[sau] [trước] [lên mức trên]

Tiến trình của vốn ngoài nước tại Liên hiệp Anh và tại Pháp là rất cá biệt, giống như lịch sử đầy biến động của chủ nghĩa thực dân và của hai cường quốc nhiều thuộc địa nhất thế giới trong vòng ba thế kỉ vừa qua. Tài sản nét trong phần còn lại của thế giới được hai nước này sở hữu đã không ngừng tăng lên tại thế kỉ 18 và 19, đạt đến mức cực kì cao chiều hôm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, trước khi sụp đổ hoàn toàn từ năm 1914 đến năm 1945 và kể từ đó dần ổn định lại ở mức khá thấp, như ta thấy trong biểu đồ G3.1-G3.2.

Sở hữu ngoài nước bắt đầu lớn dần lên ngay từ giai đoạn 1750-1800, như được minh họa qua các khoản đầu tư trên đảo Antilles của ngài Thomas mà Jane Austen nói đến trong tiểu thuyết Mansfield Park. Nhưng nó vẫn rất khiêm tốn: lúc mà nhà nữ tiểu thuyết viết truyện này, năm 1812, dự trữ tài sản ngoài nước theo những nguồn số liệu hiện có chỉ chiếm gần 10% thu nhập quốc gia tại Liên hiệp Anh, tức là ít hơn giá trị đất nông nghiệp ba mươi lần (cao hơn ba năm thu nhập quốc gia). Vì thế không ngạc nhiên là những nhân vật của Jane Austen sống chủ yếu vẫn bằng nguồn đất đai tài sản ở nông thôn.

Chỉ đến thế kỉ 19 thì sự tích lũy tài sản của nước Anh trong phần còn lại của thế giới mới chiếm những phần đáng kể, chưa từng thấy trong lịch sử trước đó và cho đến nay vẫn chưa bị vượt qua. Ngay trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Liên hiệp Anh là đế chế thực dân mạnh nhất thế giới và sở hữu khối tài sản ngoài nước tương đương gần hai năm thu nhập quốc gia, tức là lớn hơn tổng giá trị đất nông nghiệp của Vương quốc Anh sáu lần (đất nông nghiệp lúc đó chỉ còn chiếm khoảng 30% thu nhập quốc gia8). Qua đó ta thấy cấu trúc tài sản đã chuyển biến sâu sắc đến mức nào kể từ Mansfield Park (hi vọng rằng những nhân vật chính của Jane Austen và thế hệ sau của họ đã kịp thời theo chân ngài Thomas, chuyển đổi một phần tiền thuê đất thành các khoản đầu tư quốc tế). Vào Thời Tươi đẹp, đồng vốn mà Liên hiệp Anh đầu tư ra ngoài nước đem lại lợi nhuận, lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, tiền thuê nhà đất với tỉ lệ lãi trung bình 5% một năm, vì thế thu nhập quốc gia hàng năm tại Anh cao hơn khoảng 10% sản phẩm trong nước; và nó đã giúp nuôi sống một nhóm dân cư rất đáng kể.

Nước Pháp - đế chế thực dân mạnh thứ hai thế giới thời đó - kém sung túc hơn chút ít: nó đã tích lũy khối tài sản ngoài nước trong phần còn lại của thế giới tương đương với hơn một năm thu nhập quốc gia, vì thế thu nhập quốc gia hàng năm cao hơn khoảng 5% sản phẩm trong nước trong những năm 1900-1910. Nước Pháp, qua khối tài sản sở hữu ở ngoài nước, nhận được từ phần còn lại của thế giới những khoản tiền (dưới dạng lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, tiền phí, tiền thuê nhà đất và các thu nhập từ vốn khác) tương đương với tổng sản lượng công nghiệp của các tỉnh phía bắc và phía đông9.

Ta nên biết rằng khối tài sản ngoài nước rất lớn này đã giúp Liên hiệp Anh và Pháp thời cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 duy trì tình trạng thiếu hụt thương mại có tính cấu trúc. Từ năm 1880 đến năm 1914, hai nước nói trên nhận được từ phần còn lại của thế giới các hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn rõ rệt những gì hai nước này xuất khẩu ra ngoài (tỉ lệ thiếu hụt thương mại trung bình là từ 1 đến 2 điểm10 của thu nhập quốc gia trong giai đoạn này). Nhưng sự thiếu hụt thương mại đó không gây phiền phức gì cho hai nước này cả, bởi lẽ thu nhập từ vốn ngoài nước hai nước này nhận được từ phần còn lại của thế giới vượt quá 5 điểm11 của thu nhập quốc gia. Cán cân chi trả của hai nước này luôn trong trạng thái dư thừa rất nhiều. Điều đó đã cho phép họ tăng phần tài sản ngoài nước của mình từ năm này qua năm khác12. Nói cách khác, phần còn lại của thế giới đã làm việc để gia tăng sự tiêu xài của các cường quốc thuộc địa, và qua chính việc đó phần còn lại của thế giới càng ngày càng nợ các cường quốc này nhiều hơn. Việc này nghe thì có vẻ rất sốc. Nhưng ta nên nhớ rằng mục đích của việc tích lũy tài sản ngoài nước, thông qua dư thừa thương mại hoặc bóc lột thuộc địa, chính là để sau đó có thể duy trì sự thiếu hụt thương mại. Vĩnh viễn dư thừa thương mại chẳng có lợi ích gì. Lợi ích của việc làm chủ sở hữu chính là có thể tiếp tục tiêu xài và tích lũy mà không phải làm việc, hay ít ra có thể tiêu xài và tích lũy nhiều hơn sản lượng đơn thuần từ lao động của mình. Tình hình ở qui mô quốc tế thời chủ nghĩa thực dân cũng giống như vậy.

Theo sau những biến cố từ hai cuộc Chiến tranh thế giới, cuộc khủng hoảng những năm 1930 và sự giải phóng thuộc địa, khối dự trữ tài sản ngoài nước khổng lồ này đã biến mất hoàn toàn. Trong những năm 1950, Pháp cũng như Liên hiệp Anh có cán cân tài sản nét gần bằng 0, tức là tài sản hai nước này sở hữu ở ngoài nước vừa đủ để bù lại tài sản các nước khác sở hữu tại hai cường quốc thuộc địa cũ này. Nói xấp xỉ, tình hình này đã không thay đổi nhiều kể từ nửa thế kỉ nay. Từ những năm 1950 đến những năm 2010, tài sản ngoài nước nét mà Pháp và Liên hiệp Anh sở hữu đôi khi dương nhẹ, đôi khi âm nhẹ, những trong mọi trường hợp đều rất gần bằng 0, ít ra là khi ta đem so sánh chúng với những mức rất cao trước đó13.

Để kết thúc, nếu ta so sánh cấu trúc vốn quốc gia tại thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 21, ta thấy rằng tài sản ngoài nước nét đóng vai trò rất mờ nhạt trong cả hai trường hợp. Sự chuyển biến có tính cấu trúc thật sự trong giai đoạn dài chính là sự thay thế dần dần vốn đất đai nông nghiệp bởi vốn bất động sản và nghề nghiệp, dù tổng dự trữ vốn tính theo số năm thu nhập quốc gia đã gần như không thay đổi.

8: Tất cả các dãy số chi tiết đều được đăng trên mạng.
9: Xem phụ lục kĩ thuật.
10: người dịch. Tức là 1% đến 2%.
11: người dịch. Tức là 5%.
12: Những dãy số liệu chi tiết hàng năm về cán cân thương mại và cán cân chi trả tại Liên hiệp Anh và Pháp được đăng trên mạng trong phần phụ lục kĩ thuật.
13: Cán cân tài sản ngoài nước nét của hai nước này luôn trong khoảng -10% đến +10% của thu nhập quốc gia kể từ năm 1950, tức là thấp hơn Thời Tươi đẹp mười-hai mươi lần. Những khó khăn trong các phép đo cán cân tài sản ngoài nước nét trong thế giới hiện nay (ta sẽ quay lại điểm này sau) không làm thay đổi thực trạng này.

[sau] [trước] [lên mức trên]