[sau] [trước] [lên mức trên]
Tiếp theo sách gồm bốn phần và mười sáu chương. Phần đầu tiên với tựa đề “Thu nhập và đồng vốn”, gồm hai chương, giới thiệu những khái niệm cơ bản sẽ được dùng nhiều sau đó. Đặc biệt, chương 1 trình bày những quan niệm về thu nhập quốc gia, đồng vốn và tỉ số vốn/thu nhập, rồi miêu tả những đường nét chính về tiến trình của sự phân bố thu nhập và sản lượng toàn cầu. Sau đó chương 2 phân tích cụ thể hơn về tiến trình của tỉ lệ tăng trưởng dân số và sản lượng kể từ Cách mạng công nghiệp. Không có sự kiện thật sự mới nào được trình bày trong phần đầu tiên này; bạn đọc quen thuộc với những khái niệm này và với lịch sử tăng trưởng toàn cầu nói chung kể từ thế kỉ 18 có thể trực tiếp chuyển qua phần thứ hai.
Phần thứ hai với tựa đề “Sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập” gồm bốn chương. Mục tiêu của phần này là phân tích vấn đề về tiến trình trong giai đoạn dài của tỉ số vốn/thu nhập và sự phân chia thu nhập từ làm việc và thu nhập từ vốn trong cơ cấu thu nhập quốc gia, như cách nó được đặt ra thời đầu thế kỉ 21 này. Chương 3 đầu tiên trình bày về những biến thái của đồng vốn từ thế kỉ 18, bắt đầu bằng trường hợp Liên hiệp Anh và Pháp, hai nước ta biết rõ nhất trong giai đoạn lịch sử dài. Chương 4 giới thiệu trường hợp Đức và Châu Mĩ. Chương 5 và 6, trong khả năng số liệu cho phép, mở rộng những phân tích này ra phạm vi toàn thế giới; nhất là cố gắng rút ra những bài học từ những kinh nghiệm lịch sử để giúp dự báo tiến trình của tỉ số vốn/thu nhập và sự phân chia vốn-làm việc trong những thập niên tới.
Phần thứ ba với tựa đề “Cấu trúc của bất bình đẳng” gồm 6 chương. Chương 7 bắt đầu bằng việc giúp bạn đọc làm quen với ước lượng độ lớn trong thực tế của một mặt là mức độ bất bình đẳng trong phân bố thu nhập từ làm việc, mặt khác là đặc tính của đồng vốn và thu nhập từ vốn. Sau đó chương 8 phân tích sự vận động lịch sử của những bất bình đẳng này, bắt đầu bằng việc đối chiếu trường hợp nước Pháp và nước Mĩ. Chương 9 và 10 mở rộng những phân tích này ra toàn bộ những nước mà ta có số liệu lịch sử (đặc biệt trong khuôn khổ của WTID) bằng cách xem xét một cách riêng rẽ những bất bình đẳng trong lao động và trong đồng vốn. Chương 11 nghiên cứu tiến trình của sự quan trọng của tài sản thừa kế trong giai đoạn dài. Cuối cùng chương 12 phân tích những viễn cảnh của sự phân bố tài sản toàn cầu trong những thập niên đầu tiên của thế kỉ 21.
Cuối cùng phần thứ tư với tựa đề “Giám sát đồng vốn trong thế kỉ 21” gồm bốn chương. Mục tiêu của phần này là rút ra những bài học chính trị và định chuẩn67 từ những phần trước. Đối tượng chính là xác lập những sự kiện thật và tìm hiểu những nguyên do của những tiến trình được phân tích trước đó. Chương 13 thử vạch ra vài đường nét định hình cho một Nhà nước xã hội phù hợp với thế kỉ mới này. Chương 14 đề xuất suy nghĩ lại về thuế tăng dần đánh trên thu nhập dưới ánh sáng của những kinh nghiệm quá khứ và những xu hướng gần đây. Chương 15 phác họa một loại thuế tăng dần đánh trên đồng vốn phù hợp chủ nghĩa đồng vốn coi trọng tài sản68 trong thế kỉ 21, và so sánh công cụ lí tưởng này với những dạng giám sát khả dĩ khác, từ thuế trên tài sản Châu Âu tới kiểm soát vốn kiểu Trung Quốc, qua chính sách nhập cư kiểu Mĩ hoặc xu thế chung quay lại chủ nghĩa bảo hộ. Chương 16 giải quyết câu hỏi ám ảnh về nợ công cộng và câu hỏi liên thông về tích lũy tối ưu vốn công cộng, trong bối cảnh vốn tự nhiên có khả năng bị thoái hóa.
Tôi xin nói thêm đôi lời nữa: có lẽ thật liều lĩnh khi xuất bản một cuốn sách với tựa đề Vốn thế kỉ 20 vào năm 1913. Vây nên bạn đọc hãy thứ lỗi cho tôi xuất bản vào năm 2013 một cuốn sách với tựa đề Vốn thế kỉ 21. Tôi rất ý thức được sự bất lực hoàn toàn của mình về dự đoán hình dạng của vốn vào năm 2063 hay năm 2113. Như tôi đã lưu ý (ta cũng sẽ có rất nhiều cơ hội để chứng kiến điều này), lịch sử thu nhập và tài sản là một câu chuyện đầy tính chính trị, hỗn loạn và không lường trước được. Nó phụ thuộc vào những biểu hiện được hình thành từ bất bình đẳng trong các xã hội khác nhau, những chính sách và thể chế được thực thi trong các xã hội này nhằm qui chuẩn hoặc chuyển hóa những biểu hiện đó, theo hướng này hay hướng khác. Không gì có thể đoán trước được hình dạng của những sự đảo lộn này trong những thập niên sắp tới. Tuy thế những bài học lịch sử vẫn rất có ích cho ta nắm bắt rõ hơn chút ít về những lựa chọn và những sự vận động hiện hành trong thế kỉ mới này. Đó chính là mục tiêu duy nhất phía sau cuốn sách này, cuốn sách theo logic tuyệt đối có thể được gọi là Vốn trong buổi đầu thế kỉ 21: cố gắng rút ra từ kinh nghiệm của những thế kỉ trước một vài chìa khóa khiêm nhường cho tương lai, không ảo tưởng quá trớn về lợi ích thực sự của chúng, bởi lịch sử luôn sáng tạo ra những đường đi riêng của nó.
[sau] [trước] [lên mức trên]