Bài viết này trước tiên làm rõ một số quan điểm về tiếp cận kiến thức của chúng tôi. Tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày việc triển khai cách nhìn đó trong việc đọc, dịch, phổ biển kiến thức thông qua hình thức văn bản. Cuối cùng, về các lựa chọn được thực hiện trong quá trình dịch cuốn sách Le Capital au XXIe siècle của Thomas Piketty.

A. Chúng tôi cho rằng chỉ thông tin mang ý nghĩa thực tiễn mới có cơ hội trở thành kiến thức. Đó là những hiểu biết làm biến đổi cách chúng ta quyết định, hành động và sản sinh ra giá trị. Ngược lại với đó là các trường hợp mà dân gian hay gọi: "mọt sách", "hàn lâm", "tháp ngà", "salon", hay "làm đẹp cho đời", "minh triết", hay "giăng sáng", v.v... Đối với chúng tôi, kiến thức phải gắn liền với làm việc đời thực.

Để minh họa cho điều tôi vừa nói đến ở trên, có lẽ không gì trong sáng hơn nếu mỗi chúng ta tự xem mình là một tác nhân kinh tế . Khi đó, câu hỏi tương đương với điều tôi vừa nói ở trên sẽ là: "kiến thức" của mỗi người đang mang lại bao nhiêu giá trị kinh tế cho họ? Và câu hỏi phụ: "kiến thức" đó có đang chung lưng đấu cật với các tác nhân kinh tế lèo lái ván cờ của mình không?

Cách nhìn trên thoạt trông có vẻ "kinh tế chủ nghĩa", nhưng thật ra lại rất đơn sơ: theo chúng tôi, như mọi điều phổ biến khác, giá trị kiến thức rất nên được xem xét thông qua giá trị kinh tế (định lượng) của chúng.

Nó giúp ta lí giải một cách nhẹ nhàng một số hiện tượng sau:

  1. PhD (hay "tiến sĩ"?) học ở nước ngoài về Việt Nam không được "trọng dụng". Tất nhiên rồi, mớ kiến thức đúc được kia nào có sản sinh ra giá trị kinh tế gì ở quê nhà và cho quê nhà? Thị trường dĩ nhiên không giao dịch với các thương lái đòi 1 nghìn cho một món hàng đáng giá 1 đồng.

  2. Cũng với lí do như vậy, có thể hiểu tại sao mức lương giảng viên đại học (dù có bằng ở nước ngoài hay không), hoặc các nhà nghiên cứu làm việc tại các cơ quan nhà nước lại thấp (một cách xứng đáng) như vậy.

  3. Rất đáng tranh luận: liệu Việt Nam có cần các viện cao cấp để nghiên cứu khoa học cơ bản xa vời?

B. Với tinh thần học tập và tiếp thu kiến thức có giá trị thực tế như trình bày ở trên, theo tôi, cách tự nhiên và tiết kiệm nhất, là bắt đầu học những gì thiết thực người khác đã biết mà mình chưa biết. Tôi nghĩ sẽ là không khôn ngoan lắm khi đi "phát minh lại bánh xe", hay tệ hơn là tinh vi không thèm phát minh lại bánh xe mà muốn chinh phục vũ trụ ngay tức thì.

Tôi nghĩ Việt Nam nên học tập bắt kịp các nước khác thông qua tài liệu sách vở đã được bạn bè xuất bản. Học như vậy là nhanh nhất và rẻ nhất.

Để khiến việc học này đạt hiệu quả cao nhất, tôi nghĩ cần để ý mấy yếu tố then chốt sau:

  1. Do bạn đọc đa số gần gũi với tiếng Việt hơn, tôi nghĩ tài liệu được dịch sang tiếng Việt sẽ phát huy hiệu quả tập thể cao hơn. Dĩ nhiên, sẽ quá hay nếu ai ai cũng thông thạo ngoại ngữ, có thể đọc nhanh và hiểu đúng tài liệu bằng tiếng nước ngoài, nhưng việc này trên thực tế là một sự lý tưởng hóa, có thể hiện thực hóa trên một bộ phận nhỏ, nhưng rất khó triển khai trên toàn thể những người muốn/cần học kiến thức trong thời gian ngắn-trung bình.

  2. Vì vậy, bản dịch tiếng Việt phải làm sao cho bạn đọc tiếp thu kiến thức đơn giản, gọn gàng nhất. Lý do như chúng tôi nói ở trên: bản dịch nên giúp đỡ bạn đọc tối đa trong việc tiếp nhận những thông tin mới, bởi sau đó, bạn đọc còn phải bận bịu trong việc đưa những kiến thức đó vào chuỗi sản xuất giá trị kinh tế nữa.

    Thời ta đang sống giờ đây đã quá xa thuở kiến thức được làm "thần thánh" hóa hay "độc quyền" hóa để chỉ một số người cao cả hơn những người khác có thể nắm giữ, khai thác và ban phát nó. Đã đến lúc khai tử cho thời đại của sư phụ, đệ tử và những bí kíp.

  3. Để thực hiện tiêu chí bản dịch trong sáng, dễ hiểu, đến được với nhiều người, cộng đồng hóa kiến thức, mặt trận đầu tiên mà tôi thấy đó là hệ thống từ vựng chỉ khái niệm.
    Từ lâu hệ thống từ hàn lâm Hán Việt đã là rào cản lớn cho rất nhiều người muốn nắm bắt sự thật. Hệ thống từ ngữ đó khiến các khái niệm dịch từ tiếng nước ngoài trở nên quá đỗi "cao sang", "hàn lâm", khó hiểu, ngoài tầm với, có vẻ chỉ dành cho một số người "học vấn cao" (mà tôi dám chắc với các bạn 95% những người này cũng không hiểu hết nghĩa các từ đó). Thế rồi, cùng với nhiều yếu tố khác, nó đã và đang dựng lên một bức tường cao để che chắn địa hạt, độc chiếm kiến thức, lòe bịp đám đông.

    Để minh họa, tôi sẽ trình bày kĩ hơn qua hai ví dụ sau.

    • Ví dụ 1: Ý tưởng của Marx, như được viết trong bộ Capital lừng danh. Đây là một bộ sách dày, các bản tiếng Anh và tiếng Pháp đọc rất khó hiểu, so với chuẩn mực văn bản khoa học hiện nay là cực kỳ thấp. Sách viết lẫn lộn giữa khoa học, văn học và cảm tính của tác giả. Các mô hình toán học và kinh tế học lỏng lẻo, rất khó nắm rõ logic suy luận. Khi dịch sang tiếng Việt (tôi không chắc các cụ ta có hiểu chính xác văn bản gốc hay không), một hệ thống từ vựng chỉ khái niệm xuất phát từ tiếng Trung (nghe rất Tàu) đã được sử dụng (ví dụ: tư bản, giá trị thặng dư, phương thức sản xuất, đấu tranh giai cấp, v.v). Văn bản của Marx đã khó đọc, mà lại dịch như vậy, thì đúng là không giúp gì bạn đọc cả. Hệ quả ra sao thì chúng ta đều biết: Việt Nam có một mối tình dài với chủ nghĩa Marx, ai cũng được trường lớp dạy về Marx, vậy mà thực sự ít ai hiểu được ý tưởng phía sau, chỉ biết ngày ngày ta vẫn được dẫn đi theo đường lối của ông này. Hình như chỉ có những người được đào tạo trong các trường hoặc các viện lý luận cao cấp là được xem như hiểu được lý thuyết của Marx.
    • Ví dụ 2: môn Toán học. Toán học là môn khoa học trừu tượng, nhưng không kém phần trực quan. Các vật thể toán học tưởng như mù mờ nhất thường xuất phát từ những cảm nhận rất đơn giản. Thế nhưng, một lần nữa, các từ vựng toán học không những không nâng đỡ mà lại vùi dập người học. Những "phép tịnh tiến", "tuyến tính", "khả vi", "đa tạp phức", "ánh xạ", v.v. có vẻ không thuộc tập hợp những từ/âm tiếng Việt có nghĩa. Những từ này chắc hẳn là do các cụ ta đề xuất cách đây đã lâu khi bắt đầu đọc sách toán của Tây.

    Đã đến lúc ta phải bỏ lại kiểu học già nua và hủ nho như thế.

  4. Như ta biết, tiếng Việt từ khi dùng chữ Quốc Ngữ đã đoạn tuyệt với cách ghi âm qua ký tự tiếng Trung. Điều này có thể là một tin mừng đối với những ai theo chủ nghĩa quốc gia. Nhưng trên hết, hệ quả của nó là các từ Hán Việt kể từ thời điểm đó đã đánh mất mối dây liên hệ cuối cùng với ký tự tiếng Trung tương ứng. Thế là, người Việt giờ đây, dù học hết phổ thông, nhìn chung vẫn "mù chữ...Hán". Các âm Hán đã trở nên xa lạ và khó hiểu đối với người Việt.

    Vì vậy, cách làm tự nhiên nhất là ta hãy tìm cách chuyển ngữ các khái niệm từ tiếng nước ngoài bằng cách dùng các từ thuần Việt nhiều nhất có thể, sao cho đọc lên là hiểu, câu văn thẳng thắn thông suốt, tiết kiệm thời gian và sức lực, đồng thời giúp bạn đọc hiểu đúng khái niệm ngay từ đầu.

    Việc này là một công việc nặng nhọc đòi hỏi có sự tham gia của nhiều người. Nó đòi hỏi một sự đoạn tuyệt nhất định với thói quen và quá khứ, và không ngần ngại đặt lại vấn đề kể cả những thứ từ lâu đã được thừa nhận rộng rãi.

C. Tại sao lại dịch sách Le Capital au XXIe siècle của Thomas Piketty sang tiếng Việt.

Cuốn sách này (tên thường gặp: Tư bản thế kỷ XXI) có rất nhiều điểm trùng hợp với chủ trương học tập, đọc, dịch từ văn bản tiếng nước ngoài của chúng tôi. Nói cách khác, sách là một ví dụ minh hoạ rất tốt cho những gì chúng tôi muốn truyền tải.

  1. Sách bàn về một chủ đề thực tế, đó là vấn đề thu nhập, tiết kiệm, tài sản. Sách có nhiều thông tin hữu ích, có thể giúp bạn đọc hiểu được cơ chế vận động của đồng vốn và từ đó lên kế hoạch tài chính cho bản thân. Ví dụ, bạn đọc sẽ biết rằng dự trữ vốn trung bình vào khoảng 5-6 năm thu nhập trung bình. Nghĩa là nếu một năm thu nhập 100 triệu thì sẽ có vốn khoảng 500-600 triệu. Bạn đọc cũng sẽ biết rằng những người có tài sản cao thường có một phần ba tài sản là bất động sản, hai phần ba là tài sản doanh nghiệp và tài chính khác. Hoặc, nước Mỹ giờ đây rất bất bình đẳng, và giấc mơ Mỹ có vẻ đã thuộc về quá khứ xa xôi, nghĩa là sống ở Mỹ rất dễ thuộc nhóm thu nhập không cao, và làm giàu rất khó.

    Đối với hiện trạng Việt Nam hiện nay: giờ đang là giai đoạn nhà nhà làm giàu, người người làm giàu. Khoảng cách xã hội tăng nhanh chóng mặt. Đối với những người ở trong cuộc đua tiền bạc cũng như những người ở ngoài, có thêm chút hiểu biết về sự vận hành của tiền, vốn theo tôi nghĩ là rất hữu ích.

  2. Sách xem xét và đặt lại khách quan nhiều vấn đề tưởng như đã được thừa nhận từ lâu. Chẳng hạn, sách điểm lại và chỉ ra cái hay cái dở trong lý thuyết của Marx, Ricardo, Kuznets, v.v. Dù không phải lúc nào cũng mang đến câu trả lời thoả đáng hơn, sách không ngần ngại chỉ ra cái sai, cái lỗi thời của những lý thuyết và niềm tin cũ kĩ.

    Đối với trường hợp Việt Nam: sách viết lại một cách dễ hiểu những ý tưởng chính của Marx, không thù hằn cũng không tung hô như thường thấy. Nước ta từ lâu theo chủ nghĩa này mà phần lớn không hiểu Marx đã nói gì (lỗi tại ai?), còn gì hay hơn nếu giờ được đọc khách quan?

  3. Dù là người trong giới, tác giả đã nói rất thật về hiện trạng "chém gió", "lảm nhảm" ("bullshit") trong khoa học thế giới đương thời nói chung, và nhất là trong khoa học xã hội (trong đó có kinh tế học). Đây là sự thật mà những người quan tâm gần như ai cũng biết, hoặc cũng cảm thấy. Nhưng phải bạo gan mới dám mạnh dạn phát biểu cho công chúng đông đảo biết được sự thật này như Piketty đã làm. Nhắc lại đại ý của ông: các nhà kinh tế học, nhất là ở Mĩ, thường xuyên bắt đầu bằng các mô hình toán học không liên quan gì tới thực tế, giải vài ba phép tính, và đưa ra kết luận. Các nhà kinh tế học này không biết gì về nền kinh tế thực tại, và các kết luận của họ không dùng được vào việc gì. Nghề nghiên cứu kinh tế học ở Mĩ đã trở thành "bullshit jobs" không hơn không kém. Nói rộng ra, điều này đúng với gần hết các ngành nghiên cứu khoa học xã hội khác, như lịch sử, xã hội học, tâm lý học, v.v. Trường hợp nước đang phát triển như Việt Nam, thông điệp đến một cách rất tự nhiên: có lẽ nên đóng cửa hẳn các viện nghiên cứu khoa học xã hội, để tiết kiệm tài nguyên quốc gia và giảm khối lượng chém gió của các vị cao tăng giáo sư, tiến sĩ.

  4. Phương pháp tiếp cận mới mẻ. Sách không dựa vào một mô hình lý thuyết chuyên biệt nào cả, mà phần lớn chỉ phân tích các số liệu lịch sử. Đây là cách tiếp cận rất thực nghiệm, hiếm thấy trong các ngành khoa học nặng về văn vẻ. Số liệu được tập hợp và phân tích với khối lượng lớn, đúng là trong thời đại "big data". Số liệu và các phép tính được công bố trên mạng, để ai cũng có thể tham khảo, kiểm tra, rất gần với "open source", "sharing economy" hay được nhắc tới trong thời gian gần đây.

    Chưa nói tới tính đúng sai của các kết luận thu được, một cách tiếp cận mới mẻ và đoạn tuyệt quá khứ như vậy rất đáng được mọi người bỏ thêm thời gian tìm hiểu tại sao.

  5. Như trình bày ở trên, để việc học tập qua bản dịch từ văn bản tiếng nước ngoài được đúng, nhanh, dễ, mặt trận đầu tiên là dịch lại hệ thống từ vựng chỉ khái niệm sao cho thuần Việt, dễ hiểu.

    Sách này của Piketty đề cập đến một loạt hệ thống từ vựng kinh tế, chính trị, xã hội học rất giàu có. Vì thế, nó là mảnh đất khá màu mỡ để ta thử đặt viên gạch đầu tiên cho công việc dịch lại hệ thống từ vựng.

    Hãy đừng ngần ngại đặt lại các vấn đề tưởng như đã hiển nhiên, thách thức quá khứ, đi tìm những gì hợp thời và đúng đắn hơn. Cụ thể, đừng ngần ngại viết lại những gì ngày xưa các cụ dịch tối nghĩa hoặc dịch sai, để giúp bạn đọc tiếng Việt học hỏi kiến thức đến từ phương Tây đúng và nhanh hơn.

  6. Dưới góc nhìn đó, chúng tối đã viết lại nhiều thuật ngữ kinh tế chính trị học và khoa học khác. Một số từ hay gặp là:

    • Tư bản: dịch lại là vốn.
    • Chủ nghĩa cộng sản: dịch lại là chủ nghĩa vốn chung.
    • Chủ nghĩa tư bản: chủ nghĩa vốn hoặc chủ nghĩa đồng vốn.
    • Giới tư sản: giới có tài sản riêng.
    • Giá trị thặng dự: giá trị thêm.
    • Tịnh tiến: dịch lại là (phép) trượt.
    • Người vô sản (protalériat): dịch lại là người làm công không vốn.
    • Cổ tức: lợi nhuận trên vốn góp.
    • Trái phiếu: giấy ghi nợ.
    • Cổ phiếu: phiếu góp vốn.
    • Lãi suất: tỉ lệ lãi.
    • Đại lượng: số độ lớn.
    • Thanh khoản: tính dễ giao dịch.
    • Tuyết tính: đường thẳng.


    Và nhiều từ khác nữa, các bạn có thể tham khảo tại đây.

Một số qui tắc chính tả và cụm từ được chúng tôi viết lại:

  • Các âm "i" hoặc "y" giữa từ hoặc cuối từ. Theo tôi được biết, hiện không có qui ước chính thức nào cho "y" dài hoặc "i" ngắn, vì thế trong chừng mực cho phép chúng tôi đồng loạt dùng "i" ngắn. Ví dụ: "quy luật" sẽ được viết là "qui luật".
  • Qui tắc viết số: các tháng trong năm, các thế kỉ được dùng số Arab thay cho chữ hoặc số Roma. Vì thế "tháng sáu" sẽ được viết là "tháng 6", "thế kỷ XXI" sẽ được viết là "thế kỉ 21".
  • Tên sách: Nguyên bản tiếng Pháp có giới từ "au". Nếu dịch đúng từng từ một theo cách truyền thống sẽ là "Tư bản trong thế kỷ XXI". Theo qui tắc dùng "i" ngắn vừa nêu trên, ta sẽ có "Tư bản trong thế kỉ XXI". Theo nguyên tắc viết số sẽ có "Tư bản trong thế kỉ 21". Từ "vốn" cùng nghĩa và dễ hiểu hơn, nên tên sách sẽ được dịch là "Vốn trong thế kỉ 21" hoặc đơn giản hơn "Vốn thế kỉ 21".

D. Cách làm việc

Dựa trên chuyên môn của mình, chúng tôi đã tiến hành dịch sách này theo cách làm việc nhóm tiêu chuẩn hiện thời (rất phổ biến trong các nhóm làm R&D tại các tập đoàn công nghệ và tài chính toàn cầu). Chúng tôi đã dùng các công cụ công nghệ thông tin mới nhất, cho phép:

  • Làm việc theo nhóm trên cùng một tập tin.
  • Quản lý các phiên bản của tập tin (version control).
  • Chia sẻ mã nguồn.
  • Biên dịch từ mã nguồn thành văn bản hoàn chỉnh thực hiện trên máy của từng thành viên tham gia nhóm dịch.

Chúng tôi nhận thấy, việc dịch thuật theo nhóm có rất nhiều điểm chung với phát triển code máy tính, vì vậy rất nên tận dụng các chuẩn mực và công cụ mới nhất của ngành này ứng dụng vào dịch thuật. Các điểm chung gồm có (chưa đầy đủ):

  • Mã nguồn (cũng là bản dịch nháp) thay đổi liên tục: thêm mới, sửa chữa văn bản hiện thời.
  • Nhiều người cùng tham gia viết và sửa cùng một văn bản, nhiều lần.
  • Có nhu cầu tìm lại các phiên bản cũ hơn để kiểm tra, đối chiếu, khôi phục.
  • Từ mã nguồn (đối với dịch thuật mã nguồn sẽ dùng theo chuẩn latex thông dụng nhất), mỗi thành viên sẽ biên dịch và làm việc trên máy của mình, hoàn thiện phần việc rồi chia sẻ với các thành viên khác.

Đối với dự án này, do qui mô khiêm tốn và dựa trên tinh thần mã nguồn mở, chúng tôi đã dùng nền tảng miễn phí của Bitbucket được xây dựng dựa trên công cụ quản lý phiên bản Git.

E. Công bố

Bản dịch cuốn "Vốn thế kỉ 21" được chúng tôi công bố lần lượt trên trang 22l5 dưới 2 định dạng:

  • Dạng Web/HTML: dành cho các bạn muốn đọc từng bài ngắn, đọc nhanh. Thân thiện với màn hình điện thoại thông minh.
  • Dạng Ebook hay PDF: sau mỗi chương chúng tôi sẽ đăng toàn bộ văn bản dưới dạng PDF. Dành cho các bạn thong thả đọc trên máy tính hoặc muốn in ra bản giấy để đọc.