[sau] [trước] [lên mức trên]
Đây là một vấn đề quan trọng không chỉ trong quá khứ. Kể từ những năm 1970, bất bình đẳng đã tăng trở lại tại những nước giàu. Nhất là ở Mĩ, sự chênh lệch thu nhập trong những năm 2000-2010 đã quay lại - thậm chí là vượt qua chút ít - mốc cao kỉ lục những năm 1910-1920. Để phân tích được sự gia tăng này, trước hết phải ta tìm hiểu tại sao và làm thế nào bất bình đẳng đã giảm sút trong giai đoạn trước. Dĩ nhiên, sự tăng trưởng mạnh của các nước nghèo và các nước mới nổi, nhất là Trung Quốc, là một tiềm lực mạnh mẽ làm giảm thiểu bất bình đẳng trên phạm vi toàn thế giới, tương tự như sự tăng trưởng của những nước giàu trong “Ba mươi năm huy hoàng”. Nhưng quá trình này dấy lên tại các nước mới nổi những mối lo lắng lớn, và còn lớn hơn nữa tại các nước giàu. Mặt khác, những sự mất cân bằng lớn trên thị trường tài chính, dầu mỏ và bất động sản có thể gợi nên những mối ngờ vực về tính chất không thể khác được của “lối đi tăng trưởng cân bằng” như Slow và Kuznets đã miêu tả, theo đó tất cả được xem như sẽ phát triển theo cùng một nhịp độ. Thế giới năm 2050 hay 2100 sẽ được sở hữu bởi những traders33, những nhà quản lí siêu việt và những người có tài sản lớn, hay những nước dầu mỏ hoặc Ngân hàng Trung quốc, chưa nói đến những thiên đường thuế bằng cách này hay cách khác là chỗ trú chân của tất cả các đối tượng trên? Có vẻ thật vô lí khi không đặt ra câu hỏi này mà cứ cứng ngắc giả sử sự tăng trưởng tự nó “cân bằng” trong giai đoạn dài.
Chúng ta thời đầu thế kỉ 21 này sống trong cùng một hoàn cảnh với những nhà quan sát thế kỉ 19: ta đang chứng kiến những chuyển biến rất ấn tượng. Rất khó nói những biến chuyển này sẽ đi tới đâu; rất khó hình dung ra sự phân bố của cải toàn cầu, giữa các nước cũng như trong nội bộ mỗi nước, sẽ ra sao trong vài thập kỉ tới. Các nhà kinh tế học thế kỉ 19 có công lao to lớn: họ đã đưa vấn đề phân bố của cải thành tâm điểm của phân tích kinh tế học; họ tìm cách nghiên cứu những xu hướng dài hạn. Những câu trả lời của họ không phải lúc nào cũng thỏa đáng - nhưng ít nhất họ đã đặt ra những câu hỏi chính đáng. Ta không có lí do cơ bản nào để tin vào tính chất tự cân bằng của sự tăng trưởng. Đã đến lúc nên đưa vấn đề về bất bình đẳng trở lại tâm điểm của phân tích kinh tế học và đặt lại những câu hỏi còn để ngỏ từ thế kỉ 19. Trong một thời gian quá dài, vấn đề phân bố của cải đã bị các nhà kinh tế học sao nhãng, một phần bởi những kết luận lạc quan của Kuznets, một phần do việc họ quá ưa thích những mô hình toán học kiểu “tác nhân kinh tế tiểu biểu”34. Muốn đưa vấn đề phân bố của cải trở lại tâm điểm của phân tích kinh tế học, ta phải bắt đầu bằng việc thu thập tối đa những số liệu lịch sử cho phép hiểu rõ hơn những tiến trình trong quá khứ và những xu hướng hiện thời. Bởi lẽ, qua việc kiên trì xác lập những sự kiện thật và những điều trùng lặp, đối chiếu những trải nghiệm của các nước khác nhau, ta mới hi vọng nắm bắt được rõ hơn những cơ chế tiềm ẩn và làm sáng tỏ những nghi vấn để hướng tới tương lai.
[sau] [trước] [lên mức trên]