[sau] [trước] [lên mức trên]
Hãy tóm tắt lại những điểm trên. Ở mức độ tài khoản của một doanh nghiệp, của toàn thể một nước hoặc toàn cầu, sản phẩm và thu nhập đến từ sản phẩm có thể được phân tách thành tổng số của thu nhập từ vốn và thu nhập từ làm việc:
thu nhập quốc gia = thu nhập từ vốn + thu nhập từ làm việc
Nhưng vốn là gì? Giới hạn và hình dạng của nó chính xác là gì, và thành phần của nó chuyển biến thế nào theo thời gian? Câu hỏi này, trung tâm đối với nghiên cứu của chúng ta, sẽ được xem xét chi tiết hơn trong những chương sau. Tuy vậy cần phải nói rõ ngay những điểm sau.
Đầu tiên, xuyên suốt cuốn sách này, khi ta nói về “vốn” không có chú thích gì thêm, ta luôn loại trừ cái mà những nhà kinh tế học thường gọi là “vốn con người” - cụm từ không sát lắm theo cảm nhận của chúng tôi - nghĩa là sức lao động, tay nghề, học vấn, các năng lực cá nhân. Trong khuôn khổ cuốn sách này, vốn được định nghĩa như là toàn bộ những tài sản không phải con người, có thể được sở hữu và trao đổi trên một thị trường nào đó. Vốn chủ yếu bao gồm toàn bộ vốn bất động sản (tòa nhà, nhà riêng) được dùng để ở và vốn tài chính và nghề nghiệp (nhà xưởng, thiết bị, máy móc, chứng chỉ, v.v) được dùng bởi các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính.
Có nhiều lí do để loại trừ vốn con người trong định nghĩa về vốn của chúng ta. Lí do hiển nhiên nhất là vốn con người không thể do người khác sở hữu, cũng không thể trao đổi được trên thị trường, ít nhất trên cơ sở thường xuyên liên tục. Đó là điều khác biệt chủ yếu so với những dạng vốn khác. Dĩ nhiên ta có thể thuê dịch vụ làm việc, trong khuôn khổ một hợp đồng lao động. Nhưng, trong tất cả các hệ thống pháp luật hiện đại, điều đó chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở tạm thời và giới hạn về thời gian và cách sử dụng. Tất nhiên không tính những xã hội chiếm hữu nô lệ, nơi mà ta được phép sở hữu đầy đủ và hoàn toàn vốn con người của một người khác, thậm chí cả con cháu (nếu có) của những người này nữa. Trong những xã hội như vậy, ta có thể bán những người nô lệ trên thị trường và truyền lại theo thừa kế, vì thế rất bình thường khi người ta cộng giá trị của những nô lệ này với những thành tố khác khi ta tính tổng tài sản. Ta sẽ gặp lại điểm này khi nghiên cứu về thành phần của vốn cá nhân tại miền Nam nước Mĩ trước năm 1865. Nhưng ngoài trường hợp rất đặc biệt này ra (được xem là đã không còn tồn tại nữa), không có nghĩa lắm khi người ta cộng giá trị của vốn phi con người với vốn con người. Hai dạng của cải này trong suốt lịch sử đã đóng những vai trò nền tảng và bổ sung cho nhau trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, và tình hình vẫn sẽ như vậy trong thế kỉ 21. Nhưng, để hiểu đúng quá trình này và cấu trúc của bất bình đẳng sinh ra từ đó, việc quan trọng là ta phải phân biệt và xem xét một cách riêng biệt hai dạng vốn trên.
Vốn phi con người, mà ta sẽ gọi đơn giản là “vốn” trong khuôn khổ cuốn sách này, tập hợp tất cả các dạng của cải được xem như là có thể sở hữu được bởi các cá thể (hoặc bởi nhóm các cá thể) và có thể được chuyển nhượng hoặc trao đổi trên thị trường trên cở sở thường xuyên liên tục. Trong thực tế, vốn có thể được sở hữu hoặc bởi các cá nhân (ta gọi đó là vốn cá nhân), hoặc bởi Nhà nước hay các cơ quan hành chính công cộng (ta gọi đó là vốn công cộng). Cũng tồn tại những dạng tài sản tập thể trung gian giữa hai dạng trên, được sở hữu bởi những đại diện pháp lí theo đuổi những mục đích cụ thể (quĩ phi lợi nhuận, Nhà thờ, v.v) mà ta sẽ trở lại nghiên cứu sau. Lẽ tất nhiên là ranh giới giữa những gì mà các cá nhân có thể sở hữu được và không thể sở hữu được tiến triển rất nhanh theo thời gian và không gian, như được cực tả qua trường hợp xã hội chiếm hữu nô lệ. Tình hình cũng giống như vậy đối với không khí, biển, núi, công trình lịch sử, kiến thức; có thể đến lúc nào đó một số nhóm lợi ích nảy lòng tham muốn sở hữu chúng, sẵn sàng đặt những mục tiêu tăng cường hiệu quả lên trên lợi ích riêng của họ. Nhưng chắc gì đó đã là lợi ích chung. Vốn không phải là một quan niệm bất biến: nó phản ánh trạng thái phát triển và những mối tương quan chi phối một xã hội nhất định.
[sau] [trước] [lên mức trên]