[sau] [trước] [lên mức trên]
Đâu là khuôn khổ không gian và thời gian của cuộc điều tra này? Trong chừng mực có thể, tôi cố gắng phân tích sự vận động của sự phân bố của cải trên phạm vi toàn thế giới, trong nội bộ một nước cũng như giữa các nước, kể từ thế kỉ 18. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều hạn chế về số liệu buộc tôi phải hạn chế rõ rệt phạm vi nghiên cứu. Về phân bố sản lượng và thu nhập giữa các nước (sẽ được nghiên cứu trong phần đầu), ta có thể có một cái nhìn toàn thế giới kể từ năm 1700 (chủ yếu nhờ vào những sổ sách quốc gia được Angus Madisson thu thập). Về sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập và cơ cấu vốn-làm việc (được nghiên cứu trong phần thứ hai), do thiếu số liệu tốt, ta buộc phải hạn chế lại và chủ yếu trình bày về những nước giàu, sau đó dùng phép suy rộng cho các nước nghèo và mới nổi. Về tiến trình của bất bình đẳng thu nhập và tài sản (được xem xét ở phần thứ ba), ta cũng buộc phải hạn chế phạm vi nghiên cứu do thiếu số liệu. Chúng tôi sẽ nỗ lực bao gồm tối đa những nước nghèo và mới nổi, chủ yếu nhờ vào số liệu từ WTID (trong chừng mực có thể WTID cố gắng thu thập số liệu cho cả năm châu lục). Nhưng hiển nhiên là những tiến trình dài hạn được ghi chép tốt hơn tại những nước giàu. Cụ thể, cuốn sách này trước hết dựa trên những phân tích về kinh nghiệm lịch sử của những nước phát triển chính: Mĩ, Nhật, Đức, Pháp và Liên hiệp Anh.
Trường hợp Liên hiệp Anh và Pháp sẽ được trình bày kĩ nhất, bởi ta có nguồn số liệu lịch sử đầy đủ nhất cho hai nước này trong một giai đoạn rất dài. Đặc biệt, tại Anh cũng như tại Pháp, ta có rất nhiều đánh giá về tài sản quốc gia và cấu trúc của nó, cho phép tái hiện thời gian đến thế kỉ 18. Hơn nữa, đây là hai cường quốc thực dân và tài chính thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Nghiên cứu chi tiết về hai nước này là rất quan trọng cho sự phân tích về sự vận động của sự phân bố của cải trên phạm vị toàn thế giới kể từ Cách mạng công nghiệp. Đặc biệt, đây là điểm khởi đầu không tránh được khi nghiên cứu về chủ đề thường được gọi là sự toàn cầu hóa tài chính và thương mại “đầu tiên”, diễn ra vào những năm 1870-1914 - giai đoạn này có những sự tương đồng sâu sắc với sự toàn cầu hóa “lần thứ hai”, đang diễn ra kể từ những năm 1970-1980. Đây là giai đoạn vừa rất thú vị vừa chất chứa bất bình đẳng cao ngất. Đó là thời mà người ta phát minh ra bóng đèn điện và phương tiện liên lạc xuyên Đại Tây Dương (tàu Titanic hạ thủy năm 1912), máy chiếu phim và đài tiếng nói, xe hơi và giao dịch tài chính quốc tế. Xin nhắc lại, chẳng hạn phải đợi đến năm 2000-2010, độ vốn hóa tại những nước giàu - đo bằng phần sản phẩm trong nước hoặc thu nhập quốc gia tương đương - mới quay lại mức tại Paris và London đạt được trong những năm 1900-1910. Như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, phép so sánh này chứa rất nhiều điều bổ ích giúp ta thấu hiểu thế giới ngày nay.
Một số bạn đọc chắc hẳn sẽ ngạc nhiên về tầm quan trọng đặc biệt tôi dành cho nghiên cứu trường hợp nước Pháp, và có khi còn nghi ngờ tôi cục bộ quốc gia. Vậy để tôi thanh minh cho rõ. Trước hết đây là một vấn đề về số liệu. Cách mạng Pháp dĩ nhiên không tạo dựng một xã hội công bằng và lí tưởng. Nhưng ta sẽ thấy ít nhất nó đã triển khai được một hệ thống giám sát tài sản chưa từng có: hệ thống lưu trữ về tài sản đất đai, bất động sản và tài chính từ những năm 1790-1800 là hiện đại và phổ quát một cách đáng ngạc nhiên so với thời kì đó. Nó cũng giải thích tại sao những nguồn số liệu về tài sản thừa kế tại Pháp có lẽ là phong phú nhất thế giới xét trong giai đoạn dài. Lí do thứ hai: dưới một góc độ nào đó, nước Pháp - nước đã chứng kiến sự chuyển dịch dân số sớm nhất trong lịch sử - làm nên một đài quan sát tốt dự báo những điều toàn thế giới đang chờ đợi. Dân số Pháp dĩ nhiên đã tăng trong hai thế kỉ vừa rồi, nhưng với một nhịp độ khá chậm. Pháp có gần 30 triệu dân lúc Cách mạng nổ ra, và thiếu chút thì đạt 60 triệu vào đầu những năm 2010. Vẫn là một nước với cùng một ước lượng độ lớn dân số. Để so sánh, Mĩ có gần 3 triệu dân thời Tuyên ngôn độc lập. Nó đã đạt 100 triệu khoảng 1900-1910 và vượt qua 300 triệu vào đầu những năm 2010. Hiển nhiên là khi một nước từ 3 triệu tăng lên 300 triệu dân (chưa nói tới những thay đổi lớn về qui mô lãnh thổ trong quá trình mở mang đất đai về phía tây trong thế kỉ 19), nó không còn là một nước như cũ nữa.
Ta sẽ thấy trong phần sau rằng sự vận động và cấu trúc bất bình đẳng thể hiện một cách rất khác nhau trong một nước mà dân số tăng gấp 100 lần và trong một nước mà dân số chỉ vừa vặn tăng gấp đôi. Đặc biệt, so với trường hợp thứ hai, tài sản thừa kế có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều trong trường hợp thứ nhất. Chính sự tăng trưởng dân số rất mạnh của Thế giới Mới đã làm cho trọng lượng của tài sản thừa xuất phát từ quá khứ trở nên nhẹ hơn tại Mĩ so với Châu Âu, và giải thích tại sao cấu trúc bất bình đẳng và các tầng lớp xã hội tại Mĩ lại hiện ra một cách đặc biệt như vậy. Nhưng điều này cũng dẫn đến việc ta không dùng trường hợp nước Mĩ để suy rộng ra các nước khác được (rất ít khả năng dân số thế giới tăng lên 100 lần trong vòng hai thế kỉ tới); và trường hợp nước Pháp là tiêu biểu và thích hợp hơn cho sự phân tích dự báo tương lai. Tôi tin chắc rằng sự phân tích chi tiết về trường hợp nước Pháp, và rộng hơn về những quĩ đạo lịch sử khác nhau của những nước phát triển hiện nay - tại Châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mĩ và Châu Đại Dương - chứa rất nhiều điều bổ ích để dự báo sự vận động của thế giới trong tương lai, bao gồm cả những nước mới nổi hiện nay - Trung Quốc, Brazil hoặc Ấn Độ - những nước này chắc hẳn cũng sẽ trải qua việc tăng trưởng dân số và kinh tế chậm dần đi (thực tế là tăng trưởng dân số đã chậm hơn trước rồi).
Cuối cùng, trường hợp nước Pháp có điều thú vị là Cách mạng Pháp - cách mạng “tài sản riêng” ở mức cao nhất - đã mang tới từ rất sớm một lí tưởng về bình đẳng pháp lí trước thị trường. Sẽ rất thú vị khi nghiên cứu hệ quả của cuộc Cách mạng này đối với sự vận động của sự phân bố của cải. Cách mạng Anh năm 1688 dĩ nhiên cũng đã khởi xướng hệ thống quốc hội hiện đại; nhưng nó cũng đã để lại phía sau một dòng họ hoàng gia, chế độ con trưởng thừa kế đất đai cho đến những năm 1920, và những đặc quyền chính trị cho giới dòng dõi quí tộc cho tới tận ngày nay (quá trình định nghĩa lại chức thượng nghị sĩ và Thượng viện vẫn đang tiếp diễn trong những năm 2010, khách quan mà nói là hơi lâu). Cách mạng Mĩ năm 1776 dĩ nhiên cũng đã khởi xướng nguyên tắc nền cộng hòa; những nó đã chừa lại chế độ nô lệ rất thịnh hành trong vòng một thế kỉ sau, và sự phân biệt chủng tộc hợp pháp trong vòng gần hai thế kỉ; cho tới ngày này vấn đề chủng tộc vẫn tiếp tục định đoạt nhiều vấn đề xã hội tại Mĩ. Dưới góc độ nào đó, Cách mạng Pháp năm 1789 là tham vọng hơn: nó đã xóa bỏ tất cả các đặc quyền hợp pháp, và dự định tạo lập một trật tự chính trị và xã hội hoàn toàn dựa trên bình đẳng pháp lí và cơ hội. Luật Dân sự bảo đảm bình đẳng tuyệt đối về quyền sở hữu và quyền tự do hợp đồng (ít nhất là đối với nam giới). Vào cuối thế kỉ 19 và Thời tươi đẹp, những nhà kinh tế học bảo thủ Pháp - như là Paul Leroy-Beaulieu - thường xuyên dùng luận điểm này để giải thích rằng nước Cộng hòa Pháp, đất nước của những “chủ nhà khiêm tốn”, đất nước trở nên bình đẳng nhờ vào cuộc Cách mạng, không hề cần một loại thuế tăng dần và cưỡng bức đánh trên thu nhập hoặc tài sản thừa kế, ngược lại với Liên hiệp Anh phong kiến và quan liêu. Thế nhưng những số liệu chúng ta có chứng minh rằng sự tập trung tài sản thời đó tại Pháp cũng cực độ như tại Liên hiệp Anh. Điều này minh họa khá rõ ràng rằng bình đẳng pháp lí trước thị trường không đủ để dẫn đến bình đẳng pháp lí ngắn gọn. Ở đây ta lại thấy kinh nghiệm này của Pháp là rất thích hợp cho sự phân tích tình hình thế giới hôm nay; khi mà nhiều người quan sát vẫn tiếp tục tự tưởng tượng, theo gương Leroy-Beaulieu hơn một thế kỉ trước, rằng chỉ cần triển khai hệ thống luật sở hữu ngày càng đảm bảo, những thị trường ngày càng tự do, sự cạnh tranh ngày càng “trong sạch và hoàn hảo”, để đi đến một xã hội công bằng, giàu có và hài hòa. Thật không may, nhiệm vụ của chúng ta phức tạp hơn thế.
[sau] [trước] [lên mức trên]