[sau] [trước] [lên mức trên]

Cuối cùng ta để ý là các tài sản bền vững (đồ đạc, thiết bị gia đình, xe hơi, v.v) do các hộ gia đình mua sắm đã không được tính vào tiết kiệm cá nhân - vì vậy cũng không được tính vào tài sản cá nhân. Việc này là do ta đã tuân theo các chuẩn kế toán quốc tế, trong đó đồ dùng lâu dài của các hộ gia đình được xem như một khoản tiêu dùng tức thời (cùng một tài sản như vậy nếu được các doanh nghiệp mua sẽ được xem như một khoản đầu tư với mức xuống giá hàng năm rất cao). Nhưng điều này không ảnh hưởng lắm đến chủ đề nghiên cứu của ta, bởi lẽ các đồ dùng lâu dài luôn chiếm khối lượng khá nhỏ so với toàn bộ tài sản; hơn nữa giá trị của khối đồ dùng lâu dài không thay đổi mấy theo thời gian: tại tất cả các nước giàu, các ước lượng hiện có chỉ ra rằng tổng giá trị đồ dùng lâu dài của các hộ gia đình nói chung trong khoảng từ 30% đến 50% thu nhập quốc gia trong suốt giai đoạn 1970-2010, và không lên xuống theo xu hướng rõ ràng nào cả.

Nói cách khác, mỗi người sở hữu lượng đồ đạc, tủ lạnh, xe hơi v.v tương đương trung bình từ một phần ba đến một nửa năm thu nhập, tức là từ 10000 euro đến 15000 euro với mức thu nhập quốc gia theo đầu người khoảng 30000 euro vào đầu những năm 2010. Khoản tiền này không hề nhỏ, và như ta thấy trong phần thứ ba của sách, nó tương đương với phần lớn của cải của một bộ phận dân cư lớn. Nhưng so với toàn bộ tài sản cá nhân (không tính đồ dùng lâu dài) đạt mức năm-sáu năm thu nhập quốc gia (tức là khoảng 150000 euro-200000 euro mỗi người; trong đó một nửa là bất động sản, nửa kia là tài sản tài chính nét - tiền gửi ngân hàng, phiếu góp vốn, giấy ghi nợ, đầu tư các loại v.v, trừ đi nợ - và các tài sản nghề nghiệp), nó chỉ tương đương với một phần bổ sung nhỏ. Cụ thể, nếu ta tính các đồ dùng lâu dài vào tài sản cá nhân, thì nó đơn giản chỉ nâng các đường biểu diễn trong biểu đồ G5.3 lên khoảng 30%-50% thu nhập quốc gia, mà không ảnh hưởng nhiều đến tiến trình chung20.

Nhân tiện ta cũng lưu ý là ngoài bất động sản và tài sản nghề nghiệp, tài sản phi tài chính duy nhất được tính đến trong các chuẩn mực quốc tế về kế toán quốc gia (trong sách này ta đã tuân theo các chuẩn mực đó nhằm bảo đảm sự thống nhất trong các so sánh về tài sản cá nhân và tài sản quốc gia giữa các nước khác nhau) là các “đồ dùng có giá trị”, nghĩa là các đồ vật và kim loại quí (vàng, bạc, đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, v.v), do các hộ gia đình sở hữu thuần túy để lưu giữ giá trị kinh tế (hay giá trị thẩm mĩ), và trên nguyên tắc chúng không xuống cấp - hoặc xuống cấp rất ít - theo thời gian. Tuy nhiên các đồ dùng có giá trị này được ước lượng là có giá trị thấp hơn hẳn các đồ dùng lâu dài (hiện nay trong khoảng từ 5% đến 10% thu nhập quốc gia tùy từng nước, tức là từ 1500 euro đến 3000 euro một người với mức thu nhập quốc gia trung bình 30000), và ảnh hưởng của chúng lên tổng tài sản cá nhân là tương đối phụ, ngay cả khi giá vàng trên thị trường gần đây đã tăng lên21.

Rất thú vị là, theo các ước lượng hiện có, các số độ lớn nói trên có vẻ không thay đổi nhiều trong giai đoạn dài. Các đồ dùng lâu dài hiện nay được ước lượng vào khoảng 30%-50% thu nhập quốc gia, tại thế kỉ 19 cũng như tại thế kỉ 20. Kết quả cũng tương tự như vậy khi ta nghiên cứu các ước lượng về tài sản quốc gia tại Liên hiệp Anh quanh năm 1700 do Gregory King thực hiện: tổng giá trị đồ đạc, đĩa ăn, v.v theo King tính toán tương đương với khoảng 30% thu nhập quốc gia. Hơn nữa, các đồ dùng có giá trị và đồ vật quí có vẻ có xu hướng giảm xuống trong giai đoạn dài. Theo Gregory King, tổng giá trị của chúng - bao gồm cả tiền kim loại - đạt 25%-30% thu nhập quốc gia quanh năm 1700. Chúng đạt từ 10%-15% thu nhập quốc gia vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, và xuống còn 5%-10% hiện nay. Trong mọi trường hợp đó là các khoản tiền tương đối hạn chế so với tổng tài sản được tích lũy trong Vương quốc22 (khoảng bảy năm thu nhập quốc gia, chủ yếu dưới dạng đất nông nghiệp, nhà ở và các loại vốn khác - cửa hàng, xưởng sản xuất, kho bãi, gia súc, tàu thuyền, v.v). Khám phá này không khỏi làm King tròn mắt reo mừng23.

20: Nếu tỉ lệ tăng trưởng là g = 2%, thì phải có khoản chi tiêu nét cho đồ dùng lâu dài với tỉ lệ s = 1% thu nhập quốc gia một năm để tích lũy được khối dự trữ đồ dùng lâu dài tương đương với β = s∕g = 50% thu nhập quốc gia. Tuy nhiên do rất hay phải thay mới các đồ dùng lâu dài, nên chi tiêu thô sẽ lớn hơn chi tiêu nét rõ rệt. Ví dụ, nếu phải thay mới trung bình năm năm một lần, thì cần có khoản chi tiêu thô cho đồ dùng lâu dài ở mức 10% thu nhập quốc gia một năm chỉ để thay mới các tài sản đã cũ, và 11% một năm để có khoản chi tiêu nét ở mức 1% và sinh ra khối dự trữ đồ dùng lâu dài cân bằng ở mức 50% thu nhập quốc gia (vẫn giữ mức tăng trưởng g = 2%). Xem phụ lục kĩ thuật.
21: Tổng giá trị của dự trữ vàng toàn cầu về dài hạn đã giảm đi (2%-3% tổng tài sản cá nhân tại thế kỉ 19, dưới 0,5% cuối thế kỉ 20), nhưng có xu hướng tăng lên trong các cuộc khủng hoảng (vàng có giá trị lánh nạn), và hiện nay đạt mức 1,5% tổng tài sản cá nhân, trong đó khoảng một phần năm thuộc sở hữu của các ngân hàng trung ương. Đó là những biến động ngoạn mục, tuy nhiên vẫn là thứ yếu so với toàn bộ dự trữ vốn. Xem phụ lục kĩ thuật.
22: người dịch. Ý nói Vương quốc Anh.
23: Mặc dù không khác mấy nhưng để thống nhất chúng tôi đã dùng cùng qui ước cho các dãy số lịch sử được trình bày trong chương 3-4 và cho các dãy số vừa được trình bày cho giai đoạn 1970-2010: đồ dùng lâu dài được loại ra khỏi tài sản, trong khi đồ dùng có giá trị được tính vào mục “các loại vốn trong nước khác”.

[sau] [trước] [lên mức trên]