[sau] [trước] [lên mức trên]

Lẽ tất nhiên là những dự báo trên khá thiếu chắc chắn. Một mặt nó phụ thuộc vào tiến trình của kì vọng tuổi thọ (vì vậy phụ thuộc phần nào vào những khám phá khoa học trong lĩnh vực y tế); mặt khác vào sự lựa chọn của những thế hệ tương lai trong việc có sinh nở nhiều hay không. Với một kì vọng tuổi thọ cho trước, sự tăng trưởng dân số sẽ phụ thuộc một cách máy móc vào tỉ lệ sinh nở. Ta phải ý thức được điểm quan trọng sau: những thay đổi rất nhỏ trong số lượng con mà mọi người quyết định sinh có thể dẫn đến những hiệu ứng đáng kể trên phạm vi toàn xã hội8.

Thế nhưng, toàn bộ lịch sử dân số chứng tỏ rằng lựa chọn sinh nhiều hay ít nói chung là không báo trước được. Lựa chọn này phụ thuộc vào những cân nhắc vừa văn hóa, kinh tế, vừa tâm lí riêng tư, liên quan đến những mục đích sống mà các cá nhân tự đề ra cho mình. Nó cũng có thể phụ thuộc vào quyết định của một nước có triển khai hay không những điều kiện vật chất nhằm dung hòa đời sống gia đình và công việc (trường học, nhà trẻ, bình đẳng giới tính, v.v) - vấn đề mà người ta chắc chắn sẽ đề cập ngày càng nhiều hơn trong những cuộc tranh luận và chính sách công cộng tại thế kỉ 21. Ngoài những nét chính như vừa được miêu tả, ta thấy xuất hiện trong lịch sử dân số rất nhiều đặc điểm có tính khu vực và những sự đảo lộn ngoạn mục, thường liên quan đến đặc thù lịch sử của từng nước9.

Sự đảo lộn ngoạn mục nhất là trường hợp Châu Âu và Châu Mĩ. Vào những năm 1780, khi Tây Âu đã có hơn 100 triệu dân và Châu Mĩ mới có gần 3 triệu, không ai dám nghĩ rằng tương quan dân số giữa hai châu lục này sẽ đảo lộn đến mức như hiện nay. Vào đầu những năm 2010, Tây Âu có suýt soát hơn 410 triệu, so với 350 triệu tại Bắc Mĩ. Theo Liên hiệp quốc dự báo, quá trình đuổi theo này sẽ được hoàn tất trước năm 2050, theo đó Tây Âu sẽ vừa vặn đạt 430 triệu, so với 450 triệu tại Bắc Mĩ. Rất thú vị là sự đảo lộn này được giải thích không chỉ bằng dòng người nhập cư, mà còn bằng tỉ lệ sinh nở tại Thế giới Mới trong suốt lịch sử và cho tới tận ngày nay luôn cao hơn hẳn Châu Âu già cỗi (bao gồm cả những cộng đồng có nguồn gốc Châu Âu) - hiện tượng nói chung vẫn là một bí ẩn đối với các nhà dân số học. Đặc biệt, tỉ lệ sinh nở cao hơn tại Châu Mĩ kể trên chắc chắn không lí giải được bằng những chính sách ưu tiên hơn cho gia đình: những chính sách gần như không tồn tại bên kia Đại Tây Dương10.

Đó có phải là biểu hiện của niềm tin tưởng tương lai, của lạc quan chủ nghĩa đặc trưng riêng của Thế giới mới, hay là sự mường tượng rằng chính mình và con cái mình sẽ được sống trong một thế giới mãi mãi tăng trưởng? Khi bàn về những lựa chọn phức tạp như việc quyết định sinh nở, không thể nghiễm nhiên loại trừ bất cứ một lí giải tâm lí hay văn hóa nào. Và không có gì được định đoạt trước: sự tăng trưởng dân số Châu Mĩ hiện nay không ngừng giảm sút, nhưng tất cả có thể đảo chiều nếu dòng người nhập cư từ Liên minh Châu Âu tiếp tục tăng, nếu tỉ lệ sinh nở tăng lên, hay nếu kì vọng tuổi thọ tại Châu Âu gia tăng thêm cách biệt với Châu Mĩ. Những dự báo của LHQ không phải là những lời khẳng định chắc chắn.

Sự đảo lộn dân số kịch tính cũng xảy ra trong chính nội bộ các châu lục. Trong lòng Châu Âu, nước Pháp là nước đông dân nhất tại thế kỉ 18 (như chúng ta đã đề cập, Young và Malthus thấy rằng đó là nguồn gốc của sự khốn cùng của nông thôn Pháp, thậm chí là nguồn gốc của cuộc Cách mạng). Tiếp đến nước Pháp trải quả một sự chuyển dịch dân số sớm bất thường: tỉ lệ sinh nở giảm mạnh và dân số hầu như ngưng trệ ngay từ thế kỉ 19 (hiện tượng này thường được gán cho phong trào hủy bỏ đạo Cơ Đốc, cũng xảy ra rất sớm). Rồi một lần nữa, tại thế kỉ 20, tỉ lệ sinh nở tự nhiên bật tăng trở lại (việc này thường được gắn với những chính sách ưu tiên gia đình được triển khai sau những xung đột quân sự và những chấn thương của thất bại năm 1940). Ván cược này đang sắp thắng, vì theo những dự báo của Liên hiệp quốc, dân số Pháp sẽ lại dẫn trước Đức trong những năm 2050, vậy mà không ai biết đâu là nguyên nhân chính - nguyên nhân kinh tế, chính trị, văn hóa hay tâm lí - trong cuộc lội ngược dòng này11.

Trên qui mô lớn hơn, ai cũng biết những hệ quả của chính sách một con tại Trung Quốc (được quyết định vào những năm 1970, tại thời điểm mà nước này sợ mình không thoát được tình trạng kém phát triển; và hiện nay đang dần được nới lỏng). Dân số Trung quốc đông hơn Ấn Độ khoảng 50% cho đến khi chính sách cực đoan trên được áp dụng, vậy mà hiện tại nó đang sắp bị Ấn Độ vượt qua. Theo LHQ, Ấn Độ sẽ là nước đông dân nhất thế giới từ năm 2020 đến năm 2100. Nhưng đây cũng vậy, không có gì được định đoạt trước cả: lịch sử dân số luôn trộn lẫn những lựa chọn cá nhân, những chiến lược phát triển và tâm lí đất nước, những động cơ cá nhân và ý chí hùng cường. Không ai có thể nghiêm túc dự đoán được những đảo lộn dân số tại thế kỉ 21 sẽ diễn ra như thế nào.

Vì lẽ đó, những dự báo chính thức của Liên hiệp quốc chỉ là một “kịch bản giữa” không hơn không kém. Mà chính LHQ cũng xác lập thêm hai bộ số liệu dự báo nữa; và không ngạc nhiên sự chênh lệch giữa ba bộ số liệu này tầm nhìn 2100 là cực kì lớn12.

Nhưng đúng là kịch bản giữa vẫn là kịch bản hợp lí nhất theo tình hình hiểu biết hiện nay của chúng ta, hơn xa các kịch bản còn lại. Từ năm 1900 đến năm 2012, dân số Châu Âu ở tình trạng ngưng trệ gần như hoàn toàn, thậm chí còn giảm đi tại nhiều nước. Tỉ lệ sinh nở tại Đức, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan đã xuống dưới 1,5 người con một phụ nữ trong những năm 2000. May nhờ có sự nâng cao kì vọng tuổi thọ kèm với dòng người nhập cư ồ ạt mà dân số tránh được giảm sút mạnh. Trong điều kiện như vậy, dự báo như của LHQ về tỉ lệ tăng trưởng dân số bằng 0 tại Châu Âu cho đến năm 2030, rồi âm nhẹ sau năm 2030, không có gì là quá đà và có vẻ hợp lí nhất. Tình hình cũng giống thế đối với những tiến trình dự kiến tại Châu Á và các nơi khác: thế hệ mới sinh tại Nhật hay Trung Quốc ít hơn khoảng một phần ba so với những người ra đời trong những năm 1990. Thực tế như trên khiến ta nghĩ rằng sự chuyển dịch dân số đã được định đoạt phần nhiều rồi. Những thay đổi trong lựa chọn cá nhân và chính sách chắc chỉ biến đổi được phần nhỏ những tiến trình này - ví dụ tỉ lệ tăng âm nhẹ (như tại Nhật hoặc tại Đức) có thể trở thành dương nhẹ (như tại Pháp hoặc tại những nước Scandinavia) (đó cũng đã là một khác biệt khá lớn), nhưng chắc hẳn là không hơn được nữa, ít nhất trong các thập niên tới.

Đối với giai đoạn rất dài, hiển nhiên là mọi việc thiếu chắc chắn hơn nhiều. Tuy vậy, ta hãy nhắc lại là nếu nhịp độ tăng trưởng dân số như mức từ năm 1700 đến năm 2012 - tương đương 0,8% một năm - tiếp diễn trong các thế kỉ tới, thì nó sẽ kéo theo dân số toàn cầu đạt khoảng 70 tỉ người vào năm 2300. Dĩ nhiên, không thể loại trừ điều gì, dù đó là những đặc tính của việc sinh nở hay những tiến bộ công nghệ (có khi một ngày nào đó chúng sẽ giúp ta tăng trưởng ít ô nhiễm hơn ta tưởng tượng rất nhiều: ta sẽ có những hàng hóa và dịch vụ mới - phi vật chất gần như hoàn toàn, những nguồn năng lượng tái tạo và không dấu vết carbon). Nhưng, tại thời điểm này, không quá khi nói rằng dân số toàn cầu ở mức 70 tỉ người có vẻ như không đặc biệt hợp lí cũng như không được đặc biệt đáng mong đợi. Giả thuyết có khả năng nhất là tỉ lệ tăng tiến dân số toàn cầu trong những thế kỉ tới sẽ dưới hẳn mức 0,8% kể trên. Dự báo chính thức cho giai đoạn dài (tăng trưởng dân số dương nhưng rất thấp: 0,1%-0,2% một năm) là khá hợp lí tại thời điểm hiện nay.

8: Nếu tỉ lệ sinh nở là 1,8 người con (còn sống) một phụ nữ, tức là 0,9% người con một người trưởng thành, thì dân số tự khắc sẽ giảm đi 10% một thế hệ, tương đương -0,3% một năm. Ngược lại, nếu tỉ lệ sinh nở là 2,2 người con một phụ nữ, tức là 1,1 người con một người trưởng thành, sẽ kéo theo tỉ lệ tăng dân số trên một thế hệ là 10% (tương đương +0,3% một năm). Với mức 1,5 người còn một phụ nữ, tỉ lệ tăng trưởng sẽ là -1,0% một năm; với mức 2,5 người con một phụ nữ, tỉ lệ tăng trưởng sẽ là +0,7%.
9: Không thể kể hết rất nhiều công trình sử học, xã hội học và nhân loại học phân tích về tiến trình và những biến thể của đặc tính dân số (theo nghĩa rộng: tỉ lệ sinh nở, tỉ lệ đám cưới, cấu trúc gia đình, v.v) trên phạm vi các nước hoặc các vùng. Ở đây ta đơn giản chỉ trích dẫn những công trình của Emmanuel Todd và Hervé Le Bras về thiết lập bản đồ những hệ thống gia đình trên phạm vi nước Pháp, Châu Âu và toàn cầu, kể từ Phát minh của nước Pháp (1981; Gallimard tái bản năm 2012) đến Nguồn gốc của hệ thống gia đình (Gallimard, 2011). Theo hướng nghiên cứu khác, ta có thể trích dẫn những công trình của Gosta Esping Andersen về những dạng Nhà nước phúc lợi và tầm quan trọng ngày càng tăng của những chính sách nhằm khuyến khích sự dung hòa giữa đời sống gia đình và công việc (ví dụ Ba bài học về Nhà nước phúc lợi, Seuil, 2008).
10: người dịch. Ý nói Châu Mĩ (bên kia Đại Tây Dương so với Châu Âu).
11: Về những dãy số chi tiết cho từng nước, bạn đọc xem phụ lục kĩ thuật.
12: Tỉ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu trong khoảng năm 2070 đến năm 2100 là 0,1% theo kịch bản giữa, -1,0% theo kịch bản thấp, và +1,2% theo kịch bản cao. Xem phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]