[sau] [trước] [lên mức trên]

Để hiểu rõ lập luận vừa rồi, ta sẽ đi vòng qua cái gọi là qui luật “tăng trưởng tích tụ”, nghĩa là việc một tỉ lệ tăng trưởng hàng năm thấp được tích tụ lại trong một giai đoạn dài có thể dẫn đến một sự tăng tiến đáng kể.

Cụ thể, dân số thế giới trung bình tiến lên gần 0,8% một năm từ năm 1700 đến năm 2012. Nhưng, tích tụ lại trong ba thế kỉ, điều này cũng đủ giúp dân số thế giới nhân lên gần mười lần. Nói cách khác, thế giới có gần 600 triệu người quanh năm 1700 và hơn 7 tỉ người vào năm 2012 (xem biểu đồ G2.1). Nếu nhịp độ này tiếp diễn trong ba thế kỉ tới, dân số thế giới sẽ vượt quá 70 tỉ người khoảng năm 2300.


PIC

Biểu đồ G2.1: Sự tăng trưởng dân số toàn cầu giai đoạn 1700-2012


Để giúp bạn đọc làm quen với hiệu ứng bùng nổ của qui luật tăng trưởng tích tụ, chúng tôi trình bày trong bảng T.2.2 sự tương ứng giữa tỉ lệ tăng trưởng đo theo năm (đây là cách trình bày quen thuộc) và sự tăng tiến thu nhập trong một giai đoạn dài hơn. Ví dụ, tỉ lệ tăng trưởng 1% một năm tương tứng với sự tăng tiến 35% sau ba mươi năm, nhân lên ba lần sau một trăm năm, nhân lên hai mươi lần sau ba trăm năm, và nhân lên hơn hai mươi nghìn lần sau một nghìn năm. Kết luận đơn giản lộ ra từ bảng này là tỉ lệ tăng trưởng 1%-1,5% một năm không thể trụ được một cách vĩnh viễn, trừ phi ta dự liệu một mức tăng tiến không tưởng.


PIC Bảng T.2.2: Luật của sự tăng trưởng tích tụ


Ta vừa thấy rằng những thang bậc thời gian khác nhau có thể dẫn đến những nhận định trái ngược về quá trình phát triển ra sao. Trong tầm nhìn một năm, tỉ lệ tăng trưởng 1% có vẻ rất thấp, gần như không cảm nhận được: thật vậy, những người trong cuộc có thể không nhìn thấy được bằng mắt thường và có cảm giác mọi thứ đình trệ hoàn toàn, quá khứ được lặp lại gần như y hệt từ năm này qua năm khác. Khi đó sự tăng trưởng hiện lên như một khái niệm khá trừu tượng, một sự lắp ráp thuần túy toán học và thống kê. Nhưng trong tầm nhìn một thế hệ, nghĩa là khoảng ba mươi năm - đơn vị thời gian đủ lớn để chúng ta đánh giá những thay đổi trong một xã hội nhất định -, sự tăng trưởng 1% nêu trên tương ứng với một sự tiến triển hơn một phần ba, nghĩa là chuyển biến rất rõ rệt. Nó không ngoạn mục bằng sự tăng trưởng 2%-2,5% một năm (sự tiến triển được nhân lên hai lần qua mỗi thế hệ), nhưng nó cũng đủ để làm mới một cách sâu sắc và đều đặn một xã hội nhất định, và đủ để biển đổi xã hội đó một cách triệt để trong giai đoạn rất dài.

Qui luật “tăng trưởng tích tụ” về cơ bản là giống hệt với qui luật được gọi là “lãi tích tụ”, theo đó một tỉ lệ lãi hàng năm khoảng vài phần trăm, tích tụ lại trong nhiều thập kỉ, sẽ tự khắc làm tăng vốn rất nhanh (tất nhiên với điều kiện là tiền lãi phải được liên tục đầu tư lại, hoặc ít ra phần tiền lãi bị người sở hữu vốn tiêu xài không quá lớn, nhất là so với tỉ lệ tăng trưởng của xã hội đang xét).

Luận điểm trung tâm của cuốn sách này chính là việc một cách biệt nhìn bề ngoài có vẻ không lớn giữa tỉ lệ lãi trên vốn và tỉ lệ tăng trưởng trong giai đoạn dài có thể dẫn đến nhưng hiệu ứng cực kì mạnh và gây mất ổn định cho cấu trúc và sự vận động của bất bình đẳng trong một xã hội nhất định. Có thể nói tất cả đều đến từ qui luật tăng trưởng và lãi tích tụ, nên vì thế ta hãy làm quen với những khái niệm đó ngay từ lúc này.

[sau] [trước] [lên mức trên]