[sau] [trước] [lên mức trên]

Những khái niệm chính về sản phẩm và thu nhập, về vốn và tài sản, về tỉ số vốn/thu nhập và về tỉ lệ lãi trên tài sản giờ đã được hiểu rõ, đã đến lúc ta bắt đầu xem xét một cách chính xác hơn về việc làm thế nào để đo lường những khái niệm trừu tượng này, và về những gì các phép đo này cho ta biết về tiến trình lịch sử của phân bố của cải tại những xã hội khác nhau. Ta sẽ tóm tắt ngắn gọn những bước chính của lịch sử kế toán quốc gia, rồi ta sẽ trình bày những đường nét lớn của sự chuyển biến trong phân bố sản lượng và thu nhập toàn cầu, cũng như tiến trình của tỉ lệ tăng trưởng dân số và kinh tế kể từ thế kỉ 18 - tiến trình đóng vai trò chủ yếu cho những phân tích tiếp theo.

Như đã nhắc đến trong phần vào đề, những nỗ lực đầu tiên về đo lường thu nhập quốc gia và vốn quốc gia bắt đầu từ cuối thế kỉ 17 và đầu thế kỉ 18. Khoảng năm 1700, nhiều ước lượng riêng lẻ độc lập nhau đã được thực hiện tại Liên hiệp Anh và Pháp. Đáng nói nhất là những công trình của Wiliam Petty (1664) và Gregory King (1696) cho nước Anh, de Boisguillebert (1695) và de Vauban (1707) cho nước Pháp. Những ước lượng này đề cập đến cả dự trữ vốn quốc gia lẫn dòng thu nhập quốc gia hàng năm. Đặc biệt, một trong những mục tiêu của những công trình đó là tính tổng giá trị đất đai, nguồn của cải quan trọng nhất trong những xã hội ruộng đất thời đó (vượt xa các nguồn của cải khác), rồi liên hệ nguồn tài sản ruộng đất này với mức sản lượng nông nghiệp và tiền thuê đất.

Điểm thú vị là những tác giả này thường theo đuổi một mục đích chính trị cụ thể, nói chung dưới dạng một dự án hiện đại hóa chính sách thuế. Bằng việc tính tổng thu nhập và tài sản của Vương quốc, họ muốn chỉ ra cho vua nước họ rằng có thể thu được những khoản đáng kể với những tỉ lệ thuế khá chừng mực, miễn là ta gộp toàn bộ khối tài sản và của cải làm ra, và áp dụng loại thuế này cho tất cả mọi người (trong đó có giới chủ ruộng đất) bất kể là quí tộc hay không. Mục đích này hiển hiện trong Dự án thuế hoàng gia được Vauban xuất bản, nhưng cũng rõ mồn một như thế trong những văn bản của Boisguillebert và de Gregory King (mục đích chính trị ít rõ rệt hơn trong các tác phẩm của William Petty).

Những nỗ lực tiếp theo cho các phép đo thuộc loại này được thực hiện cuối thế kỉ 18, đặc biệt xung quanh giai đoạn Cách mạng Pháp, đáng chú ý là những ước lượng về Của cải toàn lãnh thổ của Vương quốc Pháp - được Lavoisier xuất bản năm 1791 - với nội dung số liệu của năm 1789. Sau đó, đúng là một hệ thống thuế mới đã được triển khai, dựa trên sự bãi bỏ dần dần các quyền lợi ưu tiên cho giới quí tộc và dựa trên một loại thuế đánh trên toàn bộ các tài sản ruộng đất. Các công trình kể trên không những đã tạo tiền đề cho hệ thống thuế này mà còn được dùng rất rộng rãi để ước lượng các khoản lợi đến từ những loại thuế mới.

Nhưng, những ước lượng về tài sản quốc gia được thực hiện nhiều nhất vào thế kỉ 19. Từ những năm 1870 đến 1900, Robert Giffen đều đặn cập nhật những phép tính của mình về dự trữ vốn quốc gia của Liên hiệp Anh. Ông đã so sánh chúng với những ước lượng được thực hiện bởi những tác giả khác trong những năm 1800-1810, đặc biệt là với Colquhoun. Giffen tròn mắt bởi mức cao đáng kể của vốn công nghiệp Anh và của khối tài sản nước ngoài từ thời chiến tranh Napoléon, lớn hơn đứt tất cả những khoản nợ quốc gia mà các cuộc chiến này để lại26. Những ước lượng về “gia tài quốc gia” và “gia tài cá nhân” được Alfred de Foville, rồi Clément Colson xuất bản tại Pháp cùng thời đó cũng thể hiện cùng một nỗi kinh ngạc đối với tích lũy vốn cá nhân rất cao tại thế kỉ 19. Sự hưng thịnh của tài sản cá nhân trong những năm 1870-1914 là một thực tế hiển nhiên ai cũng biết. Thế nhưng đối với các nhà kinh tế học thời đó, vấn đề còn là đo đạc, đánh giá sự hưng thịnh này, và tất nhiên còn để so bì các nước với nhau nữa (sự ganh đua Pháp-Anh luôn ẩn hiện đâu đó). Ngoài ra, cho đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, những ước lượng về dự trữ tài sản dành được nhiều chú ý hơn so với những ước lượng về dòng thu nhập và sản lượng. Trên thực tế, tại Liên hiệp Anh và Pháp, cũng như tại Đức, Mĩ và những cường quốc công nghiệp khác, những công trình nghiên cứu về dự trữ tài sản cũng nhiều hơn rõ rệt. Thời đó, là nhà kinh tế học trước nhất là phải có khả năng ước lượng vốn quốc gia của nước mình: đó gần như là một nghi lễ nhập môn.

Tuy nhiên phải đợi tới giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới ta mới thấy những sổ sách quốc gia được xác lập hàng năm. Trước đó, các ước tính luôn dùng số liệu của những năm riêng lẻ, thường cách đó khoảng chục năm, ví dụ như những phép tính của Giffen về vốn quốc gia của Liên hiệp Anh tại thế kỉ 19. Trong những năm 1930-1940, nhờ vào sự cải thiện của những nguồn số liệu thống kê sơ bộ, ta thấy dần xuất hiện những dãy số liệu hàng năm về thu nhập quốc gia, chúng thường bắt đầu từ đầu thế kỉ 20 hoặc từ những thập niên cuối thế kỉ 19. Những dãy số này được Kuznets và Kendrick xác lập cho Mĩ, Bowley và Clark cho Liên hiệp Anh và Dugé de Bernonville cho Pháp. Rồi ngay chiều hôm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các cơ quan hành chính quản lí kinh tế và số liệu thống kê đã tiếp tục công việc của những nhà nghiên cứu trước đó; và bắt đầu bỏ công thu thập và công bố những dãy số liệu chính thức hàng năm về sản phẩm thô trong nước và thu nhập quốc gia. Những dãy số liệu chính thức này được duy trì cho đến ngày nay.

So với thời trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, những mối bận tâm đã thay đổi 180 độ. Kể từ những năm 1940-1950, người ta trước hết muốn ứng phó với các chấn thương do cuộc khủng hoảng những năm 1930 gây ra (giai đoạn đó các chính phủ không có những ước lượng đáng tin cậy về sản lượng hàng năm). Vì vậy cần phải triển khai những công cụ thống kê và chính trị cho phép dẫn dắt hoạt động kinh tế một cách sát sao nhất và tránh cho thảm kịch 1930 tái diễn: người ta tập trung công sức vào việc thiết lập các dãy số liệu hàng năm, thậm chí hàng quí, về dòng sản lượng và thu nhập. Những ước lượng về dự trữ tài sản quốc gia, rất được ưa chuộng cho tới năm 1914, đã bị đẩy xuống hàng thứ hai; thêm vào đó sự hỗn độn kinh tế và chính trị trong những năm 1914-1945 đã làm mờ nhạt ý nghĩa của chúng đi nhiều. Giá bất động sản và tài sản tài chính nói riêng đã rơi xuống mức cực kì thấp, đến mức mà vốn cá nhân có vẻ như đã biến mất hẳn. Đến những năm 1950-1970 - trong giai đoạn xây dựng lại sau chiến tranh - người ta lại chủ yếu chuyển sang đo lường sự tăng trưởng đẹp đẽ của sản lượng công nghiệp.

Kể từ năm 1990-2000, những bản ghi chép tài sản chiếm lại ngôi đầu. Ai cũng cảm thấy rằng ta không thể phân tích chủ nghĩa đồng vốn coi trọng tài sản thời đầu thế kỉ 21 với những công cụ của những năm 1950-1970. Những viện thống kê tại các nước phát triển, hợp tác với ngân hàng trung ương, bắt đầu xác lập và công bố những dãy số liệu nhất quán hàng năm về dự trữ tài sản và nợ của từng người, chứ không chỉ dừng lại ở dòng thu nhập và sản lượng. Những bản ghi chép tài sản này vẫn rất không hoàn thiện (ví dụ vốn tự nhiên và những thiệt hại môi trường được tính rất ẩu), nhưng đó là một tiến bộ thật sự so với những bản ghi chép thời sau Chiến tranh thế giới, thời mà người ta chỉ lo đo lường sản lượng và sự tăng tiến không giới hạn của nó27. Đó là những dãy số liệu chính thức mà ta sẽ dùng trong sách này để phân tích về tài sản trung bình theo đầu người và về tỉ số vốn/thu nhập hiện hành tại các nước giàu.

Từ lịch sử ngắn ngủi trên của kế toán quốc gia, lộ ra một kết luận rõ nét. Những sổ sách quốc gia là một sản phẩm được xã hội xây dựng, tiến triển không ngừng, và luôn phản chiếu những mối bận tâm của một thời đại nhất định28. Ta không nên quá tôn thờ những số liệu lấy từ các tài liệu này. Khi ta nói rằng thu nhập quốc gia của một nước là 31000 euro mỗi người, hiển nhiên là một con số như vậy, cũng như tất cả những số liệu thống kê kinh tế và xã hội, phải được xem như một phép ước lượng, một sản phẩm được xây dựng, chứ không phải một khẳng định toán học. Đó đơn giản chỉ là ước lượng tốt nhất mà ta có. Những sổ sách quốc gia là một nỗ lực duy nhất có tính hệ thống và nhất quán nhằm phân tích hoạt động kinh tế của một nước. Chúng phải được xem như một công cụ phân tích, hạn chế và không hoàn hảo, một cách để tập hợp và sắp xếp những số liệu tạp nham. Tại tất cả những nước phát triển, những sổ sách quốc gia hiện nay được các cơ quan hành chính quản lí kinh tế và thống kê và ngân hàng trung ương thiết lập, bằng cách thu thập và đối chiếu toàn thể những bảng tổng kết và ghi chép chi tiết của những doanh nghiệp tài chính và phi tài chính, cũng như từ rất nhiều nguồn dữ liệu và điều tra thống kê khác. Ta không có lí do mặc định nào để nghĩ rằng những viên chức phụ trách việc này không làm hết khả năng của mình để lần ra những điều không nhất quán giữa những nguồn số liệu khác nhau và để tính ra những ước lượng tốt nhất có thể. Với điều kiện ta sử dụng chúng với sự thận trọng và tinh thần phê phán, và bổ sung khi chúng bị sai hoặc thiếu (ví dụ về các thiên đường thuế), những sổ sách quốc gia là một công cụ không thể thiếu được để ước lượng khối lượng thu nhập và tài sản toàn cầu.

Đặc biệt, ta sẽ thấy trong phần thứ hai của sách rằng, bằng việc thu thập và so sánh một cách chi li những ước lượng về tài sản quốc gia do nhiều tác giả thực hiện từ thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 20, và bằng việc liên hệ chúng với những bản ghi chép tài sản chính thức cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21, ta có thể thu được một phân tích nhất quán về tiến trình lịch sử của tỉ số vốn/thu nhập. Ngoài việc thiếu tầm nhìn lịch sử, hạn chế lớn khác của những sổ sách quốc gia chính thức là nó nghiễm nhiên chỉ quan tâm đến duy nhất độ lớn tổng và độ lớn trung bình mà thôi, chứ không hề để ý tới sự phân bố và bất bình đẳng. Ta phải huy động những nguồn số liệu khác để hiểu về phân bố thu nhập và phân bố tài sản, qua đó nghiên cứu về bất bình đẳng (chủ đề của phần thứ ba). Được bổ sung theo hướng lịch sử, hướng tài sản và hướng bất bình đẳng như vậy, những sổ sách quốc gia sẽ là một yếu tố then chốt cho những phân tích trong sách này.

26: Xem R.Giffen, The Growth of Capital (người dịch. Tạm dịch: Sự tăng trưởng của vốn.). Xem phụ lục kĩ thuật cho các chỉ dẫn tài liệu tham khảo chi tiết hơn.
27: Lợi thế của khái niệm tài sản quốc gia và thu nhập quốc gia là chúng cho ta một cái nhìn cân đối hơn về sự giàu lên của một nước so với khái niệm sản phẩm thô trong nước - khái niệm theo nghĩa nào đó quá “sản xuất chủ nghĩa”. Ví dụ, trong trường hợp tài sản bị phá hủy mạnh do thảm họa tự nhiên, việc ta bao gồm sự xuống giá của vốn có thể dẫn đến sự giảm sút của thu nhập quốc gia, trong khi đó SPTTN sẽ được bơm lên bởi sự xây dựng lại sau thảm họa.
28: Xem A.Vanoli, Lịch sử kế toán quốc gia, La Découverte, 2002, để biết thêm về lịch sử của những hệ thống các sổ sách quốc gia chính thức kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Công trình này được viết bởi một trong những người gây dựng nên hệ thống mới được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1993 (hệ thống này được gọi là “SNA 1993”, là hệ thống đầu tiên đề xuất những định nghĩa thống nhất cho các bản ghi chép tài sản). Xem thêm những lời chứng rất sáng tỏ của R.Stone, “The Accounts of Society” (người dịch. Tạm dịch: “Bản ghi chép tài chính toàn xã hội”) Nobel Memorial Lecture, 1984, được xuất bản trong báo Journal of Applied Econometrics, 1986; Stone là một trong những người tiên phong về sổ sách quốc gia tại Anh và Liên hiệp quốc thời sau Chiến tranh thế giới; và F.Fourquet, Những bản ghi chép tài sản - kiểm kê sức mạnh. Lịch sử kế toán quốc gia và kế hoạch kinh tế, Recherches, 1980 (tập hợp những lời chứng của những tác giả của sổ sách quốc gia tại Pháp thời Ba mười năm huy hoàng).

[sau] [trước] [lên mức trên]