[sau] [trước] [lên mức trên]

Để tiến tới trả lời câu hỏi vừa đặt ra, ta hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu những chuyển biến trong cấu trúc vốn tại Liên hiệp Anh và tại Pháp kể từ thế kỉ 18. Đây là hai nước có nguồn số liệu lịch sử phong phú nhất, và cũng là hai nước mà ta đã xác lập được những ước lượng đầy đủ và nhất quán nhất trong giai đoạn dài. Những kết quả chính thu được được trình bày trong biểu đồ G3.1 và  G3.2. Hai biểu đồ này cố gắng tổng hợp nhiều khía cạnh chính của lịch sử chủ nghĩa đồng vốn trong ba thế kỉ. Hai kết luận hiện ra rõ rệt.


PIC
Biểu đồ G3.1: Đồng vốn tại Liên hiệp Anh giai đoạn 1700-2010

Đầu tiên ta thấy rằng tỉ số vốn/thu nhập đã đi theo những tiến trình cực kì giống nhau tại hai nước. Tỉ số này khá ổn định tại thế kỉ 18 và 19, rồi chịu một cú sốc ghê gớm tại thế kỉ 20, rồi cuối cùng đầu thế kỉ 21 nó đã quay lại gần với mức ngay trước các cuộc Chiến tranh thế giới thế kỉ 20. Tại Liên hiệp Anh cũng như tại Pháp, tổng giá trị vốn quốc gia ở mức xung quanh sáu-bảy năm thu nhập quốc gia trong suốt thế kỉ 18 và 19 cho đến tận năm 1914. Rồi tỉ số vốn/thu nhập đột ngột xuống mức rất thấp do Chiến tranh thế giới thứ nhất, những cuộc khủng hoảng thời giữa hai cuộc chiến, rồi Chiến tranh thế giới thứ hai. Tỉ số này đã xuống thấp đến mức mà vốn quốc gia chỉ có giá trị hai-ba năm thu nhập quốc gia trong những năm 1950. Tỉ số vốn/thu nhập sau đó bắt đầu không ngừng tăng lên. Tại cả hai nước đầu những năm 2010, tổng giá trị vốn quốc gia ở mức xung quanh năm-sáu năm thu nhập quốc gia, thậm chí hơi cao hơn sáu năm một chút tại Pháp, so với dưới bốn năm trong những năm 1980, và suýt soát hơn hai năm trong những năm 1950. Ta không nên ảo tưởng về sự chính xác của các phép đo này. Nhưng tiến trình nhìn chung là hoàn toàn rõ rệt.


PIC
Biểu đồ G3.2: Đồng vốn tại Pháp giai đoạn 1700-2010

Vì vậy thế kỉ vừa qua được đặc trưng bởi một đường cong ngoạn mục hình chữ U. Tỉ số vốn/thu nhập đã giảm đi gần ba lần trong giai đoạn 1914-1945, trước khi tăng lên gần hai lần trong giai đoạn 1945-2012.

Đó là những biến động với biên độ rất lớn; cùng diễn ra với những xung đột quân sự, chính trị, kinh tế đẫm máu đánh dấu thế kỉ 20, nhất là xung quanh vấn đề vốn, sở hữu cá nhân và phân bố tài sản toàn cầu. Nếu đem so sánh, thế kỉ 18 và 19 là khá yên ả.

Cuối cùng, vào đầu những năm 2010, tỉ số vốn/thu nhập đã gần quay lại mức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất - hoặc thậm chí đã vượt qua mức này nếu ta đem dự trữ vốn chia cho tổng thu nhập của các hộ gia đình, chứ không phải tổng thu nhập quốc gia (sự lựa chọn phương pháp ở đây là không hề hiển nhiên, bạn đọc xem tiếp phần sau). Trong mọi trường hợp, bất kể những khiếm khuyết và sự thiếu chắc chắn trong các phép đo, rõ ràng là trong những năm 1990-2000 thế giới đã quay lại mức hưng thịnh tài sản cao chưa từng thấy kể từ Thời Tươi đẹp sau một quá trình liên tục bắt đầu từ đầu những năm 1950. Đồng vốn nhiều phần đã biến mất thời giữa thế kỉ 20; vậy mà vào đầu thế kỉ 21 này nó có vẻ như đang trên đường quay lại mức rất cao thời thế kỉ 18 và 19. Tài sản đang dần tìm lại bản sắc của mình. Nếu ta quan sát kĩ, chính hai cuộc Chiến tranh thế giới trong thế kỉ 20 đã xí xóa hết quá khứ và gây cảm tưởng chủ nghĩa đồng vốn đã bị vượt mặt một cách cấu trúc4.

Tiến trình của tỉ số vốn/thu nhập, mặc dù rất ngoạn mục, cũng không khiến ta bỏ qua những chuyển biến sâu sắc trong thành phần của đồng vốn kể từ năm 1700. Đó là kết luận thứ hai. Kết luận này được thể hiện rất rõ ràng trong biểu đồ G3.1-G3.2: xét theo loại tài sản liên quan, đồng vốn thế kỉ 21 không hề giống với đồng vốn thế kỉ 18. Tiến trình này tại hai nước Anh và Pháp là rất gần nhau. Nói đơn giản, đất nông nghiệp xét trong giai đoạn rất dài đã dần dần bị thay thế bằng bất động sản và bằng vốn nghề nghiệp và tài chính đầu tư vào các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính; nhưng không vì thế mà tổng giá trị vốn - đo bằng số năm thu nhập quốc gia tương đương - bị thay đổi nhiều.

Cụ thể hơn: ta nhớ lại là vốn quốc gia (tiến trình của nó được vẽ trong biểu đồ G3.1-G3.2) được định nghĩa như là tổng của vốn cá nhân và vốn công cộng. Nợ công cộng được tính như là tài sản cho khu vực kinh tế tư nhân và nợ cho khu vực kinh tế công cộng. Hai khoản này bù trừ lẫn nhau, vì thế nợ công cộng không đóng góp gì vào vốn quốc gia (ít ra là đối với những nước sở hữu toàn bộ nợ công cộng của nước mình). Ta sẽ bàn lại về chủ đề này trong phần sau. Như đã nói trong chương 1, vốn quốc gia được định nghĩa như trên có thể được phân tách thành vốn trong nước và vốn ngoài nước nét. Vốn trong nước đo lường giá trị dự trữ vốn (bất động sản, doanh nghiệp, v.v) đặt trong lãnh thổ của nước đang xét. Vốn ngoài nước nét - hoặc tài sản ngoài nước nét - đo lường cán cân tài sản của nước đang xét đối với phần còn lại của thế giới, nghĩa là hiệu số giữa tài sản sở hữu bởi cư dân của nước đó trong phần còn lại của thế giới và tài sản sở hữu bởi phần còn lại của thế giới trong nước đó (bao gồm cả dạng nợ công cộng).

Phân tích sơ bộ, vốn trong nước cũng có thể được phân tách thành 3 loại: đất nông nghiệp; nhà ở (nhà và bất động sản để ở, bao gồm cả đất); và những loại vốn trong nước khác (loại này chủ yếu là vốn được dùng trong các doanh nghiệp và cơ quan hành chính (tòa nhà, nhà xưởng dùng cho mục đích nghề nghiệp - bao gồm cả đất -, thiết bị, máy móc, máy tính, chứng chỉ, v.v). Cũng như các loại tài sản khác, các loại vốn nói trên được định giá theo giá trị thị trường, ví dụ giá phiếu góp vốn trong trường hợp các doanh nghiệp vốn kết hợp. Cuối cùng vốn quốc gia được phân tách như sau (ta dùng cách phân tách này để xác lập biểu đồ G3.1-G3.2):

vốn quốc gia = đất nông nghiệp + nhà ở + các loại vốn trong nước khác + vốn ngoài nước nét

Ta nhận thấy rằng tổng giá trị đất nông nghiệp vào đầu thế kỉ 18 bằng bốn đến năm năm thu nhập quốc gia, tức là gần hai phần ba vốn quốc gia. Ba thế kỉ sau, đất nông nghiệp có giá trị thấp hơn 10% thu nhập quốc gia tại Pháp cũng như tại Liên hiệp Anh, và chiếm ít hơn 2% tổng tài sản. Tiến trình ngoạn mục này không có gì đáng ngạc nhiên: ngành nông nghiệp tại thế kỉ 18 chiếm gần ba phần tư các hoạt động kinh tế và việc làm, so với vài phần trăm hiện nay. Vì vậy tỉ trọng vốn tương ứng với ngành nông nghiệp đi theo một tiến trình tương tự là điều rất tự nhiên.

Sự giảm sút của giá trị đất nông nghiệp tính theo phần trăm thu nhập quốc gia và vốn quốc gia đã được bù trừ một phần bằng sự tăng cao của giá trị nhà ở: nó đã tăng từ gần một năm thu nhập quốc gia tại thế kỉ 18 lên hơn ba năm hiện nay; và phần nữa bởi sự tăng tiến của giá trị các loại vốn trong nước khác: tiến trình của nó có biên độ gần giống với tiến trình của giá trị nhà ở (nhưng nhẹ hơn một chút: từ một năm rưỡi thu nhập quốc gia tại thế kỉ 18 lên gần ba năm hiện nay)5. Sự chuyển biến có tính cấu trúc trong giai đoạn rất dài nói trên một mặt phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của bất động sản nhà ở (cả diện tích lẫn chất lượng và giá trị) trong quá trình phát triển kinh tế6, mặt khác phản ánh sự tích lũy rất cao kể từ Cách mạng công nghiệp của nhà xưởng dùng cho mục đích nghề nghiệp, thiết bị, máy móc, kho, văn phòng, công cụ, vốn vật thể và phi vật thể được dùng trong các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính nhằm sản xuất ra đủ loại hàng hóa và dịch vụ phi nông nghiệp7. Đồng vốn đã thay đổi bản chất: trước kia đó là vốn đất đai, giờ nó trở thành vốn bất động sản, công nghiệp và tài chính; nhưng tầm quan trọng của nó đã không mất đi chút nào.

4: người dịch. Nguyên bản: structurellment. Ý nói hiện tượng “đồng vốn đã hết thời” là một hiện tượng nằm trong cấu trúc sâu xa của xã hội (cấu trúc này đã thay đổi triệt để do các cuộc Chiến tranh thế giới).
5: Theo những ước lượng hiện có (đặc biệt là của King và Petty tại Liên hiệp Anh, Vauban và Boisguillebert tại Pháp), kho xưởng nông nghiệp và đàn gia súc tại thế kỉ 18 chiếm gần một nửa phần vốn mà ta gọi là “vốn trong nước khác”. Nếu ta bỏ qua những thành tố này để tập trung vào công nghiệp và dịch vụ, thì sự tăng tiến của các loại vốn phi nông nghiệp trong nước khác cũng mạnh như sự tăng tiến của giá trị nhà ở (thậm chí mạnh hơn chút xíu).
6: Phi vụ đầu cơ bất động sản của Birotteau tại khu phố Madeleine là một ví dụ rất hay.
7: Ta nghĩ tới xưởng sản xuất bột nhào của lão Goriot, hoặc sản xuất mĩ phẩm của Birotteau.

[sau] [trước] [lên mức trên]