rõ ràng hơn nếu ta phân biệt các bang miền Nam và các bang miền Bắc, hoặc nếu ta so sánh cấu trúc của vốn (bao gồm cả nô lệ) trong hai khu vực địa lí trên khoảng năm 1770-1810 với cấu trúc tương ứng tại Liên hiệp Anh và tại Pháp cùng thời (xem biểu đồ G4.11). Tại phía Nam nước Mĩ, tổng giá trị nô lệ vào khoảng từ hai năm rưỡi đến ba năm thu nhập quốc gia, do vậy giá trị của nô lệ cộng với giá trị của đất nông nghiệp vượt quá bốn năm thu nhập quốc gia. Kết quả là, các chủ nô người miền Nam tại Thế giới Mới kiểm soát nhiều của cải hơn các chủ đất tại Châu Âu già cỗi. Đất nông nghiệp của họ không còn giá trị nhiều, nhưng nhờ có sáng kiến sở hữu thêm cả sức lao động làm việc trên các mảnh đất đó, tổng tài sản của họ vẫn ở mức cao hơn.


Biểu đồ G4.11: Đồng vốn khoảng năm 1770-1810: Thế giới Cũ và Thế giới Mới

Nếu ta cộng giá trị thị trường của nô lệ vào các thành tố tài sản khác, nó sẽ vượt quá sáu năm thu nhập quốc gia tại các bang phía Nam, tức là gần bằng tổng giá trị vốn tại Liên hiệp Anh và tại Pháp. Ngược lại, tại các bang phía Bắc, nơi gần như không có nô lệ, tổng tài sản đúng là thấp hơn: suýt soát ba năm thu nhập quốc gia, tức là thấp hơn phía Nam và chỉ bằng nửa Châu Âu.

Ta vừa thấy rằng nước Mĩ trước Nội chiến đã không còn là một xã hội không vốn như ta nhắc đến ở phía trên. Thế giới Mới liên hợp hai thực tế hoàn toàn trái ngược: một bên, phía Bắc, là một xã hội bình đẳng với khá ít vốn, bởi đất đai nhiều đến mức ai cũng có thể trở thành chủ đất với giá thấp, và cũng bởi những người nhập cư mới đến chưa có đủ thời gian để tích lũy nhiều vốn; và bên kia, phía Nam, là một xã hội mà bất bình đẳng về quyền sở hữu có dạng cực tả và tàn bạo nhất, bởi một nửa dân số sở hữu nửa còn lại, và vốn nô lệ nói chung đã thay thế và vượt quá vốn đất đai.

Mối quan hệ phức tạp và đầy nghịch lí giữa nước Mĩ và bất bình đẳng xã hội trong chừng mực nào đó vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày nay: một bên là lời hứa hẹn về một xã hội bình đẳng và niềm hi vọng to lớn mà hàng triệu người nhập cư nghèo đặt vào mảnh đất đầy cơ hội này - vốn luôn là hình ảnh của nước Mĩ; bên kia là một dạng bất bình đẳng cực kì tàn bạo, nhất là quanh vấn đề chủng tộc - vấn đề vẫn còn rất nổi cộm ngày nay (người da đen phía Nam nước Mĩ không có quyền công dân và là đối tượng của một chế độ phân biệt hợp pháp cho đến những năm 1960; chế độ pháp lí này có nhiều điểm giống với hệ thống Apartheid tại Nam Phi kéo dài cho đến những năm 1980); và chắc hẳn nó lí giải được nhiều khía cạnh của sự phát triển - hay đúng ra là sự không phát triển - của một Nhà nước xã hội tại Châu Mĩ.

22: Phía Bắc có suýt soát vài chục nghìn nô lệ. Xem phụ lục kĩ thuật.
23: Nếu mỗi cá thể được đối xử như chủ thể, thì chế độ nô lệ (có thể được xem như một dạng cực tả của nợ mà cá thể này nợ cá thể khác) không làm tăng tài sản quốc gia, cũng giống như khi ta xét toàn bộ nợ cá nhân và công cộng (các khoản nợ được xếp vào loại nợ đối với một số cá thể và vào loại tài sản đối với những người khác, vì thế trên tổng thể chúng sẽ bù trừ lẫn nhau.).

[sau] [trước] [lên mức trên]