[sau] [trước] [lên mức trên]
Chúng ta vừa thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính đơn thuần có vẻ như không có ảnh hưởng lớn đến sự tăng lên có tính cấu trúc của bất bình đẳng. Thế còn quan hệ nguyên nhân kết quả theo chiều ngược lại thì sao? Có khả năng là sự tăng lên của bất bình đẳng tại Mĩ đã góp phần làm nổ ra cuộc khủng hoàng tài chính năm 2008 không? Nếu ta nhớ tới việc phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên trong thu nhập quốc gia của Mĩ đã có hai điểm đỉnh tuyệt đối trong thế kỉ vừa qua, một điểm vào năm 1929 (ngay trước cuộc khủng hoảng năm 1929) và điểm thứ hai vào năm 2007 (ngay trước cuộc khủng hoảng năm 2008), thật khó để không đặt ra câu hỏi trên.
Dưới quan điểm của tôi, không nghi ngờ gì là sự tăng lên của bất bình đẳng đã góp phần làm suy yếu hệ thống tài chính Mĩ. Lí do rất đơn giản: sự tăng lên của bất bình đẳng đã dẫn đến hệ quả là sức mua của tầng lớp bình dân và trung bình tại Mĩ gần như ngưng trệ, điều này tất kéo theo xu hướng vay nợ ngày càng nhiều của các hộ gia đình khiêm tốn. Tình hình càng nặng nề hơn khi cùng lúc đó họ được mời chào các khoản vay ngày càng dễ dàng và lỏng lẻo từ các ngân hàng và các trung gian tài chính èo uột, mong muốn tìm được lợi nhuận tốt cho các khoản tiết kiệm tài chính khổng lồ được các tầng lớp khá giả bơm vào hệ thống43.
Để chứng minh cho giả thuyết này, ta hãy nhấn mạnh vào biên độ đáng kể của sự chuyển nhượng nhu thập tại Mĩ - vào khoảng 15 điểm thu nhập quốc gia - diễn ra giữa 90% những người nghèo nhất và 10% những người giàu nhất kể từ những năm 1970. Cụ thể, nếu ta cộng dồn toàn bộ tăng trưởng của kinh tế Mĩ trong vòng ba mươi năm trước cuộc khủng hoảng, nghĩa là từ 1977 đến 2007, thì ta thấy rằng 10% những người giàu nhất đã giành được ba phần tư sự tăng trưởng này; chỉ riêng nhóm 1% những người giàu nhất đã hút gần 60% toàn bộ tăng trưởng của thu nhập quốc gia tại Mĩ trong giai đoạn này; đối với 90% còn lại, tỉ lệ tăng trưởng thu nhập trung bình như vậy đã giảm xuống còn dưới 0,5% một năm44. Các con số này là không thể chối cãi được, và làm choáng váng: dù người ta có suy nghĩ bản chất thế nào về tính chính đáng của bất bình đẳng thu nhập đi nữa, chúng vẫn xứng đáng được xem xét một cách kĩ lưỡng45. Rất khó tưởng tượng được một nền kinh tế và một xã hội vận hành vĩnh viễn với một sự chênh lệch giữa các nhóm xã hội cực độ đến thế.
Tất nhiên, nếu sự tăng lên của bất bình đẳng đi kèm với nền kinh tế Mĩ tăng trưởng nhanh ngoại lệ, thì mọi việc đã hoàn toàn khác. Không may là không phải như vậy: sự tăng trưởng không mạnh lắm trong các thập niên vừa qua, do đó sự tăng lên của bất bình đẳng đã dẫn đến việc các thu nhập thấp và trung bình gần như ngưng trệ.
Ta cũng có thể lưu ý rằng sự chuyển nhượng nội bộ giữa các nhóm xã hội này (vào khoảng 15 điểm thu nhập quốc gia của Mĩ) là gấp gần 4 lần so với thiếu hụt thương mại rất lớn của Mĩ trong những năm 2000 (vào khoảng 4 điểm thu nhập quốc gia). Phép so sánh này rất thú vị, bởi lẽ thiếu hụt thương mại khổng lồ nói trên (chủ yếu đối lại với dư thừa của Trung Quốc, Nhật và Đức), thường xuyên được miêu tả như là một trong những yếu tố chủ chốt của sự mất thăng bằng quốc tế (global imbalances) - việc có lẽ đã góp phần làm mất ổn định hệ thống tài chính Mĩ và toàn cầu trong những năm trước cuộc khủng hoảng 2008. Việc đó hoàn toàn có thể - nhưng điểm quan trọng ở đây mà ta nên ý thức được là các mất thăng bằng nội tại trong xã hội Mĩ còn lớn gấp 4 lần so với các mất thằng bằng quốc tế. Điều này gợi ý rằng một số giải pháp có lẽ nên được tìm kiếm ngay trong lòng nước Mĩ hơn là tại Trung Quốc hay tại các nước khác.
Điều trên đã nói xong, nhưng hẳn nhiên sẽ là quá trớn nếu coi sự tăng lên của bất bình đẳng là nguyên nhân duy nhất - hay nguyên nhân chính - của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hay nói rộng hơn là sự bất ổn có tính chu kì của hệ thống tài chính quốc tế. Theo cảm nhận của tôi, một nhân tố gây bất ổn có thể còn lớn hơn cả sự lên cao của bất bình đẳng tại Mĩ là sự tăng lên có tính cấu trúc của tỉ số vốn/thu nhập (nhất là tại Châu Âu), đi kèm với sự tăng tiến khổng lồ của các đầu tư tài chính quốc tế thô46.
[sau] [trước] [lên mức trên]