[sau] [trước] [lên mức trên]

Tóm lại, bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu đối lập những nước có thu nhập trung bình theo đầu người khoảng 150-200 euro một tháng (Châu Phi dưới Sahara, Ấn Độ) với những nước có thu nhập theo đầu người đạt 2500-3000 euro một tháng (Tây Âu, Bắc Mĩ, Nhật), tức là cao hơn từ mười đến hai mươi lần. Mức trung bình thế giới, tương đương xấp xỉ với mức của Trung Quốc, ở quanh mức 600-800 euro một tháng.

Những ước lượng độ lớn này rất có ý nghĩa và đáng được ghi nhớ. Nhưng vẫn cần phải nói rõ ngay là chúng chứa những sai số không nhỏ: đo lường sự bất bình đẳng giữa các nước (hay giữa các thời kì khác nhau) luôn khó hơn đo lường trong nội bộ một xã hội nhất định.

Ví dụ, bất bình đẳng toàn cầu sẽ mạnh hơn rõ rệt nếu ta dùng tỉ giá trao đổi tiền hiện hành thay vì sức mua tương đương - phương pháp ta dùng từ đầu sách. Để giới thiệu hai khái niệm này, đầu tiên ta hãy xét trường hợp tỉ giá trao đổi tiền euro/dollar. Vào năm 2012, 1 euro có giá trung bình 1,30 dollar trên thị trường trao đổi tiền. Một người Châu Âu có thu nhập 1000 euro có thể đi đến ngân hàng và lĩnh 1300 dollar. Nếu anh ta đi tiêu khoản tiền này tại Mĩ, sức mua của anh ta thực tế là 1300 dollar. Nhưng theo những cuộc điều tra chính thức, được gọi là “ICP”, giá cả trung bình tại khu vực đồng euro cao hơn tại Mĩ gần 10%, do vậy sức mua của người Châu Âu này - nếu anh ta tiêu tiền tại Châu Âu - sẽ gần với thu nhập 1200 dollar tại Mĩ hơn. Ta nói rằng “sức mua tương đương” là 1,20 dollar một euro, và chính sức mua tương đương này đã được dùng để qui đổi SPTTN của Mĩ sang euro trong bảng T.1.1. Ta cũng tiến hành tương tự cho các nước khác. Theo cách đó, ta so sánh những SPTTN khác nhau trên cơ sở sức mua mà nó mang đến cho cư dân nước đó - những người thường tiêu pha tại nước mình hơn là tại nước ngoài36.

Lợi thế khác của việc dùng sức mua tương đương là trên nguyên tắc chúng ổn định hơn các tỉ giá trao đổi tiền hiện hành. Thực vậy, các tỉ giá này không chỉ phản ánh trạng thái cung cấp và nhu cầu đối với những hàng hóa và dịch vụ được trao đổi giữa các nước; mà còn phản ánh các cú giật nhảy do các chiến thuật đặt tiền của giới đầu tư quốc tế, các dự đoán liên tục thay đổi về sự ổn định chính trị và tài chính của một nước, chưa nói đến việc chính sách tiền tệ áp dụng tại các nước khác nhau có tiến trình khá lộn xộn. Những tỉ giá trao đổi tiền vì vậy có thể có độ biến động cực kì lớn, như được minh họa bằng sự dao động lên xuống của đồng dollar trong những thập kỉ gần đây: tỉ giá trao đổi tiền đi từ hơn 1,30 dollar một euro trong những năm 1990 đến 0,90 dollar vào năm 2001, trước khi lên như tên bắn và đạt quanh mức 1,50 dollar vào năm 2008, rồi xuống lại mức 1,30 dollar vào năm 2012. Trong thời gian này, sức mua tương đương yên bình tăng lên, từ khoảng 1 dollar một euro đầu những năm 1990 tới 1,20 dollar một euro đầu những năm 2010 (xem biểu đồ G1.4)37


PIC
Biểu đồ G1.4: Tỉ giá trao đổi tiền và sức mua tương đương: euro/dollar

Tuy nhiên, dù các tổ chức quốc tế tham gia vào điều tra ICP có cố gắng thế nào đi nữa, vẫn phải thừa nhận rằng các sức mua tương đương được công bố là khá thiếu chắc chắn, với lề sai số chắc hẳn khoảng 10%, thậm chí hơn chút (bao gồm cả những sức mua tương đương giữa những nước có trình độ phát triển tương đồng). Ví dụ, theo cuộc điều tra gần đây nhất, ta thấy một số giá cả đúng là cao hơn tại Châu Âu (như năng lượng, nhà ở, khách sạn và nhà hàng), nhưng một số khác lại thấp hơn rõ rệt (như chăm sóc sức khỏe và giáo dục)38.

Trên nguyên tắc, những ước lượng chính thức cân đối các giá cả khác nhau tùy theo trọng số của các mặt hàng và các loại dịch vụ trong ngân sách trung bình của mỗi nước, nhưng hiển nhiên là những phép tính như vậy không thể nào chính xác một cách hoàn hảo được, cộng thêm việc đối với nhiều loại dịch vụ, đo lường sự khác nhau về chất lượng là rất khó. Dù sao đi nữa, ta phải nhấn mạnh rằng mỗi chỉ số giá cả kể trên đo lường những khía cạnh khác nhau của thực tế xã hội: giá năng lượng đo lường sức mua năng lượng (cao hơn tại Mĩ), giá chăm sóc sức khỏe đo lường sức mua dịch vụ chăm sóc sức khỏe (cao hơn tại Châu Âu). Thực tế bất bình đẳng giữa các quốc gia là nhiều chiều: sẽ thật ảo tưởng khi tự khẳng định rằng tất cả có thể tóm gọn được bằng một chỉ số tiền tệ duy nhất, cho phép đi tới một bảng xếp hạng một chiều, nhất là giữa những nước có thu nhập trung bình tương đối gần nhau.

Tại những nước nghèo nhất, sự hiệu chỉnh từ sức mua tương đương là rất lớn: tại Châu Phi cũng như Châu Á, giá cả rẻ hơn vào khoảng hai lần so với những nước giàu, do vậy SPTTN cao hơn khoảng hai lần khi ta chuyển từ tỉ giá trao đổi tiền hiện hành sang dùng sức mua tương đương. Điều này chủ yếu đến từ mức giá thấp hơn tại những nước nghèo của các dịch vụ và hàng hóa không trao đổi được trên phạm vi quốc tế, nơi chúng được sản xuất dễ hơn, do cần cường độ lao động tay nghề thấp lớn hơn (nhân tố dồi dào hơn tại những nước kém phát triển hơn) và cần cường độ lao động tay nghề cao và cường độ vốn nhỏ hơn (nhân tố kém dồi dào hơn)39. Nói chung, nước càng nghèo thì sự hiệu chỉnh càng lớn: vào năm 2012, hệ số hiệu chỉnh là 1,6 tại Trung Quốc và 2,5 tại Ấn Độ40. Hiện nay, đồng euro có giá 8 nhân dân tệ Trung Quốc theo tỉ giá trao đổi tiền hiện hành, và 5 nhân dân tệ theo sức mua tương đương. Khoảng cách này sẽ co lại dần theo quá trình Trung Quốc phát triển và định giá lại đồng nhân dân tệ (xem biểu đồ  G1.5). Tuy nhiên, một số tác giả, trong đó có Maddison, cho rằng khoảng cách này không bé như ta tưởng và những thống kê chính thức đang ước lượng thấp SPTTN của Trung Quốc41.


PIC
Biểu đồ G1.5: Tỉ giá trao đổi tiền và sức mua tương đương: euro/nhân dân tệ

Sự thiếu chắc chắn của tỉ giá trao đổi tiền và sức mua tương đương khiến ta phải xem những mức thu nhập trung bình nói đến ở trên (150-250 euro một tháng cho những nước nghèo nhất, 600-800 euro cho những nước trung bình, 2500-3500 euro cho những nước giàu nhất) như là những ước lượng độ lớn, chứ không phải là những khẳng định toán học. Ví dụ, khối những nước giàu (Liên minh Châu Âu, Mĩ/Canada, Nhật) chiếm 46%42 vào năm 2012 nếu ta dùng sức mua tương đương, so với 57% nếu ta dùng tỉ giá qui đổi hiện hành43. “Sự thực” có lẽ ở đâu đó giữa hai số này, và chắc hẳn gần với số đầu tiên hơn. Nhưng dù sao đi nữa, những điều trên không làm thay đổi khoảng giá trị của những ước lượng độ lớn trên, cũng như không làm lung lay việc phần đóng góp của những nước giàu giảm đều đặn từ những năm 1970-1980. Bất kể ta dùng phép đo nào, thế giới có vẻ như thực sự đi vào một pha giảm chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo.

36: Nếu ta dùng tỉ giá trao đổi tiền hiện hành 1,30 dollar để qui đổi SPTTN của Mĩ, thì ta thấy Mĩ sẽ nghèo đi gần 10%, và SPTTN theo đầu người chạy xa mức 40000 euro về gần 35000 euro (thật ra đây là số đo chính xác hơn cho sức mua của người du lịch Mĩ đến Châu Âu). Xem bảng bổ sung S1.1 (có trên mạng). Những ước lượng chính thức về sức mua tương đương, xuất phát từ những cuộc điều tra ICP (International Comparison Programme) (người dịch. Tạm dịch: Chương trình so sánh quốc tế), được thực hiện bởi một consortium gồm các tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới, Eurostat, v.v). Ho thực hiện các phép đo riêng biệt cho từng nước. Có những sự dao động trong sức mua tương đương tại khu vực đồng euro (euro/dollar ở mức 1,20 kể trên là mức trung bình). Xem phụ lục kĩ thuật.
37: Xu hướng giảm của sức mua của đồng dollar so với đồng euro từ năm 1990 đơn giản tương ứng với sự phồng giá cả tại Mĩ cao hơn tại Châu Âu chút xíu (0.8% một năm, tức là gần 20% trong vòng hai mươi năm). Các tỉ giá trao đổi tiền hiện hành được biểu diễn trong biểu đồ G1.4 là mức trung bình hàng năm, vì thế chúng không thể hiện được những độ biến động rất lớn trong giai đoạn rất ngắn.
38: Xem phụ lục kĩ thuật.
39: Đó là giải thích thường gặp (mô hình được gọi là Balassa-Samuelson). Mô hình này có vẻ giải thích khá tốt cho mức hiệu chỉnh SMTĐ (sức mua tương đương) lớn hơn 1 tại những nước nghèo. Tuy nhiên, trong nội bộ những nước giàu, mọi việc kém rõ ràng hơn: nước giàu nhất (Mĩ) có sự hiệu chỉnh SMTĐ lớn hơn 1 cho đến những năm 1970, nhưng nó trở về mức nhỏ hơn 1 từ những năm 1980-1990. Ngoài sai số đo lường, một lí giải khả dĩ khác là bất bình đẳng tiền lương rất mạnh gần đây ở Mĩ: nó khiến giá cả giảm đi trong các ngành dịch vụ cần cường độ lao động cao, tay nghề thấp và không trao đổi được trên phạm vi quốc tế (giống kiểu các nước nghèo).
40: Xem bảng bổ sung S1.2 (có trên mạng).
41: Ta dùng những ước lượng được công bố chính thức cho giai đoạn gần đây, nhưng hoàn toàn có thể là những cuộc điều tra ICP sắp tới sẽ dẫn đến việc phải đánh giá lại SPTTN của Trung Quốc. Về cuộc tranh luận Maddison/ICP, xem phụ lục kĩ thuật.
42: người dịch. Ý nói 46% sản lượng toàn cầu.
43: Xem bảng bổ sung S1.2 (có trên mạng). Phần đóng góp của Liên minh Châu Âu tăng từ 21% lên 25%, khối Mĩ/Canada từ 20% lên 24%, Nhật từ 5% lên 8%.

[sau] [trước] [lên mức trên]