[sau] [trước] [lên mức trên]
Những nguồn số liệu lịch sử chưa từng công bố này đã dẫn tôi đến những kết quả chính nào? Kết luận đầu tiên là ta cần phải đề phòng tất cả các thuyết kinh tế học theo đó mọi việc đều được định trước: lịch sử phân bố của cải luôn mang đậm tính chính trị và không thể tóm gọn bằng những cơ chế kinh tế thuần túy được. Nói riêng, sự giảm thiểu bất bình đẳng trong những nước phát triển trong những năm 1900-1910 và 1950-1960 trước hết là sản phẩm của các cuộc Chiến tranh thế giới và những chính sách công cộng được thực thi sau những biến cố này. Cũng như vậy, việc bất bình đẳng tăng trở lại từ những năm 1970-1980 là nhờ vào những đảo lộn chính trị trong các thập niên trước đó, nhất là về thuế và tài chính. Lịch sử bất bình đẳng phụ thuộc vào những đại diện như là các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, sự công bằng và sự không công bằng, những tương quan lực lượng giữa các nhân tố này, và những lựa chọn tập thể bắt nguồn từ đó. Nó là sản phẩm của tất cả các bên liên quan.
Kết luận thứ hai - tâm điểm của cuốn sách này - là sự vận động của sự phân bố của cải đưa vào cuộc chơi những cơ chế rất mạnh mẽ. Những cơ chế này đưa đẩy bất bình đẳng lúc thì theo chiều hướng tăng lên, lúc thì giảm đi. Không có quá trình tự nhiên và tức thời nào cho phép tránh được việc những xu hướng mất cân bằng và bất bình đẳng chiếm ưu thế lâu dài.
Ta hãy bắt đầu bằng những cơ chế đẩy lùi bất bình đẳng. Lực kéo chính của cơ chế này là quá trình lan tỏa kiến thức và sự đầu tư vào giáo dục đào tạo. Qui luật cung cấp-nhu cầu cũng như là sự dịch chuyển vốn và lao động (một biến thể của qui luật cung cấp-nhu cầu) cũng có thể hoạt động theo chiều hướng đó55, nhưng không mạnh mẽ bằng, và nhiều khi mù mờ, trái khoáy. Quá trình lan tỏa kiến thức và kĩ năng là cơ chế chủ đạo cho phép đồng thời tăng sản lượng và giảm bất bình đẳng, trong nội bộ một nước cũng như trên phạm vi quốc tế. Điều này được minh họa bằng việc một phần lớn các nước nghèo và các nước mới nổi, đầu tiên là Trung Quốc, đang dần bắt kịp các nước giàu. Việc tiếp nhận cách thức sản xuất và đạt tới cùng độ lành nghề như ở các nước giàu đã giúp các nước kém phát triển hơn cải thiện thu nhập. Quá trình hội tụ công nghệ này có thể được khuyến khích bằng mở cửa thương mại, nhưng về cơ bản đó là một quá trình lan tỏa kiến thức và chia sẻ hiểu biết - tài sản công cộng ở mức cao nhất - chứ không phải là một cơ chế có tính thị trường.
Dưới góc độ hoàn toàn lí thuyết, có khả năng có những lực kéo khác theo hướng gia tăng bình đẳng. Ví dụ ta có thể nghĩ tới việc những kĩ nghệ sản xuất ngày càng nâng tầm quan trọng của kĩ năng và lao động con người, kéo theo phần thu nhập từ lao động sẽ có xu hướng tăng lên (và phần thu nhập từ vốn sẽ tương ứng giảm đi). Giả thuyết này được có thể được gọi là “sự lên ngôi của vốn con người”. Nói cách khác, bước tiến của kĩ thuật công nghệ tất sẽ dẫn tới chiến thắng khải hoàn của vốn con người trên vốn tài chính và bất động sản, của những nhà quản lí mẫn cán trên đám bụng phệ giữ phiếu góp vốn, của thực lực trên quan hệ con ông cháu cha. Cứ như vậy trật tự xã hội sẽ dần dựa trên tài năng là chính và sẽ dần ít đi cảnh “con vua thì lại làm vua”: sự hợp lẽ về mặt kinh tế56 sẽ tự động kéo theo sự hợp lẽ về mặt dân chủ57.
Một niềm tin lạc quan khá phổ biến trong xã hội hiện đại là ý kiến cho rằng sự kéo dài tuổi thọ chắc chắn sẽ dẫn đến việc thay thế “xung đột tầng lớp” bằng “xung đột tuổi tác” (dạng xung đột ít chia rẽ xã hội hơn, vì ai cũng trẻ rồi già). Nói cách khác, sự tích lũy và phân bố tài sản ngày nay sẽ không bị chi phối bởi sự đối đầu không ngừng giữa những dòng họ có tài sản thừa kế và những người chỉ sở hữu sức lao động của chính mình, mà bởi một logic tiết kiệm theo từng giai đoạn trong đời: mỗi người tích lũy tài sản cho tuổi già của mình. Tiến bộ y học và sự cải thiện điều kiện sống có lẽ đã thay đổi hoàn toàn bản chất của đồng vốn như thế.
Thật không may, như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, hai niềm tin này (“sự lên ngôi của vốn con người” và sự thay thế “xung đột tầng lớp” bằng “xung đột tuổi tác”) nhiều phần là ảo tưởng. Nói chính xác hơn, những sự chuyển đổi này - hoàn toàn chấp nhận được dưới một góc nhìn thuần túy logic - cũng đã xảy ra vài phần, nhưng không nhiều như mọi người vẫn nghĩ. Không chắc gì phần thu nhập từ lao động trong thu nhập quốc gia đã tăng một cách đáng kể trong giai đoạn dài: đồng vốn (không phải vốn con người) dường như cũng cần thiết không kém trong thế kỉ 21 so với thế kỉ 18 hay 19; và ta không thể loại trừ khả năng nó còn trở nên cần thiết hơn nữa. Trong quá khứ cũng như hiện tại, bất bình đẳng tài sản chiếm vai trò chủ yếu trong bất bình đẳng nói chung trong nội bộ một nhóm tuổi, và như ta sẽ thấy lát nữa rằng, tài sản thừa kế vào đầu thế kỉ 21 đã trở nên quan trọng gần bằng với thời của Lão Goriot. Trong giai đoạn dài, lực kéo chủ yếu dẫn đến bình đẳng chính là sự lan tỏa kiến thức và tay nghề.
[sau] [trước] [lên mức trên]