Vốn nô lệ và vốn con người
[sau] [trước] [lên mức trên]
Ta vẫn chưa tìm cách ước lượng giá trị của vốn nô lệ tại các xã hội chiếm hữu nô lệ khác. Tại Liên hiệp Anh (chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ năm 1833-1838) hay tại Pháp (sự xóa bỏ chế độ nô lệ được thực hiện theo hai bước: chế độ nô lệ được xóa bỏ đầu tiên vào năm 1792, được Napoléon xác lặp lại năm 1803, rồi xóa bỏ vĩnh viễn năm 1848), một phần của vốn nước ngoài tại thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19 có dạng các đồn điền ở đảo Antilles (như hình ảnh của ngài Thomas trong tiểu thuyết Mansfield Park) hoặc ở các đảo nô lệ trên Ấn Độ dương (đảo Bourbon và đảo France; hai đảo này trở thành đảo Réunion và đảo Maurice sau Cách mạng Pháp). Các sở hữu này ngầm bao gồm cả nô lệ, và trong các phép tính ở phần trên, ta đã không tách phần sở hữu nô lệ ra riêng rẽ. Tuy nhiên tại hai nước trên, tổng sở hữu ngoài nước vẫn không vượt quá 10% thu nhập quốc gia: tầm quan trọng của nô lệ trong tổng tài sản hiển nhiên là thấp hơn tại Mĩ rất nhiều24.
Ngược lại, trong những xã hội mà nô lệ chiếm phần lớn dân số, giá trị thị trường của vốn nô lệ một cách tự nhiên có thể đạt đến những mức rất cao, có khả năng cao hơn vốn nô lệ tại Mĩ và cao hơn tất cả các dạng tài sản khác. Ta hãy xét một trường hợp cực điểm: gần như toàn bộ dân số bị sở hữu bởi một phần thiểu số cực nhỏ. Để minh họa ta giả sử thu nhập từ làm việc (nghĩa là những gì làm việc đem lại cho chủ nô) chiếm 60% thu nhập quốc gia, và thu nhập từ vốn (nghĩa là tiền thuê nhà, tiền lợi nhuận, v.v, do đất đai và các loại vốn khác mang lại cho chủ sở hữu) chiếm 40% thu nhập quốc gia, và tỉ lệ lãi trên tất cả các dạng vốn phi con người là 5% một năm.
Theo định nghĩa, giá trị vốn quốc gia (không tính nô lệ) bằng tám năm thu nhập - đây là qui luật cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa đồng vốn (β = α ∕ r) được đưa vào trong chương 1.
Trong một xã hội chiếm hữu nô lệ, ta có thể áp dụng qui luật trên để tính mức vốn hóa của nô lệ: nếu nô lệ đem lại tương đương 60% thu nhập quốc gia và nếu tỉ lệ lãi hàng năm trên tất cả các loại vốn là 5%, thì giá trị thị trường của tổng dự trữ nô lệ sẽ bằng mười hai năm thu nhập quốc gia - tức là gấp rưỡi vốn quốc gia, đơn giản là vì nô lệ đem lại thu nhập gấp rưỡi thu nhập từ vốn. Nếu ta đem cộng giá trị nô lệ vào giá trị vốn, hiển nhiên ta sẽ có hai mươi năm thu nhập quốc gia, bởi lẽ toàn bộ dòng tiền thu nhập và sản lượng hàng năm được vốn hóa với tỉ lệ 5%.
Trong trường hợp nước Mĩ những năm 1770-1810, giá trị vốn nô lệ vào khoảng một năm rưỡi thu nhập quốc gia (chứ không phải mười hai năm), một phần là vì tỉ lệ nô lệ trong toàn bộ dân số là 20% (chứ không phải 100%), và phần khác là vì năng suất trung bình của nô lệ được đánh giá là thấp hơn năng suất lao động trung bình một chút, và tỉ lệ lãi trên vốn nô lệ nói chung gần với mức 7%-8% (thậm chí cao hơn) hơn là mức 5%; vì thế giá trị vốn hóa của nó thấp đi. Trên thực tế, tại Mĩ thời trước Nội chiến, giá thị trường của một người nô lệ thông thường vào khoảng mười-mười hai năm tiền lương của một người lao động tự do tương đương (chứ không phải là hai mươi năm, nếu vậy người nô lệ phải có năng suất tương đương và tỉ lệ lãi phải là 5%). Vào khoảng năm 1860, giá trung bình của một người nô lệ nam giới trong độ tuổi khỏe mạnh vào khoảng 2000 dollar, trong khi lương hàng năm của một người lao động nông nghiệp tự do vào khoảng 200 dollar25. Ta phải nói rõ thêm là giá nô lệ biến đổi rất nhiều tùy theo đặc điểm của người nô lệ và cách định giá của chủ nô: trong bộ phim Django Unchained26, Quentin Tarantino tái hiện một người chủ đồn điền giàu có sẵn sàng bán bỏ cô Broomhilda chỉ với giá 700 dollar, nhưng ông này đòi 12000 dollar cho những người nô lệ đấu sĩ khỏe nhất.
Dù sao chăng nữa, những phép tính loại này chỉ có nghĩa trong các xã hội chiếm hữu nô lệ, nơi mà vốn con người có thể thật sự được bán trên thị trường một cách thường xuyên và dứt điểm. Một số nhà kinh tế học, đặc biệt là các tác giả trong loạt báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới dành cho chủ đề “của cải của các nước”, đã chọn phương pháp tính tổng giá trị “vốn con người” bằng cách vốn hóa giá trị dòng thu nhập từ làm việc với một tỉ lễ lãi hàng năm khá tùy tiện (kiểu 4% hay 5%). Họ kinh ngạc kết luận trong các báo cáo kể trên rằng vốn con người chính là dạng vốn đầu tiên trong xã hội nhiệm màu của thế kỉ 21. Kết luận như vậy thực ra là hoàn toàn hiển nhiên, và xã hội thế kỉ 18 cũng có thể cho ra cùng một kết luận: chỉ cần hơn một nửa thu nhập quốc gia đến từ làm việc, và ta cho vốn hóa dòng thu nhập từ làm việc này với tỉ lệ lãi bằng (hay gần bằng) tỉ lệ lãi được dùng để vốn hóa dòng thu nhập đến từ vốn, thì theo định nghĩa giá trị của vốn con người sẽ vượt quá giá trị của các loại vốn khác. Không cần phải tròn mắt kinh ngạc, cũng không cần phải vòng qua một phép vốn hóa ảo diệu để nhận ra điều này (chỉ cần so sánh các dòng tiền thôi27). Gán cho dự trữ vốn con người một giá trị tiền tệ chỉ có nghĩa trong những xã hội mà thực sự có thể sở hữu một cách hoàn toàn và trọn vẹn các cá thể khác - những xã hội được xem như đã không còn tồn tại nữa.
[sau] [trước] [lên mức trên]