Từ tỉ số vốn/thu nhập đến sự phân chia vốn-làm việc
[sau] [trước] [lên mức trên]
Giờ ta hãy chuyển từ phân tích tỉ số vốn/thu nhập sang phân tích sự phân chia của thu nhập quốc gia giữa làm việc và vốn. Công thức α = r × β - được đặt tên là qui luật cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa đồng vốn trong chương 1 - sẽ giúp chuyển từ lượng này sang lượng kia một cách trong sáng. Ví dụ, nếu giá trị dự trữ vốn bằng sáu năm thu nhập quốc gia (β = 6) và nếu tỉ lệ lãi trên vốn trung bình là 5% một năm (r = 5%), thì phần thu nhập từ vốn α trong thu nhập quốc gia sẽ bằng 30% (và phần thu nhập từ làm việc sẽ là 70%). Vậy tỉ lệ lãi trên vốn được xác định như thế nào? Để trả lời câu hỏi trung tâm này, ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét vắn tắt các tiến trình trên giai đoạn rất dài, rồi ta sẽ phân tích các cơ chế lí thuyết và các lực kéo kinh tế và xã hội phía sau các tiến trình đó.
Hai nước mà ta có số liệu đầy đủ nhất kể từ thế kỉ 18 một lần nữa lại là Liên hiệp Anh và Pháp.
Giống như tỉ số vốn/thu nhập β, phần thu nhập từ vốn α cũng đi theo tiến trình hình chữ U, nhưng không đậm nét bằng. Nói cách khác, tỉ lệ lãi trên vốn r có vẻ làm tiến trình của số lượng vốn β mờ nhạt đi: tỉ lệ lãi r cao hơn trong những giai đoạn mà lượng vốn β thấp hơn, và ngược lại - điều có vẻ khá tự nhiên.
Cụ thể hơn: ta thấy tại Liên hiệp Anh cũng như tại Pháp, phần thu nhập từ vốn ở mức khoảng 35%-40% thu nhập quốc gia vào cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19, trước khi rớt xuống khoảng 20%-25% vào giữa thế kỉ 20, rồi lên lại mức khoảng 25%-30% vào cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 (xem biểu đồ G6.1-G6.2). Nó tương ứng với tỉ lệ lãi trên vốn trung bình quanh mức 5%-6% vào thế kỉ 18 và 19, trước khi lên tới 7%-8% vào giữa thế kỉ 20, rồi rớt xuống mức khoảng 4%-5% vào cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 (xem biểu đồ G6.3-G6.4).
Dáng điệu các đường cong và các số độ lớn mà ta vừa nói đến có thể được xem như đáng tin cậy và có nghĩa, ít nhất là theo các phép xấp xỉ ban đầu. Tuy nhiên, ta hãy nói rõ luôn về các hạn chế và sự thiếu vững chắc của chúng. Trước tiên, như đã đề cập trong các phần trước, ngay chính khái niệm tỉ lệ lãi “trung bình” trên vốn đã là một sự xây dựng tương đối trừu tượng rồi. Trên thực tế, tỉ lệ lãi thay đổi rất mạnh tùy theo loại tài sản và tùy theo kích cỡ của khối tài sản cá nhân (nói chung vốn ban đầu lớn thì dễ có tỉ lệ lãi cao hơn), tức là qua đó nó đóng vai trò khuếch đại bất bình đẳng, như ta sẽ thấy trong phần thứ ba của sách. Cụ thể, tỉ lệ lãi trên các tài sản nhiều rủi ro nhất, bắt đầu bằng vốn công nghiệp (có dạng phần sở hữu rõ tên chủ trong các xưởng sản xuất gia đình tại thế kỉ 19 hay phiếu góp vốn ẩn tên chủ trong các công ti niêm yết tại thế kỉ 20), thường vượt quá 7%-8%, trong khi đó tỉ lệ lãi trên các tài sản ít rủi ro hơn thường thấp hơn trông thấy, ví dụ vào khoảng 4%-5% đối với đất nông nghiệp tại thế kỉ 18 và 19, thậm chí 3%-4% đối với bất động sản vào đầu thế kỉ 21. Đối với các tài sản rất nhỏ bé được giữ trong các tài khoản thông dụng1 hay các tài khoản tiết kiệm trả lãi thấp, tỉ lệ lãi thực thường gần 1%-2%, thậm chí âm nếu tỉ lệ phồng giá cả cao hơn tỉ lệ lãi danh nghĩa (vốn đã rất thấp). Đây là một vấn đề sống còn mà ta sẽ quay lại nói kĩ về nó trong phần sau của sách.
Ta hãy trình bày rõ cách tính phần thu nhập từ vốn và tỉ lệ lãi trung bình trong các biểu đồ G6.1-G6.4: chúng được tính bằng cách cộng tất cả các thu nhập từ vốn được ghi lại trong các sổ sách quốc gia (bất kể tên gọi pháp lí của chúng: tiền thuê nhà, lợi nhuận, lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, tiền phí, v.v, nhưng không tính tiền lãi trên nợ công cộng; và được tính trước khi đóng tất cả các dạng thuế), rồi chia cho thu nhập quốc gia (ta sẽ thu được phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia, kí hiệu là α) hoặc chia cho vốn quốc gia (như vậy ta sẽ thu được tỉ lệ lãi trên vốn trung bình, kí hiệu là r)2. Theo định nghĩa trên, tỉ lệ lãi trung bình này tổng hợp các tỉ lệ lãi trên các loại tài sản và đầu tư rất khác nhau: mục đích ở đây chính là để biết trong một xã hội nhất định, đồng vốn mang lại bao nhiều tiền lãi tính theo trung bình, nghĩa là bỏ qua sự khác biệt hoàn cảnh cá nhân. Dĩ nhiên, một số người thu được nhiều hơn tỉ lệ lãi trung bình này; trong khi những người khác thu được ít hơn. Trước khi tiến hành nghiên cứu xem tỉ lệ lãi trên qui mô cá thể phân bố xung quanh tỉ lệ lãi trung bình nói trên như thế nào, ta hãy bắt đầu xem xét chính mức trung bình này trước đã.
[sau] [trước] [lên mức trên]