Vốn cá nhân biểu diễn theo số năm thu nhập sẵn dùng

[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta cũng cần nhấn mạnh là tỉ số vốn/thu nhập tại các nước giàu trong những năm 2000-2010 có thể sẽ đạt mức cao hơn nữa - chắc hẳn là cao chưa từng thấy trong lịch sử - nếu ta biểu diễn tổng tài sản cá nhân theo số năm thu nhập sẵn dùng, chứ không theo số năm thu nhập quốc gia như ta đã làm từ đầu sách đến giờ. Vấn đề có vỏ ngoài kĩ thuật này xứng đáng vài lời giải thích cho rõ ràng.

Thu nhập sẵn dùng của các hộ gia đình, hay ngắn gọn là “thu nhập sẵn dùng”, đo lường (như theo nghĩa của từ này) khoản thu nhập tiền tệ mà các hộ gia đình trực tiếp có được tại một nước nhất định. Theo định nghĩa, để chuyển từ thu nhập quốc gia sang thu nhập sẵn dùng, ta cần phải trừ đi tất cả các loại thuế và tiền đóng góp, và cộng các khoản tiền chuyển vào (lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp gia đình, trợ cấp thu nhập tối thiểu, v.v). Cho đến đầu thế kỉ 20, Nhà nước và các cơ quan hành chính công cộng đóng vai trò hạn chế trong đời sống kinh tế và xã hội (tổng tiền đóng góp vào khoảng 10% thu nhập quốc gia, chúng chủ yếu dùng để chi trả các cơ quan chức năng công cộng: cảnh sát, quân đội, tòa án, đường xá, v.v), do đó thu nhập sẵn dùng nhìn chung chiếm khoảng 90% thu nhập quốc gia. Vai trò đó đã được tăng lên đáng kể trong thế kỉ 20, đến mức thu nhập sẵn dùng hiện nay chỉ chiếm khoảng 70%-80% thu nhập quốc gia tại các nước giàu. Hệ quả có tính cơ học là nếu ta biểu diễn tổng tài sản cá nhân theo số năm thu nhập sẵn dùng (chứ không phải theo số năm thu nhập quốc gia), như một số người thường làm, thì ta sẽ thu được tỉ số vốn/thu nhập cao hơn rõ rệt. Ví dụ, trong những năm 2000-2010, vốn cá nhân chiếm xấp xỉ từ bốn đến bảy năm thu nhập quốc gia tại các nước giàu, nghĩa là từ năm đến chín năm thu nhập sẵn dùng (xem biểu đồ G5.4).


Biểu đồ G5.4: Vốn cá nhân biểu diễn theo số năm thu nhập sẵn dùng

Hai cách đo lường tỉ số giữa vốn và thu nhập trên đều hợp lí, tùy theo quan điểm của mỗi người về vấn đề này. Tỉ số biểu diễn theo số năm thu nhập sẵn dùng tập trung vào thực tế hoàn toàn thuần chất tiền tệ và cho phép nhấn mạnh vào biên độ của tài sản hiện nay so với thu nhập hàng năm mà các hộ gia đình trực tiếp có được (ví dụ có thể dùng để tiết kiệm). Điều này trong chừng mực nào đó tương ứng với thực tế cụ thể mà các hộ gia đình trải nghiệm trên tài khoản ngân hàng của mình. Vì thế ta cũng nên biết cả hai số độ lớn này. Tuy nhiên, theo định nghĩa, cách biệt giữa thu nhập sẵn dùng và thu nhập quốc gia đo lường giá trị của các dịch vụ công cộng mà các hộ gia đình được hưởng miễn phí, nhất là các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe do các cơ quan công quyền trực tiếp chi trả. Sự “chuyển đổi bản chất” này có giá trị bằng với sự lưu chuyển tiền tệ dùng để tính thu nhập sẵn dùng: nó giúp cho những người liên quan tránh được việc phải chi những khoản đáng kể - đôi khi cao hơn hẳn - cho những nhà sản xuất tư nhân dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Bỏ qua chúng có nguy cơ làm sai lệch một số tiến trình hay các phép so sánh giữa các nước. Chính vì lẽ đó theo chúng tôi biểu diễn tài sản theo số năm thu nhập quốc gia có lẽ là hay hơn: điều này ứng với việc lấy quan điểm kinh tế - chứ không phải thuần chất tiền tệ - để xem xét khái niệm thu nhập. Trong khuôn khổ cuốn sách này, khi ta nói đến tỉ số vốn/thu nhập mà không có chú thích nào khác, ta sẽ luôn hiểu đó là tỉ số giữa dự trữ vốn và dòng thu nhập quốc gia24.

24: Trong phần thứ tư ta sẽ quay lại bàn về vấn đề thuế, sư lưu chuyển và phân phối lại của cải do các cơ quan công quyền điều hành, và đặc biệt là ảnh hưởng của nó lên bất bình đẳng và lên sự tích lũy cũng như phân bố của đồng vốn.

[sau] [trước] [lên mức trên]