[sau] [trước] [lên mức trên]
Trên nguyên tắc, cơ chế qua đó những nước giàu sở hữu một phần những nước nghèo có thể có những hiệu ứng tốt đẹp cho sự giảm chênh lệch. Nếu những nước giàu ngập trong tiết kiệm và vốn, đến độ xây thêm một tòa nhà hoặc đặt thêm máy móc trong nhà máy cũng chẳng có ích mấy nữa (ta nói rằng “năng suất lề” của vốn - nghĩa là sản phẩm phụ trội mang lại bởi một đơn vị vốn mới, “ngoài lề” - là rất thấp), thì có thể sẽ là hiệu quả hơn cho cả tập thể khi những nước này đi đầu tư một phần tiết kiệm của mình tại những nước nghèo. Theo cách đó, những nước giàu - hoặc ít nhất những người sở hữu vốn tại nước đó - sẽ thu được tỉ lệ lãi cao hơn đối với khoản đầu tư của mình, và những nước nghèo có thể rượt đuổi sự tụt hậu năng suất. Cơ chế (dựa trên sự lưu thông tự do và sự san bằng sản lượng lề của vốn trên phạm vi toàn cầu) này được lí thuyết kinh tế cổ điển xem như là nền tảng của quá trình giảm chênh lệch giữa các nước và của xu hướng giảm bất bình đẳng trong suốt lịch sử, nhờ vào những lực kéo của thị trường và của cạnh tranh.
Tuy nhiên, lí thuyết lạc quan này có hai nhược điểm chính. Đầu tiên, dưới góc nhìn thuần túy logic, cơ chế này không có gì bảo đảm cho sự giảm chênh lệch thu nhập theo đầu người trên phạm vi toàn cầu. Tối đa là nó có thể dẫn đến sự giảm chênh lệch sản lượng theo đầu người - song dưới điều kiện là ta giả sử một sự lưu thông vốn hoàn hảo, và nhất là một sự san bằng hoàn toàn về trình độ tay nghề nhân công và vốn con người giữa các nước - giả thiết này không phải là chuyện nhỏ. Nhưng dù sao chăng nữa, khả năng giảm chênh lệch sản lượng này không hề kéo theo giảm chênh lệch thu nhập. Một khi đã đầu tư xong, hoàn toàn có thể là những nước giàu tiếp tục sở hữu mãi những khối tài sản đồ sộ tại những nước nghèo, để cuối cùng thu nhập quốc gia của những nước giàu vĩnh viễn cao hơn những nước nghèo - những nước này mãi mãi trả một phần lớn những gì họ sản xuất được cho những người sở hữu mình (như hình ảnh của Châu Phi từ nhiều thập kỉ nay). Muốn xác định biên độ của tình trạng này, như ta sẽ thấy trong phần sau của sách, chủ yếu ta phải so sánh tỉ lệ lãi của vốn mà những nước nghèo phải trả lại cho những nước giàu và tỉ lệ tăng trưởng của những nước nghèo. Để tiến lên theo hướng nghiên cứu này, đầu tiên ta phải hiểu rõ sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập trên phạm vi một nước nhất định.
Tiếp theo, dưới góc độ lịch sử, cơ chế dựa trên sự lưu thông vốn này dường như không phải là cơ chế đã giúp giảm chênh lệch giữa các nước, hoặc ít ra không phải là cơ chế chính. Trong số các nước Châu Á từng có một chặng đường rượt đuổi các nước phát triển nhất, dù đó là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan trước đây, hoặc Trung Quốc hiện nay, không nước nào được hưởng đầu tư nước ngoài ồ ạt. Chủ yếu là các nước này đã tự chi trả các khoản đầu tư vào vốn vật thể mà họ cần, và nhất là đầu tư vào vốn con người (tăng trình độ giáo dục và đào tạo) - việc đã được tất cả các nghiên cứu đương thời chứng minh là giải thích phần lớn sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn dài48. Ngược lại, những nước bị sở hữu bởi những nước khác, dù ta xét trường hợp thời thuộc địa hoặc Châu Phi hiện nay, thường không thành công bằng, đặc biệt do sự chuyên môn hóa không mấy hứa hẹn và sự bất ổn chính trị xảy ra đều đều.
Không có gì ngăn ta nghĩ rằng sự bất ổn này được giải thích một phần bằng lí do sau đây: khi một nước phần lớn được sở hữu bởi chủ nước ngoài, đòi hỏi xã hội về trưng thu tài sản là lặp đi lặp lại và không dập tắt được. Những nhân vật khác của màn kịch chính trị đáp lại rằng chỉ có sự bảo vệ vô điều kiện những quyền sở hữu tài sản ban đầu mới cho phép đầu tư và phát triển. Thế là nước đó kẹt trong một sự thay phiên không điểm dừng của các chính phủ cách mạng (mà thành quả trong việc cải thiện thực sự điều kiện sống của dân chúng thường rất hạn chế) và các chính phủ bảo vệ giới chủ sở hữu hiện thời, rồi lại chuẩn bị cho cuộc cách mạng hoặc cuộc đảo chính tiếp theo. Bất bình đẳng về sở hữu vốn đã là một việc khó chấp nhận và khó sắp xếp êm dịu trong khuôn khổ cộng đồng một nước rồi; trên qui mô quốc tế, đó là việc gần như không thể (trừ khi tưởng tượng ra một tương quan áp đảo chính trị kiểu thuộc địa).
Tất nhiên, sự hòa nhập quốc tế tự nó không có gì tiêu cực: chính sách tự cung tự cấp chưa bao giờ là nguồn gốc của sự hưng thịnh cả. Những quốc gia Châu Á hiển nhiên là đã hưởng lợi từ sự mở cửa quốc tế cho quá trình rượt đuổi của họ. Nhưng trên hết họ dựa vào sự mở của thị trường hàng hóa và dịch vụ và một sự hòa nhập tuyệt vời vào thương mại quốc tế; chứ họ rất ít dựa vào sự lưu thông tự do của vốn. Ví dụ Trung Quốc vẫn đang thực hành chính sách kiểm soát vốn: ta không đầu tư được vào nước này một cách tự do. Nhưng điều đó không hề kìm kẹp sự tích lũy vốn của nước này, bởi tiết kiệm trong nước đã quá đủ rồi. Nhật Bản cũng như Hàn Quốc hay Đài Loan đã chi trả những khoản đầu tư với tiền tiết kiệm của chính nước họ. Những nghiên cứu hiện có cũng chỉ ra rằng phần lớn những lợi ích mà sự mở cửa trao đổi thương mại mang lại đến từ sự lan tỏa kiến thức và sự cải thiện năng suất động, chứ không phải từ những lợi ích tĩnh liên quan đến sự chuyên môn hóa - chúng chiếm phần tương đối ít ỏi49.
Tóm lại, kinh nghiệm lịch sử gợi ý rằng cơ chế chính cho phép giảm chênh lệch giữa các nước là sự lan tỏa kiến thức, trên phạm vi quốc tế cũng như nội địa. Nói cách khác, những người nghèo nhất rượt đuổi những người giàu nhất bằng cách họ cố gắng đạt cùng trình độ hiểu biết công nghệ, tay nghề, giáo dục, chứ không phải tự trở thành của sở hữu cho những người giàu nhất. Quá trình lan tỏa kiến thức này không phải từ trên trời rơi xuống: nó thường được tăng tốc bởi sự mở cửa quốc tế và thương mại (chính sách tự cung tự cấp không khuyến khích sự chuyển giao công nghệ), và nhất là nó phụ thuộc vào khả năng của một nước trong việc huy động những nguồn tài chính và những cơ quan cho phép thực hiện đầu tư khối lượng lớn vào giáo dục đào tạo, cùng lúc đó bảo đảm một lộ trình luật pháp thông suốt cho những nhân tố kinh tế khác. Vì vậy nó liên hệ mật thiết tới quá trình xây dựng một bộ máy công quyền chính đáng và hiệu quả. Đó là những bài học chính - vừa được tóm tắt nhanh gọn - mà ta rút ra qua việc xem xét tiến trình lịch sử của tăng trưởng toàn cầu và của bất bình đẳng giữa các nước.
[sau] [trước] [lên mức trên]