[sau] [trước] [lên mức trên]
Để khiêm nhường tiến lên trong mạch tư duy này, và cố gắng ít nhất là định chuẩn những điều mục của cuộc tranh luận có vẻ không có lối ra này, ta nên bắt đầu bằng việc thiết lập những sự kiện thật càng chính xác và tỉ mỉ càng tốt. Chúng ta biết đích xác điều gì về tiến trình của sự phân chia vốn-làm việc từ thế kỉ 18? Từ lâu giả thuyết phổ biến nhất trong giới kinh tế học, được tuyên truyền hơi quá vội vàng trong những cuốn sách giáo khoa, là giả thuyết về một sự ổn định vững vàng trong giai đoạn dài của sự phân chia thu nhập quốc gia giữa làm việc và vốn, nhìn chung xung quanh mức hai phần ba/một phần ba10. Nhờ vào khoảng lùi lịch sử và số liệu mà ta có, ta sẽ chứng minh rằng thực tế rõ ràng là phức tạp hơn nhiều.
Một mặt, cùng với lịch sử chính trị và lịch sử kinh tế hỗn loạn trong thế kỉ 20 vừa rồi, ta đã chứng kiến những sự đảo lộn với biên độ lớn của sự phân chia vốn-làm việc. Những sự biến đổi tại thế kỉ 19, đã được nhắc tới trong phần vào đề (phần thu nhập từ vốn tăng lên trong nửa đầu thế kỉ, sau đó giảm nhẹ và giữ ổn định), có vẻ vẫn rất ôn hòa nếu đem so sánh với thế kỉ 20. Tóm lại: những biến cố của “giai đoạn đầu thế kỉ 20” (1914-1945) - ta có thể liệt kê: Chiến tranh thế giới thứ nhất, cách mạng Bolshevik năm 1917, cuộc khủng hoảng năm 1929, Chiến tranh thế giới thứ hai - và những chính sách mới đến từ những sự xáo trộn này: chính sách giám sát kinh tế, chính sách thuế và chính sách kiểm soát vốn công khai - đã dẫn tới việc vốn cá nhân xuống mức thấp lịch sử trong những năm 1950-1960. Cuộc gây dựng lại tài sản sau đó đã được bắt đầu lại rất nhanh chóng, rồi tăng tốc nhờ vào cuộc Cách mạng phe bảo thủ tại Anh năm 1979-1980, sự sụp đổ của khối Soviet năm 1989-1990, sự toàn cầu hóa tài chính và nới lỏng giám sát kinh tế những năm 1990-2000 - những sự kiện đánh dấu một bước ngoặt chính trị theo chiều ngược lại với bước ngoặt trước11. Những sự kiện này cho phép vốn cá nhân vào đầu những năm 2010 đạt được sự hưng thịnh chưa từng thấy kể từ năm 1913, bất chấp cuộc khủng hoảng từ năm 2007-2008. Không phải tất cả mọi thứ trong trong tiến trình này và trong quá trình gây dựng lại tài sản đều tiêu cực. Đó phần nào là những quá trình tự nhiên và đáng mong đợi. Nhưng chúng cũng đã thay đổi một cách rất cá biệt triển vọng của phân chia vốn-làm việc thời đầu thế kỉ 21 này, cũng như những tiến trình khả dĩ cho những thập kỉ sắp tới.
Mặt khác, nếu có một tầm nhìn bao quát trong giai đoạn dài, rộng hơn giai đoạn xảy ra cú đảo lộn kép tại thế kỉ 20 kể trên, thì sẽ thấy rằng giả thuyết về sự ổn định toàn phần của sự phân chia vốn-làm việc sẽ vướng phải việc bản chất đồng vốn chính nó đã thay đổi triệt để (từ vốn ruộng đất tại thế kỉ 18 đến vốn bất động sản, công nghiệp và tài chính thế kỉ 21), và nhất là không thuận với ý kiến cho rằng sự lên ngôi của “vốn con người” là đặc trưng của tăng trưởng hiện đại - giả thuyết rất phổ biến trong giới kinh tế học - mà nét đầu tiên dự đoán rằng sẽ có xu hướng tăng đều đặn của phần thu nhập từ làm việc trong tổng thu nhập quốc gia. Ta sẽ thấy trong phần sau rằng một xu hướng như vậy có thể xảy ra trong giai đoạn rất dài, những chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn: phần thu nhập từ vốn (không phải vốn con người) thời đầu thế kỉ 21 này chỉ ít hơn chút đỉnh so với đầu thế kỉ 19. Những mức vốn hóa tài sản rất cao hiện nay tại các nước giàu có vẻ trước hết là vì thế giới đang quay lại một chế độ kinh tế với tăng trưởng dân số và sản lượng thấp, đi kèm với một chế độ chính trị nói một cách khách quan là rất ưu đãi cho đồng vốn cá nhân.
Để hiểu rõ những chuyển biến này, cách tiếp cận hiệu quả nhất sẽ là phân tích tiến trình của tỉ số vốn/thu nhập (nghĩa là tỉ số giữa tổng dự trữ vốn và dòng thu nhập hàng năm), chứ không chỉ dừng lại ở sự phân chia vốn-làm việc (nghĩa là sự phân chia giữa dòng thu nhập từ vốn và từ làm việc). Chủ đề phân chia vốn-làm việc đã được nghiên cứu một cách lớp lang trong quá khứ, nhưng phần lớn các nghiên cứu đó vẫn thiếu vắng các số liệu tương thích.
Trước khi trình bày chi tiết các kết quả thu được, ta hãy tiến hành nghiên cứu tuần tự từng bước một. Phần thứ nhất của cuốn sách này có mục đích giới thiệu những khái niệm cơ bản. Trong phần tiếp theo của chương 1, ta sẽ bắt đầu bằng việc trình bày các khái niệm về sản phẩm trong nước và thu nhập quốc gia, về vốn và làm việc, và về tỉ số vốn/thu nhập. Rồi ta sẽ xem xét những chuyển biến của sự phân bố sản lượng và thu nhập kể từ Cách mạng công nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Trong chương 2, ta sẽ phân tích tiến trình của tỉ lệ tăng trưởng nói chung trong lịch sử: nó sẽ đóng vai trò trung tâm cho những phân tích tiếp theo.
Sau khi nắm chắc các tiền đề này, ta sẽ nghiên cứu trong phần thứ hai sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập và của sự phân chia vốn-làm việc, đây cũng vậy ta sẽ tiến hành tuần tự từng bước một. Trong chương 3, ta sẽ xem xét những chuyển biến của thành phần của vốn và tỉ số vốn/thu nhập kể từ thế kỉ 18, bắt đầu bằng trường hợp Liên hiệp Anh và Pháp, hai nước ta biết rõ nhất trên một giai đoạn rất dài. Tiếp đến chương 4 giới thiệu trường hợp Đức và nhất là trường hợp Châu Mĩ - trường hợp này bổ sung hữu ích góc nhìn về các nước Châu Âu. Cuối cùng, chương 5 và 6 mở rộng những phân tích này ra toàn bộ các nước giàu, trong chừng mực có thể ra toàn bộ thế giới, từ đó rút ra những bài học về sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập và sự phân chia vốn-làm việc trên phạm vi toàn cầu thời đầu thế kỉ 21 này.
[sau] [trước] [lên mức trên]