[sau] [trước] [lên mức trên]

Giờ ta đã định nghĩa những quan niệm về thu nhập và về vốn rồi, ta có thể trình bày qui luật sơ cấp đầu tiên liên hệ hai khái niệm này. Ta hãy bắt đầu bằng định nghĩa của tỉ số vốn/thu nhập.

Thu nhập là một dòng (tiền). Nó tương ứng với lượng của cải được sản xuất và phân phối trong vòng một giai đoạn nhất định (người ta nói chung thường chọn đơn vị năm làm giai đoạn chuẩn).

Vốn là một dự trữ. Nó tương ứng với toàn bộ lượng của cải được sở hữu tại một thời điểm nhất định. Khối dự trữ này có nguồn gốc từ những của cải đến từ cải tạo tự nhiên hoặc tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử.

Phương pháp tự nhiên nhất và màu mỡ nhất để đo lường tầm quan trọng của vốn trong một xã hội nhất định là ta chia khối dự trữ vốn cho dòng thu nhập hàng năm. Thương số vốn/thu nhập, hoặc tỉ số vốn/thu nhập, sẽ được kí hiệu là β.

Ví dụ, nếu tổng giá trị của vốn trong một nước tương đương với sáu năm thu nhập quốc gia, ta sẽ viết β = 6 (hoặc β = 600%).

Hiện nay, tại những nước phát triển, tỉ số vốn/thu nhập nhìn chung ở mức giữa năm và sáu, và vốn cá nhân chiếm gần hết. Tại Pháp cũng như Anh, tại Đức cũng như Ý, tại Mĩ cũng như Nhật, thu nhập quốc gia đạt khoảng 30000 euro - 35000 euro một người vào đầu những năm 2010, trong khi toàn bộ vốn cá nhân (trừ đi nợ) ở vào khoảng tiêu biểu 150000 euro - 200000 euro một người, tức là giữa năm và sáu năm thu nhập quốc gia. Cũng có những biến thiên rất thú vị giữa các nước, trong nội bộ Châu Âu cũng như các nơi khác: tỉ số β lớn hơn sáu tại Nhật và Ý, thấp hơn năm tại Mĩ và Đức; tài sản công cộng vừa vặn dương tại một số nước, và hơi âm nhẹ tại một số nước khác; và cứ thế tiếp. Ta sẽ nghiên cứu chi tiết vấn đề này trong những chương tiếp theo. Ngay lúc này, chỉ cần ghi nhớ những số độ lớn như trên, rất có ích để hình dung rõ các ý niệm18.

Thu nhập quốc gia ở mức 30000 euro một người một năm (2500 euro một tháng) tại những nước giàu trong những năm 2010 tất nhiên không có nghĩa là ai cũng có trong tay khoản tiền này. Như tất cả các phép tính trung bình, mức thu nhập trung bình này cào bằng những chênh lệch rất ghê gớm : trong thực tế, rất nhiều người có thu nhập thấp hơn hẳn 2500 một tháng, và nhiều người khác có thu nhập cao hơn thế gấp nhiều chục lần. Sự chênh lệch thu nhập một mặt đến từ bất bình đẳng thu nhập từ làm việc, mặt khác đến từ bất bình đẳng thu nhập từ vốn (loại bất bình đẳng mạnh hơn, và đến từ sự tập trung cực độ của tài sản). Mức thu nhập quốc gia trung bình trên chỉ đơn giản là: nếu ta phân phối cho mọi người những phần thu nhập bằng nhau, giữ nguyên tổng sản phẩm và thu nhập quốc gia, thì mức thu nhập của mỗi người sẽ ở mức khoảng 2500 euro một tháng19.

Cũng như vậy, tài sản cá nhân ở mức khoảng 180000 euro một người, tương đương sáu năm thu nhập trung bình, không kéo theo tất cả mọi người đều sở hữu một số vốn như vậy. Rất nhiều người sở hữu ít hơn thế rất nhiều, và có một số người sở hữu vốn tương đương nhiều triệu hoặc nhiều chục triệu euro. Đối với phần lớn dân số, tài sản thường giới hạn trong chút ít của cải, thấp hơn rõ rệt so với một năm thu nhập, ví dụ vài nghìn euro để đó trong tài khoản ngân hàng, tương đương vài tuần hoặc vài tháng lương. Một số người còn có tài sản âm, khi của cải họ sở hữu có giá trị thấp hơn những khoản nợ. Ngược lại, một số người khác sở hữu những tài sản đáng kể, tương đương mười hoặc hai mươi năm nhu nhập của họ, thậm chí còn nhiều hơn. Tỉ số vốn/thu nhập, đo lường trên phạm vi toàn thể một nước, không nói lên điều gì về các bất bình đẳng trong nội bộ nước đó. Nhưng tỉ số β này đo lường tầm quan trọng tổng thể của vốn trong một xã hội cho trước, và phân tích nó là bước đầu tiên không thể thiếu được khi nghiên cứu về bất bình đẳng. Mục tiêu chính trong phần thứ hai của sách là để tìm hiểu xem tại sao tỉ số vốn/thu nhập đã biến đổi trong không gian và thời gian, và đã biến đổi như thế nào.

Để mường tượng được hình dạng cụ thể của tài sản trong thế giới ngày nay, nên nhớ là dự trữ vốn tại những nước phát triển hiện nay gồm hai nửa xấp xỉ bằng nhau: một bên là vốn nhà ở, bên kia là vốn sản xuất được dùng bởi các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính. Nói đơn giản, tại những nước giàu những năm 2010, mỗi cư dân kiếm được trung bình khoảng 30000 euro thu nhập hàng năm, và sở hữu khoảng 180000 euro tài sản, trong đó 90000 euro dưới dạng bất động sản nhà ở, và 90000 euro dưới dạng vốn góp, giấy ghi nợ và những phần sở hữu khác, sổ tiết kiệm hoặc đầu tư tài chính vào những doanh nghiệp và cơ quan hành chính20. Có những biến thể thú vị giữa các nước - ta sẽ phân tích chúng trong chương tiếp theo. Nhưng, ở mức độ phân tích sơ bộ đầu tiên, nhớ được rằng vốn có hai thành phần với giá trị ngang ngửa nhau là một điểm mốc rất có ích.

18: Bạn đọc có thể tham khảo tất cả các số liệu chi tiết theo từng nước trong các bảng số liệu trên mạng trong phụ lục kĩ thuật.
19: Trong thực tế, mức thu nhập vị trí giữa (nghĩa là mức mà có đúng một nửa dân số có thu nhập cao hơn) thường ở mức thấp hơn khoảng 20%-30% so với thu nhập trung bình. Điều này là do phần trên của phân phối thu nhập doãng rộng hơn nhiều so với phần thấp và phần giữa, nên đã kéo mức trung bình (chứ không phải mức giữa) cao lên. Nói rõ rằng thu nhập quốc gia đầu người ở đây tương ứng với khái niệm thu nhập trung bình trước thuế và chuyển nhượng. Trong thực tế, dân cư những nước giàu bỏ ra giữa từ một phần ba đến một nửa thu nhập quốc gia của họ cho thuế thu nhập, đóng góp và các loại thuế khác giúp chi trả những dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng, bảo hiểm xã hội, và chi trả phần lớn những chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục, v.v. Vấn đề về thuế thu nhập và chi tiêu công cộng sẽ được phân tích chủ yếu trong phần thứ tư.
20: Trong những khối tài sản khổng lồ này, tiền giấy và tiền xu (được tính vào tài sản tài chính) chiếm một lượng nhỏ xíu: vài trăm euro một người; và vài nghìn euro nếu ta bao gồm vàng, bạc và đồ vật quí; toàn bộ tương đương 1%-2% tổng tài sản. Xem phụ lục kĩ thuật. Ngoài ra, tài sản công cộng gần bằng với nợ công cộng, vì thế cũng khá hợp lí khi xem rằng những hộ gia đình đang nắm giữ các tài sản công cộng này thông qua tài sản tài chính của họ.

[sau] [trước] [lên mức trên]