[sau] [trước] [lên mức trên]

Thế giới đó đã sụp đổ hẳn trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Để trang trải cho cuộc chiến tàn khốc chưa từng thấy, để chi trả lính chiến và vũ khí ngày càng đắt đỏ tinh vi, các chính phủ vay nợ đầm đìa. Ngay từ tháng 8 năm 1914, các nước tham chiến chính đã bãi bỏ hệ thống qui đổi tiền sang vàng. Sau cuộc chiến, tất cả các nước đều phải ít nhiều trông cậy vào việc in thêm tiền để thanh toán khối nợ công cộng khổng lồ. Những nỗ lực quay lại hệ thống bảo đảm bằng vàng trong những năm 1920 đã không qua khỏi cuộc khủng hoảng những năm 1930 - Liên hiệp Anh bỏ bảo đảm bằng vàng năm 1931, Mĩ năm 1933, Pháp năm 1936. Hệ thống cố định giá đồng tiền theo dollar-vàng43 thời sau chiến tranh tồn tại lâu hơn chút: được triển khai vào năm 1946, rồi chấm dứt năm 1971 với việc Mĩ bãi bỏ sự cố định giá đồng dollar theo giá vàng.


PIC
Biểu đồ G2.6: Sự phồng giá cả kể từ Cách mạng công nghiệp

Từ năm 1913 đến năm 1950, sự phồng giá cả vượt quá 13% một năm tại Pháp (tương đương với việc giá cả nhân lên một trăm lần), và đạt 17% một năm tại Đức (tương đương với việc giá cả nhân lên hơn ba trăm lần). Tại Liên hiệp Anh và Mĩ, hai nước bị ảnh hưởng chiến tranh nhẹ hơn, và mất ổn định chính trị ít hơn, tỉ lệ phồng giá cả thấp hơn rõ rệt: gần 3% một năm từ năm 1913 đến năm 1950. Nhưng dù vậy nó cũng tương đương với việc giá cả nhân lên gấp ba, trong khi giá cả không hề thay đổi trong suốt hai thế kỉ trước.

Tại tất cả các nước khác, những biến cố giai đoạn 1914-1945 đã làm rối loạn một cách sâu sắc những điểm mốc tiền tệ hiện hữu thời trước chiến tranh, cùng với nó là việc quá trình phồng giá cả chưa bao giờ thật sự dừng lại kể từ thời điểm đó.

Ta thấy rõ điều này trong biểu đồ G2.6. Biểu đồ này trình bày tiến trình của sự phồng giá cả trên từng giai đoạn cho bốn nước, từ năm 1700 đến năm 2012. Ta thấy tỉ lệ phồng giá cả trung bình ở mức từ 2% đến 6% một năm từ năm 1950 đến năm 1970, rồi tăng lên rất nhanh trong những năm 1970, tới mức 10% tại Liên hiệp Anh và 8% tại Pháp từ năm 1970 đến năm 1990, bất chấp những trào lưu kiểm soát sự phồng giá cả diễn ra gần như khắp nơi kể từ đầu những năm 1980. Nếu so sánh với những thập kỉ trước, giai đoạn 1990-2012 khiến ta đôi lúc nghĩ rằng nó được đặc trưng bởi một chiều hướng quay lại mức phồng giá cả bằng 0 thời trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (tỉ lệ phồng giá cả giai đoạn này ở mức xung quanh 2% một năm tại bốn nước nói trên: dưới 2% một chút tại Đức và Pháp, hơn 2% một chút tại Liên hiệp Anh và Mĩ).

Tuy nhiên ta không nên quên rằng tỉ lệ phồng giá cả 2% một năm là rất khác biệt so với tỉ lệ phồng giá cả 0%. Nếu ta thêm vào đó tỉ lệ tăng trưởng thực ở mức 1%-2% một năm, nó sẽ dẫn đến việc tất cả các khoản tiền - sản lượng, thu nhập, lương - có xu hướng tiến lên 3%-4% một năm, để rồi sau mười hoặc hai mươi năm những món tiền đó sẽ trở nên khác biệt hẳn. Hẳn bạn đọc còn nhớ mức lương thời cuối những năm 1980 hay đầu những năm 1990. Hơn nữa, rất có khả năng là tỉ lệ phồng giá cả 2% một năm này sẽ tăng lên chút ít trong những năm tới nếu ta tính đến những biến động trong chính sách tiền tệ kể từ năm 2007-2008, đặc biệt là tại Liên hiệp Anh và Mĩ. Đây là một sự khác biệt đáng kể nữa so với chế độ tiền tệ cách đây một thế kỉ. Điều thú vị nữa là Đức và Pháp, hai nước đã cầu viện nhiều nhất đến sự phồng giá cả tại thế kỉ 20, nhất là từ năm 1913 đến năm 1950, hiện nay có vẻ như lại cẩn trọng nhất. Rồi các nước này còn thành lập một khu vực đồng tiền chung - khu vực đồng euro - gần như được xây dựng hoàn toàn trên nguyên tắc đấu tranh chống sự phồng giá cả.

Trong phần tiếp theo ta sẽ trở lại bàn về vai trò của phồng giá cả trong sự vận động của phân bố của cải, và đặc biệt về sự tích lũy và phân bố tài sản trong những giai đoạn khác nhau.

Ngay lúc này, ta hãy nhấn mạnh rằng việc các điểm mốc tiền tệ biến mất trong thế kỉ 20 là một sự đứt đoạn đáng kể với các thế kỉ trước, không chỉ về mặt kinh tế và chính trị, mà còn về mặt xã hội, văn hóa và văn học. Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà tiền bạc, hay chính xác hơn là sự miêu tả cụ thể những khoản tiền, đã gần như biến mất trong các tác phẩm văn học sau những biến cố giai đoạn 1914-1945. Thu nhập và gia sản xuất hiện khắp nơi trong văn học trước năm 1914, rồi thưa dần từ năm 1914 đến năm 1945, và kể từ đó chưa bao giờ xuất hiện lại hoàn toàn. Điều này đúng không chỉ cho các tiểu thuyết Châu Âu và Mĩ, mà còn cho các châu lục khác nữa. Các tiểu thuyết của Naguib Mahfouz, hay ít ra là các tiểu thuyết lấy bối cảnh Cairo thời giữa hai cuộc chiến tranh - thời mà giá cả còn chưa bị sự phồng giá bóp méo - đã tốn rất nhiều giấy mực miêu tả về thu nhập và tiền bạc để minh họa cho tình cảnh và nỗi lo lắng của các nhân vật. Chúng ta vẫn chưa đi quá xa khỏi thế giới kiểu Balzac và Austen: hiển nhiên là những cấu trúc xã hội đã không còn như cũ nữa, nhưng vẫn có thể in khắc những cảm nhận, những nỗi mong mỏi và những thứ bậc xã hội trên các cột mốc tiền tệ. Các câu chuyện của Orhan Pamuk - với bối cảnh Istanbul trong những năm 1970-1980, thời điểm mà sự phồng giá cả từ lâu đã rút hết giá trị của đồng tiền - không hề nhắc đến một khoản tiền nào. Trong tiểu thuyết Tuyết, Pamuk đã cho nhân vật chính của mình, cũng là nhà văn như ông, phát biểu đại ý rằng nhất định không gì chán nản hơn đối với một nhà văn khi phải nói về tiền bạc, giá cả và thu nhập trong năm trước đó. Thế giới này quả quyết đã thay đổi rất nhiều kể từ thế kỉ 19.

43: người dịch. Ở đây nói đến việc Mĩ cố định giá đồng dollar theo giá vàng (không bắt buộc phải bảo đảm một cách vật lí đồng dollar bằng kim loại vàng - đã bãi bỏ năm 1933), trong khi các nước khác cố định giá đồng tiền của mình theo giá đồng dollar.

[sau] [trước] [lên mức trên]