[sau] [trước] [lên mức trên]
Về dài hạn, tỉ số vốn/thu nhập β của một nước nhất định được liên hệ một cách đơn giản và trong sáng với tỉ lệ tiết kiệm s và tỉ lệ tăng trưởng g của thu nhập quốc gia thông qua công thức sau:
β = s ∕ g
Ví dụ, nếu s = 12% và g = 2%, thì β = s∕g = 600% 3.
Nói cách khác, nếu một nước tiết kiệm mỗi năm 12% thu nhập quốc gia và nếu tỉ lệ tăng trưởng của thu nhập quốc gia là 2% một năm, thì về dài hạn tỉ số vốn/thu nhập sẽ bằng 600%: nước đó sẽ tích lũy số vốn tương đương với sáu năm thu nhập quốc gia.
Công thức trên, được xem như qui luật cơ bản thứ hai của chủ nghĩa đồng vốn, thể hiện một thực tế hiển nhiên nhưng rất quan trọng: một nước tiết kiệm nhiều và tăng trưởng chậm trong giai đoạn dài sẽ tích lũy khối dự trữ vốn khổng lồ; và việc này có thể tác động ngược lại gây hệ quả đáng kể lên cấu trúc xã hội và sự phân bố của cải tại nước đó.
Hay nói khác đi: trong một xã hội gần như ngưng trệ, tài sản có nguồn gốc từ quá khứ một cách tự nhiên sẽ chiếm tầm quan trọng cực lớn.
Tức là việc tỉ số vốn/thu nhập tại thế kỉ 21 đang trở lại mức cao có tính cấu trúc, gần bằng với thế kỉ 18 và 19, có thể được giải thích bằng việc kinh tế đang quay về chế độ tăng trưởng thấp. Chính sự giảm sút tăng trưởng - nhất là tăng trưởng dân số - đã dẫn đồng vốn quay lại.
Điểm cơ bản ở đây là: những biến động nhỏ của tỉ lệ tăng trưởng có thể gây ra những hiệu ứng rất mạnh lên tỉ số vốn/thu nhập dài hạn.
Ví dụ, với cùng tỉ lệ tiết kiệm 12%, nếu tỉ lệ tăng trưởng giảm xuống còn 1,5% một năm (thay vì 2%), thì tỉ số vốn/thu nhập dài hạn β = s∕g sẽ tăng lên thành tám năm thu nhập quốc gia (thay vì sáu năm). Nếu tỉ lệ tăng trưởng rơi xuống mức 1% một năm, thì tỉ số β = s∕g sẽ lên mười hai năm, tức là xã hội đó sẽ có vốn đậm đặc gấp hai lần so với xã hội tăng trưởng 2% một năm. Một mặt, đây là một tin tốt: vốn có thể có ích cho tất cả mọi người, và miễn là ta tổ chức xã hội tốt ai cũng có thể được lợi từ việc đó. Nhưng, mặt khác, điều này có nghĩa là những người sở hữu vốn - với một phân phối vốn cho trước - sẽ kiểm soát phần của cải lớn hơn (chẳng hạn đo bằng số năm thu nhập trung bình từ làm việc). Trong mọi trường hợp, các hậu quả kinh tế, xã hội và chính trị bắt nguồn từ những chuyển biến như vậy là rất đáng kể.
Ngược lại, nếu tỉ lệ tăng trưởng lên mức 3%, thì β = s∕g sẽ giảm xuống chỉ còn bốn năm thu nhập quốc gia. Nếu cùng lúc đó tỉ lệ tiết kiệm cũng xuống nhẹ về mức s = 9%, thì tỉ số vốn/thu nhập dài hạn sẽ rơi xuống mức ba năm.
Các hiệu ứng trên thực sự là rất mạnh vì tỉ lệ tăng trưởng mà ta dùng trong qui luật β = s∕g là tỉ lệ tăng trưởng tổng thể của thu nhập quốc gia, nghĩa là tổng số của tỉ lệ tăng trưởng thu nhập quốc gia theo đầu người và tỉ lệ tăng trưởng dân số4. Nói cách khác, với tỉ lệ tiết kiệm vào khoảng 10%-12% và tỉ lệ tăng trưởng thu nhập theo đầu người vào khoảng 1,5%-2% một năm, ta sẽ thấy ngay tại sao các nước với dân số gần như ngưng trệ - tức là với tỉ lệ tăng trưởng tổng thể cao hơn 1,5%-2% chút đỉnh, như tại Châu Âu - có thể tích lũy khối dự trữ vốn từ sáu đến tám năm thu nhập quốc gia, trong khi các nước với tỉ lệ tăng dân số vào khoảng 1% một năm - tức là với tỉ lệ tăng trưởng tổng thể vào khoảng 2,5%-3% một năm, như tại Châu Mĩ - chỉ tích lũy được khối dự trữ vốn tương đương ba hay bốn năm thu nhập. Và nếu các nước trong nhóm thứ hai lại còn có xu hướng tiết kiệm ít hơn các nước trong nhóm thứ nhất một chút (điều có thể được giải thích bằng việc dân số các nước nhóm thứ hai già đi chậm hơn các nước nhóm thứ nhất), thì cơ chế tích lũy vốn dễ hiểu nói trên sẽ khiến vốn giảm đi một cách tương ứng. Nói cách khác, những nước có mức độ phát triển và tăng trưởng thu nhập theo đầu người tương tự có thể có tỉ số vốn/thu nhập rất khác nhau, đơn giản là vì tăng trưởng dân số tại các nước này không giống nhau.
Ta sẽ thấy trong phần sau rằng qui luật này cho phép tính toán được tiến trình lịch sử của tỉ số vốn/thu nhập. Nói riêng, nó cho phép giải thích tại sao tỉ số vốn/thu nhập ngày nay có vẻ đang quay lại mức rất cao sau các biến cố những năm 1914-1945 và sau pha tăng trưởng nhanh ngoại lệ trong nửa sau thế kỉ 20. Nó cũng cho phép hiểu được tại sao Châu Âu có xu hướng tích lũy một cách cấu trúc nhiều vốn hơn Châu Mĩ (hay ít ra tình hình sẽ như vậy nếu Châu Mĩ5 giữ được mức tăng trưởng dân số cao hơn Châu Âu, điều chắc hẳn là không thể kéo dài mãi mãi). Nhưng trước khi đề cập các vấn đề trên, nhiều điểm có tính quan niệm và lí thuyết cần được nói rõ trước.
[sau] [trước] [lên mức trên]