[sau] [trước] [lên mức trên]
Khi Balzac hay Jane Austen viết tiểu thuyết vào đầu thế kỉ 19, dường như không còn ai lạ lẫm với bản chất của tài sản. Tài sản dùng để sinh ra tiền thuê hoặc tiền lãi, tức là những thu nhập chắc chắn và đều đặn cho chủ sở hữu. Vì lẽ đó tài sản thường có dạng đất đai hay giấy ghi nợ công cộng. Lão Goriot với giấy ghi nợ Nhà nước, và đồn điền nhỏ Rastignac với đất nông nghiệp. Tình hình cũng như vậy đối với đồn điền Norland bao la mà John Dashwood được thừa kế trong Lý trí và tình cảm (Sense and Sensibility). Hắn không chần chừ tống cổ hai người chị cùng cha khác mẹ Elinor và Marianne ra khỏi đồn điền - thế là họ đành phải bằng lòng chấp nhận phần lãi sinh ra từ đồng vốn ít ỏi được cha họ để lại dưới dạng giấy ghi nợ Nhà nước. Trong các tiểu thuyết kinh điển thế kỉ 19, tài sản được nhắc đến khắp nơi, và bất kể độ lớn cũng như người sở hữu chúng thường có hai dạng phổ biến nhất: đất đai và nợ công cộng.
Nhìn từ thế kỉ 21, những dạng tài sản trên có vẻ như đã cổ lỗ, và người ta đôi khi muốn xếp chúng vào một thời quá khứ ăn lông ở lỗ xa xăm, không còn liên hệ gì với thực tế kinh tế và xã hội hiện nay nữa, thời đại mà đồng vốn về bản chất là “linh động” hơn. Thật vậy, những nhân vật trong các tiểu thuyết thế kỉ 19 thường lấy nguyên mẫu là những người cho thuê tài sản, một hình ảnh bị chế giễu trong xã hội hiện đại dân chủ và dựa trên tài năng là chính của chúng ta. Thế nhưng, còn gì tự nhiên hơn là đòi hỏi đồng vốn phải sinh ra thu nhập chắc chắn và đều đặn: đó cũng chính là mục đích của một thị trường vốn “hoàn hảo” theo cách hiểu của các nhà kinh tế học. Sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng nghiên cứu về tài sản thế kỉ 19 không mang lại hiểu biết gì cho thế giới hôm nay.
Ngoài ra, nếu xem xét mọi việc cẩn thận hơn, ta sẽ thấy sự khác biệt giữa xã hội thế kỉ 19 và thế kỉ 21 là không dễ nhận ra như ta vẫn tưởng. Đầu tiên, hai dạng tài sản nói trên - đất đai và nợ công cộng - đặt ra những vấn đề rất khác nhau, và chắc chắn không thể đem cộng chúng vào một cách chóng vánh như những nhà tiểu thuyết thế kỉ 19 đã làm để dễ bề dẫn dắt câu chuyện. Nợ công cộng chỉ đơn giản là khoản nợ mà một phần dân cư của một nước (những người trả thuế) nợ một phần khác (những người nhận tiền lãi). Vì thế phải loại nợ công cộng ra khỏi tài sản quốc gia và tính nó vào tài sản cá nhân. Đặc biệt, vấn đề phức tạp về sự vay nợ của các Nhà nước và bản chất tài sản tương ứng can hệ đến thế giới ngày nay ít nhất cũng bằng thế giới của năm 1800, và tìm hiểu về tình hình quá khứ có thể làm sáng rõ một thực tế rất chất chứa của thế giới ngày nay. Bởi lẽ, dù nợ công cộng hiện nay còn lâu mới tìm lại mức triệu triệu vì sao1 của thời đầu thế kỉ 19, ít nhất là tại Liên hiệp Anh, thì tại Pháp và tại nhiều nước khác, nó đang đứng ở mức rất gần kỉ lục lịch sử, và ngày nay nó còn dễ gây ngộ nhận hơn nhiều so với thời Napoléon. Thật vậy, quá trình trung gian tài chính (người ta gửi tiền vào ngân hàng, rồi ngân hàng lại đem đi gửi chỗ khác) đã trở nên phức tạp đến mức mà người ta thường không thể biết được ai sở hữu cái gì. Ta đang nợ, dĩ nhiên rồi - làm sao mà quên được cơ chứ? các phương tiện thông tin đại chúng ngày nào cũng nhắc ta nhớ -, nhưng chính xác là ta đang nợ ai? Tại thế kỉ 19, những người nhận tiền lãi trên nợ công cộng có danh tính rõ ràng; nhưng ngày nay họ là ai? Ta phải làm sáng tỏ điều bí ẩn này, và nghiên cứu tình hình quá khứ sẽ giúp ta trong việc đó.
Còn một điểm rắc rối nhưng quan trọng hơn nữa: nhiều dạng vốn khác, thường rất “linh động”, cũng đóng vai trò chủ yếu trong các tiểu thuyết kinh điển và trong xã hội năm 1800. Sau khi khởi nghiệp bằng nghề công nhân mì sợi, lão Goriot đã làm giàu bằng nghề sản xuất bột nhào và buôn bán hạt. Trong giai đoạn Chiến tranh Cách mạng Pháp và Chiến tranh Napoléon, lão biết rõ hơn ai hết cách tìm ra nguồn bột tốt nhất, hoàn thiện kĩ thuật sản xuất bột nhào, tổ chức mạng lưới bán hàng và kho bãi, để những sản phẩm tốt được bán đúng lúc, đúng chỗ. Chỉ đến khi đã giàu với tư cách chủ doanh nghiệp, lão mới bán những phần sở hữu của mình trong hoạt động kinh doanh - giống kiểu các nhà sáng lập start-up thế kỉ 21 thực hiện quyền chọn trên phiếu góp vốn ban đầu của mình và bỏ túi phần giá trị thêm2 - rồi lão lấy tiền đó đầu tư vào những khoản sinh lợi chắc chắn hơn, ở đây là những giấy ghi nợ công cộng trả lãi vĩnh viễn - và chính nguồn vốn này đã giúp lão gả con gái cho những gia đình quyền thế nhất Paris thời bấy giờ. Nằm trên giường chờ chết, năm 1821, bị Delphine và Anastasie bỏ rơi, lão Goriot vẫn còn mơ đến những khoản đầu tư béo bở trong nghề buôn bán bột nhào ở Odessa.
Còn César Biroutteau thì đã làm giàu trong ngành mĩ phẩm. Hắn là nhà sáng chế thiên bẩm các sản phẩm làm đẹp - kem dưỡng chất kép Quí phi La Double Pâte des sultanes, nước Tiên L’Eau carminative v.v. - theo Balzac chúng đã gây điên đảo tại Pháp cuối thời Đế chế và thời Bourbon quay lại ngôi vua3. Nhưng điều đó là chưa đủ với hắn: trước khi nghỉ hưu, hắn muốn nhân ba tiền cược bằng một phi vụ đầu cơ bất động sản táo bạo tại khu phố Madeleine - khu phố phát triển rất nhộn nhịp tại Paris thời những năm 1820-1830. Hắn bỏ ngoài tai lời khuyên khôn ngoan của vợ hắn, chị này muốn đầu tư tiền quĩ của hãng mĩ phẩm vào mấy miếng đất đẹp gần Chinon và vài giấy ghi nợ công cộng. César tan gia bại sản.
Các chủ đất bự của Jane Austen - quê mùa hơn các nhân vật chính của Balzac - nhưng có vẻ lại khôn hơn vẻ bề ngoài của mình. Trong tiểu thuyết Mansfield Park, chú của Fanny, ngài Thomas, phải đi quần đảo Antilles hơn một năm cùng với người con trai cả để thu xếp công việc và các khoản đầu tư. Ông về Mansfield ít ngày, rồi lại phải đi ngay ra đảo ở hàng tháng trời. Thật không hề đơn giản, trong những năm 1800-1810, khi phải trông nom việc trồng trọt ở khoảng cách xa hàng nghìn cây số. Còn xa mới yên ả như việc thu tiền thuê đất hay tiền lãi trên nợ công cộng.
Đồng vốn yên ả hay đầu tư mạo hiểm? Liệu ta có nên kết luận rằng chẳng có gì thật sự thay đổi từ thời đó? Đâu là những chuyển biến nền tảng thật sự trong cấu trúc đồng vốn kể từ thế kỉ 18? Phía sau những sự thay đổi hiển nhiên trong hình dạng cụ thể - từ bột nhào của lão Goriot đến máy tính bảng của Steve Jobs, từ đầu tư trên đảo Antilles năm 1800 đến đầu tư của Trung Quốc hay Nam Phi thế kỉ 21 -, những cấu trúc sâu xa của đồng vốn liệu có giữ nguyên như cũ không? Đồng vốn không bao giờ yên ả: nó luôn mạo hiểm và hay về tay những kẻ dám phiêu lưu, ít ra là giai đoạn đầu; nhưng đồng thời nó luôn có xu hướng chuyển thành tiền lãi bền vững một khi nó được tích lũy không có giới hạn: đó là thiên hướng, là số phận logic của nó. Vậy thì quan điểm đang rất phổ biến - rằng bất bình đẳng trong xã hội hiện đại ngày nay dù gì cũng khác rất nhiều so với bất bình đẳng đặc trưng cho thời của Balzac hoặc Jane Austen - đến từ đâu? Có phải đó chỉ là một lời diễn thuyết đơn thuần, không động chạm gì tới thực tế, hay là ta có thể chỉ ra những nhân tố khách quan giải thích rõ tại sao sự tăng trưởng hiện đại có tính cấu trúc đã làm đồng vốn ít “cho thuê lấy lãi” đi và trở nên “linh động” hơn?
[sau] [trước] [lên mức trên]