[sau] [trước] [lên mức trên]

Cuối cùng ta hãy xem xét các ngành dịch vụ mà sự phân hóa chắc chắn là hết sức đa dạng. Tình hình nhìn chung khá rõ ràng: năng suất trong khu vực kinh tế này đã tăng chậm hơn các khu vực khác, vì vậy sức mua tính bằng lượng dịch vụ tương đương cũng tăng lên không rõ rệt bằng. Ví dụ tiêu biểu cho loại dịch vụ “thuần chất” trong nhiều thế kỉ không có một phát kiến kĩ thuật đáng nói nào có lẽ là dịch vụ cắt tóc: một lần cắt luôn cần cùng một lượng thời gian làm việc như thời đầu thế kỉ, do vậy giá cắt tóc đã tăng lên theo cùng một hệ số với mức lương thợ cắt tóc, rồi mức lương này cũng tăng theo cùng nhịp độ với mức lương trung bình và thu nhập trung bình (nói xấp xỉ). Nói cách khác, nếu làm việc một giờ, mức lương trung bình đầu thế kỉ 21 có thể trả được xấp xỉ cùng số lần cắt tóc so với mức lương trung bình đầu thế kỉ 20: thật vậy những số liệu thực tế cho thấy sức mua tính theo số lần cắt tóc tương đương đã không tăng lên, thâm chí hơi giảm chút xíu22.

Trên thực tế, sự phân hóa là quá đa dạng đến mức ngay cả khái niệm khu vực kinh tế dịch vụ cũng không có ý nghĩa mấy. Người ta bắt đầu chia ra ba khu vực hoạt động kinh tế (khu vực thứ nhất, thứ hai, thứ ba) vào giữa thế kỉ 20, trong những xã hội mà mỗi khu vực này chiếm phần bằng nhau (hoặc ít ra tương đồng nhau) trong tổng thể nền kinh tế và sức lao động (xem bảng T.2.4). Nhưng một khi khu vực dịch vụ chiếm khoảng 70%-80% nhân công như tại tất cả các nước phát triển hiện nay, thì sự phân loại thống kê trên không còn thích đáng nữa: nó cung cấp rất ít thông tin về bản chất của các loại nghề nghiệp và dịch vụ được làm ra trong một xã hội nhất định.


PIC
Bảng T.2.4: Lao động theo khu vực kinh tế tại Pháp và tại Mĩ giai đoạn 1800-2012

Sự phát triển của khu vực dịch vụ đã đóng góp phần lớn vào sự cải thiện điều kiện sống kể từ thế kỉ 19. Nhưng để không lạc lối trong mớ khổng lồ tổng hợp các hoạt động kinh tế này, ta nên tách biệt chúng ra thành nhiều khối. Đầu tiên ta có thể xem xét dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Riêng khối này đã chiếm hơn 20% tổng lao động tại những nước tiến bộ nhất (tức là bằng tất cả các khu vực công nghiệp công lại). Có vẻ như tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng nhờ vào những tiến bộ y tế và sự phát triển không ngừng của giáo dục đào tạo trên phổ thông. Lao động thương mại, khách sạn, cà phê và nhà hàng, văn hóa và giải trí, cũng đang tăng lên rất nhanh, thường chiếm hơn 20% tổng lao động (thậm chí hơn 25% tại một số nước). Dịch vụ cho doanh nghiệp (dịch vụ cố vấn, kế toán, thiết kế, công nghệ thông tin, v.v) cùng với dịch vụ bất động sản, tài chính (văn phòng nhà đất, ngân hàng, bảo hiểm, v.v) và giao thông vận tải cũng chiếm cỡ 20% tổng lao động. Nếu ta thêm vào đó dịch vụ công cộng và an ninh (hành chính nói chung, luật pháp, công an, lực lượng quân đội, v.v), chiếm khoảng 10% tổng lao động tại phần lớn các nước, ta có xấp xỉ 70%-80% tổng lao động công bố trong những thống kê chính thức23.

Ta hãy nói rõ là phần lớn những dịch vụ trên, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nói chung được chi trả bằng thuế và được cung cấp miễn phí cho dân chúng. Thủ tục chi trả cũng như phần được chi trả bằng thuế có thể thay đổi theo từng nước. Ví dụ phần được trả bằng thuế tại Châu Âu cao hơn tại Mĩ và Nhật. Phần này nói chung rất lớn tại tất cả các nước phát triển: nó chiếm ít nhất là một nửa (thậm chí hơn ba phần tư tại nhiều nước Châu Âu) trong tổng chi tiêu cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Điều này có khả năng khiến các phép đo lường và so sánh sự tăng trưởng mức sống trong giai đoạn dài giữa các quốc gia trở nên khó khăn và thiếu chắc chắn hơn. Vấn đề về thuế và đo lường nói trên không phải chỉ nói cho vui: ngoài việc là hai khu vực chiếm hơn 20% SPTTN và tổng lao động tại những nước tiến bộ nhất (chắc chắn còn tăng lên nữa trong tương lai), dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục có lẽ cũng thể hiện những cải thiện thực tế và đáng chú ý nhất về điều kiện sống trong những thế kỉ vừa qua. Nó đã giúp thay thế những xã hội mà kì vọng tuổi thọ chỉ gần bốn mươi tuổi và gần như tất cả mọi người đều mù chữ bằng những xã hội mà người ta thông thường sống hơn tám mươi tuổi và ai cũng được tiếp cận văn hóa tối thiểu.

Trong những sổ sách quốc gia, giá trị của dịch vụ công cộng miễn phí luôn được ước lượng dựa trên chi phí sản xuất do các cơ quan hành chính công cộng chi trả, tức là cuối cùng bằng tiền thuế của dân. Một phần những chi phí này bao gồm khối tiền lương trả cho nhân việc chăm sóc sức khỏe và giáo viên làm việc tại các bệnh viện, trường học và trường đại học công cộng. Phương pháp này có nhược điểm riêng, nhưng nó nhất quán trong logic, và dù gì nó cũng hợp lí hơn rõ rệt phương pháp loại bỏ hẳn dịch vụ công cộng miễn phí và chỉ tập trung vào sản phẩm thương mại khi tính SPTTN. Một sự loại bỏ như vậy là vô lí về mặt kinh tế, bởi lẽ nó dẫn đến việc ta sẽ ước lượng thấp hơn thực tế (một cách nhân tạo) mức sản lượng trong nước và thu nhập quốc gia của những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục công cộng so với những nước có hệ thống tư nhân, kể cả khi những dịch vụ đó là hoàn toàn như nhau tại hai nước nói trên.

Phương pháp dùng trong những sổ sách quốc gia ít nhất chữa được sai lệch này. Nhưng nó vẫn không hoàn hảo: ví dụ nó không dựa trên bất cứ phép đo khách quan nào về chất lượng dịch vụ (ta biết là chất lượng dịch vụ được nâng lên từng ngày). Chẳng hạn, nếu một hệ thống bảo hiểm sức khỏe tư nhân có chi phí cao hơn một hệ thống công cộng, nhưng chất lượng chăm sóc sức khỏe không thật sự tốt hơn (ta có thể liên tưởng đến trường hợp Mĩ và Châu Âu), thì SPTTN sẽ được định giá cao hơn thực tế (một cách nhân tạo) tại những nước dựa nhiều hơn vào hệ thống cá nhân. Ta cũng nên lưu ý là những sổ sách quốc gia theo qui ước không bao gồm những khoản thu nhập trên vốn công cộng chẳng hạn như tòa nhà và thiết bị của các bệnh viện công cộng, trường học hay trường đại học24. Hệ quả là một nước tư nhân hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục sẽ thấy SPTTN tăng lên một cách nhân tạo, kể cả khi những dịch vụ và tiền lương trả cho nhân viên được giữ nguyên25. Ngoài ra, nhiều người cho rằng phương pháp định giá theo chi phí này dẫn đến việc đánh giá thấp “giá trị” cơ bản của giáo dục và chăm sóc sức khỏe26, vì vậy cũng ước lượng thấp sự tăng trưởng thực trong những giai đoạn mà dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe được phát triển rộng khắp27.

Không nghi ngờ gì nữa sự tăng trưởng kinh tế đã giúp cải thiện đáng kể điều kiện sống trong giai đoạn dài. Theo những ước lượng tốt nhất hiện có, thu nhập trung bình trên phạm vi toàn cầu đã tăng lên hơn mười lần từ năm 1700 đến năm 2012 (từ 70 euro lên 760 euro một tháng), và hơn hai mươi lần tại những nước giàu nhất (từ 100 euro lên 2500 một tháng). Mặt khác, do những khó khăn trong việc đo lường những chuyển biến sâu sắc mà ta vừa đề cập, cùng với những hạn chế trong việc tóm gọn chúng bằng một chỉ số duy nhất, ta hãy coi những con số trên như là những ước lượng độ lớn đơn thuần mà thôi.

22: Xem sách dẫn tại chú thích trước, trang 86-87.
23: Bạn đọc xem T.Piketty, “Sự tạo ra việc làm tại Pháp và tại Mĩ. Làm dịch vụ quanh khu hay làm thuê vặt?”, Les Notes de la Fondation Saint-Simon, 1997: tài liệu này trình bày những phân tích lịch sử về thành phần của các tầng dịch vụ trên. Xem thêm “Lao động trong các ngành dịch vụ tại Pháp và tại Mĩ: phân tích cấu trúc trong giai đoạn dài”, Économie et statistique, 1998. Ta nên lưu ý là trong những thống kê chính thức, công nghiệp dược phẩm được tính vào khu vực công nghiệp chứ không phải dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tương tự như vậy công nghiệp ô tô và máy bay được tính vào công nghiệp chứ không phải dịch vụ giao thông vận tải, v.v. Tập hợp các hoạt động kinh tế theo mục đích của chúng (chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, nhà ở, v.v) và bỏ qua hoàn toàn sự phân chia nông nghiệp/công nghiệp/dịch vụ có lẽ là thích đáng hơn.
24: Chỉ có phần xuống giá của vốn (thay thế các tòa nhà và thiết bị đã cũ) được tính vào chi phí sản xuất. Nhưng thu nhập nét đi phần xuống giá của vốn công cộng theo qui ước luôn được cố định ở mức 0.
25: Xem phụ lục kĩ thuật.
26: người dịch. Theo ý kiến cá nhân, “giá trị” cơ bản ở đây muốn nói đến các giá trị phi vật thể mà giáo dục và y tế mang lại.
27: Hervé Le Bras và Emmanuel Todd cũng nói về việc này khi bàn về “Ba mươi năm huy hoàng văn hóa” trong những năm 1980-2010 tại Pháp - đặc trưng bởi sự phát triển giáo dục rất rộng - so với “Ba mươi năm huy hoàng kinh tế” trong những năm 1950-1980. Xem Bí ẩn nước Pháp, Seuil, 2013.

[sau] [trước] [lên mức trên]