[sau] [trước] [lên mức trên]
Để đơn giản hóa, ta đã giả sử từ đầu sách là thu nhập quốc gia và sản phẩm trong nước trùng nhau trong nội bộ một khối châu lục hoặc khu vực: thu nhập hàng tháng trình bày trong bảng T.1.1 đơn giản thu được bằng cách giảm SPTTN đi 10% - để trừ đi phần xuống giá của vốn - rồi chia cho mười hai.
Trong thực tế, đẳng thức giữa thu nhập và sản phẩm chỉ đúng trên phạm vi toàn cầu, chứ không đúng trên phạm vi một nước hoặc châu lục. Nói chung, sự phân bố thu nhập toàn cầu là bất bình đẳng hơn sự phân bố sản phẩm, bởi vì những nước có sản phẩm theo đầu người cao nhất cũng có xu hướng sở hữu một phần vốn của các nước khác, vì vậy nhận thêm dòng thu nhập từ vốn đến từ những nước mà sản phẩm theo đầu người thấp hơn. Nói cách khác, những nước giàu thì giàu kép: vừa bằng sản phẩm trong nước vừa bằng vốn đầu tư ra ngoài - nhờ vậy họ có mức thu nhập quốc gia cao hơn sản lượng - và ngược lại đối với các nước nghèo.
Ví dụ, tất cả các nước phát triển chính (Mĩ, Nhật, Đức, Pháp, Liên hiệp Anh) hiện có thu nhập quốc gia cao hơn sản phẩm trong nước chút xíu. Như đã nói ở phần trước, thu nhập nét từ nước ngoài chỉ hơi dương chút xíu và không làm thay đổi sâu sắc mức sống của các nước này: nó chỉ thêm từ 1% đến 2% vào sản phẩm trong nước tại Mĩ, Pháp và Liên hiệp Anh, từ 2% đến 3% tại Nhật và Đức. Tuy vậy đó vẫn là một sự bổ sung thu nhập không nhỏ, nhất là đối với hai nước cuối cùng44. Hai nước này nhờ vào dư thừa thương mại đã tích lũy được khối dự trữ lớn so với phần còn lại của thế giới trong những thập kỉ gần đây; khối dự trữ này ngày nay mang lại cho họ những khoản lãi đáng giá.
Nếu giờ ta bỏ qua những nước giàu để xem xét những khối châu lục xét theo tổng thể, ta thấy tình hình gần như cân bằng. Tại Châu Âu cũng như tại Châu Mĩ và Châu Á, những nước giàu nhất - nói chung ở phía Bắc châu lục - nhận vào một dòng thu nhập dương từ vốn, phần nào bù trừ dòng tiền được các nước khác chuyển đi - thường là các nước ở phía nam hoặc phía đông -, để cuối cùng trên phạm vi châu lục thu nhập quốc gia và sản phẩm trong nước gần như chính xác bằng nhau, thường chênh lệch dưới 0.5%45.
Trường hợp duy nhất về tình trạng mất cân bằng đặc trưng ở mức châu lục là trường hợp Châu Phi: châu lục này bị sở hữu một cách cấu trúc bởi những châu lục khác. Cụ thể, theo cán cân chi trả trên phạm vi toàn cầu do Liên hiệp quốc và những tổ chức quốc tế khác (Ngân hàng thế giới, IMF) xác lập hàng năm từ năm 1970, thu nhập quốc gia mà các cư dân Châu Phi nhận được luôn thấp hơn khoảng 5% sản phẩm trong nước (khoảng cách này vượt quá 10% tại một số nước)46. Do thu nhập từ vốn chiếm 30% tổng sản phẩm, điều trên có nghĩa là gần 20% vốn Châu Phi hiện nay được sở hữu bởi chủ nước ngoài, như hình ảnh những người London giữ vốn góp của mỏ bạch kim Marikana mà ta đã bàn ở đầu chương.
Nhận thức được ý nghĩa trong thực tế của một con số như vậy là rất quan trọng. Nếu ta tính đến việc một số thành tố của tài sản (ví dụ bất động sản nhà ở, hoặc vốn nông nghiệp) ít khi được sở hữu bởi các nhà đầu tư nước ngoài, số liệu trên có nghĩa là phần vốn nội địa Châu Phi sở hữu bởi phần còn lại của thế giới có thể vượt quá 40%-50% trong công nghiệp chế tạo, thậm chí hơn thế nữa trong một số lĩnh vực khác. Mặc dù số liệu chính thức về cán cân chi trả có nhiều chỗ không hoàn hảo - ta sẽ trở lại điểm này sau -, không nghi ngờ gì nữa những sự việc kể trên là một thực tế quan trọng của Châu Phi ngày nay.
Nếu xét giai đoạn quá khứ, ta còn chứng kiến những sự mất cân bằng nghiêm trọng hơn trên phạm vi quốc tế. Chiều hôm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, thu nhập quốc gia của Liên hiệp Anh, nước đầu tư số một thế giới, cao hơn khoảng 10% sản phẩm trong nước. Khoảng cách này tại Pháp - cường quốc thứ hai thế giới về thuộc địa và đầu tư - vượt quá 5%, và đạt mức tương tự tại Đức, nước mà đế chế thuộc địa là không đáng kể, nhưng sự phát triển công nghiệp đã cho phép tích lũy những khoản tiền lớn mà phần còn lại của thế giới nợ họ. Một phần của những khoản đầu tư từ Anh, Pháp và Đức này được thực hiện tại những nước Châu Âu khác hoặc tại Châu Mĩ, và một phần khác tại Châu Á và Châu Phi. Tính tổng thể, ta có thể ước lượng rằng vào năm 1913 những cường quốc Châu Âu sở hữu từ một phần ba đến một nửa vốn nội địa Châu Á và Châu Phi, và hơn ba phần tư vốn công nghiệp47.
[sau] [trước] [lên mức trên]