Vốn con người có phải là điều hư ảo không?
[sau] [trước] [lên mức trên]
Giờ ta hãy bàn đến một vấn đề rất chính yếu: sự mạnh dần lên của vốn con người trong tiến trình lịch sử có phải là điều hư ảo không? Chính xác hơn: theo một cách nhìn tương đối phổ biến, quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế sẽ được đặc trưng bởi việc tay nghề, năng lực, và nói chung là lao động con người, sẽ trở nên ngày một quan trọng hơn trong quá trình sản xuất. Mặc dù không phải lúc nào cũng được phát biểu một cách hoàn toàn cụ thể, giả thuyết trên có thể được diễn giải như sau: công nghệ đã chuyển biến theo chiều hướng nâng cao tầm quan trọng của nhân tố lao động27. Thật vậy, lí giải sự giảm sút của phần thu nhập từ vốn trong giai đoạn rất dài theo cách như trên có vẻ khá hợp lí (từ 35%-40% vào khoảng năm 1800-1810 xuống 25%-30% khoảng năm 2000-2010, và sự tăng lên tương ứng của phần thu nhập từ làm việc, từ 60%-65% lên 70%-75%). Phần thu nhập từ làm việc đã tăng lên, đơn giản là vì lao động đã trở nên quan trọng hơn trong quá trình sản xuất. Chính sự mạnh lên của vốn con người đã cho phép giảm phần thu nhập từ vốn đất đai, bất động sản và tài chính.
Nếu cách lí giải này là đúng, thì đây quả là một sự chuyển biến rất đáng kể. Tuy nhiên ta cần phải cẩn thận. Một mặt, như đã nhắc tới trong phần trước của sách, ta thiếu độ lùi lịch sử để thoải mái phán xét tiến trình của phần thu nhập từ vốn trong giai đoạn rất dài. Hoàn toàn có thể là phần thu nhập từ vốn sẽ tăng lại trong các thập kỉ sắp tới về mức thời đầu thế kỉ 19. Điều này có thể trở thành hiện thực hoặc là do dạng thức có tính cấu trúc của công nghệ (và tầm quan trọng tương đối của lao động và của vốn) trên thực tế đã không thay đổi nhiều (chính sức thương lượng của lao động và của vốn đã tiến triển thì đúng hơn); hoặc là do dạng thức có tính cấu trúc của công nghệ cũng đã thay đổi nhẹ (có vẻ hợp lí hơn), nhưng sự tăng lên của tỉ số vốn/thu nhập sẽ kéo phần thu nhập từ vốn lên các đỉnh cao lịch sử (thậm chí vượt đỉnh), bởi độ dẻo thay thế vốn-làm việc về dài hạn có thể ở mức lớn hơn 1. Đây có lẽ chính là thông điệp quan trọng nhất trong nghiên cứu của chúng ta lúc này: công nghệ hiện đại luôn sử dụng rất nhiều vốn; và nhất là sự đa dạng của các cách sử dụng vốn khiến người ta có thể tích lũy rất nhiều vốn mà không sợ tỉ lệ lãi suy sụp hoàn toàn. Trong điều kiện như trên, không tồn tại bất cứ lí do tự nhiên nào khiến phần thu nhập từ vốn giảm đi trong giai đoạn rất dài, mặc dù công nghệ cũng đã chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho lao động.
Mặt khác, ta phải đặc biệt cẩn thận vì lí do sau đây. Sự giảm sút dài hạn của phần thu nhập từ vốn từ 35%-40% xuống 25%-30% về thực chất là khá hợp lí. Đây là một sự giảm sút hết sức đáng kể; nhưng chưa phải là thay đổi nền văn minh. Trình độ lành nghề dĩ nhiên là đã tiến lên rất mạnh trong vòng hai thế kỉ gần đây. Nhưng khối dự trữ vốn bất động sản, công nghiệp, tài chính cũng đã tăng lên rất nhiều. Đôi khi người ta ảo tưởng rằng vốn có lẽ đã biến mất, và chúng ta sẽ hân hoan đi từ một nền văn minh dựa trên vốn, thừa kế và quan hệ con ông cháu cha sang một nền văn minh dựa trên vốn con người và tài năng. Chỉ nhờ vào tiến bộ công nghệ, những kẻ giữ vốn góp béo phệ sẽ được thay thế bởi những viên chức mẫn cán. Ta sẽ quay lại câu hỏi này trong phần tiếp theo khi nghiên cứu về các bất bình đẳng trong phân bố thu nhập và tài sản trên qui mô cá thể: hiện tại ta không thể trả lời nó một cách xác đáng ngay được. Nhưng ta cũng đã có đủ hiểu biết để cảnh giác trước một chủ nghĩa lạc quan tự mãn như vậy: đúng là vốn đã kém quan trọng đi so với thời Balzac và Austen (và có thể còn xuống nữa trong tương lai), nhưng vốn không biến mất - đơn giản là vì nó vẫn luôn có ích.
[sau] [trước] [lên mức trên]