[sau] [trước] [lên mức trên]

Giờ ta hãy đề cập đến câu hỏi cho tương lai: sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người ngoạn mục ta vừa chứng kiến trong lịch sử có phải sẽ chậm đi trong thế kỉ 21 mà không cách gì cứu vãn được? Có phải ta đang đi tới hồi kết của sự tăng trưởng, do những lí do công nghệ, sinh thái, hay cả hai cùng lúc?

Trước khi tìm cách trả lời câu hỏi trên, ta nên nhắc lại ngay rằng sự tăng trưởng trong quá khứ, dù có ngoạn mục đến mấy, gần như luôn luôn xảy ra với một nhịp độ hàng năm khá chậm - nói chung không hơn 1%-1,5% một năm. Những ví dụ duy nhất trong lịch sử về sự tăng trưởng mạnh hơn hẳn mức thông thường kể trên - ví dụ 3% hay 4% một năm, đôi khi cao hơn - đều là những nước trong tình trạng rượt đuổi các nước khác. Quá trình này theo định nghĩa sẽ hoàn thành khi sự rượt đuổi kết thúc, vì vậy nó chỉ là tạm thời và có thời gian hạn chế. Và quá trình rượt đuổi như vậy mặc nhiên không thể áp dụng được cho cả thế giới.

Trên phạm vi toàn bộ thế giới, tỉ lệ tăng trưởng sản phẩm theo đầu người trung bình là 0,8% một năm từ năm 1700 đến năm 2012, trong đó 0,1% từ năm 1700 đến năm 1820, 0,9% từ năm 1820 đến năm 1913 và 1,6% từ năm 1913 đến năm 2012. Như được biểu diễn trong bảng T.2.1, ta thấy tỉ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu cũng ở mức 0,8% một năm từ năm 1700 đến năm 2012 .

Ta liệt kê trong bảng T.2.5 tỉ lệ tăng trưởng kinh tế riêng rẽ cho từng thế kỉ và từng châu lục. Tại Châu Âu, tỉ lệ tăng trưởng sản phẩm theo đầu người là 1,0% từ năm 1820 đến năm 1913, rồi 1,9% từ năm 1913 đến năm 2012. Tại Châu Mĩ, nó đạt 1,5% từ năm 1820 đến năm 1913, rồi lại 1,5% từ năm1913 đến năm 2012.


PIC

Bảng T.2.5: Sự tăng tưởng sản phẩm theo đầu người kể từ Cách mạng công nghiệp

Chi tiết các con số này không quan trọng: điểm quan trọng là ta chưa từng thấy trường hợp nào trong lịch sử mà một nước ở giới hạn trên của công nghệ toàn cầu có thể duy trì sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người tại mức cao hơn 1,5%. Nếu ta xem xét những thập niên gần đây nhất, ta thấy tại những nước giàu nhịp độ tăng trưởng còn thấp hơn nữa: từ năm 1990 đến năm 2012, sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người đạt 1,6% tại Đông Âu, 1,4% tại Bắc Mĩ và 0,7% tại Nhật28. Nhắc lại thực tế này là rất quan trọng, bởi nếu không ta có thể vẫn tiếp tục bị tiêm nhiễm ý tưởng theo đó đã nói đến tăng trưởng thì ít nhất phải là 3% hoặc 4% một năm. Thế nhưng ta vừa thấy rằng đây là một sự ảo tưởng xét theo cả góc độ lịch sử lẫn logic.

Sau khi đã nắm vững những hiểu biết cở sở nói trên, ta có thể dự đoán gì về tỉ lệ tăng trưởng trong tương lai? Đối với một số nhà kinh tế học, chẳng hạn Robert Gordon, nhịp độ tăng trưởng sản phẩm theo đầu người đang chậm đi tại những nước phát triển nhất, bắt đầu bằng nước Mĩ, và có thể sẽ ở mức dưới 0,5% một năm tầm nhìn 2050-210029. Phân tích của Goron dựa trên việc so sánh những trào lưu phát kiến đổi mới tiếp nối nhau kể từ phát minh máy hơi nước và năng lượng điện, và dựa trên nhận định rằng trào lưu gần đây nhất - đặc biệt là công nghệ thông tin - có tiềm năng kích thích tăng trưởng thấp hơn hẳn những trào lưu trong quá khứ: chúng gây đảo lộn về cách thức sản xuất một cách ít triệt để hơn và cải thiện năng suất tổng thể của nền kinh tế một cách ít mạnh mẽ hơn.

Cũng như tôi đã nói khi ta bàn về sự tăng trưởng dân số, việc của tôi ở đây không phải là dự báo tăng trưởng thế kỉ 21, mà đúng hơn là từ những kịch bản khả dĩ, rút ra những hệ quả đối với sự vận động của phân bố của cải. Nhịp độ phát kiến đổi mới trong tương lai cũng khó dự đoán như tỉ lệ sinh nở vậy. Tuy vậy, trên cơ sở những kinh nghiệm lịch sử từ các thế kỉ trước, tôi thấy có vẻ có ít khả năng sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người trong giai đoạn dài tại các nước tiến bộ nhất có thể vượt mức 1,5% một năm. Nhưng tôi không thể nói được nó sẽ là 0,5%, 1% hay 1,5%. Kịch bản giữa trình bày phía trên nêu lên giả thuyết là sự tăng trưởng sản phẩm theo đầu người trong giai đoạn dài sẽ đạt 1,2% tại những nước giàu. Con số này là khá lạc quan so với những dự báo của Gordon (theo tôi hơi quá tăm tối). Đặc biệt nó chỉ có thể trở thành hiện thực nếu những nguồn năng lượng mới cho phép thay thế dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Nhưng dù gì nó cũng chỉ là một trong những kịch bản khả dĩ mà thôi.

28: Tăng trưởng gần như bằng 0 trong những năm từ 2007 đến 2012 do cuộc suy thoái 2008-2009. Xem bảng bổ sung S2.2 trên mạng về những số liệu chi tiết cho trường hợp Đông Âu, Bắc Mĩ (không khác mấy so với những số liệu được trình bày tại đây cho toàn bộ Châu Âu và Châu Mĩ) và cho từng nước riêng lẻ.
29: Xem R.Gordon, “Is US economic growth over? Faltering innovation confronts the six headwinds” (người dịch. tạm dịch: “Tăng trưởng kinh tế Mĩ đã hết? Phát kiến đổi mới loạng choạng đối đầu với sáu luồng gió ngược”), NBER Working paper, 2012.

[sau] [trước] [lên mức trên]