Vốn và tài sản
[sau] [trước] [lên mức trên]
Để việc thuyết trình được đơn giản, ta sẽ sử dụng các từ “vốn” và “tài sản” thay phiên nhau như những từ hoàn toàn cùng nghĩa. Theo một số định nghĩa, từ “vốn” được dành cho dạng tài sản được tích lũy bởi con người (nhà xưởng, máy móc, thiết bị, v.v), không bao gồm đất đai và tài nguyên thiên nhiên - những thứ loài người được thừa kế mà không cần phải tích lũy. Như vậy đất đai sẽ được hiểu là một thành phần của tài sản, chứ không phải của vốn. Vấn đề của định nghĩa đó là không phải lúc nào cũng dễ dàng tách được riêng giá trị nhà xưởng và giá trị khu đất xây dựng. Nghiêm trọng hơn, ta sẽ thấy rằng rất khó tách được riêng giá trị đất “trống” (như được con người khám phá ra cách đây nhiều thế kỉ hoặc nhiều thiên niên kỉ) và giá trị của rất nhiều các cải thiện sau đó - hệ thống mương máng, tưới tiêu, bỏ không tái tạo cho vụ sau, v.v. - được con người thực hiện trên đất nông nghiệp. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác - dầu mỏ, khí đốt, “đất hiếm”, v.v.- cũng gặp cùng vấn đề: rất phức tạp để phân biệt giá trị thuần túy của chúng với những khoản đầu tư cho phép phát hiện ra những mỏ khoáng sản tại đó và tiến hành khai thác chúng. Vì vậy, ta sẽ bao gồm tất cả các dạng của cải trong khái niệm “vốn”, tất nhiên không phải vì thế mà ta ngừng quan tâm cẩn thận đến nguồn gốc của tài sản, đặc biệt là ranh giới giữa những gì đến từ tích lũy và những gì đến từ cải tạo tự nhiên.
Có những định nghĩa khác, theo đó từ “vốn” được dành cho những thành phần của tài sản được dùng trực tiếp trong quá trình sản xuất. Ví dụ, vàng phải được coi là một thành phần của tài sản chứ không phải một thành phần của vốn, bởi vàng không dùng được vào việc gì khác ngoài làm vật lưu giữ giá trị. Đây cũng vậy, sự phân loại kể trên có vẻ không thực tiễn cũng không tiện dùng: vàng đôi khi được dùng như là nhân tố sản xuất, trong ngành trang sức cũng như trong ngành điện tử hoặc công nghệ nano. Tất cả các dạng vốn luôn đóng vai kép, một mặt như một dạng lưu trữ giá trị và mặt khác như một nhân tố sản xuất. Vì thế theo chúng tôi, đơn giản là không nên áp đặt một sự phân biệt cứng ngắc giữa quan niệm về tài sản và quan niệm về vốn.
Cũng như vậy, chúng tôi thấy không thích đáng lắm khi loại bỏ bất động sản nhà ở khỏi định nghĩa của “vốn”, dưới lí do rằng những bất động sản này “không sản xuất”, khác với “vốn sản xuất” được sử dụng bởi các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính: nhà xưởng với mục đích nghề nghiệp, văn phòng, máy móc, thiết bị, v.v. Trong thực tế, tất cả các dạng tài sản đều có ích và đều sản xuất ra của cải. Chúng tương ứng với hai chức năng kinh tế lớn của vốn: nếu ta tạm thời bỏ qua vai trò lưu giữ giá trị, vốn này có ích lợi một mặt dùng để ở (nghĩa là sản xuất ra “dịch vụ cư trú”, mà giá trị của nó được đo bằng giá trị thuê tài sản đó để ở), mặt khác như một nhân tố sản xuất đối với các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ khác (các tổ chức này cần nhà xưởng, văn phòng, máy móc, thiết bị, v.v, để sản xuất ra những sản phẩm này). Ta sẽ thấy trong phần sau của sách rằng mỗi chức năng lớn này chiếm xấp xỉ một nửa tổng dự trữ vốn của những nước phát triển thời đầu thế kỉ 21 này.
Hãy tóm tắt lại những điểm trên. Ta định nghĩa “tài sản quốc gia” hoặc “vốn quốc gia” như là toàn bộ giá trị, ước lượng bằng giá thị trường, của tất cả những gì mà cư dân và chính phủ nước đó sở hữu tại một thời điểm nhất định, và có khả năng trao đổi được trên thị trường15. Đó là tổng số của những tài sản không phải tài chính (nhà ở, đất đai, quĩ trao đổi hàng hóa16, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, chứng chỉ và những tài sản nghề nghiệp được sở hữu trực tiếp khác) và những tài sản tài chính (tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, giấy ghi nợ, phiếu góp vốn và những phần sở hữu khác trong doanh nghiệp, đầu tư tài chính dưới mọi bản chất, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trừ đi các khoản nợ tài chính17).
Nếu ta giới hạn trong phạm vi tài sản và nợ sở hữu bởi các cá nhân, ta sẽ thu được tài sản cá nhân hoặc vốn cá nhân. Nếu ta xét tài sản và các khoản nợ sở hữu bởi Nhà nước và những cơ quan hành chính công cộng (các Hợp tác xã địa phương, Bảo hiểm xã hội, v.v), ta sẽ thu được tài sản công cộng hoặc vốn công cộng. Theo định nghĩa, tài sản quốc gia là tổng số của hai số hạng này:
tài sản quốc gia = tài sản cá nhân + tài sản công cộng
Hiện nay, tài sản công cộng chiếm phần cực kì ít ỏi tại phần lớn các nước phát triển (thậm chí âm, khi những khoản nợ công cộng vượt quá sở hữu công cộng). Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, tài sản cá nhân chiếm hầu như toàn bộ tài sản quốc gia tại gần như tất cả các nước. Nhưng tình hình không phải lúc nào cũng như vậy trong lịch sử, vì thế ta vẫn cần phân biệt rõ hai khái niệm này.
Nói rõ là quan niệm về vốn dùng trong sách dĩ nhiên loại ra vốn con người (loại vốn này không thể trao đổi được trên thị trường, ít nhất là trong các xã hội không chiếm hữu nô lệ), nhưng không giới hạn trong phạm vi vốn “vật thể” (đất đai, nhà xưởng, thiết bị, và những tài sản có dạng tồn tại vật chất khác). Ta cũng bao gồm vốn “phi vật thể”, ví dụ dưới dạng chứng chỉ và những quyền sở hữu trí tuệ khác. Những dạng vốn này được tính như những tài sản phi tài chính (nếu các cá thể sở hữu trực tiếp chứng chỉ), hoặc như những tài sản tài chính, khi mà những cá nhân giữ vốn góp của các doanh nghiệp sở hữu chứng chỉ (đây là trường hợp thường gặp nhất). Nói chung, rất nhiều dạng vốn phi vật thể được tính thông qua sự vốn hóa các doanh nghiệp trên thị trường tài chính. Ví dụ, giá trị thị trường của một doanh nghiệp thường phụ thuộc vào sự nổi tiếng của doanh nghiệp đó cũng như các nhãn hiệu của nó, vào hệ thống thông tin và cách thức tổ chức, vào những khoản đầu tư vật thể và phi vật thể dùng để tăng cường sự nổi bật và sự hấp dẫn của các sản phẩm và dịch vụ, vào những khoản chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, v.v. Chúng được tính tất tật vào giá của phiếu vốn góp và những phần sở hữu khác của doanh nghiệp, tức là trong giá trị của tài sản quốc gia.
Dĩ nhiên có mặt nào đó tùy tiện và không chắc chắn trong giá mà thị trường tài chính ấn định cho vốn phi vật thể tại một thời điểm nhất định cho một doanh nghiệp cụ thể, thậm chí cho toàn bộ một lĩnh vực kinh tế, như được minh chứng qua cú vỡ bong bóng Internet năm 2000, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra từ năm 2007-2008 và độ biến động rất lớn của thị trường tài chính nói chung. Nhưng cần nhấn mạnh ngay lúc này rằng đó là một đặc tính chung cho tất cả các dạng vốn, chứ không phải chỉ của vốn phi vật thể. Dù đó là một tòa nhà hay một doanh nghiệp, một xưởng công nghiệp hay dịch vụ, rất khó đưa ra một giá cố định cho vốn. Mặc dù vậy, ta sẽ thấy là tổng mức tài sản quốc gia, trên phạm vi toàn bộ một nước chứ không chỉ trên một tài sản cụ thể nào, vẫn tuân theo một số qui luật và một số điều trùng lặp.
Cuối cùng ta hãy nói rõ rằng trên phạm vi một nước, tài sản quốc gia có thể được chia thành vốn trong nước và vốn ngoài nước:
tài sản quốc gia = vốn quốc gia = vốn trong nước + vốn ngoài nước nét
Vốn trong nước đo lường giá trị của dự trữ vốn (bất động sản, doanh nghiệp, v.v) đặt trên lãnh thổ của một nước nhất định. Vốn ngoài nước nét - hoặc tài sản ngoài nước nét - đo lường cán cân tài sản của một nước đối với phần còn lại của thế giới, nghĩa là sự khác nhau giữa những tài sản sở hữu bởi cư dân của một nước trong phần còn lại của thế giới và những tài sản sở hữu bởi phần còn lại của thế giới trong nước đó. Đêm trước của Chiến tranh thế giới thứ nhất, Liên hiệp Anh và Pháp sở hữu trong phần còn lại của thế giới một khối tài sản ngoài nước nét đáng kể. Ta sẽ thấy rằng một trong những đặc tính của sự toàn cầu hóa tài chính xảy ra từ những năm 1980-1990 là việc nhiều nước có thể có cán cân tài sản nét khá gần với mức cân bằng nhưng lại có cán cân tài sản thô cực kì cao. Nói cách khác, trò chơi tham gia đầu tư tài chính chéo giữa các nước gây nên việc các nước đều sở hữu một phần quan trọng trong vốn nội địa của những nước khác, nhưng không vì thế mà cán cân tài sản nét giữa các nước chênh lệch nhiều. Mặc nhiên là, trên phạm vi toàn cầu, tất cả các cán cân nét bù trừ lẫn nhau, thành thử tài sản toàn cầu rút gọn lại đúng bằng vốn trong nước của toàn thể hành tinh.
[sau] [trước] [lên mức trên]